Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Tìm hiểu về các tôn giáo

Ấn độ giáo

Tài liệu tham khảo
  1. John Renard. Dịch giả Lưu Văn Hy và Nhóm Trí Tri. Tri Thức Tôn Giáo, Qua các vấn nạn và giải đáp.
  2. Jacques Lacourt. Tuổi Trẻ Đức Tin và Cuộc Sống
  3. Lm Thiện Cẩm OP. Triết  Ấn
  4. W.W.W. Hoasen.org
Bart Khánh

Khi nói đến một tôn giáo người Việt Nam chúng ta thường gọi tôn giáo đó là đạo. Trên thế giới có một số tôn giáo lớn như: Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi… đạo ở đây có nghĩa là con đường tâm linh của đạo đó, nói rõ hơn đó chính là giáo lý của tôn giáo. Để tìm hiểu rõ ngọn nguồn một tôn giáo là không dễ dàng. Chúng ta cần phải dày công tìm tòi về lịch sử hình thành và ý nghĩa giáo lý của tôn giáo đó. Trước đây giữa các tôn giáo là sự đối nghịch kì thị nhau, tìm cách hạ bệ nhau. Thế giới ngày nay là một thế giới của đối thoại, lấy đối thoại thay thế cho đối đầu. Đó cũng là đường hướng chung cho mọi lĩnh vực không riêng gì tôn giáo. Đặc biệt Giáo hội Công giáo cũng rất chú trọng đến vấn đề đối thoại liên tôn. Để cho cuộc đối thoại đạt kết quả tốt thì phải biết mình và biết người. Nghĩa là chúng ta phải hiểu rõ lập trường của Giáo hội công giáo đồng thời cũng phải biết và hiểu giáo lý của các tôn giáo bạn. Bài viết này xin tìm hiểu một chút sơ lược về các tôn giáo chính ngoài Kitô giáo đó là Ấn độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Do thái giáo.
Khi nói đến một tôn giáo người ta thường chú ý đến vị sáng lập ra tôn giáo đó. Chắc hẳn giáo lý của đạo sẽ ảnh hưởng phần lớn do đấng sáng lập ra tôn giáo và văn hóa nơi tôn giáo đó hình thành và phát triển. Nhưng có một đặc điểm khác lạ là Ấn giáo không có một vị sáng lập. Các truyền thống tôn giáo khác có thể không bị ràng buộc bởi lịch sử. Một số tôn giáo coi sự chi tiết lịch sử là đặc điểm thiết yếu về tính đáng tin của truyền thống tôn giáo. Nhưng với Ấn giáo sự bất trắc về nguồn gốc của truyền thống đã làm tăng tính hấp dẫn của Ấn giáo. Chân lý vĩnh cửu mà người Hindu gọi là sanatana dharma, nổi bật từ những đám sương mù xa xưa nơi tinh hoa của điều huyền bí hoàn hảo đúng là chân lý có nguồn gốc từ thần thánh.
Tôn giáo mang đến cho tín đồ của mình một sự bình an của tâm linh. Bởi vì mọi tín đồ tin tưởng phó thác vào vị thần của tôn giáo mình. Hy vọng rằng vị thần này sẽ giúp đỡ và phù trì cho cuộc sống của mình được ấm no và hạnh phúc. Với Ấn giáo thì không chỉ thờ và tin tưởng tuyệt đối vào một vị thần như phần lớn các tôn giáo khác. Truyền thống Hindu sử dụng ngôn ngữ và chủ nghĩa tượng trưng mà thoáng nhìn có vẻ như thừa nhận cái gọi là thuyết đa thần, thờ nhiều thần. Thế nhưng hầu hết các tín đồ Hindu đều có thể nói cho bạn biết là Thượng đế có thể tỏ mình cho ta dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong Ấn giáo có một dạng Thượng đế ba ngôi: Là Brahma sáng tạo, Vishnu khôi phục và Shiva hủy diệt.
Trong những bộ Vêđa sớm nhất có ghi về Brahma như một vị thần sáng tạo và đầy quyền năng, thống trị cả vũ trụ. Dần dần sau đó triết học Vêđa hướng đến sự diễn giải về thuyết độc thần, nói về vũ trụ và khởi nguyên của nó, và quyền năng thiêng liêng của vị thần sáng tạo ấy dần dần được nhân cách hóa thêm. Vào thế kỷ thứ IV và thứ V sau Công nguyên, Brahma lúc ấy lại được xem là một trong ba vị có quyền năng cao bậc nhất trong Ấn giáo cùng với Vishnu và Shiva.
Hình ảnh Brahma thường được thấy với ba mặt và bốn tay, mỗi tay cầm quyển kinh Vêđa, cầm bông hoa sen, cầm chùy, bắt ấn… đầu có vòng hoa và râu rậm; khi thì cưỡi con thiên nga Hamsa (tượng trưng cho tri thức), khi thì ngồi trên một bông sen mọc từ rốn của Vishnu, khi thì nằm trên mình con rắn Naga nổi bồng bềnh trên đại dương nguyên thủy.
Vishnu thường được vẽ là biểu tượng đang ngủ nằm dài trên một con rắn có 1000 cái đầu. Thần Vishnu khôi phục trật tự thế giới bằng cách hóa thân như cuộc hạ thế dưới dạng một con vật hay con người. Quan trọng là cuộc hóa thân làm người dạng Rama và Krishna.
Truyền thuyết: Vishnu hóa thân làm một vị thái tử để cứu thế giới này ra khỏi sự đen tối của quỷ vương Ravana. Câu chuyện này được kể trong Ramayana, qua đó người ta thấy được lòng sùng tín và sự chịu đựng khổ nhọc của thái tử, cùng với lòng thủy chung của vợ là nàng Sita. Ở thiên sử thi này người ta cũng thấy được sự tạo dựng của Hanuman, khỉ thần, một biểu tượng của sức mạnh và lòng trung thành, hiện nay vẫn còn được xem là một vị thần linh rất được biết đến và đang còn tôn thờ ở Nepal và Ấn Độ.
Truyền thuyết: Những câu chuyện về các hóa thân của Krishna đều là cứu giúp tất cả mọi người. Khi còn bé Krishna đã làm cho mọi bà mẹ yêu thương. Lớn lên trong tình yêu, Krishna đã phá vỡ những lề lối cấm đoán cổ xưa của xã hội, và đưa tình yêu lên đến tột đỉnh của những khát khao và thỏa mãn qua sự tự do và phá rào những ràng buộc của xã hội. Khi làm người đánh xe ngựa của anh hùng Arjuna trong chiến trận Kukukshetra, Krishna là người giúp tất cả những ai đến với mình và cứu họ thoát khỏi sự tái sanh vào những cảnh giới ác, nếu kẻ ấy có đủ niềm tin vào đấng thiêng liêng.
Thần Shiva được tôn thờ như là một vị thần sáng tạo lẫn hủy diệt, có đầy đủ sức mạnh và quyền năng đối với vũ trụ này. Thần Shiva ngự trên núi Kailasa với vợ là nàng Parvati, và hai con là thần đầu voi Ganesha và thần Chiến tranh Kartikkeya. Shiva thường được thấy đi cùng với chiếc cỗ xe bò. Shiva thường ít được thấy hơn là thần Vishnu nhưng trong các chân dung và điêu khắc thì có nhiều. Shiva cũng được họa theo hình một vị tu khổ hạnh, ngồi thiền định trên đỉnh núi Kailash cùng với vợ là nàng Parvati. Ngài thường cưỡi con bò thần Nandin. Thần Shiva có nhiều vợ như Parvati, Uma, Durga, Kali, shakti v.v. Trong thờ cúng Shiva thường được đồng nhất với Linga: 
Thờ sinh thực khí (Linga và Yoni) là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Càng nông nghiệp điển hình bao nhiêu thì tín ngưỡng này càng mạnh bấy nhiêu. Người du mục không có truyền thống thờ sinh thực khí. Chiếc Linga là biểu tượng được cách điệu hóa của sinh thực khí nam trong tín ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa phồn thực và tính dục. Kinh Vêđa nói rằng những kẻ lấy Linga làm thượng đế là kẻ thù của đạo giáo Aryen. Ở Ấn Độ, việc thờ Linga vốn là tín ngưỡng của thổ dân Dravidien. Đó chính là tục thờ cúng các hòn đá hình trục, phổ biến trong dân gian từ thời thượng cổ ở khắp vùng Đông Nam Á. Sự xâm nhập của nó vào Bà la môn giáo và việc đồng nhất Linga với Shiva chắc chắn đã xảy ra vào thời kì hậu Vêđa.
Chiếc Linga trong Bà la môn giáo: phần hình vuông (âm tính) ở dưới ứng với thần Brahma sáng tạo, khúc hình bát giác ở giữa mang tính chuyển tiếp, ứng với thần Vishnu bảo tồn, còn phần hình trụ tròn (dương tính) ở trên ứng với thần Shiva phá hủy. Phần dưới của Linga gắn liền với một cái đế, giống như một cái chậu vuông, có rãnh thoát nước, biểu tượng của bộ phận sinh dục của nữ giới (Yoni). Bộ phận hình chậu vuông này còn là biểu tượng của nữ thần phù hộ cho đất đai, luôn phải nhờ ơn mưa móc của Linga. Ngoài ý nghĩa là biểu tượng của sự sinh dục, Linga còn là biểu tượng của chiếc cột trụ chống đỡ vũ trụ, của ngọn núi Meru thần thoại (núi thiêng Meru - nơi ngự trị của Thiên thần, Bồ Tát và là trung tâm của vũ trụ theo thế giới quan của Ấn Độ). Cuối cùng, Linga còn là biểu tượng của sự vĩnh cửu và tính chất chính thống của mỗi triều đại vua. Cũng bởi những ý nghĩa tượng trưng đó, mà chiếc Linga luôn luôn có mặt trong các biểu hiện nghệ thuật có ảnh hưởng của Ấn độ giáo.
Các nhà nghiên cứu đưa ra một số giải thích, dựa trên tài liệu của giáo sư Lê Xuân Khoa: theo đó, tuy thần Shiva là thần hủy diệt, nhưng chính do hủy diệt mới xuất hiện sự sống mới; vì vậy với tư cách là nguyên lý của sáng tạo, Shiva còn được xem là vị thần gieo rắc mầm sống và phúc lành. Với quyền năng thứ hai đó, Shiva đã đón đầu con rắn thần Vasuki khi rắn này trườn xuống muốn nhả độc tiêu diệt hết thế gian, rồi Shiva nuốt chửng rắn, trừ tai họa cho loài người. Mặt khác, giáo sư Lê Xuân Khoa dẫn các pho sách xưa của Ấn Độ chép rằng: "Khi Shiva và vợ giao hợp, tia lửa lạc thú xuất hiện và vũ trụ phát sinh từ tình yêu ấy. Và Ngài (Shiva) tự phân làm hai nửa, một âm và một dương, âm dương giao hòa, tạo thành vũ trụ". Vì thế có môn phái thờ thần Shiva lưỡng tính dưới hình ảnh Linga đặt trên Yoni. Theo thần thoại nguyên thuỷ, hình thức khởi đầu của Shiva là cột lửa hình Linga.
Ấn giáo là một tôn giáo có rất nhiều thần, số vị thần trong Ấn giáo có thể lên tới hàng trăm vị và bán thần khác nữa.
Một nội dung quan trọng của tôn giáo đó chính là con đường tâm linh của tôn giáo đó. Không có tôn giáo thì không có con đường tâm linh và ngược lại, không có tôn giáo nào lại không có giáo lý của tôn giáo mình.
Với Ấn độ giáo một bộ kinh thánh được gọi là Vệ đà cũng là giáo lý quan trọng gồm bốn bộ tuyển văn riêng biệt, mỗi bộ có một mục đích riêng. Tên gọi Vệ đà bắt nguồn từ gốc tiếng Phạn có nghĩa là “sự khôn ngoan” hay “tầm nhìn” cùng gốc từ đó cho chúng ta biết các từ như “video” theo truyền thống “các tiên tri” (seer) gọi là rishis, sáng tác các bản văn và truyền khẩu chúng.
Mọi tín đồ được tự do quyết định thực tại tối thượng là một tinh thần vô ngã, tức là Brahman (trung tính), hay là một vị thần có ngã vị, tức là Brahman (nam tính). Họ xem thế giới hữu hình là “maya” tức là ảo ảnh. Linh hồn con người được gọi là “atman”. Nó phải tùng phục karman (hay nghiệp quả), một từ có nghĩa là hành động, gồm cả công trạng lẫn thành tích bất hảo mà cá nhân đã làm khi còn sống.
Ấn giáo cũng quan niệm linh hồn sẽ được thanh luyện qua một vòng luân hồi hóa kiếp. Những người trộm cắp sẽ hóa thành kiếp chuột, kẻ dữ tợn sẽ thành con cọp… sự việc linh hồn lưu chuyển như thế được gọi là Samsara, tức là “sự luân hồi của vũ trụ”. Để tránh các khổ dịch muôn kiếp cần phải chu toàn bổn phận tức là dharma. Cụ thể ở đây là phải tôn trọng luật giai cấp (các thầy Bramanes) là Bà-la-môn giai cấp cao nhất và thực hành việc đạo đức như hành hương đến Bénarès, chay tịnh, khổ chế, ăn ngay ở lành, khiết tịnh, tự chủ, từ bỏ, bất bạo động như Gandhi hằng chủ trương.
Trong giáo lý của Ấn giáo có đề cập đến một điều mà mọi người mong ước đạt tới đó là “nirvana” - niết bàn là sự tiêu dục đó chính là lúc linh hồn gặp được Brahman được tan biến trong tất cả Yoga có nghĩa là “hiệp nhất, liên kết”. Ngày nay nhiều người tây phương coi đây như là một phương thức thể dục để đi vào đời sống huyền nghiệm, trong tôn giáo này cũng có vô số phái khác nhau.
Ấn giáo có thể cho chúng ta rất nhiều bài học, nhưng một bài học mà các tín đồ này chỉ cho chúng ta đó chính là tinh thần “sống nội tâm”, họ cũng dạy cho chúng ta kiếm tìm các lợi ích khác ngoài vật chất đó là hướng tới sự an tĩnh của linh hồn biết từ bỏ vật chất bên ngoài dành ưu tiên cho đời sống tâm linh lấy việc truy tìm chân lý vĩnh cửu là lẽ sống cho chính mình. Mặt khác ta cũng rút được bài học là quan niệm luân hồi của Ấn giáo rất bi quan các nghi lễ tầm thường mê tín đôi khi được đặt ngang hàng với các nghi lẽ thuần khiết và thiêng liêng nhất.
(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP