trong đời sống người giáo dân
Nhìn vào đời sống đức tin của người kitô hữu giáo dân Việt nam, chúng ta có thể nhận thấy phần đông người kitô hữu tham dự những cử hành phụng vụ nói chung và cử hành Bí tích Thánh thể nói riêng một cách thờ ơ, thiếu linh động; đúng hơn là họ tham dự để chu toàn bổn phận hơn là để nhận được những hiệu quả từ những cử hành phụng vụ để sống một đời sống kitô hữu tốt. Dẫn đến tình trạng này một phần cũng có thể là do thiếu hiểu biết của những người kitô hữu giáo dân, họ không được học hỏi và hướng dẫn một cách tận tình. Trong khi đó, giáo huấn của Giáo hội đã cho thấy tầm quan trọng của việc cử hành Bí tích Thánh thể trong đời sống của người kitô hữu: “Bí tích Thánh thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống kitô hữu”[1]. Cũng từ thực trạng trên, người viết xin được trình bày một khía cạnh nhỏ của Bí tích Thánh thể trong đời sống của người kitô hữu giáo dân; qua đó, người kitô hữu giáo dân có thể hiểu được tầm quan trọng cũng như lành nhận được những ích lợi mỗi khi tham dự cử hành Bí tích Thánh thể ban cho đời sống của họ.
1. Nguồn ơn thánh hoá
Trước hết, chúng ta thấy Bí tích Thánh thể được coi là trọng tâm của mọi Bí tích và mọi Bí tích khác hướng về Bí tích Thánh thể như nguồn gốc phát sinh ơn thánh. Điều này được sách giáo lý Công đồng Trentô dạy:
“ … Thánh thể là nguồn mạch, các Bí tích khác như suối lạch; và đây không chỉ là so sánh, nhưng phải coi Thánh thể một cách đích thực và tất yếu là nguồn mạch mọi ân sủng, vì chứa đựng Chúa Giêsu cách lạ lùng, là nguồn mạch mọi ơn lành, mọi đoàn sủng, mọi hồng ân, và là tác giả của mọi bí tích. Tất cả những gì thiện hảo và hoàn thiện đều từ bí tích này, như từ nguồn mạch phát sinh”[2]
Như vậy, Bí tích Thánh thể là nguồn mạch ơn thánh mà Thiên Chúa ban để thánh hoá con người. Vậy những ơn thánh mà Thiên Chúa ban để thánh hoá con người là những ơn nào? Ở đây chúng ta có thể liệt kê một vài ơn thánh mà Thiên Chúa ban qua Bí tích Thánh thể để thánh hoá con người.
Đầu tiên, chúng ta có thể nói đến ơn mà Thiên Chúa ban xuống cho con người là ơn Thánh hoá. Ơn thánh hoá là ơn từ Chúa Kitô và chỉ nhờ Chúa Kitô mà có (x. Ga 1,17), vì Người là Đấng đầy tràn ân sủng và sự thật (x. Ga1,14), vì thế, chúng ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác (Ga 1,16). Ơn thánh này giúp người kitô hữu liên kết với Thiên Chúa và gia tăng sức mạnh cho con người đối phó với kẻ thù, những suy thoái, những sa ngã[3].
Ơn thứ hai mà người kitô hữu lãnh nhận từ Thánh thể đó là ơn thừa hưởng sự sống đời đời hay ơn sống lại. Ơn này đã được Chúa nói trong Kinh thánh: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6, 33). Vậy, người kitô hữu để có một sự sống mới thì phải sống kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh thể vì “ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). Tiếp theo, ơn thứ ba mà Thánh thể ban cho chúng ta là ơn tha tội. Ơn tha tội nơi Thánh thể không tẩy xoá mọi tội ác của chúng ta, nhưng chỉ tấy xoá các tội nhẹ bởi ân sủng của Bí tích[4]. Ngoài việc tha các tội nhẹ, Thánh thể còn giúp người kitô hữu xa tránh các tội[5]. Như vậy, chúng ta thấy được rằng Thánh thể là nguồn mạch mọi ơn mà Thiên Chúa ban cho con người, nhưng con người có thể đón nhận những ơn đó như thế nào là tùy thuộc vào tâm tình của mỗi người. Nếu chúng ta tham dự cử hành Thánh thể với thái độ tích cực, chắc hẳn chúng ta sẽ nhận được nhiều ơn ích để sống một cuộc đời kitô hữu tốt.
2. Nuôi dưỡng đời sống đức tin
Để hiện hữu trên trần gian này, con người cần phải ăn, phải uống. Nếu không ăn không uống thì con người không thể hiện hữu được. Đây là điều mà một người bình thường không thể không biết. Cũng vậy, việc ăn việc uống cần thiết cho đời sống của con người thế nào thì Thánh thể cũng cần thiết cho đời sống đức tin của người kitô hữu như vậy. Người kitô hữu muốn sống đời sống đức tin của mình một cách vững mạnh thì cũng cần phải được nuôi dưỡng bằng Thánh thể thường xuyên, và Thánh thể sẽ là nguồn mạch chính yếu nuôi dưỡng đời sống đức tin của người kitô hữu. Bởi vì việc tham dự vào bàn tiệc Thánh thể là phương thế thích hợp để duy trì và bổi dưỡng sự sống thần thiêng cũng như bữa ăn để duy trì đời sống phần thân thể. Điều này chúng ta thấy trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của Thánh thể đối với đời sống đức tin của người kitô hữu: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6, 55).
Như vậy, đời sống đức tin của người kitô hữu để được tăng triển thì phải có sự hiệp thông với Thánh thể. Nếu người kitô hữu không hiệp thông với Thánh thể, thì người kitô hữu không có sự sống nơi mình được. Bởi vì Thánh thể chính là mình máu Chúa Kitô, là lương thực nuôi dưỡng và bổ sức cho linh hồn người kitô hữu. Vì thế, mỗi ngày người kitô hữu cần tham dự các buổi cử hành phụng vụ nói chung và nhất là Thánh lễ; vì trong Thánh lễ, chúng ta được tham dự vào bàn tiệc Lời Chúa và Thánh thể để múc lấy nguồn sức sống cho đời sống đức tin của mình.
Cuối cùng, chúng ta có thể nói rằng, đời sống đức tin của người kitô hữu có được khỏe mạnh, có được sự tăng triển phần hồn là do có thường xuyên kết hợp với Thánh thể hay không. Nếu thường xuyên kết hợp với Thánh thể, chắc hẳn đời sống đức tin sẽ phong phú và trổ sinh hoa trái, bằng không, đời sống đức tin sẽ trở nên héo khô. Thánh thể là một nhu cầu sống còn của đời sống đức tin người kitô hữu, và người kitô hữu nào không hiệp thông với Thánh thể thì không thể sống đời sống người kitô hữu cho trọn vẹn được[6].
3. Đức ái
Nhìn vào cuộc sống hôm nay, con người nói chung và người kitô hữu nói riêng vẫn còn nhiều tranh chấp, thù hằn, ganh ghét. Do đâu xảy ra tình trạng này? Phải chăng là do thiếu đức ái? Đúng vậy! một khi con người thiếu đức ái với nhau thì sẽ dẫn đến những hành vi, cách cử xử thiếu tôn trọng lẫn nhau. Vậy thì làm sao để người kitô hữu có thể sống đức ái, thực thi đức ái như Chúa Giêsu muốn?
Với khả năng tự nhiên, người kitô hữu rất khó thực hiện đức ái như Chúa đòi hỏi: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Vậy để thực hiện được đức ái như Chúa muốn, người kitô hữu cần phải được nuôi dưỡng thường xuyên bằng Thánh thể. Bởi vì Thánh thể là nguồn mạch của đức ái; hay nói cách khác, công hiệu riêng biệt của Thánh thể là thêm đức ái[7]. Như vậy, điều thiết yếu để có đức ái của Đức Kitô thì người kitô hữu cần năng tham dự cử hành và hiệp thông Thánh thể. Thánh thể chính là Đức Kitô, là Đấng tình yêu và điều này chính Đức Kitô đã nói “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56), hay “Thên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4, 16).
Khi người kitô hữu được nuôi dưỡng từ bàn tiệc Thánh thể, việc thực thi đức ái không chỉ giữ trong lòng mà luôn được mời gọi thể hiện ra bên ngoài bằng những việc cụ thể trong đời sống đức tin của mình. Đức ái của người kitô hữu không chỉ là những thiện cảm với nhau, nhưng đức ái của người kitô hữu phải là tình yêu trổi vượt, siêu nhiên và thần linh, tức là tình yêu của Chúa Kitô yêu thương chúng ta[8].
Ngoài ra, việc thực thi đức ái của người kitô hữu hôm nay như thế nào cũng sẽ được tỏ bày vào thời cánh chung. Trong ngày cánh chung, người thực thi đức ái cũng giống như người bên phải:
“ … Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các người đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; ta đau yếu, các ngươi đã tham viếng; Ta ngôi tù, các ngươi đã đến hỏi han [ … ] Ta bảo thật các người: mỗi lần các người làm như thế cho một trong những an hem bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 34-40)
Nếu người kitô hữu không thực thi đức ái thì cũng bị Thiên Chúa nguyền rủa trong ngày phán xét chung:
“ … Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng tham viếng […] Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 41-45).
Nói tóm lại, đức ái là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin của người kitô hữu. người kitô hữu chỉ thể hiện được những điều Chúa muốn khi họ được nuôi dưỡng thường xuyên bằng Thánh thể. Khi được nuôi dưỡng bằng Thánh thể thì người kitô hữu mới có sức mạnh để thực thi đức ái của mình ra trong cuộc sống hằng ngày.
4. Kết hiệp với Chúa Kitô và anh em
Nhìn vào đời sống hôm nay, người kitô hữu không thể sống hiệp thông, hiệp nhất với anh em mình nếu không có sự hiệp thông hiệp nhất với CHúa Kitô. Người kitô hữu cũng không thể có sự hiệp thông hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Kitô nếu không thường xuyên tham dự cử hành và hiệp thông Thánh thể. Như vậy, tham dự cử hành Thánh thể là phương thế để người kitô hữu kết hiệp với Chúa Kitô và anh của mình.
Để sống kết hiệp với Chúa Kitô thì người kitô hữu có rất nhiều phương thế, nhưng phương thế hoàn hảo nhất đó chính là rước lấy Chúa Kitô trong Thánh thể[9], vì hiệu quả chính yếu của Thánh thể là được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô[10]. Điều này được nói rất rõ trong Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Việc rước lễ tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô. Hiệu quả chính yếu của việc rước lễ là được kết hiệp thâm sâu với Chúa Kitô. Chúa đã phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì luôn kết hiệp với tôi, và tôi luôn kết hiệp với người ấy”[11]. Như vậy, người kitô hữu muốn sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô thì phải tham dự Thánh thể, vì Thánh thể chính là Mình Máu Chúa kitô, là lương thực thần linh nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta.
Trong Thánh thể, người kitô hữu khi kết hiệp với Chúa Kitô còn được trở nên giống Người, và nhất là được sống lại và tham dự vào sự sống đời đời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). Nhưng người kitô hữu không chỉ kết hiệp với Chúa Kitô qua Thánh thể, mà người kitô hữu còn được mời gọi kết hiệp với anh em để tạo nên một nhiệm thể duy nhất trong Chúa Kitô.
Như vậy, để có thể kết hiệp với Chúa Kitô, người kitô hữu cần phải tham dự bàn tiệc Thánh thể. Cũng vậy, người kitô hữu có thể sống kết hiệp với anh em của mình thì cũng cần phải kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. Khi kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, được Chúa Kitô nuôi dưỡng, người kitô hữu mới có khả năng kết hiệp với anh em mình thành một thân thể duy nhất: “Ai hiệp lễ, đều được kết chăt chẽ với Chúa Kitô. Nhờ đó, Chúa Kitô kết hiệp họ với các tín hữu khác thành một thân thể duy nhất là Hội Thánh”[12]. Kết hiệp với Chúa Kitô là điều kiện thiết yếu để người kitô hữu có sức mạnh kết hiệp với anh em của mình để trở nên một thân thể: “Vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chi sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 17).
Nói tóm lại, người kitô hữu là những cành nho của cây nho duy nhất là Chúa Kitô. Người kitô hữu cần phải luôn gắn liền với thân nho để hút nhựa sống của cây; chỉ có vậy, đời sống của họ mới sinh hoa kết trái: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Như vậy, trổ sinh hoa trái là một đòi hỏi căn bản của đời sống kitô hữu. Trong đời sống kitô hữu, ai không trổ sinh hoa trái thì không hiệp thông với Chúa Kitô và sẽ bị chặt bỏ: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi” (Ga15,2).
Kết luận
Qua những gì vừa trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng để nhận lãnh được những hiệu quả từ bí tích Thánh thể thì người kitô hữu giáo dân còn phải tham dự tích cực trong những buổi cử hành phụng vụ nói chung và Thánh thể nói riêng. Người kitô hữu tham dự tích cực là tham dự bằng đức tin và đức mến[13], hay nói cách khác là tham dự có ý hức, với sự chú ý của tâm hồn và lòng sốt sáng kết hiệp mật thiệt với Chúa Kitô và có những tâm tình của Chúa Kitô như lời thánh Phaolô: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Việc tham dự tích cực của người kitô hữu còn phải được thể hiện ra bên ngoài bằng những lời tung hô, ca hát, những cử điệu xứng hợp, nhưng cao điểm của sự tham dự tích cực là khi người kitô hữu hiệp lễ[14]. Việc tham dự tích cực của người kitô hữu còn được giáo huấn Giáo hội nói đến:
“Mẹ Giáo hội ta thiết ước mong toàn thể tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi việc tham dự như thế: lại nữa, nhờ phép Rửa tội, việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân kitô giáo “là giòng giống được lựa chọn, là từ tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, là dân được tuyển chọn”[15].
Như vậy, việc tham dự tích cực của người kitô hữu là một đòi hỏi của bản chất phụng vụ, mà bản chất phụng vụ là “một hiện thực hóa luôn luôn mới biến cố cứu độ nền tảng, trung tâm của lịch sử cứu độ: Thiên Chúa Cha qua trung gian Chúa Con, tự hạ xuống tới cái thấp hèn của nhận loại để đưa tất cả nhân loại trở về với Người nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần”[16]. Ngoài ra, do ấn tích Rửa tội, người kitô hữu trở nên thành viên của Giáo hội, vì thế họ có quyền và nhiệm vụ tham dự tích cực vào việc cử hành của Giáo hội[17]. Với quyền lợi và bổn phận này, người kitô hữu làm cho phụng vụ trở nên trọn vẹn và hoàn hảo[18]. Cuối cùng, việc tham dự tích cực của phụng vụ cũng là một đòi hỏi để có một đời sống kiô hữu đích thực: “Phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu từ đó các tín hữu múc lấy tinh thần kitô giáo đích thực”[19].
[1] Lumen Gentium, số 11, Giáo lý hội thánh Công giáo, số 1324.
[2] Trích lại từ Bùi Đức Sinh, Năm thánh 2005 học hỏi và sống mầu nhiệm Thánh thể, tr. 56-57.
[3] Xc. Bùi Đức Sinh, Năm thánh 2005 học hỏi và sống mầu nhiệm Thánh thể, tr. 61.
[4] Xc. Bùi Văn Đọc, Tặng phẩm thần linh, tr.105.
[5] Xc. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1393.
[6] Xc. Jean Galot, sj, Thánh thể sinh động, tr. 265.
[7] Xc. Nhị Bằng, Hiểu và sống lễ misa, tr.129.
[8] Xc. Jean Galot, sj, Thánh thể sinh động, tr. 282-283.
[9] Xc. Nguyễn Thế Thủ, Tìm hiểu các bí tích công giáo, tập II: Các bí tích khai tâm, tr. 255.
[10] Xc. Nguyễn Văn Trinh, Bí tích học, tập II: Thánh thể, tr. 344.
[11] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1391.
[12] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1396.
[13] Xc. A.M. Roguet, op., Tìm hiểu thánh lễ, tr.22.
[14] Sđd.,
[15] Sacrosanctum Concilium, số 14.
[16] Trần Đình Tứ, Phụng vụ nhập môn, tr.127-128.
[17] Xc. Giáo luật, số 834 §4.
[18] Xc. Trần Đình Tứ, Phụng vụ nhập môn, tr.128.
[19] Sacrosanctum Concilium, số 14.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét