(x Lc10:42)
Trong một cuộc sống nhộn nhịp, hối hả và quyết liệt như ngày nay, ai cũng phải vất vả làm việc mới có thể tồn tại. Học sinh có việc của học sinh, công nhân có việc của công nhân, tu sĩ có việc của tu sĩ, linh mục có việc của linh mục. Làm việc để tích luỹ kiến thức, tiền bạc là một lẽ hiển nhiên; làm việc còn là một điều kiện tiên quyết để duy trì những đức tính và giá trị của con người, để rèn giũa, nuôi dưỡng một con người lành mạnh về cả thể lý lẫn tinh thần. “Lao động là vinh quang” – người ta thường hay nói như vậy. Có người làm ít, có người làm nhiều, nhưng không một ai có thể đi ra khỏi sự ràng buộc của làm việc. Vậy, làm thế nào là nhiều và thế nào là ít? Có phải một sinh viên suốt ngày bận rộn với những lớp học, những quyển sách, những đề tài nghiên cứu làm việc nhiều và một đan sĩ suốt ngày ở trong đan viện làm việc ít không?
Phúc Âm Luca có một câu chuyện mà hẳn là có nhiều người vẫn thường lấy ra để trêu chọc hoặc khuyên nhủ nhau, đó là câu chuyện về hai chị em Matta và Maria (x. Lc 10,38-42). Lúc còn nhỏ, và mãi cho đến thời gian gần đây, tôi vẫn hay thắc mắc rằng, Matta làm nhiều việc như thế thì Chúa bảo không nên, còn Maria không làm gì thì Chúa lại bảo là “đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”, vậy hoá ra lười biếng như thế lại tốt à? Có bất công với Matta quá không? Và nếu ai cũng như Maria, không làm gì cả thì thế giới sẽ ra sao? Đã suy tư nhiều, đã tìm hiểu nhiều, đã hỏi nhiều bậc lão thành nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Cuối cùng thì qua thời gian, tôi cũng có câu trả lời cho chính mình. Quả thật, chỉ bằng những trải nghiệm, chỉ qua một thời gian kiên nhẫn thì người ta mới có thể lớn lên. Hóa ra không phải là làm nhiều hay ít mà là kết hiệp với Chúa nhiều hay ít mà thôi, hay nói cách khác là không phải làm như thế nào mà là yêu như thế nào. Dù phải làm trăm công nghìn việc hay không phải làm gì, thì điều duy nhất quan trọng cũng chỉ là mức độ sống mật thiết với Đức Kitô.
Mọi thứ đều vô nghĩa khi không có Chúa, làm được việc này việc nọ để đánh mất Chúa thì cũng không có ý nghĩa gì: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” (Tv 126). Điều quan trọng, điều cơ bản nhất vẫn là nên một với Thiên Chúa đang hiện diện nơi mỗi người, vẫn là sống trọn vẹn một tình yêu, một con người đã được thông ban sự sống vĩnh cửu của Đức Kitô Phục Sinh chứ không phải là say mê làm hết việc này việc nọ để rồi chẳng còn nắm giữ được gì cho mình. Có gì mà tồn tại được mãi đâu? Có khả năng nào, công việc nào mà con người có thể nắm bắt được đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình? Chẳng có gì cả. Chỉ có Thiên Chúa mà thôi. Một khi đã có được Thiên Chúa thì không một ai còn muốn nắm bắt bất cứ thứ gì ở cuộc đời này và thuộc về cuộc đời này. Bao nhiêu tài năng, bao nhiêu thành công rực rỡ cũng chỉ là một con số 0 tròn trĩnh so với Chúa là nguồn cội mọi sự. Vì thế, làm nhiều hay ít không phải là chuyện đáng quan tâm, “chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”: sống với Chúa, đặt trọng tâm cuộc sống mình vào Đức Kitô, Đấng đang hiện diện âm thầm nơi mỗi người.
Ngày nay, nhu cầu của xã hội đòi hỏi hầu hết các hội dòng phải có những tu sĩ làm được nhiều việc bác ái, các hoạt động xã hội, từ thiện,… Càng lúc càng có nhiều tu sĩ thích hoạt động hơn là ở lại trong nhà dòng, ai cũng cố tìm cho mình một việc gì đó, để chứng tỏ rằng “tớ đây không phải loại ăn bám nhé!”, để được thể hiện tài năng, để không đem công sức học hành rèn luyện đổ sông đổ biển, và càng hoạt động càng đánh mất sự thinh lặng nội tâm, càng đánh mất cơ hội để thăng tiến tâm hồn mình. Và dần dần trở thành một cái máy giỏi làm việc với một tâm hồn nghèo nàn… Làm việc không phải là một điều không tốt; chính Chúa Giêsu cũng đã là một người thợ mộc lành nghề ở Nazareth, nhưng nếu làm việc mà không có sự kết hiệp sâu xa với Chúa thì không gì hơn là những việc làm vô nghĩa, chỉ để thoả mãn những nhu cầu được thể hiện của bản thân và rồi dẫn đến kết quả là đánh mất chính mình. Khi ấy, bao nhiêu việc tông đồ, bác ái, phục vụ cũng chỉ là những bức màn vụng về che chắn cho một tâm hồn trống rỗng, non nớt. Bảo là làm chứng nhân cho Chúa mà không sống kết hiệp cùng Chúa thì chứng nhân thế nào? Một cái cây mà không cắm rễ sâu vào lòng đất thì cái cây ấy sẽ ra sao? Làm được bao nhiêu việc hay ho mà không có được Chúa trong tâm hồn thì cũng không khác gì xây nhà trên cát, một cơn gió thoảng qua là sụp đổ tất cả, chẳng còn lại gì. Và ngược lại, những ai gắn chặt cuộc đời mình vào Đức Kitô thì thường nhận được nhiều thành công về cả tâm linh lẫn các hoạt động tông đồ. Rất ít thấy ai có được Chúa là gia nghiệp mà bị xem là kẻ vô dụng.
Một con người phục vụ nhiều, làm việc nhiều mà không kết hiệp sâu xa với Chúa thì tất cả cũng chẳng có gì đáng nói. Và một con người dựa vào lời Chúa để sống một cuộc đời lười biếng thì cũng chẳng còn gì để nói. Điều quan trọng duy nhất là nên một với Chúa trong từng hành động, từng nghĩ suy, từng giây phút sống của cuộc đời. Không phải không làm việc, mà là làm việc cùng với Chúa. Không phải không ra đi, nhưng là ra đi cùng với Chúa. Một việc làm có ý nghĩa là một việc làm được trao phó vào tay Chúa và cậy nhờ hoàn toàn vào Chúa chứ không phải sức riêng con người yếu đuối. Từ Chúa mà phát sinh mọi sự, cho nên không bắt đầu từ Chúa thì cũng không có được bất cứ thứ gì.
“Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”.
Dấu Lặng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét