Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

THIỀN và CHIÊM NIỆM



Ngày nay có người cho rằng với đà khoa học phát triển một cách chóng mặt và đời sống con người được nâng cao…thì con người có thể lãng quên những giá trị tâm linh, hay nói đúng hơn là con người không cần đến tôn giáo nữa. Nhưng họ đã lầm lớn, vì có nhiều chuyên gia cho rằng đời sống con người càng được nâng cao thì con người càng quan tâm đến nhu cầu tâm linh, khao khát sự thinh lặng, bình an nội tâm, sống sao cho có ý nghĩa, và hướng về những giá trị thiêng liêng. Bởi đó, bên Phật giáo dùng phương tiện “Thiền định” để đạt tới thực tại tối hậu, bên Công giáo tuy rằng không có những kỹ thuật tương đương, nhưng họ đã dùng đến “Chiêm niệm” để tạo nên mối tương quan thân tình giữa con người với Thiên Chúa, trong tương quan này, con người được Thiên Chúa nhận là con và họ gọi Thiên Chúa là Cha để rồi được Cha yêu thương nâng đỡ. Vậy trong hai phương tiện đó có gì tương đồng và dị biệt nhau. Chúng ta cùng tìm hiểu.
Thiền?
Chúng ta có thể nói được rằng định nghĩa về Thiền Phật giáo rất khó, vì Thiền Phật giáo có rất nhiều tông phái và quan niệm khác nhau nhưng ở đây chỉ định nghĩa Thiền Phật giáo nguyên thuỷ mà thôi. Bởi đó, chữ Thiền theo quan niệm Phật giáo là để tâm vắng lặng không cho khởi các vọng tưởng tư lự, do tiếng Phạn là Dhyâna, phiên âm sang tiếng việt là Thiền hay Thiền Na và bình thường người ta gọi Thiền là Thiền Định, Thiền quán. Thiền Định là chữ ghép tắt của hai từ Thiền Na (Dhyâna) và Định Tâm (Samadhi), có nghĩa: tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không cho tán loạn, để cho tâm thể được vắng lặng, tâm dụng được sáng tỏ, mạnh mẽ, để quan sát và suy nghiệm chân lý[1]. Hay: Theo Nguyễn Đăng Thục:
Thiền chẳng phải là một triết học hệ thống hay là một tôn giáo, nghi thức mà là một khoa học thực nghiệm về tâm lý, sinh lý hay đúng hơn là một kỹ thuật tu luyện sinh lý, tâm lý có tính cách pháp thuật của nhân loại cổ sơ mà Ấn Độ cổ truyền đã sớm quy định vào các khoa học Yoga ngụ ý tìm nối nhân thân với tuyệt đối[2]. Theo W.Rahula: “Thiền là một phương pháp tu luyện thể xác nhằm giúp con người có một cuộc sống vui tươi và đạt đến mục đích tối hậu. Thiền còn nhằm thải bỏ khỏi tinh thần dơ bẩn, khỏi những gì làm dục nó như  những ham muốn nhục cảm, căm ghét, ác tâm, lười biếng, phiền muộn, bồn chồn, nghi ngờ, nhằm vun trồng những phẩm chất như tập trung chú tâm, trí tuệ, ý chí, nghị lực, sự tin cậy, niềm tin, yên tĩnh… Thiền hướng dẫn trí năng cao nhất là hiểu thấu sự vật như đang có và đạt tới trí năng cuối cùng là Nirvana” [3].
Như vậy, Thiền Phật giáo chỉ với mục đích là đưa con người lắng đọng tâm tư, tâm dụng được sáng tỏ, mạnh mẽ, để suy niệm và quan sát chân lý. Thiền chỉ giúp con người đi sâu vào nội tâm và trở về với chính mình. Hay nói cách khác Thiền là nhằm đào luyện tâm, làm chủ tâm để ngăn ác, hướng thiện mà thôi. Và như thế, Thiền Phật giáo là bất chấp mọi danh xưng, không có đối tượng để gặp gỡ.
Chiêm niệm?
Theo Linh mục Hồng Phúc thì:
Chiêm niệm là dùng nội tâm để nghĩ tượng về Thiên Chúa và các điều thuộc về Ngài, với tình yêu thương sốt mến. Hai điều kiện để chiêm niệm là bình an và giữ trong sạch linh hồn. Hai phương thế để chiêm niệm là chiêm niệm với hoạt động nghĩa là có sự cố gắng của trí khôn với ơn Chúa giúp, để đơn giản hoá tối đa việc suy tư và yêu mến. Chiêm niệm thụ động là do một ơn đặc biệt hơn là bởi sự cố gắng, linh hồn kết hợp với Chúa một cách sâu xa mật thiết”[4].
Theo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo định nghĩa rằng: “Sự cầu nguyện là một trong những nguồn mạch của việc chiêm niệm và của đời sống thiêng liêng trong Giáo hội”[5].
Hay:
“Chiêm niệm là cái nhìn của đức tin hướng vào Chúa Giêsu. Sự ta chăm chú nhìn Ngài sẽ làm ta quên mình đi, từ bỏ mình đi. Cái nhìn của Ngài sẽ thánh tẩy trái tim ta. Ánh sáng của cái nhìn của Chúa Giêsu sẽ soi sáng con mắt linh hồn ta và giúp ta nhìn dưới ánh sáng của chân lý và của lòng Ngài xót thương chúng ta. Sự chiêm niệm cũng hướng nhìn vào các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu và cho ta có sự nhận thức nội tâm về Chúa Giêsu để yêu mến Ngài và theo Ngài hơn nữa[6].
Như vậy, Chiêm niệm Công giáo cũng cố gắng đi vào nội tâm, nhưng có một đối tượng rõ ràng, đó là hướng về Chúa để yêu mến Ngài và học gương Ngài, hầu có thể nhận ra chân lý và nhận biết những thiếu sót của mình.
Thiền và Chiêm niệm các điểm tương đồng – dị biệt.
Điểm tương đồng
Nếu chúng ta so sánh toàn bộ giáo lý Phật giáo và Công giáo, hầu như dị đồng hoàn toàn trên căn bản và do đó không thể gặp nhau được ở bất cứ những điểm thiết yếu nào. Do đó, chúng ta cũng không nên có ảo vọng khi chúng ta so sánh Thiền Phật giáo và Chiêm niệm Công giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng hy vọng ít ra sẽ tìm thấy trong cuộc so sánh cuối cùng này một điểm đồng quy nào đó. Thật vậy, trong cuộc so sánh này chúng ta đứng trước hai quan niệm nhưng có thể có cùng một tên mà còn có một nội dung, xét về phương diện nào đó, có thể tuy không như nhất nhưng rất gần nhau: đó là dùng tâm để nhìn lại chính mình, suy niệm, trầm tư…
Theo Linh mục Thiện Cẩm:
Thiền định hay trầm tư suy niệm đều giống nhau, ít nhất ở trong giai đoạn nào đó, ở chỗ nó đều là những cố gắng đi vào nội tâm, tìm về với cái bản ngã sâu thẳm của mình, tìm về nội tâm sâu xa nhất của tâm hồn[7].
Như vậy, Thiền định và Chiêm niệm điều cố gắng đi vào nội tâm. Tâm được coi như là kho tàng chứa đựng cả cái tốt lẫn cái xấu. Chính khi họ quay về với cái tâm của họ là con người không còn cảm thấy nhỏ nhen, ích kỷ, lúc đó, con người được giải thoát. Còn Kitô giáo, quay về với cái tâm để sống kết hợp với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa là biến mọi tư tưởng, mọi hành vi không còn là của mình nữa mà của Đức Kitô, như Thánh Phaolô đã từng nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Lúc đó, chỉ còn Đức Kitô hiện hữu, một Đức Kitô đang nội tâm hoá trong ta, và ta gặp Ngài, ta trở về với chính mình, về với tâm, nơi mà Thiên Chúa đang hiện diện trong ta. Thánh Augustinô cảm nghiệm: “Lạy Chúa, con đã không tìm thấy Chúa ở ngoài con; tại con vụng về tìm Chúa bên ngoài con, kỳ thực Chúa ở trong con”.
Điểm dị biệt
Theo quan niệm của W.Rahula:
Trong Phật giáo nguyên thuỷ không hề có một ý tưởng nào về Thượng Đế hay Thần linh nào cả, họ không giáo điều, không giáo chủ, theo nghĩa giống như đức tin của Kitô giáo. Tất cả những hình thức có vẻ như tôn giáo: như cúng tế, cầu kinh, niệm Phật, ăn chay…của Phật giáo hiện nay, đúng như Narada Thera minh định, chỉ là cái gì đó xuất phát từ tinh thần thoái hoá của Phật giáo nguyên thuỷ[8].
Bởi đó, Thiền phật giáo theo như định nghĩa trên thì chỉ quay về với cái tâm của mình thôi; nghĩa là tự lực cánh sinh, không cần cầu xin ai cả, không cần có đối tượng. Họ không chấp nhận có quyền uy tối cao nào có thể ngự trị trong cuộc sống con người, chỉ có con người quyết định số phận của mình. Do đó, chính Đức Phật cũng không giải thoát cho ai cả mà chỉ dạy cho người ta con đường tự giải thoát mình.
Phật Thích Ca không tự nhận mình là một vị Thần thánh, Ngài không thể cứu ai được, mà muốn giác ngộ thì người Phật tử cần cố gắng tự mình tu luyện để tự cứu lấy mình. Vì không ai ban ơn giáng phúc hay cứu mình được. Ngay việc giải thoát Đức Phật cũng bất lực, Ngài chỉ làm tỉnh thức như chính mình Ngài được tỉnh thức, Ngài diễn đạt sự giải cứu nhưng chính Ngài không phải là Đấng cứu giải [9].
Theo nhận định của Linh mục Thiện Cẩm thì Thiền Phật giáo không có trung tâm điểm; còn Chiêm niệm của Công giáo có trung tâm điểm là Đức Kitô[10]. Nhận định trên cho ta nhận thấy rằng Thiền Phật giáo và Chiêm niệm công giáo đều tìm về chiều sâu của hiện hữu, nhưng một đàng Thiền Phật giáo không có điểm phát xuất và cũng không có điểm tới; Trái lại, Chiêm niệm Công giáo khởi điểm từ Đức Kitô và trở về với chính Đức Kitô và gặp lại Người ở nơi biểu hiện duy nhất bất khả phân của tình yêu Người đối với Chúa Cha và đối với nhân loại; đó là Thập giá mà hai chiều ngang và dọc tượng trưng hai chiều của tình yêu duy nhất. Sở dĩ cần dùng tới hình ảnh thập giá là có ý chứng tỏ rằng Thập giá, với tính cách là biểu hiện tình yêu viên mãn thập toàn, không những là mẫu mực mà còn là cứu cách của đời sống chiêm niệm.
Ứng dụng
Quả thật, qua những gì trình bày trên dù chưa đầy đủ nhưng cũng cho chúng ta thấy rằng Thiền Phật giáo và Chiêm niệm Công giáo tuy khác nhau về bản chất, khác nhau trong cách thế thực hiện và khác nhau về cứu cánh, nhưng cả hai đều cố gắng đi vào nội tâm, bởi đó mà rất cần thiết và bổ túc cho nhau.
Nếu chúng ta dùng những kỹ thuật Thiền của Phật giáo trong khi cầu nguyện, ta có thể dễ dàng kết hiệp mật thiết với Chúa. Vì trong cuộc sống mấy khi chúng ta ý thức được thực tại mầu nhiệm và tràn đầy của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta chiêm niệm. Bởi vì, chúng ta sống vọng niệm, vọng tưởng và hình thức. Chúng ta còn chạy theo những phù vân của thế gian như vui buồn, khen chê…Và hầu như những vọng niệm của chúng ta thường theo kiểu thế gian là muốn được cái này, cái kia. Và lắm lúc chúng ta cầu nguyện với trạng thái mà Đức Kitô đã chỉ trích bọn Pharisiêu, trí khôn tán loạn, tâm hồn xao xuyến, mơ mộng hay chạy theo nhiều đối tượng khác nhau là rất dễ gặp. Có điều với phương pháp Thiền của Phật giáo thì cách nào đó chỉ giúp chúng ta có được cái tâm trống rỗng, yên tĩnh, không xao nhãng lo âu, không vọng niệm. Và điều này chẳng có ích gì nếu chúng ta chỉ dừng lại và quan sát cái tâm của mình trong trạng thái như thế, mà không biết để tâm lòng hướng lên Thiên Chúa để chiêm ngắm dung nhan Cha mình, để thân thưa, trò chuyện với Cha mình trong tâm tình Cha con về những gì là ưu tư trong nỗi lòng của mình cũng như nhu cầu của tha nhân.
Chúng ta không chỉ có một cách duy nhất để kết hợp với Thiên Chúa xuyên qua nội tâm lòng mình mà còn biết khám phá tình yêu ấy qua vũ trụ vạn vật, qua tha nhân, qua những gì Thiên Chúa đã mặc khải cho con người. Trong cuộc sống trôi nổi đã và đang đồng hành với họ, tức là qua những gì vui buồn, sướng khổ trong cuộc đời. Để chúng ta chứng nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, nên dùng phương pháp thiền chỉ và thiền quán. Nhưng chúng ta cũng nên ý thức rằng Thiền chỉ và Thiền quán chưa đủ cần sự trợ giúp của tha lực, tức là ơn thánh. Vì biết rằng thân phận kiếp người yếu đuối mỏng dòn, điều này Thánh Phaolô đã cảm nghiệm: “Tôi rất vui mừng và tự hào về sự yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi”(2Cr 12,10). 
Mặt khác, chúng ta còn có thể thực hành Thiền quán là ta tin tưởng, ý thức Thiên Chúa đang đồng hành với mình, đang ở trước mặt mình, đầy tình yêu thương của một người Cha đã từng sẵn sàng chết để cứu độ mình, ánh mắt Ngài trìu mến mình, cử chỉ Ngài âu yếm mình…Chúng ta cũng ý thức rằng khi hành thiền như vậy Thiên Chúa đang hiện diện trong từng giây phút của cuộc sống cũng như khi cử hành giờ kinh phụng vụ, hoặc phụng vụ các bí tích, nhất là trong các cử chỉ cuộc sống hằng ngày. Bởi đó, chính khi chúng ta áp dụng kỹ thuật thiền trong đời sống chiêm niệm sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta khi chiêm ngưỡng và kết hiệp mật thiết với Chúa.

Nguyễn Ngọc Báu


[1]Nguyễn Chính Kết, Linh Hạnh Phật Giáo đối chiếu Kitô Giáo, NXB. TPHCM, 1997, tr. 92.
[2] Nguyễn Đăng Thục, Thiền Học Việt Nam. NXB Thuận Hoá, 1997, tr. 13.
[3] Walpola Rahula, Lời Phật Dạy, chuyển ngữ, Lê Diên, NXB Mũi Cà Mâu, 1994, Trang 138
[4] Lm. Hồng Phúc CSsr, Điển ngữ đức tin công giáo, tr. 106
[5] Giáo lý giáo hội công giáo, số 1687
[6] Giáo lý giáo hội công giáo, số 2715; xin xem thêm: 94; 771; 1028; 1162; 1385; 2651; 2654;
[7] Thiện cẩm, Kitô giáo với các tôn giáo khác, Đa Minh Thiển Bản, Sàigòn, 1970, tr.141
[8] W.Rahula, Sđd, tr. 27-29
[9] Francois Varillon. Người Kitô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn. Tr 221.
[10] Thiển Cẩm, Kitô giáo với các tôn giáo khác, tr. 141

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP