Cách chung nhất, văn hóa là sản
phẩm của hoạt động con người. Cách thông thường nhất, văn hóa là cách sống bao
gồm phong cách cư xử, trang phục, ẩm thực, tri thức của con người tại một vùng
cụ thể nào đó. Vì văn hóa là sản phẩm của hoạt động con người nên sẽ có những nền
văn hóa khác nhau là điều chắc chắn. Nét văn hóa của VTV khác với nét văn hóa của
HTV. Trong nét sinh hoạt văn hóa HTV thì nét văn hóa của “Xì Gòn” lại không giống
với những đặc điểm văn hóa của các tỉnh Miền tây.
Nét văn hóa nhà tu
Trong mỗi cộng đồng tu trì lại có
những nét văn hóa riêng biệt của mình. Nét sinh hoạt văn hóa của dòng này khác
với dòng kia. Nét văn hóa tu triều khác với tu dòng; nét văn hóa của dòng nữ
đương nhiên không thể nào giống với dòng nam. Chẳng hạn, có những dòng khi nói
đến là biết nhậu “trùm”, hoặc dòng kia nổi tiếng là đa số ai cũng hút thuốc.
Bên cạnh, những dòng nổi tiếng là hiếu khách ăn nói nhỏ nhẹ, có những dòng “tai
tiếng” là nói theo phong cách “Bùi Chu” quá sức. Hoặc ngoài những dòng mệnh
danh có trương độ nội quy rất rộng, đi đâu cũng được miễn là về trước 24g đêm!;
ngược lại, có các dòng nội quy thì thật nghiêm ngặt. Tuy khác nhau nhiều về nét
văn hóa nhưng vẫn có những sinh hoạt chung hay làm việc mục vụ chung, giao lưu
với nhau. Do đó, trong khi làm việc như vậy, xảy ra những chuyện vui cười rất tế
nhị, đáng thương nhưng lại mang nét dễ thương dễ mến của nhà tu. Dĩ nhiên là có
nhiều yếu tố tạo nên những nét văn hóa khác biệt và đặc trưng của các hội dòng.
Chẳng hạn, nếu một dòng mà nhiều người gốc ở vùng Nam bộ thì nét văn hóa của hội dòng
đó sẽ mang tính chất đơn sơ, mộc mạc. Có một câu chuyện kể về ông Cha (Cố)
thánh thiện kia rửa tội cho một trẻ nhỏ nọ ở vùng Nam bộ. Khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn
sàng, ông Cố không thấy người đỡ đầu nên hỏi bà mẹ của trẻ nhỏ một cách vắn tắt:
“Dzú đâu?” Người mẹ đơn sơ vạch áo và chỉ vú trái nói: “Thưa ông Cố đây!” Ông Cố
đỏ mặt, quay đi chỗ khác và nói: “Không phải, ý tui nói là Dzú kia kìa”. Người
mẹ lại đơn sơ vạch áo lên và chỉ bên phải nói: “Có phải vú này không ông Cố?!”
Ông Cố lại quay đi chỗ khác nói: “Trời ơi, không phải dzậy, tui nói là Dzú đỡ đầu
để rửa tội nè”. Tiếp theo, nếu trong một cộng đoàn nhà tu mà có nhiều tu sĩ ở
những vùng khác nhau thì đôi khi có những chuyện vui xảy ra ngoài ý muốn là do
bất đồng giọng phát âm. Ông cha đi về thấy ai cắt mấy bông hoa ở cuối nhà thờ,
hỏi bà xơ: “Dì X ai cắt hoa vậy?”. Dì X (người Miền trung) lí nhí nói: “Thưa
cha, con “cặt”. Ông Cha nóng mặt: “Tôi hỏi dì là ai cắt hoa mà sao dì lại trả lời
kỳ vậy!” Bà xơ lại lí nhí sợ sệt trả lời: “Thưa cha con “cặt” ah!”…. Với dì X
câu trả lời thật là bình thường, nhưng với ông cha thì thật là quá đáng và quá
đáng!
Đó là một trong những chuyện thường
nhật, vui cười nhưng cũng rất dễ thương xảy ra trong nhà tu. Khi mọi chuyện được
đả thông, đưa đến chỗ đồng thuận thì mọi người trong cuộc đều nhìn nhau mà cười
thông cảm cho nhau vì tất cả cũng chỉ là con người với những yếu kém và bất
toàn về tri thức, khả năng thông tri để thấy được sự đa dạng phong phú của con
người mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Tuy nhiên, câu chuyện chưa kết thúc, vẫn
còn tập hai. Nếu như những người đi tu chỉ ở trong nhà không thì không còn gì để
nói. Họ là những người thuộc về Thiên Chúa những vẫn sống giữa đời, với những
người đời. Khi tiếp xúc với người đời, ắt họ sẽ gặp những nét văn hóa của người
đời. Chính sự giao tiếp với nét khác biệt này của văn hóa ngoài đời là tập hai
của câu chuyện.
Văn hòa nhà tu – văn hóa nhà đời
Trước tiên phải giơ hai tay khẳng
định rằng nhà tu và nhà đời này có khá nhiều điểm dị biệt về sinh hoạt văn hóa.
Cho nên một tay nhà tu nào đó mà lấy cách cư xử của văn hóa nhà tu đưa ra áp dụng
vào nhà đời trong một số trường hiệp thế nào cũng mất lòng, tạo tiếng cười cho
người khác. Ngược lại, những thằng nhà đời mà cứ đem cách cư xử của văn hóa nhà
đời – văn hóa doanh nghiệp, văn hóa chợ búa, văn hóa ăn nhậu,… hầu chuyện với mấy
ông tu bà tu thì không “vãi tội” mới là chuyện lạ. Chính vì nhẽ đó, không ít lần
người đời ngại vào trong nhà tu là vậy vì họ không quen với nét sinh hoạt văn
hóa nhà tu nên không biết phải nói gì và không được nói gì. Cũng vậy, nếu có dịp
một ông tu bà tu mà tham dự buổi họp mặt toàn là những người đời sẽ cảm thấy lạc
lõng, khó hiểu vì có thể mình không cập nhập cách giao tiếp, cách nói lái,
thông tin ngoài đời. Chính vì sự lạc lõng bơ vơ như “con nai vàng ngơ ngác” giữa
đời như vậy, nên các ông tu bà tu dễ được nhận diện ở ngoài nhà đời. Có một thời,
mấy tay ngoài đời có một nguyên tắc để nhận ra mấy ông tu bà tu khi ra ngoài đường
như sau: “Các thầy 2 áo 3 quần, còn các
xơ 2 quần 3 áo”. Cứ nói “toạc móng heo” ra như vậy, ai muốn hiểu sao thì hiểu!
Hoặc vì ngoài đời thay đổi nhiều quá, khoa học kỹ thuật phát triển quá nhanh
làm các nhà tu theo không kịp. Còn nhớ cách đây không lâu, khi các nhà tu có
phong trào vào đời đi học để lấy trình độ cho ngang với mặt bằng tri thức ở nhà
đời. Trong một lần kia, thầy giáo nói với nhóm: “Các anh chị cho tôi xin địa chỉ
“meo” để tôi gởi tài liệu”. Mặc dù chẳng biết “meo” là gì, nhưng với khả năng
trời ban cho lợi khẩu, một xơ trẻ đáp lại: “Thưa thầy, tụi em để quên ở nhà rồi!”
Ông thầy tu đứng kế bên – cũng không phải là tay vừa, liền nói: “Quên rồi thì
mai mang đi, mình cũng để quên ở nhà, mai sẽ mang đi cho thầy giáo luôn!”.
Nhưng dù có dị biệt đi mấy nữa, cả
hai nhà tu và nhà đời cũng vẫn ở cùng chung một trái đất. Dĩ nhiên là phải gặp
nhau vì trái đất vẫn tròn! Cho nên, kết quả là chưa hiểu hết về nét sinh hoạt
văn hóa của nhau nên có nhiều chuyện cười rơi nước mắt. Có hai xơ nhí kia đi xe
vượt đèn đỏ, bị cảnh sát giao thông chặn lại và hỏi giấy tờ. Hai xơ nhí chẳng
nói được gì! Sau vài câu hỏi nữa cũng không nói gì nữa. Anh cảnh sát bực quá liền
hỏi: “Ở ngoài Bắc mới vào hay đi tu mà tui hỏi hoài chẳng biết gì là sao?” Hai
xơ nhí trả lời: “Thưa chú, cả hai ạ!” (vừa ngoài Bắc vào vừa đi tu luôn). Hoặc
một ông cha lớn tuổi chạy xe vào đường ngược chiều, bị cảnh sát chặn lại hỏi:
“Bác có biết là đi vào đường một chiều không?”. Ông cha trả lời: “Thấy đường vắng
vắng là tôi cũng nghi lắm rồi!” Ngoài ra, chính sự dị biệt giữa sinh hoạt văn
hóa nhà tu với nét sinh hoạt văn hóa nhà đời, không ít lần mấy ông tu bà tu
không thể hiểu nổi cách cư xử của mấy thằng ngoài đời và ngược lại. Sau khi đi
chợ về, nhễ nhãi mồ hôi, ông thầy bực tức cất giọng: “Không thể hiểu nổi và tin nổi, mấy “Con Mẹ” ngoài chợ già bà cố luôn mà
còn kêu mình là anh và còn nói anh mua đùi (thịt đùi) em không em bán rẻ cho,
em mua 64 ngàn bán cho anh 65 ngàn, lời mỗi 1 ngàn kg thôi đó”. Mọi người
trong cộng đoàn mới giải thích đó là văn hóa nhà đời. Chúng ta là nhà tu sao hiểu
nổi. Văn hóa chợ búa là phải nói như vậy, chứ nếu không chẳng ai mua. Sau khi
nghe giải thích, ông thầy xem có vẻ khẩu phục nhưng chưa tâm phục lắm gật gù đầu
đi nấu cơm.
Tạm kết nhưng chưa hết. Chuyện
văn hóa nói biết đến khi nào mới hết. Nói nhiều nhỡ lại đụng chạm tới các ông
tu bà tu hay mấy tay đời kẻo lại bị cho là vô văn hóa thì “oan cho kẻ có tội”
quá! Văn hóa là sản phẩm hoạt động của con người. Nhưng mỗi người ở trong những
vùng khác nhau nên có những sản phẩm văn hóa khác nhau. Cũng vậy, văn hóa nhà
tu khác với văn hòa nhà đời. Cái quan trọng là chúng ta vẫn phải luôn luôn tôn
trọng những nét văn hóa khác biệt và đa dạng này. Hơn thế nữa, làm sao nhà tu đừng
quá nhiễm văn hóa nhà đời thì không tốt. Cũng vậy, mấy tay nhà đời mà cứ sống
giữa đời theo kiểu văn hóa nhà tu thì cũng hỏng chuyện. Cái khó làm sao hòa hợp
được hai sự khác biệt này.
Lạy Chúa, con đang sống trong nhà tu, xin cho con luôn cảm nghiệm được
những nét đẹp của văn hóa nhà tu, cảm nhận được sự đa dạng phong phú của nét
sinh hoạt văn hóa nhà tu. Ngoài ra, xin cho con khôn khéo trong cư xử với nét
văn hóa nhà đời để làm sao con hòa nhập nhưng con đừng hòa tan vì nếu như vậy
chắc con sẽ tiêu tan vào trong nhà đời mất Chúa ơi!
Thanh Hoài
28.5.2010
0 nhận xét:
Đăng nhận xét