Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

HIẾU HÒA


Khi chúng ta sống trong môi trường tập thể, cộng đoàn … thường có nhiều vấn đề nẩy sinh: bất hòa có, hòa bình có … Nhưng khuynh hướng bất hòa thường xẩy ra hơn vì những ý riêng của mình từ những nhỏ nhặt đến những chuyện lớn lao. Nhưng để sống trong cộng đoàn được an lành thanh thản và có niềm vui trọn vẹn, mỗi người biết bỏ ý riêng của mình và biết xây dựng mối hiếu hòa.
Vâng! Hiếu hòa chính là đem lại hòa thuận cho mọi người xung quanh. Đây là một đức tính tốt và rất quý, bởi vì khi đem lại hòa thuận cho mọi người xung quanh thì chính chúng ta đã đắc thủ an bình nội tâm rồi. Trong thái hòa: hòa với chính mình (hồn và xác), hòa với Thiên Chúa, hòa với tha nhân, hòa với thiên nhiên, thì hòa với chính mình và hòa với Thiên Chúa là quan trọng nhất. Nếu không có hai mối hòa này làm nền tảng mà chúng ta đi nói chuyện về “hòa bình” thì chúng ta chỉ là người phỉnh gạt, dối lừa hay chỉ là hòa bình của loài lang sói mà thôi.
Do sự phát triển quá mạnh của lý trí phân biệt, con người đã đánh mất thái hòa: xác có khuynh hướng rời hồn để sống theo bản năng thú tính, tức là sống theo tính tự nhiên: thích thì làm, không thích thì không làm. Trong thế hệ trẻ ngày nay, khuynh hướng này đang tỏa rộng, và chúng chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Với lối sống hưởng thụ, thực dụng, họ sống nhanh, sống vội và sống buông. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua cách ăn mặc – gọi là thời trang – nào là xanh, đỏ, tím, vàng … Ôi thôi đủ thứ. Tôi nghĩ, họ có còn là một “CON NGƯỜI” hay không? Hay chỉ là một “THÚ NUÔI” mà thôi! Mặt khác, con người ngày càng lánh xa Thiên Chúa hay chối bỏ Thiên Chúa vì họ chỉ suy theo lý trí của họ. Họ không còn tin vào “NHIỆM MẦU” nữa mà họ chỉ biết cái nào “THỰC” là họ “TIN”. Nhưng trong thâm tâm tôi tin chắc một điều, từ thẳm sâu trong cõi lòng của họ, họ vẫn khao khát một “ĐẤNG SIÊU VIỆT” giúp họ được an vững trong nội tâm vì chính trong con người họ đang bị xáo trộn hay bất an.
Hơn nữa, con người lại muốn bắt tha nhân làm nô lệ cho mình, bắt thiên nhiên tuân theo ý mình – hiện tượng chống lũ lụt. Nếu chống không được, thì đưa ra chủ trương “Sống chung với lũ”. Từ những nguyên nhân đó, hận thù ghen ghét nổi lên, khiến cho xã hội nhỏ nhoi nhất là một gia đình cũng dậy sóng. Cain giết Aben, Esau và Giacop xung khắc, Giuse bị các anh bán sang Ai cập … Đấy là những câu chuyện tiêu biểu trong Cựu Ước. Còn nhân loại từ cổ chí kim, từ đông sang tây, không thể tính sổ được những tàn nhẫn mà con người đã gây ra cho nhau từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn.
Vì thế, người nào củng cố được trong lòng mình mối an bình, người ấy đã thực sự bước vào được cõi đạo. Có thể trích lời Đức Giêsu mà nói với người ấy: “Ông không còn xa nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12, 34). Có an bình nội tâm, người ta đem an bình vào trong gia đình, cho làng xóm, trong cộng đoàn, cho đất nước, cho thế giới, là những bước kế tiếp sau. Các bước ấy cứ tuần tự mà tiến hành, bước nọ sau bước kia. Mới đầu là hàn gắn, hòa giải mối bất hòa nho nhỏ xung quanh mình, tạo nên một bầu khí êm ấm trong gia đình, trong cộng đoàn, cho làng xóm, sau đó, nếu có khả năng, có thời cơ, người ta có thể thổi lên bầu khí hòa bình trong đất nước, trong nhân loại. Theo Linh mục Thái Nguyên trong “Những Cánh Hoa Tâm Linh 1” cho rằng: “Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta là những sứ giả của sự hiếu hòa này. Sống trong thời buổi đầy tranh chấp và bạo lực, chúng ta cần phải trở thành những điểm nối kết và quy tụ, trở thành những con người xây dựng và kiến tạo hòa bình. Điều cần là chúng ta luôn nhận biết rằng, mình đang mang trong thâm tâm những mầm mống của tội lỗi và ích kỷ, nên chúng ta cần được hiếu hòa ngay cả khi chúng ta đem lại sự hiếu hòa cho người khác”.
Thật! Hiếu hòa cho những người xung quanh là tạo hạnh phúc cho chính mình. Hiếu hòa cho làng xóm là tạo hạnh phúc cho gia đình mình. Xây dựng hiếu hòa với anh em cùng chí hướng là tạo hạnh phúc cho cộng đoàn hiệp nhất. Tham gia vào việc hiếu hòa cho đất nước là tạo hạnh phúc cho cả một dân tộc trong đó có gia đình mình, và tạo hạnh phúc cho các quốc gia khác. Xa hơn nữa, đóng góp vào việc hòa bình thế giới là giúp cho nhân loại được hạnh phúc. Những cái thiệt nếu có trong việc hiếu hòa cho người khác: Hy sinh thời giờ, của cải, công việc …, bao giờ cũng đem lại hạnh phúc gấp bội. Niềm hạnh phúc đặc biệt nhất dành cho người hiếu hòa là cảm thấy niềm hạnh phúc nội tâm.
Thiên Chúa là Cha của loài người, cho nên Ngài chỉ muốn loài người yêu thương nhau, sống hòa bình với nhau. Những điều mà Thiên Chúa mạc khải cho các Ngôn sứ trong Cượu Ước hoặc cho các nhà hiền triết của nhân loại đều nhắm tới mục đích tạo hòa bình cho nhân loại.
Đức Giêsu nhập thể cũng vì mục đích ấy, vì thế Người mới dạy mọi người hãy yêu thương nhau, tha thứ cho nhau. Khi người nào hiếu hòa trong anh em, tạo nên tình thương giữa người với người, hẳn người ấy phải là con cái Thiên Chúa, bởi vì “Cha nào con nấy, Cha sao con vậy”.
Xin mượn lời nguyện trong Rabbouni của Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu để nói lên sự hiếu hoà và cũng thay lời kết:
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có những ngày

đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có những ngày
con không kính trọng kẻ khác được
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có những ngày
mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói
vì những nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó
xin hãy nhắc con nhớ rằng
tất cả chúng con là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói:
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ
 là làm cho chính Ta”

HẢI VOI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP