“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”(Ga15,13)
Trong một buổi triều yết chung, với hàng ngàn khách hành hương tại sân trước nhà nghỉ mát của ngài ở Castel Gandolfo, trước khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15/09/2002, Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nói: “Đối với con người, bị dày vò bởi sự nghi ngờ và tội lỗi, Thánh giá tỏ lộ rằng: Thiên Chúa qúa yêu thế gian đến nỗi ban Con một của Ngài, để mọi người tin vào Ngài sẽ không bị hủy diệt nhưng được sống đời đời.” Tắt một lời, “Thánh giá là biểu tượng cao nhất của tình yêu.”
Như chúng ta đã biết qua lịch sử Châu Âu, ngày xưa trong Đế Quốc Rôma, hình phạt “khổ giá” là một hình phạt rất ghê rợn và nhục nhã, chỉ dành riêng cho những tên nô lệ phạm trọng tội. Vậy mà Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, lại đã tự nguyện chọn cái chết khủng khiếp trên Thập Tự Giá như một kẻ nô lệ, để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi. Quả thế, kể từ ngày Đức Kitô chịu chết trên thập giá để đền tội cho thế nhân, thập giá hay thập ác đã thành Thánh Giá vì mang một ý nghĩa mới, cao đẹp và phong phú hơn, đó chính là bằng chứng đầy tính thuyết phục của một tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta là những kẻ tội lỗi: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã cho chính Con Một của Ngài đến trần gian để cứu chuộc chúng ta. Ngài đã chấp nhận cái chết đau đớn trên Thập Giá, như một kẻ nô lệ, để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của ma qủy, thế gian và xác thịt, để trở thành những người con cái tự do của Thiên Chúa. Đó là ơn huệ Chúa thương ban, chứ không do công nghiệp riêng của chúng ta” (X. Ephêsô 2, 4-10). Hành động lạ lùng này của Thiên Chúa, còn được gọi là “Tình Yêu Thập tự giá” chỉ có thể hiểu được khi nhớ tới lời khẳng định của Thánh Gioan Tông Đồ: “Thiên Chúa là Tình Yêu.” (1 Ga 4: 8). Một tình yêu bao la, cao cả, vượt trên mọi sự hiểu biết của con người – Tình Yêu Thánh Giá, một cách “Chết vì Yêu” độc đáo nhất.
Ngày nay, chắc chắn có nhiều người vô thần, nhiều người ngoài Kitô Giáo không thể nào hiểu được tình yêu đó. Họ không thể hiểu được làm sao chúng ta lại tôn thờ một người bị chết nhục nhã như vậy! Thánh giá luôn là một “sự điên rồ” không thể chấp nhận được đối với những người không có lòng tin nơi Thiên Chúa, không biết rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu!”. Thật vậy, qua bài huấn từ kể trên đây, Đức Gioan-Phaolô II đã quả quyết Thánh Giá là biểu tượng chính yếu của Kitô giáo. Bất cứ nơi nào Tin mừng được gieo trồng, thì Thánh giá luôn ở đó, để nói lên sự hiện diện của người Kitô. Phải hiểu được vị trí đặc biệt của Thánh Giá trong lòng người Kitô hữu, người ta mới hiểu được nỗi bức xúc của giáo dân, những phản ứng mạnh mẽ của họ khi thấy Thánh Giá bị xúc phạm nặng nề và cố tình ở Đồng Chiêm.
Ngài còn nói: “Trong thế giới cận đại bị ghi dấu bởi sự trần tục, thì điều cần thiết hơn nữa là tín hữu phải chú ý đến dấu hiệu trung tâm nầy của Mạc khải và đón nhận ý nghĩa đích thực của nó.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “trong việc công bố Thánh giá Chúa Kitô, Giáo hội trình bày cho thế giới, ý nghĩa cuối cùng và trọn vẹn của từng cuộc sống cũng như của toàn thể lịch sử nhân loại.”
Nhân dịp mùa Chay thánh năm nay, vừa là Năm Linh mục cho cả Giáo Hội, vừa là Năm Thánh đặc biệt cho Giáo hội Việt Nam, chúng ta nên suy ngắm về Tình Yêu Chúa dành cho nhân loại nói chung, cho Giáo Hội nói riêng, qua biểu tượng Thánh Giá mà chúng ta bắt gặp khắp nơi cũng như qua chính dấu Thánh giá mà chúng ta ghi trên mình một cách trang nghiêm, cung kính mỗi khi cầu nguyện.
Qua những nhận định trên đây, mỗi khi chúng ta thấy như muốn nản lòng, thất vọng vì tội lỗi của mình, chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá với tất cả lòng tin yêu và khiêm tốn đọc thầm câu Tin Mừng theo thánh Gioan:
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”(Ga15,13)
Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn đức của ngài bằng việc trao phó cho Đức trinh nữ “giới trẻ và gia đình, các quốc gia và toàn thể nhân loại “đặc biệt” các bệnh nhân và những người đang đau khổ, các nạn nhân vô tội của bất công và bạo động” và “các người Kitô đang bị đàn áp vì đức tin của họ.” Xin cho Thánh giá vinh quang của Chúa Kitô mãi mãi là bảo chứng cho niềm hi vọng, sự giải thoát sẽ đem lại sự bình an chân chính cho tất cả mọi người, đó là sự Bình an Phục sinh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét