(tiếp theo kỳ trước)
Âu Phủ
3. Đặc điểm của thời đại và một số tính chất cần thiết của giáo lý hôm nay
3.1 Giới hạn về không gian và thời gian được thu hẹp: Sự nên một của các hình thức sứ vụ lời Chúa trong sự liên hệ mật thiết với các hoạt động và lao động chuyên biệt.
Xưa kia, việc di chuyển từ nơi này tới nơi kia thật là khó khăn. Để đến được một nơi xa, thì người bộ hành cần đến nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần hoặc nhiều tháng cho việc đi lại. Phương tiện chính yếu của hầu hết mọi thường dân là đi bộ. Nếu giàu có một chút thì có thể đi bằng xe ngựa hoặc các phương tiện vận chuyển thô sơ khác. Thuyền bè thì không chỉ thô sơ và chậm chạp, mà còn nguy hiểm. Đi từ lục địa này tới lục địa kia quả là một cam go.
Trong bối cảnh như thế, khái niệm “đi truyền giáo” luôn gắn liền với hình ảnh những chuyến đi mạo hiểm đến những vùng đất xa xôi. Hình ảnh một nhà truyền giáo, lạ lẫm như từ trên trời rơi xuống, cố gắng “khai hóa” người dân bản địa cả về văn minh khoa học và chân lý tôn giáo là một hình ảnh phổ biến và quen thuộc (cần phân biệt văn minh khoa học và văn minh văn hóa). Tiếp sau loan báo Tin Mừng là hình ảnh xây dựng những xóm đạo theo văn hóa Thiên Chúa giáo qua việc dạy giáo lý, tập luyện các thói quen tham dự các bí tích (Lúc này ta có thể nói là “theo văn hóa Thiên Chúa Giáo,” vì việc xây dựng hoặc tiến trình hội nhập văn hóa được thực hiện bởi chính người dân bản địa, chứ không phải do người khác mang lại). Kế tiếp nữa là việc đào sâu thêm về thần học, để người bản địa trưởng thành về đức tin cùng với việc tự quản khi có những giáo sỹ là người bản địa.
Cũng trong hoàn cảnh như thế, “sơ đồ” về sứ vụ Tin Mừng được “vẽ” và được sử dụng là “sơ đồ” chỉ có một chiều. Mọi thứ được bắt nguồn từ Rôma và Châu Âu, và không có chiều ngược lại. Người truyền giáo đến từ đó, giáo huấn và các đường lối cũng đến từ đó.
Bên cạnh cảm thức về không gian mênh mông, đó là cảm thức về thời gian chậm rãi và nhàn rỗi. Nền kinh tế chủ yếu xưa kia là nông nghiệp. Nhịp điệu cuộc sống trôi nhịp nhàng theo mùa vụ hàng năm. Người nông dân thường chỉ bận rộn vào những ngày thu hoạch mùa vụ. Còn những ngày tháng còn lại thì thảnh thơi, nhàn rỗi chờ đợi mùa thu hoạch tới. Những năm trước đây, khi các tỉnh Miền Tây của Việt Nam còn trồng lúa mùa, công việc gieo trồng ở đây thường được miêu tả là “làm chơi mà ăn thật.” Thật vậy, ngoài mùa thu hoạch bận rộn, chỉ có một lần trong một năm ra, thì thời gian còn lại của cả một năm thật là chậm rãi và nhàn hạ. Vào mùa nước cạn, người nông dân cày vữa ruộng ra, không cần gấp gáp, nếu không hôm nay thì ngày mai cũng được. Sau đó chờ những cơn mưa đầu mùa đến, sạ những hạt giống khô xuống ruộng. Một cách tự nhiên, lúa sẽ mọc lên và lớn dần theo con nước. Thỉnh thoảng thì ra thăm ruộng để nhổ cỏ hoặc cấy dặm vào những chỗ lúa thưa. Cũng ít khi cần đến thuốc sâu hoặc phân bón. Cứ vậy, thời gian êm đềm trôi cho đến mùa thu hoạch vào mùa khô năm tới.
Những ngày lễ hội nhộn nhịp được tính theo thời điểm của mùa vụ và một số ngày đặc biệt trong năm, như đầu năm hoặc ngày có trăng tròn nhất. Tết thì kéo dài nhiều ngày trong tháng Giêng, và những ngày tháng còn lại thì cũng vẫn nhàn hạ, như câu dân ca thường ví von: “Tháng Một là tháng ăn chơi, tháng Hai…, tháng Ba…”
Với cảm thức về thời gian chậm rãi và thư thả như vậy, cùng với cảm thức về một thiên nhiên đầy những huyền bí do cảm thức về sự trải rộng mênh mông của không gian mang lại, người dân có thời gian và niềm vui quây quần bên nhau, chia sẻ và thưởng thức những câu truyện cổ tích, thần thoại, hoặc những thiên anh hùng ca… Trong hoàn cảnh này, việc quy tụ một lớp giáo lý là không khó. Những chuyện kể về Chúa Giê-su, các thánh Tông đồ và những chuyện trong Cựu Ước có sức ảnh hưởng hết sức lớn lao. Ngay cả việc lắng nghe những bài thuyết giáo khô khan thật dài, đối với người bình dân, thì cũng không đến nỗi “đáng chán lắm,” vì dầu sao thì họ cũng “có thời gian;” và dù khô khan thì bài thuyết giáo kia cũng huyền bí lắm, theo như tâm thức mà họ thấy cái gì cũng huyền bí.
Xã hội ngày nay thì đã có quá nhiều thay đổi so với xã hội xưa kia. Không gian bị thu hẹp lại, đến độ chật hẹp và quá chật hẹp. Không gian không còn huyền bí nữa, nhưng đã do con người “làm chủ.” Reng…reng… Alô.. và một cuộc đàm thoại của hai người ở nửa bên này và nửa bên kia trái đất được bắt đầu. Không gian ở các thành phố lớn thì chật chội quá sức, nơi ở thì được tính bằng mét, và việc di chuyển thì khó khăn, không phải vì đường xá hiểm trở, nhưng là vì kẹt xe, vì đâu đâu cũng toàn là người và người. Hôm nay còn đang ở Việt Nam, nhưng ngày mai thì có thể đã đang ở Hoa Kỳ hoặc Rôma. Trái đất không rộng lớn nhưng là nhỏ bé và chật chội quá, nên con người đang đi tìm những ngôi nhà mới, những hành tinh mới trong vũ trụ.
Thời đại của công nghiệp và thông tin làm cho thời gian ngắn lại. Con người trở nên bận rộn và tất bật. Thời gian không còn được tính theo năm tháng hay mùa vụ, nhưng là theo ngày, giờ và phút. Lễ hội và thời gian vui chơi không còn được tính theo mùa, nhưng là được thu lại thành những ngày nghỉ cuối tuần và những buổi vui chơi gấp rút. Chưa hết Mùng Ba Tết, thì người nông dân của thời đại lúa Thần Nông đã lo ra ruộng xịt thuốc bón phân. Người ở thành thị lại càng gấp gáp hơn. Sáng sớm lao ra đường lo công việc. Trưa tất tả ăn cho nhanh. Tối hối hả đi đến các câu lạc bộ vui chơi giải trí. Ngủ chưa kịp no giấc thì ngày mới lại đã bắt đầu. Tốc độ công việc thì vụt bay như tên bắn. Lợi nhuận được tính theo tốc độ thời gian nhanh chậm của thông tin. Sau một giờ, giá cả của thị trường có thể tăng vọt thật cao và cũng có thể tụt xuống thấp. Thời gian dường như ngắn lại, đời người dường như ngắn lại. Bài giảng 15 phút trong Thánh Lễ là quá dài! Sống và hành động. Không có thời gian ngồi nghe giáo lý. Suy tư về các chuyện thần thánh là phung phí thời gian “hiện sinh” của đời người ngắn ngủi.
Tuy có bốn hình thức sứ vụ về lời Chúa (như đã nói ở 2.1) vì chúng có những quy luật riêng, nhưng sự phân biệt về chúng chỉ có giá trị trong nghiên cứu lý thuyết, còn trong thực tiễn thì chúng không thể tồn tại tách rời nhau. Trong hoàn cảnh xã hội xưa kia, từng hình thức [(1) loan báo Tin Mừng—(2) giáo lý—(3) giảng thuyết—và (4) thần học] được nhấn mạnh một cách riêng biệt và theo một trình tự nhất định là thích hợp và cần thiết, vì chúng tương thích với các khoảng không gian dường như tách biệt nhau và các khoảng thời gian dường như chỉ được phân định theo mùa. Nhưng trong hoàn cảnh hôm nay, tất cả bốn hình thức nên được gom lại và nhấn mạnh đồng thời, vì điều kiện và cảm thức về không gian và thời gian đã khác, vì giới hạn về không gian và thời gian dường như không còn nữa, vì không gian và thời gian như bị dồn lại thành một: đó là giây phút hiện tại, như ta đã nói ở trên. Vẫn biết rằng “mưa lâu thấm đất,” nhưng nếu cần, chẳng hạn như, đối với những công nhân trẻ, những người phải làm thêm ca hoặc làm nhiều công việc cùng lúc, thì bài giảng trong Thánh Lễ chỉ cần ngắn gọn bằng một câu, nhưng trong một hoàn cảnh được quan tâm nhiều bằng cả con tim, thì một câu kia cũng đã có thể là một bải giảng hoản hảo, một loan báo Tin Mừng thuyết phục, một bài giáo lý đích thực, và là một bài suy luận thần học xuất chúng: đó là một “cơn mưa lớn” đủ để “thấm đất.”
Trong cùng một khu phố hoặc một xóm làng, có thể có nhiều người thuộc nhiều tôn giáo và người vô thần cùng cư ngụ. Họ không cùng làm một ngành nghề, không làm chung một công ty, không có những giờ làm việc giống nhau, và không có những thời gian sinh hoạt vui chơi hoặc nghỉ ngơi giống nhau. Tuy nhiên, họ không phải là hoàn toàn không liên quan đến nhau, ngược lại, đang liên quan và có thể là gắn bó với nhau một cách chặt chẽ, dù họ có ý thức hay không về điều đó. Trong một không gian giới hạn, một môi trường và hoàn cảnh giới hạn, mỗi hoạt động của người này đều có sự tác động đến người kia, ít nhất là về điều kiện sống, môi trường và hoàn cảnh. Tuy nhiên, vượt trên cấu trúc của môi trường tự nhiên, nếu xét về mặt liên đới, thì dù cùng sống chung trong một khu tập thể nhỏ bé và chen chúc, thì cũng có thể chẳng có sự liên quan gì đến nhau. Đó là nghịch lý và là thực trạng của xã hội hôm nay.
Sứ vụ lời Chúa nhắm tới tương quan: tương quan với Thiên Chúa và tương quan với tha nhân, nên nó vượt trên cấu trúc của môi trường tự nhiên. Tuy vượt trên, nhưng sứ vụ lời Chúa không thoát ly khỏi điều kiện sống, không tồn tại trên không khí, nhưng là được diễn ra ngay nơi môi trường sống hàng ngày. Như vậy, một trong những yếu tố cần thiết cần có ở một chương trình giáo lý cho ngày hôm nay là phải vượt qua được cái nghịch lý trên, cái nghịch lý “sống chung mà lại chẳng liên quan.”
Chúng ta không kết án, nhưng nên đón nhận và cùng đồng hành với xã hội trong hoàn cảnh thực tại của nó. Tuy quy luật phân công lao động của xã hội hiện đại đòi hỏi con người cần có sự chuyên biệt về lao động, và sinh hoạt đời sống sẽ chịu ảnh hưởng theo, tạo nên sự phức tạp hơn về cơ cấu xã hội và hoàn cảnh sống, nhưng nó không hoàn toàn bất lợi cho sứ vụ lời Chúa. Trong hoàn cảnh này, để giải quyết được cái nghịch lý “sống chung mà lại chẳng liên quan,” thì sứ vụ lời Chúa trước tiên cần tác động đến ý thức “sống chung và có liên quan.” Theo như sự phân công lao động, mỗi người đều có một ngành nghề chuyên biệt, thì chương trình giáo lý hôm nay có thể tiếp nhận và vận dụng đặc điểm này để phát huy sức sống của nó. Nghĩa là, mọi ngành nghề và mọi hoạt động đều có thể là một phương tiện cho việc giảng dạy và trau dồi giáo lý. Điều cốt yếu là chú tâm và thực hiện chúng theo một niềm tin sống động trong hoàn cảnh thực tại. Mỗi tác động vật lý đều có những ảnh hưởng vật lý kèm theo. Cũng vậy, mỗi tác động có ý thức về sự liên quan thì cũng sẽ có những ảnh hưởng đến ý thức về sự tương quan. Vì giáo lý vượt trên môi trường vật lý và sinh học, nhưng được thực hiện qua tự nhiên, nên một thầy giáo cũng có thể là một giáo lý viên, một chủ nhà trọ có thể là một giáo lý viên, một anh kỹ sư cũng có thể là một giáo lý viên, và một Linh mục cũng có thể là một giáo lý viên.
Xưa kia, bản đồ truyền giáo chỉ có một “chiều,” và mọi thứ được mang từ Rôma và phương Tây đến đều rất “thánh”: Đạo Thánh, Sách Thánh. Và mọi thứ đã hiến tế đều có tính chất thánh. Các nhà truyền giáo dường như không là người, mà là thánh và từ nơi xa xôi thánh thiêng tới. Ngày nay, sự huyền bí của những nơi xa xôi và những con người từ những nơi xa xôi ấy không còn nữa; mà ngược lại, những gì từ phương Tây thậm chí lại được xem như là rất phàm tục và rất thực dụng. Giờ đây, nhu cầu truyền giáo và dạy giáo lý ngược trở lại Rôma và phương Tây lại là điều rất đáng được quan tâm. Dĩ nhiên, giáo lý thánh mà chúng ta có thể dạy và truyền bá trở lại phương Tây không khoác chiếc áo “thánh” siêu phàm như ngày xưa, nhưng giáo lý thánh của hôm nay lại rất cần tính chất “người.” Càng người thì lại càng là thánh. Người giáo lý viên hôm nay không là những đấng bậc siêu phàm, nhưng là con người chân thật, tuy mang đầy những yếu đuối và tội lỗi nhưng vững một niềm tin và chan chứa một tình yêu trong Thiên Chúa và tha nhân.
Đến đây, chúng ta thấy rằng, việc dạy và trau dồi giáo lý được hiểu như là sứ vụ lời Chúa nói chung. Sứ vụ lời Chúa, trong hoàn cảnh xã hội có sự phân công lao động theo chuyên ngành, có thể được thực hiện thông qua bất cứ ngành nghề hay công việc gì. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, điều học hỏi và hướng về Thiên Chúa thì không giới hạn, nhưng vì con người có giới hạn nên giáo lý có tính quy định và tính hệ thống, như nó được hướng dẫn theo quyền giáo huấn của Giáo hội, nên trong thực tiễn cần có một chương trình giáo lý cụ thể để hướng dẫn và cấu thành một phần nội dung của các hoạt động hoặc lao động mà nó được hợp nhất với.
Một trong những yếu tố cần thiết cần có trong một chương trình giáo lý hôm này là: chính giáo lý, như là sứ vụ về lời hằng sống, phải là một yếu tố quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong các nghành nghề chuyên biệt cũng như trong các khía cạnh sinh hoạt của đời sống. Với yếu tố này, khái niệm giáo lý không còn bị giới hạn bởi lĩnh vực nhận thức, nhưng nó được hiểu như là một thực tại của đời sống hàng ngày.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét