Phạm Minh Tâm
DÀN
BÀI TỔNG QUÁT
Dẫn
Nhập
I.
Thiên Chúa Ban Ân Sủng Thánh Thần Cho Nhân Loại
1. Ân Sủng Thánh Thần Trong Khởi
Nguyên
2. Ân Sủng Thánh Thần Trong Khởi
Nguyên Mới
II.
Ân Sủng Thánh Thần Tương Quan Với Mầu Nhiệm Đức Kitô
1. Ân Sủng Thánh Thần Với Mầu Nhiệm
Nhập Thể
2. Ân Sủng Thánh Thần Với Cuộc Khổ
Nạn Của Đức Kitô
3. Ân Sủng Thánh Thần Với Sự Phục
Sinh Của Đức Kitô
III.
Ân Sủng Thánh Thần Nơi Giáo Hội
1. Ân Sủng Thánh Thần Cứu Chuộc Con Người
2. Ân Sủng Thánh Thần Công Chính
Hóa Con Người
Kết
Luận
****
Dẫn
Nhập
Trải qua lịch cứu độ của Israel, lịch
sử của Giáo hội và ngay cả lịch sử của loài người; chúng ta đều thấy sự hiện diện
của Thiên Chúa. Sự hiện diện này không phải là một sự hiện diện đơn thuần có mặt
nhưng là một sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng. Sự hiện diện này là
sự hiện diện của một Thiên Chúa đầy lòng thương xót, luôn quan phòng đến công
trình tạo dựng của Ngài; đặc biệt là quan phòng đến con người vì được tạo dựng
theo hình ảnh Thiên Chúa. Chính sự hiện diện này lại cho chúng ta thấy ân sủng
của Thiên Chúa được ban cho con người một cách dồi dào và phong phú để trong mọi
lúc, mọi nơi con người luôn có thể sống theo Thánh ý Thiên Chúa.
Đặc biệt, ngay từ khởi đầu công
trình tạo dựng, Thiên Chúa đã ban ân sủng Thánh Thần để công trình của Người hiện
hữu và sống động. Và có thể nói ân sủng Thánh Thần luôn hiện diện trong suốt
chiều dài lịch sử của nhân loại. Hay nói một cách khác là Thiên Chúa luôn ban
ân sủng Thánh Thần cho con người để nhờ đó con người có được sự sống đời đời[1].
Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước và cả nơi đức tin của Giáo hội cũng đều cho
chúng ta biết rằng ân sủng Thánh Thần luôn hiện diện nơi nhân loại.
Ân sủng Thánh Thần cũng luôn hiện
diện trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Nếu chỉ xét giai đoạn Nhập thể, Khổ
nạn và Phục sinh của Đức Kitô là giai đoạn tột đỉnh và dứt khoát của công trình
cứu độ thì cũng cho thấy sự hiện diện của ân sủng Thánh Thần. Sự hiện diện của
ân sủng Thánh Thần này không những thúc đẩy mà còn là tác nhân chính yếu để Đức
Giêsu Kitô chu toàn thánh ý Thiên Chúa là cứu độ nhân loại. Chính Đức Giêsu
Kitô đã lãnh nhận ân sủng Thánh Thần để Người thông hiểu và vâng phục Thiên
Chúa.
Giáo hội cũng đã lãnh nhận ân sủng
Thánh Thần một cách đặc biệt trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chính ân sủng Thánh Thần
làm cho Giáo hội tồn tại, sinh động và mọi thành phần của Giáo hội có được sự sống
đời đời. Ân sủng Thánh Thần còn làm cho Giáo hội hiểu được tất cả những lời Đức
Giêsu dạy dỗ và thi hành nhiệm vụ Đức Giêsu trao phó. Ân sủng Thánh Thần còn
làm cho công trình của Đức Giêsu được tiếp tục trong Giáo hội[2].
Như thế, và trong chiều hướng trên,
tôi xin được trình bày việc khảo sát thông điệp Dominum et Vivificantem dưới
khía cạnh ân sủng như sau: thứ nhất là Thiên Chúa ban ân sủng Thánh Thần cho
nhân loại, thứ hai là ân sủng Thánh Thần tương quan với mầu nhiệm Đức Kitô, thứ
ba là ân sủng Thánh Thần nơi Giáo hội.
I.
Thiên Chúa Ban Ân Sủng Thánh Thần Cho Nhân Loại
1.
Ân Sủng Thánh Thần Trong Khởi Nguyên
Vì tình yêu, Thiên Chúa đã sáng tạo
nên mọi sự. Trong đó, con người là tột đỉnh của công trình sáng tạo của Thiên
Chúa. Có thể nói vì con người và vì yêu thương con người một cách đặc biệt mà
Thiên Chúa đã ban ân sủng Thánh Thần cho con người. Ân sủng Thánh Thần chính là
Tình yêu của Thiên Chúa, làm cho các loài thụ tạo được hiện hữu khi sáng tạo.
Ân sủng Thánh Thần là nguồn ơn, được đổ đầy tràn trên công trình sáng tạo, đặc
biệt là trên con người để con người được cứu độ.
Với tư cách một Đấng đồng bản tính
với Chúa Cha và Chúa Con về thiên tính, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và là Ân Huệ
bất thụ tạo, từ nơi Ngài, như là một nguồn mạch, xuất phát mọi ân ban cho các
thụ tạo: ơn hiện hữu cho mọi vật qua sáng tạo, ân sủng cho loài người qua toàn
bộ kế hoạch cứu độ. Như thánh Phaolô viết: Tình yêu Thiên Chúa được đổ tràn vào
lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta (Rm 5,5)[3].
Trong chương đầu của sách Sáng Thế
đã cho chúng ta thấy ân sủng Thánh Thần hiện diện trong tạo thành. “Lúc khởi đầu,
Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối
bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2). Với
tư cách là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con nên Ngài thấu suốt mọi sự và trở
thành ân huệ hiện hữu trong tạo thành[4]. Và chính nhờ Ngài mà Thiên
Chúa bắt đầu ban chính mình cho công trình sáng tạo; đặc biệt và trước hết,
Thiên Chúa ban chính mình cho con người là loài thụ tạo được dựng nên theo hình
ảnh và giống Thiên Chúa[5].
Trong việc tạo dựng con người, khởi
nguyên thứ nhất của ân huệ, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo một phong
cách đặc biệt không như những loài thụ tạo khác và cũng ban ân sủng Thánh Thần
cho con người một cách đặc biệt. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra
con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St
2,7). “Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và
con người thiếp đi. Rồi Đức Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp
thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra,
làm thành một người đàn bà và dẫn tới con người” (St 2,21-22).
Như thế, ngay từ khởi nguyên, Thiên
Chúa đã ban ân sủng Thánh Thần cho công trình tạo thành của Ngài, đặc biệt là
cho con người. Ân sủng Thánh Thần này mà Thiên Chúa ban cho con người còn được
nhắc tới nhiều lần một cách đặc biệt trong Kinh Thánh Cựu ước.
Các ngôn sứ luôn nhận được ân sủng
Thánh Thần một cách đặc biệt để thi hành nhiệm vụ được Thiên Chúa ký thác. Trước
khi đi thi hành sứ vụ, các ngôn được xức dầu Thánh Thần, nghĩa là lãnh nhận ân
sủng Thánh Thần. Trong Cựu ước, việc xức dầu đã trở thành biểu tượng bên ngoài
của ân huệ Thần Khí. Ngôn sứ Isaia đã nói: “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng
ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi loan báo tin mừng…”
(Is 61,1-2) . Ông Simêon cũng là người được đầy ân sủng Thánh Thần. Ông đã nhận
ra chính Đức Giêsu là ơn cứu độ được Chúa dành sẵn cho muôn dân[6].
Isaia đã tiên báo một nhân vật bí
nhiệm sẽ xuất hiện và được đầy tràn ân sủng Thánh Thần. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự
trên vị này, thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ Chúa (Is 11,2). Tân ước đã đồng hóa vị này với Đức
Giêsu. Và trong bài ca người tôi tớ của Isaia cũng cho thấy người này được đầy
tràn ân sủng Thánh Thần[7].
Không chỉ có các ngôn sứ mà còn có
cả các vua, các thủ lãnh, thẩm phán là những người thay mặt Chúa lãnh đạo dân
Chúa cũng luôn được đầy tràn ân sủng Thánh Thần. Nhờ có ân sủng Thánh Thần hiện
diện nơi họ mà họ mới có thể lãnh đạo dân Chúa theo đúng ý Chúa. Họ cũng là những
người được xức dầu, dấu chỉ sự hiện diện của ân sủng Thánh Thần để họ chu toàn
trách nhiệm của Thiên Chúa trao phó. Và ngay cả với những người bình thường,
toàn thể nhân loại cũng được tràn đầy ân sủng Thánh Thần nhờ Đấng Mêsia, Đấng
có ân sủng Thánh Thần cách viên mãn và ban cho toàn thể nhân loại để họ được cứu
độ[8].
2.
Ân Sủng Thánh Thần Trong Khởi Nguyên Mới
Đức Giêsu là Đấng đánh dấu “khởi
nguyên mới” vì chính Người là ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người. Mở đầu sứ
mạng công khai của Đức Giêsu, Người vào Hội đường tại Nazareth để đọc Kinh
Thánh. Người mở sách Isaia và đọc đoạn: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Người
đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng…” (Is 61,1). Sau đó, Người
đã quả quyết đoạn Kinh Thánh đó đã ứng nghiệm nơi bản thân Người. Chính Người
đã được sung mãn ân sủng Thánh Thần và thông ban ân sủng đó cho con người, đánh
dấu một “khởi nguyên mới” của ân huệ Thiên Chúa.
Và sau khi đọc đoạn đó, Người nói
cùng cử tọa: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Bằng cách
đó, Người tuyên xưng và công bố Người là Đấng đã được Chúa Cha “xức dầu”, là Đấng
Mêsia, nghĩa là Đấng có Chúa Thánh Thần ở cùng. Người chính là ân huệ của Thiên
Chúa, là Đấng có Chúa Thánh Thần cách sung mãn, là Đấng đánh dấu “khởi nguyên mới”
của ân huệ mà Thiên Chúa thể hiện cho nhân loại trong Thần Khí[9].
Thiên Chúa đã ban ân sủng Thánh Thần
cho con người từ khi tạo thành, nghĩa là từ khởi nguyên. Thế nhưng tội lỗi đã
làm cho con người chống lại Thần Khí Thiên Chúa, chống lại ân huệ của Thiên
Chúa tự hiến cho con người là ân sủng Thánh Thần. Và chính tội lỗi đã làm cho
con người phải lâm vào cảnh hư ảo. Mặc dù vậy nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con
người mà còn lại ban ân sủng Thánh Thần theo một cách thức khác để cứu độ con
người.
Khi trình bày việc “ra đi” như một
điều kiện để cho Đấng Bảo Trợ đến, Đức Kitô đã liên kết khởi nguyên mới của ân
huệ trong đó Thiên Chúa tự hiến mình để cứu độ với mầu nhiệm Cứu Chuộc. Đó là một
khởi nguyên mới, trước hết bởi vì, do sự sa ngã nguyên thủy, đã có tội xen vào.
Tội chống lại sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa trong cuộc sáng tạo và nhất
là, tội chống lại ân huệ Thiên Chúa tự hiến mình cho con người để cứu độ con
người. Thánh Phaolô đã viết rằng chính vì tội mà “muôn loài thụ tạo phải lâm
vào cảnh hư ảo…, cho đến bây giờ muôn loài thọ tạo cũng rên siết quằn quại như
sắp sinh nở” và “những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang
của con cái Ngài”[10].
Trong khởi nguyên mới, ân sủng
Thánh Thần phát xuất từ Cha và được Cha ban cho con người nhân danh Con. Cha lấy
quyền làm Cha ban ân sủng Thánh Thần cho con người như Cha đã sai Con xuống thế,
mở đầu cho khởi nguyên mới. Và cùng lúc này, ân sủng Thánh Thần cũng được ban
cho con người theo quyền năng cứu độ của Đức Kitô hoàn thành. Khi Đức Kitô hoàn
thành việc cứu độ, nghĩa là việc ra đi của Đức Giêsu đã xảy ra thì ân sủng
Thánh Thần đến trên con người do quyền năng của Đức Kitô sai đến, do quyền năng
cứu độ đã hoàn thành của Đức Kitô[11].
Đức Kitô ra đi làm cho các môn đệ
buồn vì các môn đệ không hiểu việc ra đi đó. Việc ra đi này là việc Thiên Chúa
cứu độ con người chứ không phải là việc lìa xa con người. Chỉ khi ân sủng Thánh
Thần đến do việc ra đi của Đức Kitô thì các môn đệ mới hiểu và vui. Và chính ân
sủng Thánh Thần làm cho Đức Giêsu sống lại cũng làm cho thân xác con người được
sống lại như Đức Kitô, nghĩa là cứu độ toàn thể con người. Nhờ ân sủng Thánh Thần
ngự trong con người thì con người mới có thể gọi Thiên Chúa là Cha[12].
Như thế, ân sủng Thánh Thần được
ban trong khởi nguyên mới một cách dứt khoát và trọn vẹn. Trong đó, Thiên Chúa
duy nhất và ba ngôi tự hiến chính mình trong ân sủng Thánh Thần, nhờ Đức Giêsu
Kitô, Đấng cứu độ nhân loại và thế giới.
II.
Ân Sủng Thánh Thần Tương Quan Với Mầu Nhiệm Đức Kitô
1.
Ân Sủng Thánh Thần Với Mầu Nhiệm Nhập Thể
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi
đã ban Con Một của Ngài để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được
sống muôn đời (Ga 3,16). Thiên Chúa sai Con Một của Ngài xuống thế sinh bởi một
người nữ để cứu độ con người. Điều kỳ diệu này đã xảy ra là nhờ bởi ân sủng
Thánh Thần. Thánh Luca đã thuật lại cho chúng ta rằng khi Đức Maria được truyền
tin sẽ sinh Đức Giêsu thì Mẹ thắc mắc, và Mẹ đã nhận được câu trả lời là việc
đó do quyền năng Đấng Tối Cao, bởi ân sủng Thánh Thần. Còn thánh Matthêu thì
cho chúng ta biết rằng Đức Maria mang thai Đấng Cứu Thế là do quyền năng Chúa
Thánh Thần, chính là ân sủng Thánh Thần của Thiên Chúa. Vì thế, ngay từ đầu, Giáo
hội đã tuyên xưng mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm gắn liền với ân sủng Thánh Thần.
Như vậy, việc nhập thể của Chúa Con được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, ân sủng
Thánh Thần của Thiên Chúa[13].
Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Ân
Huệ bất thụ tạo, là nguồn mạch mọi ân huệ phát xuất từ Thiên Chúa. Vì thế, mầu
nhiệm Nhập Thể là tột đỉnh của ân sủng Thánh Thần mà Thiên Chúa tự hiến cho con
người trong sáng tạo và cứu độ. Khi Đức Maria nói tiếng xin vâng thì ngay lập tức
mầu nhiệm Ngôi Hiệp được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần. Nhờ việc nhập thể làm
người của Chúa Con, Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho khởi nguyên mới và cứu
độ toàn thể. Nhờ sự nhập thể này mà nhân tính được nâng lên kết hợp làm một với
Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó thì tất cả những gì là xác phàm, là toàn thể
tạo thành cũng được nâng lên kết hợp với nhân tính và cùng được kết hợp với
Thiên Chúa trong Chúa Con[14].
Nhờ ân sủng Thánh Thần, Thiên Chúa
ban sự sống cho con người qua việc Nhập Thể.
Chỉ có thể ban sự sống, sự sống
viên mãn ở nơi Thiên Chúa, bằng cách làm cho sự sống ấy thành sự sống của một
con người, người ấy là Đức Kitô trong nhân tính của Người, một nhân tính đã được
Ngôi Lời đảm nhận như một ngôi vị trong ngôi hiệp. Và cùng một trật nhờ mầu nhiệm
Nhập Thể, nguồn mạch của sự sống thần linh ấy tuôn ra một cách mới mẻ trong lịch
sử nhân loại: đó chính là Chúa Thánh Thần[15].
Qua mầu nhiệm Nhập Thể, con người
nhận biết Thiên Chúa và đón nhận ân sủng Thánh Thần. Thật vậy, chính Đức Giêsu
đã nói ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha và chính Người lấy ân sủng Thánh Thần từ
Chúa Cha mà ban cho con người.
Nơi Đức Giêsu Kitô, sự hiện diện của
Thiên Chúa trong thế giới và trong con người, đã được tỏ bày một cách mới mẻ và
dưới dạng hữu hình. Nơi Người, quả thật, “ân sủng của Chúa đã được biểu lộ”.
Tình yêu của Thiên Chúa Cha là Ân Huệ, là ân sủng vô biên, là nguyên lý sự sống
đã thành hữu hình trong Đức Kitô, và nhờ nhân tính của Đức Kitô, đã trở nên
“thành phần” của vũ trụ, của nhân loại, của lịch sử. Sự biểu lộ này của ân sủng
trong lịch sử con người, nơi Đức Giêsu Kitô, đã được thực hiện nhờ Chúa Thánh
Thần vì Ngài là nguyên lý của mọi hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới,
Ngài là “Thiên Chúa ẩn tàng”, Đấng như Tình Yêu và Ân Huệ “lắp đầy vũ trụ”[16].
2.
Ân Sủng Thánh Thần Với Cuộc Khổ Nạn Của
Đức Kitô
Trong bữa tiệc vượt qua, Đức Giêsu
giới thiệu và hứa ban “Đấng Bảo Trợ” cho các môn đệ. Đấng Bảo Trợ này là Đấng Bảo
Trợ thứ hai, Ngài đến để tiếp tục công việc của Đức Giêsu là Đấng Bảo trợ thứ
nhất. Đấng Bảo Trợ này được Đức Giêsu cầu xin Chúa Cha ban cho vì công nghiệp
cuộc khổ nạn của Người. Đấng Bảo Trợ này chính là Thần Khí sự thật, là ân sủng
Thánh Thần. Có thể nói do cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô sẽ hoàn tất nên Thiên Chúa
ban ân sủng Thánh Thần xuống cho Đức Giêsu để Người hoàn tất cuộc khổ nạn và
ban theo ý Người xin.
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban
cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi, đó là Thần Khí sự
thật. Vị Thần Khí sự thật ấy, Đức Giêsu gọi Ngài là “Đấng An Ui”, “Đấng Cầu Bầu”,
“Đấng Bảo Trợ”. Và Người nói Chúa Thánh Thần là Đấng thứ hai bởi chính Đức
Giêsu là Đấng Bảo trợ thứ nhất, vì là Đấng đầu tiên đem đến và ban bố Tin Mừng.
Chúa Thánh Thần đến sau Người và nhờ Người, để tiếp tục trong thế giới, qua
Giáo hội, công trình loan báo Tin Mừng cứu độ[17].
Đấng Bảo Trợ chính là ân sủng Thánh
Thần được Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu. Điều này có nghĩa là ân sủng
Thánh Thần đi liền với cuộc khổ nạn của Đức Kitô; ân sủng Thánh Thần là kết quả,
là hệ quả, là hiệu quả của cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Vì chỉ khi Đức Giêsu “ra
đi”, đồng nghĩa với việc hoàn tất cuộc khổ nạn, thì Chúa Thánh Thần mới đến. Và
nhiệm vụ của Đấng Bảo Trợ là làm cho các môn đệ nhớ lại những điều Đức Giêsu đã
nói, dạy bảo cho các môn đệ hiểu những gì chưa hiểu và hiểu cho đúng nội dung sứ
điệp của Đức Kitô, nghĩa là lúc đó Đức Kitô đã hoàn tất cuộc khổ nạn và không
còn hiện diện hữu hình với các môn đệ nữa[18].
Ân sủng Thánh Thần được ban cho con
người do quyền năng cứu độ của Đức Kitô hoàn thành là điều tất yếu. Ngay chính
các thương tích của Đức Kitô trong cuộc khổ nạn phải chịu vì con người cũng đủ
để ân sủng Thánh Thần được ban xuống cho con người. Khi sống lại, Đức Giêsu cho
các Tông đồ xem các thương tích ở tay và cạnh sườn của Người, rồi Người nói:
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 19,22). Qua đó cho chúng ta thấy Đức Kitô
ban Thánh Thần cho các Tông đồ xuyên qua các thương tích khi Người chịu đóng
đinh trên thập giá[19].
Chúa Thánh Thần và các Tông đồ cùng
loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng cứu độ, được thực hiện qua Thập Giá
Đức Kitô. Các Tông đồ liên kết với Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng. Loan
báo Tin Mừng tức là làm chứng về Đức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự
thật làm chứng về Đức Giêsu Kitô và các Tông đồ cũng vậy. Chứng từ của các Tông
đồ là chứng từ của con người, do mắt thấy tai nghe, có tính cách lịch sử về Đức
Kitô được liên kết với chứng từ của Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật, Đấng
thấu suốt tất cả. Nhờ chứng từ của Thần Khí sự thật mà chứng từ của các Tông đồ
có nền tảng bên trong để những người tin vào Đức Kitô tiếp tục làm chứng[20].
Như thế cho ta thấy ân sủng Thánh Thần có nhiệm vụ làm chứng về cuộc khổ nạn của
Đức Giêsu Kitô và làm cho lời chứng đó sống động, tồn tại từ thế hệ này tới thế
hệ khác, sinh ơn cứu độ cho con người.
Như vậy, dựa vào những điều Đức
Giêsu nói trong bữa tiệc Vượt Qua, Chúa Thánh Thần được mạc khải một cách mới mẻ
và đầy đủ hơn. Ngài là Đấng phát xuất từ Chúa Cha, được sai đến như ân huệ ban
cho Chúa Con và ban cho con người nhân danh Chúa Con. Ngài hiệp thông đặc biệt
với Đức Kitô, dẫn đưa các Tông đồ và Giáo hội tới sự thật vẹn toàn.
Ngài không phải chỉ là ân huệ ban
cho con người mà Ngài còn là một Đấng Ân Huệ. Đức Giêsu loan báo Người tới như
là “một Đấng Bảo Trợ” khác; vì là Thần Khí sự thật, Người dẫn đưa các Tông đồ
và Giáo hội tới sự thật toàn vẹn. Điều này được thực hiện nhờ sự hiệp thông đặc
biệt giữa Chúa Thánh Thần và Đức Kitô. […]. Phát xuất từ Chúa Cha, Chúa Thánh
Thần được sai đến từ nơi Chúa Cha. Chúa Thánh Thần trước hết, đã được sai đến
như ân huệ ban cho Chúa Con, Đấng đã làm người, để thực hiện những lời sấm ngôn
về Đấng Mêsia. Theo bản văn của Gioan, sau khi Đức Kitô – Chúa Con “ra đi”,
Thánh Thần “sẽ đến” trực tiếp, đó là sứ mạng mới của Ngài, để hoàn tất công
trình của Chúa Con. Như vậy chính Ngài là Đấng dẫn đưa kỷ nguyên mới của lịch sử
cứu độ đến điểm hoàn thành[21].
3.
Ân Sủng Thánh Thần Với Sự Phục Sinh Của
Đức Kitô
Khi Phục Sinh, Đức Kitô được tôn
vinh trong Chúa Thánh Thần. Người không cầu xin với Chúa Cha ban Thánh Thần Cho
các Tông đồ nữa, mà chính Người, Đức Kitô đã tỏ mình như là Đấng mang Thần Khí
và ban Thần Khí cho các Tông đồ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 19,22). Đức
Giêsu Kitô, Đấng đến trong Thánh Thần và Người mang Thánh Thần như ân huệ riêng
của mình, giờ đây, khi Phục Sinh, Người thông truyền ân sủng Thánh Thần này cho
các Tông đồ và Giáo hội, và qua đó được ban cho toàn thể nhân loại và thế giới.
Thời điểm Phục Sinh cũng là thời điểm cho việc Chúa Thánh Thần ngự đến một cách
mới mẻ như là Đấng Bảo Trợ và Thần Khí sự thật. Thánh Thần như một Đấng là Ân
Huệ được thực hiện vào chính lúc ấy. Đó cũng là thời điểm mà Thiên Chúa duy nhất
và ba ngôi tự ban chính mình cho nhân loại trong ân sủng Thánh Thần[22].
Cuối số 23 còn nói về việc Đức Kitô
ban ân sủng Thánh Thần như sau:
Còn trong việc Chúa con trao ban,
Tình Yêu vĩnh cửu được mạc khải trọn vẹn với tất cả sự hào phóng vô biên. Ân huệ
này là chính Chúa Thánh Thần ở nơi sâu thẳm khôn lường của Thiên Chúa, nhờ sự
nghiệp của Chúa Con, nghĩa là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, mà Ngài được ban một cách
mới mẻ cho các Tông đồ và Giáo hội, rồi qua các vị ấy được ban cho toàn thể
nhân loại và cho thế giới[23].
Ân sủng Thánh Thần được ban một
cách dứt khoát vào ngày Phục Sinh. Chính Đức Kitô Phục Sinh thực hiện lời Thiên
Chúa hứa ban ân sủng Thánh Thần cho dân Chúa qua miệng ngôn sứ; nghĩa là Người
ban Thần Khí của Thiên Chúa cho dân Chúa với tư cách là Đấng Mêsia trong Thánh
Thần, đạt đến tột đỉnh trong việc Phục Sinh. Người cũng thực hiện lời Người đã
hứa với các Tông đồ là Người ban Thánh Thần cho các ông khi Người Phục Sinh.
Khi Phục Sinh, nhờ Thần Khí thánh hóa, Người được đặt làm Con Thiên Chúa với tất
cả quyền năng.
Quyền năng ấy bắt nguồn từ sự hiệp
thông khôn lường của Ba Ngôi Thiên Chúa, được biểu lộ trước hết trong sự kiện
là, một đàng, Đức Kitô Phục Sinh thực hiện lời Thiên Chúa hứa qua miệng ngôn sứ:
“Ta sẽ tặng các ngươi một quả tim mới. Ta sẽ cho các ngươi Thần Khí của Ta”, và
đàng khác, Người cũng thực hiện chính lời Người đã hứa với các Tông đồ: “Nếu Thầy
ra đi, Thầy sẽ sai Ngài đến với anh em”. Chính Ngài, Thần Khí Sự Thật, Đấng Bảo
Trợ, được Đức Kitô Phục Sinh sai đến để biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta
trở nên chính hình ảnh của Đấng Phục Sinh[24].
Sự liên kết mật thiết giữa việc sai
Chúa Con với việc sai Chúa Thánh Thần đến và sự liên kết mật thiết giữa sứ mạng
của Chúa Thánh Thần với sứ mạng của Chúa Con trong công trình cứu chuộc cho
chúng ta thấy ân sủng Thánh Thần được ban xuống cho con người sau tội nguyên tổ
là nhờ Thập giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Sự liên kết này được diễn tả như
sau:
Sứ mạng của Chúa Con, theo một
nghĩa nào đó, được “hoàn tất”, trong việc cứu chuộc: “Ngài lấy những gì là của
Thầy mà loan báo cho anh em”. Việc cứu chuộc được hoàn tất đầy đủ bởi Chúa Con,
như là Đấng được xức dầu, đã đến và đã hành động bởi quyền năng của Chúa Thánh
Thần, tự hiến mình làm tế phẩm tối hậu trên cây Thập Giá. Và việc cứu chuộc
cũng còn được tiếp tục hoàn thành trong lòng trí con người, trong lịch sử thế
giới bởi Chúa Thánh Thần là “Đấng Bảo Trợ khác”[25].
Chúa Thánh Thần như là ân sủng được
Đức Kitô Phục Sinh sai đến để thánh hóa Giáo hội, làm cho Giáo hội và nhân loại
được sống nhờ một Thần Khí duy nhất. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ân sủng Thánh Thần
được ban xuống cho các Tông đồ và Giáo hội một cách đặc biệt và dứt khoát. Có
thể nói, bắt đầu từ biến cố Ngũ Tuần này, các Tông đồ công khai làm chứng cho Đức
Kitô nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Như thế là cả Chúa Thánh Thần và các
Tông đồ cùng làm chứng cho Đức Kitô. Và cũng trong biến cố này, Giáo hội được
công khai giới thiệu trước mặt nhân loại. Đồng thời ân sủng Thánh Thần cũng được
ban luôn mãi cho Giáo hội; điều này được diễn tả như sau:
Thật vậy, ân sủng Chúa Thánh Thần
mà các Tông đồ ban cho các cộng sự viên của các ngài, bằng cách đặt tay, tiếp tục
được truyền ban qua việc tấn phong giám mục. Rồi nhờ bí tích truyền chức thánh,
các giám mục làm cho các thừa tác viên thánh được thông phần vào ân huệ thiêng
liêng này, và các vị cũng lo cho tất cả những ai được tái sinh bởi nước và Thần
khí được mạnh mẽ hơn nhờ bí tích Thêm Sức. Như vậy, ơn Hiện Xuống được tiếp diễn
mãi mãi trong Giáo hội một cách chắc chắn[26].
III.
Ân Sủng Thánh Thần Nơi Giáo Hội
1.
Ân Sủng Thánh Thần Cứu Chuộc Con Người
Chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần
là Đấng Bảo Trợ thứ hai, là Thần Khí sự thật, là Ân Huệ của Thiên Chúa ban cho
nhân loại. Người đã được ban cho nhân loại và cách riêng cho Giáo hội để Người
tiếp tục công trình cứu chuộc và thánh hóa con người của Đức Giêsu Kitô. Đặc biệt,
Người chính là ân sủng Thánh Thần được ban cho Giáo hội để qua Giáo hội con người
được cứu chuộc bởi ân sủng Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là ân sủng luôn hiện
diện trong đời sống Đức Giêsu. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế
dâng lên Thiên Chúa làm giá chuộc muôn người. Nhờ Thập giá Đức Kitô mà tội lỗi
bị tiêu diệt và sinh ơn cứu độ. Có thể nói công trình cứu chuộc của Đức Kitô
cũng chính là công trình của Chúa Thánh Thần, là công trình của ân sủng Thánh
Thần. Và chính Chúa Thánh Thần này cũng được ban cho các Tông đồ khi Đức Giêsu
sống lại để các Tông đồ cũng tha tội cho người khác do bởi ân sủng Thánh Thần
này[27]. Điều
này được nói đến trong thông điệp như sau:
Thật vậy, đây là một hiến tế được
tiến dâng “nhờ Thánh Thần hằng hữu”, hiến tế này nhận được ở Ngài sức mạnh vạch
tội ngõ hầu đem lại ơn cứu độ. Đây cũng chính là Chúa Thánh Thần được Đức Giêsu
hứa ở nhà Tiệc Ly. Người mang Thánh Thần này tới cho các Tông đồ vào ngày Người
sống lại, khi hiện ra cho các ông với các thương tích do cuộc đóng đinh để lại,
và Người “ban cho các ông để tha tội”: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em
tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 19,22-23)[28].
Trong ngày lễ Ngũ tuần, các Tông đồ
và Chúa Thánh Thần cùng làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã bị đóng đinh và được sống
lại. Qua miệng thánh Phêrô, Thần Khí sự thật đã chỉ cho người nghe nhận biết tội
lỗi của mình; và chính nhờ ân sủng này thúc đẩy mà họ đã hoán cải và đón nhận
ơn cứu độ qua phép rửa của Giáo hội nhân danh Đức Giêsu Kitô trong ân sủng
Thánh Thần[29].
Thần Khí sự thật thấu suốt mọi sự,
chính vì thế mà Ngài thúc đẩy trên lương tâm con người để lương tâm con người
nghe thấy tiếng Chúa, biết làm lành lánh dữ. Nhờ tiếng lương tâm, con người chiến
đấu để gắn bó với sự thiện với sự trợ giúp của ân sủng Thánh Thần. Trong ân sủng
Thánh Thần, lương tâm chỉ đường cho con người hoán cải để lãnh nhận ơn cứu độ.
Trong từng trường hợp cụ thể của tiến trình hoán cải đều có sự hiện diện và trợ
giúp của ân sủng Thánh Thần để con người nhận biết và trở về với Tình yêu của
Thiên Chúa. Chính Thánh Thần là Ân Huệ, là Tình Yêu, thể hiện lòng thương xót của
Thiên Chúa là cứu độ con người[30].
Mọi hoạt động của Giáo hội đều nhắm
đến việc cứu độ con người. Vì Giáo hội là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu độ
nhân loại. Vì Giáo hội là bí tích của Đức Giêsu Kitô đem lại ơn cứu độ cho con
người. Chúa Con hiện diện trong Giáo hội dưới hình thức bí tích nhờ Chúa Thánh
Thần. Vì thế cho nên chính Chúa
Thánh Thần là chủ thể mọi hoạt động của Giáo hội, Giáo hội có hoạt động được là
do Chúa Thánh Thần, do ân sủng Thánh Thần của Thiên Chúa. Khi Giáo hội cử hành
bí tích thì Đức Kitô lại đến một cách mới mẻ nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động
trong bí tích để cứu độ con người. Và khi cử hành mầu nhiệm “ra đi” của Đức
Giêsu thì Chúa Thánh Thần lại đến để ban sự sống. Khi đó, chính Chúa Thánh Thần
củng cố nội tâm con người, hướng dẫn và hiệp nhất các Kitô hữu trong bí tích
Thánh Thể. Cùng lúc đó, Giáo hội được hiệp nhất với Thiên Chúa trong Đức Kitô
nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Ngay cả trong việc cầu nguyện, chính Chúa
Thánh Thần cũng hướng dẫn Giáo hội và từng người để lời cầu nguyện hợp với
thánh ý Thiên Chúa hầu nhờ đó mà đem lại ơn cứu độ cho con người[31].
Như thế, qua mọi hoạt động của Giáo hội, chính Chúa Thánh Thần là ân sủng đem lại
ơn cứu độ.
2.
Ân Sủng Thánh Thần Công Chính Hóa Con
Người
Sau khi nghe thánh Phêrô làm chứng
về Đức Giêsu trong ngày lễ Ngũ tuần thì những người có mặt ở đó hỏi họ phải làm
gì. Thánh Phêrô trả lời rằng phải sám hối và phải chịu phép rửa nhân danh Đức
Giêsu Kitô, để được ơn tha tội và sẽ nhận được ân huệ là Chúa Thánh Thần. Qua
phép rửa, con người trở nên con Thiên Chúa nhờ mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô.
Nhưng chính sự tái sinh lại được thực hiện nhờ Thần Khí. Và chính Thần Khí mới
làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha, nghĩa là làm cho chúng ta nên
nghĩa tử của Thiên Chúa, được đồng thừa kế với Đức Kitô. Như thế chúng ta được
biến đổi, được công chính hóa là nhờ Đức Kitô, do ân sủng Chúa Thánh Thần thực
hiện[32].
Trong số 52 của thông điệp xác định việc này như sau:
Việc Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử,
và trở nên con Thiên Chúa, có được là nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, nghĩa là nhờ ân
huệ của Đức Kitô, Người Con hằng hữu. Nhưng sự sinh ra, hay sự tái sinh, được
thực hiện khi Chúa Cha “sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng chúng ta.
Bởi vì lúc đó chúng ta nhận được “một Thần Khí làm cho chúng ta nên nghĩa tử,
khiến chúng ta kêu lên: “Abba, Cha oi”. Như vậy, quyền làm con Thiên Chúa đó được
tháp vào linh hồn con người nhờ ơn thánh sủng lại là công trình của Chúa Thánh
Thần. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta, rằng chúng ta là con cái
Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là kẻ thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa
kế thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô. Ơn thánh sủng trong con người là
nguyên lý và nguồn mạch của sự sống mới: sự sống thần linh và siêu nhiên[33].
Ơn ban sự sống này đã có từ khi tạo
thành và cho cả tạo thành. Thế nhưng vào thời sau hết, ơn ban sự sống lại được
đổi mới bằng mầu nhiệm Nhập Thể. Con người được nên công chính, được làm con
Thiên Chúa nhờ Nhập Thể của Chúa Con do tình yêu và ân huệ là chính Chúa Thánh
Thần. «Như vậy, con người được nhận làm nghĩa tử một cách siêu nhiên và ơn đó bắt
nguồn từ Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và Ân Huệ. Trong tư cách đó, Ngài được ban
cho loài người. Và nhờ sự sung mãn của Ân Huệ bất thụ tạo, mỗi người lãnh nhận
được trong lòng, ân ban đặc biệt làm cho con người “được thông phần vào bản
tính Thiên Chúa”»[34].
Chính Chúa Thánh Thần được ban cho
Giáo hội đã lấy từ trong kho tàng ơn cứu độ của Đức Kitô mà ban cho con người sự
sống mới. Ngài làm cho ta nên nghĩa tử của Thiên Chúa trong Người Con duy nhất
của Thiên Chúa. Như thế, con người được nên công chính nhờ thông phần vào Nhập
Thể trong ân sủng Thánh Thần. Cũng chính ân sủng Thánh Thần này tác động trên
con người mọi nơi mọi thời và liên kết họ với mầu nhiệm Nhập Thể để họ cũng được
công chính hóa[35].
Trong Giáo hội và qua Giáo hội, con
người được biến đổi từ bên trong nhờ Thần Khí. Hiệp thông với Thần Khí, Giáo hội
ý thức hơn ai hết về thực tại của con người nội tâm. Trong mức sâu thẳm đó, Thần
Khí gieo vào con người mầm mống bất tử, làm nảy sinh sự sống mới. Sự sống đó là
hoa trái của ân huệ Thiên Chúa tự hiến chính mình Ngài trong Thánh Thần. Sự sống
đó chỉ có thể phát triển và được củng cố nhờ tác động của Thần Khí. Đồng thời,
Giáo hội cũng loan báo Đấng ban sự sống: Thần Khí làm cho sống. Giáo hội vừa
loan báo vừa cộng tác với Thần Khí để ban sự sống. Như thánh Phaolô đã nói: “Nếu
Đức Kitô ở trong anh em, thì thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần
Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính” (Rm
8,10)[36].
Kết
Luận
Qua khảo sát Thông điệp Dominum et
vivificantem dưới khía cạnh ân sủng cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng giàu
tình thương. Người luôn luôn hiện diện và ban ân sủng cho tạo thành của Ngài, đặc
biệt là cho con người để con người nhận biết, đón nhận và sống trong tình
thương của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Ân Huệ của Thiên Chúa được
ban cho con người ngay từ khi tạo thành để qua đó Thiên Chúa ban chính mình
Ngài cho nhân loại và cho cả tạo thành.
Ngay từ khởi nguyên, vì tình
thương, Thiên Chúa đã ban ân sủng Thánh Thần cho con người và ân sủng này đã hiện
diện nơi con người. Thế nhưng con người đã từ chối và chống lại ân sủng đó.
Không vì đó mà Thiên Chúa bỏ rơi con người, Người lại tiếp tục ban ân sung
Thánh Thần cho con người một cách mãnh liệt hơn khi sai chính Con Một Ngài xuống
thế cứu độ nhân loại. Việc Nhập Thể của Chúa Con được xem là một khởi nguyên mới.
Ân sủng Thánh Thần được ban cho con người qua việc Nhập Thể đánh dấu một cuộc
khởi nguyên mới của ân sủng.
Ân sủng Thánh Thần luôn đi liền và
liên kết với mầu nhiệm Đức Kitô. Từ Nhập Thể, rồi đến cuộc Khổ nạn và Phục Sinh
của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa luôn ban tràn đầy ân sủng Thánh Thần cho Người.
Và nhờ quyền năng cứu độ hoàn thành của Đức Giêsu Kitô mà ân sủng Thánh Thần được
ban cho con người một cách đặc biệt và viên mãn.
Trong ngày lễ Ngũ tuần, Giáo hội đã
lãnh nhận ân sủng Thánh Thần như lời Đức Kitô đã hứa và ân sủng này hiện diện
luôn mãi với Giáo hội và nhân loại. Cùng với Giáo hội, ân sủng Thánh Thần làm
chứng về Đức Giêsu Kitô và tiếp tục công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Chính
nhờ sự liên kết và đi liền với mầu nhiệm Đức Kitô mà qua Giáo hội, ân sủng
Thánh Thần cứu chuộc và công chính hóa con người. Và qua mọi hoạt động của Giáo
hội, chính Chúa Thánh Thần là chủ thể, thế nên chính ân sủng Thánh Thần cứu chuộc
và công chính hóa con người qua Giáo hội và trong Giáo hội.
Như thế, ân sủng Thánh Thần mà
Thiên Chúa ban cho chúng ta chính là Tình Yêu của Ngài, là Ân Huệ của Ngài, nguồn
mạch mọi ân sủng. Chúng ta phải hết sức đón nhận, yêu mến và trung thành với ân
sủng này, để nhờ đó sinh hoa kết quả là ơn cứu cho chúng ta và cho người khác.
Đồng thời chúng ta cũng phải giới thiệu ân sủng này cho mọi người để họ cùng
đón nhận và cùng được ơn cứu độ.
[1] X. ĐGH (Đức Giáo Hoàng)
Gioan Phaolô II, Thông điệp về Chúa Thánh
Thần, số 1.
[2] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp về Chúa Thánh Thần, số 3.
[3] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp về Chúa Thánh Thần, cuối số
10.
[4] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp về Chúa Thánh Thần, số 10.
[5] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp về Chúa Thánh Thần, số 12.
[6] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 16.
[7] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 15-16.
[8] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 16.
[9] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 18.
[10] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 13.
[11] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 8.
[12] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 14.
[13] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 49.
[14] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 50-51.
[15] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 52.
[16] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 54.
[17] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 3.
[18] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 4, 6,8.
[19] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 24.
[20] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 5, 7.
[21] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 22.
[22] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 22-23.
[23] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 23.
[24] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 24.
[25] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thán Thần, số 24.
[26] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 25.
[27] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 40, 42.
[28] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 40.
[29] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 30-31, 42.
[30] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 39, 42-45.
[31] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 61-65.
[32] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 31, 52.
[33] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 52.
[34] X.ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 52.
[35] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 52-53.
[36] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp
về Chúa Thánh Thần, số 58.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét