Đời sống cộng đoàn đối với nhà tu
mà nói là một đề tài khá quen thuộc nhưng lại là một đề tài muôn thuở vì đời sống
cộng đoàn là một hành trình ơn gọi không biên giới đi đến sự hiệp thông với
Thiên Chúa và tha nhân. Những ý tưởng dưới đây, người viết hoàn toàn dựa vào huấn
thị Congregavit nos in unum Christi amor
- Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, để trình bày sự hiệp thông là hệ quả tất
yếu của đời sống cộng đoàn.
Khi tạo dựng người nam và người nữ
theo hình ảnh của Người, Thiên Chúa đã sáng tạo họ để họ sống hiệp thông. Thiên
Chúa, Đấng sáng tạo, đã mặc khải chính Người là tình yêu, là Ba Ngôi, là sự hiệp
thông, đã mời gọi họ tham dự vào mối tương quan thâm sâu của chính Người và vào
mối hiệp thông liên vị trong tình huynh đệ đại đồng giữa người với người (x. số
9).
Trong nhiều hình thức khác nhau,
đời sống huynh đệ cộng đoàn luôn luôn là cách diễn tả triệt để tinh thần huynh
đệ phổ quát, là tinh thần hiệp nhất các kitô hữu. Cộng đoàn tu tri là một biểu
hiện hữu hình của sự hiệp thông, vốn là nền móng của Giáo hội và đồng thời là sự
tiên báo sự hợp nhất mà Giáo hội nhắm tới như cùng đích của mình. Nhờ vào sự từ
bỏ và khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm, các tu sĩ có thể vượt qua những trở ngại để đạt tới đức ái nhiệt
thành và cùng nhau là dấu chỉ của sự hiệp thông
thâm sâu với Thiên Chúa và tha nhân. (x. số 10)
Để các thành viên trong cộng đoàn
trở thành huynh đệ và tiến đến sự hiệp thông, cộng đoàn phải trở thành “Schola
amoris”- trường dạy yêu mến cho người trẻ cũng như cho người trưởng thành.
Trong trường học này mọi người học biết yêu mến Thiên Chúa, yêu mến anh em sống
chung với mình và yêu mến đồng loại (x.
số 25). Nơi trường học này, từ hồng ân
hiệp thông phát xuất bổn phận xây dựng
tình huynh đệ, bổn phận trở thành anh chị em với nhau trong một cộng đoàn, nơi
mà tất cả mọi người được kêu gọi sống chung với nhau (x. số 11).
Đức Kitô là mẫu mực cho việc xây
dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn, Ngài là nguồn mạch, mẫu mực và thước đo của
giới luật yêu thương, một tình yêu quên mình. Cho nên, các thành viên trong cộng
đoàn luôn được mời gọi đón nhận tha nhân
như Đức Kitô đã đón nhận họ (x.
Rm 15,7), và mang gánh nặng cho nhau, có như vậy họ mới chu toàn được luật Đức
Kitô (x. Gl 6,21).
Một lộ trình từ đời sống cộng
đoàn với nhiều khác biệt đến sự hiệp thông hòa điệu là một lộ trình dài và đầy
khó khăn. Cho nên, để sống với nhau như là anh em, các thành viên cần phải có một
cuộc hành trình giải phóng nội tâm bằng yêu thương và tha thứ. Sự hiệp nhất mà
chúng ta phải xây dựng là sự hiệp nhất
được thiết lập bằng cái giá của sự hòa giải (x. số 26).
Tóm lại, đời sống cộng đoàn tu
trì sẽ trở thành vô nghĩa nếu các thành viên cứ mải miết đi tìm cái riêng của
mình mà không đi tìm cái chung của cộng đoàn, đặc biệt sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu
các thành viên không ra sức tìm kiếm sự hiệp thông huynh đệ qua kinh nguyện,
bác ái, phục vụ, đối thoại và hòa giải. Một cộng đoàn tu trì mà đánh mất sự hiệp
thông huynh đệ, sẽ trở nên khô héo và suy tàn như cành cây lìa khỏi thân. Ngược
lại, một cộng đoàn tu trì đúng nghĩa phải là một “schola amoris”, trong đó các
thành viên ra sức xây dựng sự hiệp thông huynh đệ để cùng nhau làm chứng cho nước
trời. Một cộng đoàn xây dựng được sự hiệp
thông, các thành viên sẽ cảm nhận được câu Thánh Vịnh sau một cách sâu sắc nhất:
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau,…
Nơi đây ân huệ Chúa ban,
chính là sự sống chứa chan muôn đời” (Tv, 132).
Richard
Công
0 nhận xét:
Đăng nhận xét