Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải những cảnh bạo lực và giết chóc thương tâm nhưng cũng không kém phần… lãng xẹt! Những sự việc dường như nhằm ngoài sự suy nghĩ bình thường của chúng ta. Đôi khi nó vượt quá sức tưởng tượng và chịu đựng về phương diện tình cảm và đạo đức của một con người bình thường.
Rạng sáng 28/2, Lê Thanh Hải (16 tuổi, Đồng Nai) cùng hai người bạn đi chơi. Khi ngang qua khu chợ đêm Long Thành, họ được 5 thanh niên đang ngồi nhậu gọi vào nhậu chung. Trong lúc chén ra chén vào, một người trong nhóm này hỏi tên của Hải nhưng cậu không trả lời. Tuy nhiên khi trên đường về Hải đã bị nhóm này chặn đánh và đâm chết (Xem Án mạng từ việc không nói tên, VnExpress.net ngày 3/3/2010)Hay chỉ vì thắc mắc tại sao mình phải trả tiền cao trong khi người khác lại trả thấp hơn mà anh Tài đã bị một phụ xe chém đứt lìa cánh tay và đâm nhiều nhát vào mình (Xem Bị nhà xe chém lìa tay vì thắc mắc giá cả, VnExpress.net ngày 1/3/2010).
Một chuyện cũng không kém lãng xẹt đó là một thực khác đã bị bốn thanh niên đánh chết vì đã dám nhìn họ đang khi cùng ăn trong quán cháo lòng (Xem Án mạng trong quán cháo lòng, VnExpress.net ngày 1/3/2010).
Tương tự, chúng ta cũng gặp thấy những chuyện hết sức đau lòng, từ những tình huống xem ra rất bình thường trong đời sống hằng ngày. Chỉ vì một cú va quẹt xe, một ánh đèn pha rọi vào mặt, hay thấy “ngứa tai” vì tiếng nẹt pô xe của ai đó mà người ta sẵn sàng xuống tay cướp đi mạng sống của người khác một cách tàn bạo. (Xem Những vụ án đau lòng từ văn hóa đi đường, VnExpress.net ngày 24/2/2010)
Trong tất cả các sự kiện trên, cảm nhận đầu tiên là có cái gì đó vượt quá giới hạn. Người ta cảm thấy phẫn nộ và khó chấp nhận. Đành rằng bạo lực nào cũng là bạo lực, tội ác nào cũng là tội ác cả. Tuy nhiên có những điều ác làm người ta đau lòng nhưng không làm người ta phẫn uất vì hình như người ta tìm thấy ở đó một logic. Nó vẫn còn nằm trong một giới hạn vô hình nào đó có thể chấp nhận được.
Đứng trước những sự kiện trên, người ta tự hỏi tại sao lại có thể xảy ra như thế được? Tại sao người ta lại có thể cư xử với nhau như thế? Tại sao người ta có thể cướp đi mạng sống của người khác một cách dễ dàng như vậy?
Có nhiều câu trả lời được đưa ra. Vì ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực. Vì hệ thống giáo dục không chú trọng đủ đến vấn đề đạo đức. Vì luật pháp không nghiêm. Và vân vân và vân vân…
Chắc chắn những yếu tố trên ít nhiều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp đạo đức và bạo lực. Tuy nhiên, có lẽ có một nguyên nhân hết sức quan trọng mà người ta ít quan tâm tới. Nguyên nhân này là con đẻ của xã hội hiện đại và tiêu thụ. Đó là con người hiện đại ngày nay ít được dạy cho biết về những giới hạn. Những giới hạn mà họ không được phép vượt qua. Đó không phải là những gì áp đặt từ bên ngoài, mà nó là một thành tố không thể thiếu làm nên bản chất người.
Ngay từ khi còn tấm bé, đứa trẻ đã được nuôi dưỡng ý nghĩ rằng nó toàn năng và không bị giới hạn bởi một điều gì cả. Khi nó vừa khóc là cha mẹ cho nó ăn liền. Lớn lên một chút, nó muốn gì, đòi gì là cha mẹ cho nó ngay. Đặc biệt là những gia đình khá giả và cha mẹ bận công tác và không có nhiều giờ cho con cái. Để bù đắp sự thiếu hụt này cha mẹ không bao giờ từ chối một điều gì (nhất là về mặt vật chất) khi nó muốn. Bất kể điều đó là tốt hay là xấu, có cần thiết hay không. Họ thường ít khi giải thích cho con cái mình biết về sự đúng, sai, nên hay không nên khi con cái họ yêu cầu một điều gì. Họ chỉ làm có mỗi một việc là thoả mãn yêu cầu của chúng. Họ coi đó là biểu hiện của tình thương dành cho con cái!
Mặt khác, chiều hướng xã hội hiện đại ngày nay là một xã hội tôn trọng tự do cá nhân. Con người luôn được khuyến khích thể hiện bản thân, vươn xa vươn mãi, chinh phục những đỉnh cao. Đạp đổ và vượt qua những chướng ngại cản đường. Đó là điều tốt và hợp lý. Tuy nhiên, cái thiếu là ở chỗ, họ ít được dạy (và trải nghiệm) cho biết rằng có những giới hạn mà mọi người đều phải tôn trọng.
Những người được lớn lên trong môi trường như thế, dễ có ý nghĩ rằng mình toàn năng. Ý nghĩ đó đã vô tình in sâu trong tiềm thức của họ và điều khiển hành vi của họ. Vì họ chưa bao giờ bị từ chối, nên họ nghĩ rằng mình muốn là được. Điều họ nghĩ, họ muốn là luôn luôn đúng và phải được thi hành. Họ không cần biết điều đó đúng hay sai. Cũng không cần nghĩ đến hậu quả hành vi của mình. Họ không thể chấp nhận có một giới hạn mà họ không thể bước qua. Và như thế khi có một tình huống nào xảy đến không theo ý thích của họ, hoặc cản trở việc làm của họ, thì họ sẽ dùng mọi cách, kể cả bạo lực dã man để “dọn sạch”! Có thể sau đó họ sẽ hối hận vì những việc họ làm. Nhưng thường là đã quá muộn và họ phải trả một cái giá quá đắt.
Ý thức được con người là một hữu thể có giới hạn và luôn luôn bị chi phối bởi những giới hạn, giúp ta tránh mắc phải (đôi khi một cách lãng nhách!) nhiều điều đáng tiếc. Từ những chuyện nhỏ như buồn bực và nổi giận vô cớ, cho đến những tội ác dã man như đã nêu ở trên. Điều này đúng trong đời sống nhân bản, thiêng liêng cũng như tu đức. Nó cũng đúng trong đời sống xã hội, Giáo hội, gia đình cũng như trong cộng đoàn của những người sống đời thánh hiến.
Để là người và sống đúng ơn gọi làm người, làm người Kitô hữu, làm người dâng hiến,… thì luôn luôn cần có một giới hạn nào đó. Vâng, “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi an, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,16-17).
Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán
0 nhận xét:
Đăng nhận xét