Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Trách nhiệm


Tối 20/05/2011, Du thuyền Dìn Ký bị lật chìm cuốn theo 16 con người vô tội mất tích trong dòng sông Sàigòn.....
Các cơ quan chức năng, (nào là ngành giao thông, nào là công an, nào là Cảng vụ đường thủy,...), đua nhau phân tích những sai phạm liên quan đến con tàu định mệnh này và tìm cách truy cứu trách nhiệm những cá nhân có liên quan đến vụ đắm tàu này. Nào là con tàu đã hết hạn đăng kiểm; nào là tài công không có giấy phép; nào là kết cấu con tàu không đạt về mặt kĩ thuật; nào là bến bãi không đạt tiêu chuẩn an toàn, không có phép hoạt động,... Tuy nhiên con du thuyền Dìn Kí này đã vẫn hoạt động từ rất lâu, và thu hút rất nhiều khách du lịch, mà chẳng ai đặt vấn đề gì? Người ta chỉ nói đến nó, và nói rất nhiều, rất hùng hồn và có vẻ rất trách nhiệm khi nó gặp nạn!
Dìn Ký không phải là không phải là vụ duy nhất và có lẽ cũng không phải là tai nạn gây thiệt hại nặng nề nhất. Cách đây không lâu, ngày 17/02/2011, một tàu du lịch cũng bị chìm tại Hạ long, Quảng ninh làm 12 người thiệt mạng, trong đó có 11 du khách nước ngoài. Trước đó ngày 18/10/2010, một xe khách Bắc - Nam đã bị lũ cuốn trôi xuống sông Lam tại Hà tĩnh khiến 20 chết thảm. Hay là vụ con tàu Vinashin đang "chìm", tuy không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về kinh tế thì không thể tượng tượng nổi : nợ 80.000 tỉ (theo báo cáo của đại diện văn phòng chính phủ hôm 02/07/2010. Có báo chí còn nói con số nợ lên tới 120.000 tỉ)!
Vấn đề là người ta chỉ đặt vấn đề trách nhiệm sau khi sự việc đã đổ bể, sau tai nạn?! Người ta phân tích người này người kia, thậm chí cả các nạn nhân[1], phải chịu trách nhiệm, và có thể phải bị truy tố. Tất nhiên, đó là những điều cần phải làm, nhưng... giá như nó được quan tâm trước khi những tai nạn xảy ra thì hay biết mấy! Dường như ta chỉ quen truy cứu trách nhiệm chứ chưa quen sống có trách nhiệm!
Trách nhiệm, theo nghĩa tầm nguyên của nó là có thể trả lời cho những việc làm, những quyết định của mình. Như vậy người có trách nhiệm là người biết suy nghĩ, biết nhìn thấy những gì sẽ xảy ra liên quan đến những quyết định những việc làm của mình, và có thể trả lời về những điều đó. Như vậy, một cách nào đó, trách nhiệm là điều cần được nhắm tới trước hoặc đồng thời với các sự việc chứ không phải là sau khi  sự việc đã được thực hiện.
Chính vì vậy mà việc phân định là một việc rất cần thiết. Nó không thể thiếu đối với một quyết định, một việc làm có tính trách nhiệm. Mà việc phân định chỉ có thể làm tốt nếu có đủ dữ kiện cần thiết. Qua sự kiện chìm tàu Dìn Ký, ta thấy rõ một điều là những dữ kiện cho một quyết định có trách nhiệm là không đủ. Cho tới bây giờ người ta vẫn còn loay hoay không biết ai là người có trách nhiệm quản lý, đâu là tiêu chuẩn áp dụng cho con tàu, cho dịch vụ du lịch này! Dầu vậy, dịch vụ này đã hoạt động rất rôm rả từ lâu, và vẫn còn hoạt động trong tình trạng như thế.
Không chỉ trong lãnh vực du lịch ẩm thực mà thôi, mà trong nhiều lãnh vực khác của đời sống, kể cả trong lãnh vực đời sống thiêng liêng, người ta cũng hành xử một cách tương tự: Khi ta quyết định những điều quan trọng vượt quá quyền hạn của mình mà không hề quan tâm đến ý kiến của người khác; Khi ta quyết định hoặc làm một điều gì đó mà ta chưa suy xét, tìm hiểu hoặc cân nhắc cho đủ; ... nói chung, ta chưa thấy phải "trả lời", và chưa sẵn sàng "trả lời" một cách đúng mực, về những điều sẽ xảy ra từ quyết định của mình.
Thường thì những quyết định chưa "chín" là những quyết định thiếu trách nhiệm và thường gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc chí ít cũng là cớ cho người ta chê cười (x. Lc 14,28-33). Việc truy cứu trách nhiệm, hoặc rút kinh nghiệm thật ra chẳng quan trọng gì đến quyết định trước đó, vì nó chẳng thể làm cho quyết định hoặc công việc trước đó trở nên có trách nhiệm được, hoặc hạn chế hậu quả nó đã gây nên. Có chăng chỉ là để rút kinh nghiệm cho lần sau! Nhưng kinh nghiệm chỉ ra rằng người ta chẳng học hỏi được bao nhiêu từ những sai lầm này, vì hoàn cảnh hiếm khi nào lập lại như cũ.
Ước gì trách nhiệm là điều người ta luôn nghĩ tới trước khi quyết định hay làm một việc gì đó, chứ không phải là chỉ sau khi đã thực hiện, hoặc tệ hơn nữa là sau khi sự việc đã đổ bể do đã quyết định vội vàng và thiếu suy xét.

Đảm Ninh Phán


[1] x. "Bài học cảnh giác sau vụ chìm tàu Dìn Ký", trong VnExpress.net ngày 24/05/2011

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP