Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

ĐÔI NÉT VỀ NỀN VĂN HOÁ ẤN ĐỘ


Có thể nói rằng Ấn Độ là một quốc gia mà tôn giáo đã chi phối, ảnh hưởng hầu như toàn bộ đời sống văn hoá và văn minh của con người trong quốc gia này. Trước hết tôn giáo luôn luôn chi phối cảnh quan văn hoá Ấn về mọi phương diện: tư tưởng, niềm tin, nghi lễ, phong tục tập quán, văn học, và nghệ thuật. Không những thế  Ấn Độ là nơi sản sinh ra hai tôn giáo lớn là : đạo Phật và đạo Hindu. Nhưng ở đây ta chỉ làm sáng tỏ lời nhận xét này: “Nền văn hoá, văn minh Ấn Độ mang đậm nét tôn giáo”. Bây giờ ta sẽ đi vào từng lĩnh vực để chứng minh cho ý kiến này này.
Trước tiên, trong văn học Ấn Độ có hai sử thi lớn  Mahabharata và Ramayana mà được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau trong đất nước Ấn Độ. Chính vì vậy mà hai sử thi này đa số được người Ấn biết đến nhờ nhiều hình thức khác nhau: đọc tụng, bình giảng hay trình diễn trên sân khấu. Hai sử thi này với nội dung mang đậm chất tôn giáo đã đưa dân chúng đến cuộc sống thần linh.
Kế đến, trong nghệ thuật của Ấn Độ hầu hết được thể hiện qua: nghệ thuật của đạo Phật, đạo Jain, đạo Hindu, đạo Hồi. Nghệ thuật Phật giáo, mỗi kiến trúc xây dựng đều mang một ý nghĩa sâu sắc về đời sống tôn giáo của người Ấn. Chẳng hạn Stupa là loại hình kiến trúc độc đáo, nơi đây ta có thể thấy những biểu tượng thiêng liêng của Đức Phật bánh xe pháp luân, cây bồ đề cùng các hình ảnh minh hoạ cuộc đời của Ngài cảnh Phật ra đời, Phật ngồi đắc đạo.
Kế đến, có thể kể đến các chùa hang, nơi đây ta có thể tìm thấy những nét nghệ thuật độc đáo nhất của Ấn Độ được thể hiện qua bàn tay tài tình của các nghệ nhân. Chùa hang không chỉ gắn với đề tài phật giáo mà còn bao trùm hiện thực rộng lớn như cuộc sống cung đình, cuộc sống của bao người bình dị nơi thành thị thôn xóm.
Nghệ thuật Hindu giáo gồm các đền đài và các tượng thần linh. Qua hai loại hình kiến trúc này, ta có thể thấy ảnh hưởng tư tưởng của đạo Hindu trên người dân Ấn. Các đền đài cho ta biết quan niệm Hindu truyền thống cho rằng con người bao gồm lớp vỏ bên ngoài là thân thể vật lí còn bản chất trong cùng sâu thẳm là tâm linh, là Atman đồng nhất với Braman. Còn các tượng thần thì cho ta thấy rất rõ linh hồn mỹ học của Hindu. Theo đó người người nghệ sĩ không được phép mô tả thần linh mượn hình người với tính cụ thể giống như con người thật.
Bây giờ ta xem xét nghệ thuật Hồi giáo ảnh hưởng như thế nào đối với nền văn hoá văn minh Ấn Độ. Qua kiến trúc người Hồi giáo muốn diễn đạt tình yêu cái đẹp của mình. Một điều ta có thể nhận thấy rõ một điều trái ngược với Hindu thiêu xác chết còn Hồi giáo thì mai táng. Chính vì vậy mà có những kiến trúc những ngôi mộ mang đậm nét Hồi Giáo.
Không những tôn giáo ở Ấn Độ ảnh hưởng đến văn học, kiến trúc mà tôn giáo còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và phong tục tập quán của người dân Ấn.
Thứ nhất ta thấy sự phân chia đẳng cấp của xã hội truyền thống do ảnh hưởng của đạo Hindu. Chính sự phân chia đẳng cấp này đã dẫn tới khái niệm của đạo Hindu về sự thuần khiết, trong sạch và ô uế theo hệ thống đẳng cấp, và khái niệm này đã làm cho người  khổ ngày càng khổ thêm.
Cũng chính đời sống có tập cấp mà làm cho nền luân lý trở nên có giới hạn dẫn đến họ không tự cho mình là một công dân tự do mà họ nghĩ là phải làm cái gì có lợi cho tập cấp, chứ không riêng cho mình. Ngoài luân lý ta cũng thấy tôn giáo  ảnh hưởng đến quan niệm hôn nhân gia đình. Sau hai bổn phận là tôn trọng Bàlamôn và phải tôn kính bò cái thì mới tới bổn phận sinh con đẻ cái. Có con là để nối dõi tông đường, cúng giỗ tổ tiên. Vì vậy, mà ở Ấn Độ không có vấn đề hạn chế sinh sản, phá thai là một tội nặng ngang hàng với giết một người Balamôn. Vấn đề hôn nhân theo tục, hôn nhân là cưỡng bách, và do muốn ngăn cản các cuộc hôn nhân giữa những tập cấp, giáo phái, thị tộc khác nhau nên đã có tục tảo hôn.
Tôn giáo cũng ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề vệ sinh của người dân Ấn. Bất cứ ai thuộc tập cấp nào cũng phải tắm một lần trong ngày cũng như cách thức giữ gìn vệ sinh thân thể một cách nghiêm ngặt. Chính vì vậy mà người dân Ấn mang danh là sạch sẽ khắp Châu Á.
Tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ trên ẩm thực của người Ấn. Chính sự phân chia đẳng cấp mà tinh khiết và dơ bẩn là vấn đề vô cùng quan trọng. Việc ăn uống không chỉ là vấn đề của sự tồn tại mà còn ảnh hưởng tới tính thần thánh của họ nữa. Chính vì  say rượu được coi là đáng xấu hổ và hạ thấp nhân phẩm của người say, bất kỳ ai cũng có thể khai trừ khỏi đẳng cấp của họ. Ở xã hội Ấn vấn đề uống rượu rất hạn chế. Một đặc điểm nữa ta có thể thấy nơi người Ấn đó là ăn thịt bò là một tội phạm thánh tại Ấn Độ. Điều này bắt nguồn từ việc người theo đạo Hindu coi con bò là một trong những con vật thiêng liêng để thờ như những vị thánh. Nên trong thức ăn của người Ấn chủ yếu là cơm và rau. Còn những người theo đạo Hồi thì không ăn thịt lợn vì họ coi đây là con vật dơ bẩn nhất trong tất cả con vật vì nó có thể ăn bất kỳ thức ăn gì. Những người theo đạo phật thì thường xuyên ăn chay cho nên giá rau ở Ấn Độ rất mắc so với các loại thịt.
Tóm lại, ở Ấn Độ, mỗi mặt của cuộc sống đều mang đậm nét của tôn giáo. Bởi vì người Ấn sống nhờ vào lòng thương xót của thiên nhiên, yếu tố thiên nhiên, do đó đã trở thành một phần trong tôn giáo của đất nước này. Đạo Hindu và đạo Jain đều chú trọng đến thuyết luân hồi, và các đạo khác cũng mong được giải thoát khỏi thể xác và cuộc sống tạm bợ để đạt được thế giới linh hồn cao cả, vĩnh hằng. Những tôn giáo này phát xuất từ cuộc sống và đã tác động trở lại đối với đời sống tâm linh của người Ấn, ăn sâu vào trong máu thịt của họ. Con người Ấn tìm kiếm sự thư giãn và xoa dịu tinh thần trong việc nhịn ăn, cầu nguyện, thờ cúng và thực hành các nghi lễ, phong tục tập quán theo Dharma của đạo Hindu. Qua những gì trình bày trên đây ta có thể khẳng định: Ấn Độ là một nước trong đó nền văn hoá và văn minh mang đậm nét tôn giáo.

Tài liệu tham khảo:
1. Lương Duy Thứ (chủ biên), Phan Thu Hiền, Phan Nhật Chiêu. Đại cương văn hoá phương đông. Hà Nội: Giáo Dục.
2. Mai Ngọc Chừ (chủ biên). Giới thiệu văn hoá phương Đông. Hà Nội.

Cảnh Vương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP