Bart
Khánh
Vào dịp
nghỉ tết vừa qua, tôi và người anh của mình có dịp ghé thăm một người bạn là nữ
tu Dòng MTG Đà lạt, sơ hiện đang sống ở cộng đoàn Mái Ấm Tín Thác, 178 Trần
Bình Trọng, Thanh Xuân, Lộc Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng, gần giáo xứ Thanh Xuân, cộng
đoàn còn được gọi là nhà mồ côi. Cộng đoàn hiện có 3 sơ, 3 chị bảo mẫu và khoảng hơn 20 em bé, em lớn nhất khoảng gần (2) tuổi,
em nhỏ nhất chưa được một tháng tuổi. Mỗi em đều được các Sơ đặt cho những cái
tên rất hay và ý nghĩa như Gia Ân, Hồng Ân, Giang Ân, Minh Ân, Phúc Ân, Ngọc
Ân, Hoàng Ân,… Nhìn quang cảnh bận rộn, vất vả tất bật của các sơ, các chị và cảnh
la khóc, chơi đùa cùng với những ánh mắt ngây thơ và những nụ cười hồn nhiên của
các em trong mái ấm lúc đó mới thấy được
sự sống của con người đáng phải trân trọng và quý giá biết bao. Những khó khăn
và vất vả để nuôi các bé có lẽ là không ít, điều này chắc ai cũng biết như cả
gia đình chỉ có một con hoặc một cháu nhỏ thì cũng cảm thấy vất vả lắm, những
lúc nó khỏe mạnh không sao, những lúc nó đau yếu bệnh hoạn là cả gia đình phải
mất ăn mất ngủ để chăm sóc và lo lắng cho nó. Vậy mà chỉ có 3 sơ và 3 chị bảo mẫu
mà phải chăm lo cho hơn 20 trẻ thì ai cũng biết là phải vất vả đến mức nào.
Không những thế các sơ còn phải lo chạy vòng ngoài để lo miếng ăn cho những người
trong cộng đoàn, những lúc các em bé đau yếu bệnh tật thì các sơ cũng phải vất
vả lo cho các em trong bệnh viện. Những ngày tết, một số em được cha mẹ bảo trợ
có nhà ở gần cộng đoàn trong xứ đạo mang về
nuôi vài ngày, để cho các sơ nghỉ tết, còn lại những em mới sinh, và một số em
nữa thì một sơ và các chị bảo mẫu phải ở lại chăm sóc. Thậm chí một sơ về gia
đình ông bà cố ăn tết cũng phải mang theo một bé về gia đình, chắc hẳn ai thấy
Sơ này cũng lấy làm lạ. Nhìn cách chăm sóc dịu dàng đầy tình thương của các Sơ
và các chị Bảo Mẫu trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm phục.
Trong mục
vụ khi nhu cầu cần thiết thì nhà Dòng của các sơ đã cố gắng để đáp ứng thêm, để
sao công việc đó mang lại lợi ích tốt nhất cho những đối tượng nhà Dòng muốn
đáp ứng. Vì vậy, nhà Dòng đầu tư thêm cho cộng đoàn Mái Ấm xây dựng thêm cơ sở
vật chất nhà cửa phòng ốc để có chỗ tươm tất một chút nuôi những thai phụ và
nuôi những em bé sẽ được sinh ra. Có những thời điểm cao trào cộng đoàn các sơ
chứa khoảng 5 hoặc 6 thai phụ cùng lúc để chờ ngày tháng sinh ra đưa con mà
không ít những đứa con làm cho các bà mẹ trong số đó cảm thấy phải đau khổ, tủi
nhục với gia đình và những người xung quanh.
Thật ra
không phải khi nào làm những việc bác ái hay việc tốt luôn được thuận lợi và có
thể làm được một cách dễ dàng. Nếu như không nghe mấy sơ kể chuyện thì không lường
hết những khó khăn các sơ gặp phải. Đâu phải vào trong bệnh viện mà được dễ
dàng tiếp xúc với những chị em đi phá thai. Không ít lần các sơ hay những người
trong hội tình nguyện này bị nhân viên trong bệnh viện la rầy và đuổi ra khỏi bệnh
viện vì làm những việc như là khuyên các chị em đi phá thai giữ lại mạng sống
cho các thai nhi, hay xin những bịch rác chứa thai nhi về chôn cất. Vấn đề phức
tạp nữa là đâu phải gặp những phụ nữ đi phá thai là muốn tiếp xúc với họ là nói
chuyện được ngay đâu, đôi khi còn bị họ la rầy, hoặc chửi mắng là những người
khùng, ăn không ngồi rỗi đi làm những việc tào lao. Khi đã cố gắng tiếp cận được
với họ rồi cũng không phải dễ dàng nói một lần là được, mà phải năn nỉ ỉ ôi mãi
mới được, có không ít trường hợp, năn nỉ và họ đồng ý, nhưng trong những giây
phút 90 họ lại quyết định phá thai, và coi như công sức bao lâu đổ bể như dã
tràng se cát biển đông. Có những trường hợp năn nỉ các chị em xin giữ lại mạng
sống thai nhi các chị em này đồng ý nhưng không phải như vậy là xong rồi. Trong
những tháng ngày tiếp theo các chị em này sẽ sống làm sao khi mà họ muốn giải
quyết cái thai một sớm một chiều cho xong để không ai trong gia đình hay khu
xóm biết. Với những cô gái là công nhân sống xa gia đình, xa người thân hay những
cô gái đang sống trong các nhà trọ thì có dễ hơn một chút là chuyển vào cộng
đoàn Mái Ấm Tín Thác sống với các sơ những tháng mang thai cho đến ngày sinh
xong mà không ai biết là đã mang thai và sinh con như là một cuộc chuyển nhà trọ
hay là với lý do chuyển chỗ làm việc, để sau vài tháng là có thể trở về cuộc sống
bình thường như trước. Nhưng với những cô gái đang sống trong gia đình thì cả
là một vấn đề nan giải, làm sao đây để tự dưng biến mất khỏi gia đình trong một
thời gian vài tháng để sinh con, các cô gái này sẽ ăn nói làm sao với cha mẹ
khi đi khỏi nhà, mà những trường hợp này đa số là những em gái vị thành niên
nên đi xa gia đình một thời gian vài tháng là chuyện không dễ chút nào. Không
ít những trường hợp các sơ phải đến gia đình năn nỉ cha mẹ là cho các em đi học
nghề xa gia đình một thời gian vài tháng, các sơ phải đứng ra cam kết và bảo
lãnh là các em này được nuôi ăn ở và quan tâm lo lắng chu đáo, thì cha mẹ mới
cho các em này đi học nghề thực chất là đi trốn tránh gia đình để dưỡng thai chờ
ngày sinh.
Cụ thể tôi
xin kể lại một chuyện khi được nghe một sơ thuật lại, chuyện của hai em gái
sinh đôi là người dân tộc hai em này còn trẻ chưa được 17 tuổi, hai em làm công
nhân một công ty gần gia đình. Hai em gái này làm việc ở ngoài phố quê nhà, nên
cũng tụ tập với chúng bạn người kinh ăn chơi, chớ trêu thay cả hai chị em sinh
đôi đều dính thai, cô chị thì có thai trước
cô em khoảng 2 tháng. Để giữ lại mạng sống cho hai đứa trẻ sinh ngoài
giá thú này cả một vấn đề. Vì theo hai em này kể nếu để cha mẹ và anh trai của
các em mà biết là có thai thì cha mẹ và anh trai sẽ giết chết, nên hai chị em
muốn phá bỏ hai đứa bé trong bụng mình. Được các sơ và những người tình nguyện
khuyên ngăn và cho biết tác hại khi phá bỏ đứa con trong bụng ở những tháng thứ
3 hoặc thứ 4 là rất nguy hiểm đến sức khỏe. Hai chị em sinh đôi này đồng ý giữ
lại em bé. Vấn đề các sơ đặt ra là làm sao mà các em sống trong gia đình mà cha
mẹ không biết có thai khi mà em bé trong bụng đã được vài tháng, hai em nói là
vào buổi sáng tranh thủ đi làm thật sớm khi trời còn tờ mờ, và khi đã tan ca
vào buổi chiều thì đợi trời tối mù mới về nhà, hai em nói mẹ có nghi ngờ và hỏi
sao bụng bự, thì hai chị em nói dối là đi uống bia với bạn (hi hihi). Bây giờ để
cứu sống hai thai nhi, các sơ buộc phải nói dối với cha mẹ là xin cho hai em đi
học nghề vài tháng, là một điều khó chấp nhận với gia đình dân tộc này, vì hai
em đã đi làm công nhân và có tiền thì đi học nghề làm gì nữa. Một điều cũng khó
khăn là cha mẹ đã lớn tuổi và đang rất yếu, cha đang bệnh nặng, các sơ cố gắng
lắm mới thuyết phục được gia đình cho hai em xa gia đình một thời gian, các sơ
phải nói dối là cho các em đi học nghề. Như vậy, tưởng mọi chuyện đã tốt đẹp,
nhưng không ngờ là trong thời gian hai em sống ở cộng đoàn của các sơ chờ ngày
sinh em bé thì gia đình liên tục gọi điện thoại kêu réo hai em về vì cha bệnh nặng
sắp chết, lo lắng của các sơ lại tăng thêm bội phần, vì không biết sao nữa, nếu
hai em mang bụng bầu này mà về nhà lúc này thì không những tội của các em mà
còn thêm tội của các sơ nữa, nhưng nếu chẳng may cha của hai em có chết, thì
cũng phải cho hai chị em về chịu tang nữa. Các sơ đã tìm đủ mọi cách để giải
quyết và cách cuối cùng là hứa với gia đình là sẽ cho hai chi em về thăm gia
đình và gặp cha. Nhưng các sơ cũng thật tinh ý là thử về trước thám thính xem
có phải sự việc đã nghiêm trọng tới mức vậy chăng. Khi về tới gia đình thì cũng
có chuyện là cha bệnh nặng. Lúc này các sơ lo lắng nếu chẳng may ông cụ hấp hối
sắp chết thì cũng phải cho hai chi em nó về thăm cha lần cuối, nhưng các sơ
cũng rất sợ là sự thật sẽ bị lộ, và làm đau khổ gia đình cha mẹ và hai chị em nữa.
Cách duy nhất các sơ còn làm được lúc này là an ủi gia đình và tìm cách kéo dài
thời gian cho hai chị em về thăm cha mẹ, đồng thời phải tăng thêm lời cầu nguyện
với Chúa cho ông cụ nếu Chúa có gọi về thì hãy đợi cho các em sinh xong đã. Và
kết thúc câu chuyện đúng như những gì đã mong ước là sau khi hai chị em sinh
con xong một thời gian rất ngắn là ông bố qua đời, lúc này mọi sự tốt đẹp dù là
gia đình và khu xóm cũng có một chút nghi ngờ là hai chị em chửa hoang, nhưng
cũng không đến nỗi bị nghi ngờ quá nghiêm trọng. Vì họ được giải thích là hai
chi em được tài trợ cho đi học nghề vài tháng.
Khi nói
chuyện tôi có nói chơi với mấy sơ là khi mình nuôi các em bé này lớn chút bán
chắc nhiều tiền lắm hả!? Mấy sơ không ngần ngại trả lời ngay, làm gì có chuyện
đó mình muốn nuôi con của người ta đâu phải dễ dàng phải làm cam kết với sự chứng
kiến của chính quyền nữa và lương tâm cũng không cho phép bán hoặc cho con của
họ. Nhà Dòng sẽ tuyệt đối không cho hoặc bán bất kỳ một em nào. Có một số người
mẹ họ chỉ không phá thai hoặc giữ lại mạng sống thai nhi khi các sơ đáp ứng được
điều kiện là sau này không được bán hoặc cho con của họ. Mấy sơ cũng rất đồng ý
với điều kiện như vậy, vì đó cũng là mục đích của nhà mồ côi là nuôi các em đến
tuổi trưởng thành cho đến lúc các em có thể tự lập được. Đồng thời nhà Dòng
cũng có một điều kiện mở là nếu sau này người mẹ của em nào có điều kiện muốn
quay trở lại rước con về nuôi thì với những thủ tục cần thiết thì nhà Dòng cũng
cho mẹ con được đoàn tụ với nhau.
Các sơ
cũng đã lên kế hoạch sau khi các em này đến tuổi vào những trường mẫu giáo thì
đã có những trường mầm non của nhà Dòng ở các cộng đoàn, và sau đó sẽ có những
chỗ cho các em nội trú để đi học phổ thông và sau đó là học nghề hoặc học lên
cao nữa. Vì những em bé này khi sinh ra đều được các sơ cho lãnh nhận Bí tích
thanh tẩy và có những cha mẹ nhận bảo trợ, những người này là những người tình
nguyện ở những xứ đạo quanh đó hoặc những gia đình vợ chồng không có con muốn
nhận một em để bảo trợ. Những người nhận bảo trợ các em mồ côi này sẽ chia sẻ
phần nào với các sơ cũng như trách nhiệm chăm sóc. Như những ngày tết, lễ hay
vào những dịp lễ đặc biệt những người bảo trợ sẽ đón các em này về gia đình
nuôi một vài buổi hoặc vài ngày, sau đó lại trả về nhà mồ côi. Còn những em
không có người hoặc chưa có người bảo trợ thì có các sơ và những chị em bảo mẫu
chăm sóc, và cũng phải kể thêm những thai phụ vào đây chờ ngày sinh cũng tiếp
được phần nào chăm sóc các em bé, cũng có những trường hợp thai phụ vào đây ở một
thời gian chăm sóc trẻ nhỏ thấy thương các em quá, nên lại xin về nhà quyết định
nói sự thật với gia đình và quyết định nuôi con..
Sau khi
chúng tôi thăm Mái Ấm xong, thì một sơ nói là đã ghé vào đây thăm các em sống
chẳng lẽ không ra thăm các em chết. Thế là chúng tôi được một sơ dẫn ra thăm phần
đất thánh nơi chôn cất các thai nhi đã bị người ta phá bỏ. Khu đất này được nhà
Dòng mua lại từ đất rẫy trồng cà phê của một giáo dân. Nó nằm gần với khu đất
thánh của giáo xứ và cũng gần với khu đất thánh nơi chôn cất các linh mục của
Giáo Phận Đà-Lạt. Khu đất này khá rộng, ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt
chân đến đó là một cây Thánh Giá thật lớn phía dưới là những bức tượng Thiên Thần
màu Trắng thật dễ thương được đặt trên một chỏm đất cao và xuống thấp hơn nữa
là những dãy mộ thẳng tắp đó là nơi an nghỉ của các em thai nhi vô tội. Theo
như số liệu đöôïc
ghi trên từng mộ thì chỉ trong vòng khoảng hơn hai năm mà đã có tới 1380 thai
nhi vô tội bị giết, chưa kể là trong đó có những mộ mà thai nhi được chôn chung
với nhau khoảng 3,4, hoặc 6,7 thai nhi là chuyện thường. Những ngôi mộ này được
xây rất đẹp, ngăn nắp và phía trên ốp một miếng gạch màu đen, trông thật đơn sơ
nhưng rất xinh xắn. Các sơ nói lúc đầu cũng vất vả lắm vì mình phải đứng ra
làm, nhưng một thời gian sau đó đã đỡ vất vả hơn. Vì có thêm những người tình
nguyện đứng ra xây những kim tĩnh thai nhi này và lo phần an táng cho những thai
nhi đã bị phá được xin về. Khi thăm như vậy tôi cũng thấy các ngôi mộ này một số
được cắm nhang và trưng hoa rất đẹp, một số ngôi mộ thai nhi thì có cả đồ chơi
trẻ em nữa, còn có cả gạo nữa, sơ nói là trước tết đã ra dọn dẹp sạch sẽ rồi mà
sau mấy ngày tết lại đầy những đồ như vậy đó. Tôi mới hỏi sơ các trẻ thai nhi
này chắc làm thánh hết rồi mà còn có người cầu kinh và cúng kiếng hả? Sơ nói là
không biết nữa nhưng sơ đã nhiều lần chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp,
có những gia đình đang êm ấm hạnh phúc bình yên, thì lại xảy ra những tai nạn,
lục đục bất hòa, làm ăn thua lỗ, thậm chí có gia đình bị phá phách, gia đình
thì tan nát. Những người trong các gia đình này vào xin các sơ cho biết nghĩa địa
nơi chôn cất những thai nhi này và sau đó cha mẹ hoặc ông bà của những thai nhi
này vào đọc kinh và xin tha thứ. Nhiều gia đình kể rằng họ đang bình yên vô sự,
tự nhiên gặp những điều rắc rối và những phiền toái như vậy. Ông bà cha mẹ tìm
hiểu thì biết được con hoặc cháu của họ đã phá thai, họ tìm cho bằng được bệnh
viện mà con hoặc cháu họ phá thai và hỏi tìm những thai nhi này được bỏ ở đâu,
được những nhân viên trong bệnh viện chỉ đến nhà những người làm tình nguyện và
gặp các sơ xin vào đất thánh để thăm mộ thai nhi, là con hoặc cháu họ đã phá bỏ,
để đọc kinh cầu nguyện, xin thứ tha tội lỗi cho gia đình, sau đó gia đình mới
không bị phá phách nữa.
Tiễn chúng
tôi tại đất thánh thai nhi, là điều bất đắc dĩ, nhưng sơ nói phải xin lỗi khách
thôi, khi muốn đến tham quan đất thánh, vì nếu trở về nhà mồ côi nữa thì sợ những
em bé bị sài, sơ kể lúc trước có một số bé cứ như bị bệnh yếu và khóc suốt ngày
đêm, bác sĩ không chuẩn đoán ra bệnh, sau đó có người mách phải đi chữa sài thì
các bé đó mới mạnh khỏe lại. Đó có thể là những nguyên nhân do các sơ và những
người tình nguyện mang thai nhi đi chôn cất mà sau đó còn vào thăm và bế những
em bé nên chúng bị mắc sài.
Kết thúc
cuộc gặp gỡ chúng tôi cầu chúc cho sơ và cộng đoàn của sơ luôn được bình an và
niềm vui trong công việc của mình, chúc cho những kế hoạch sắp tới của cộng
đoàn được hoàn thành tốt đẹp.
Trên đường
về nhà, tôi miên man suy nghĩ sau này không biết rồi những đứa trẻ này sẽ làm
sao, khi mà sống dưới mái nhà mồ côi, chắc rằng sau này ra đời các em sẽ bị mặc
cảm và tủi thân với chúng bạn. Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng Chúa sẽ phù trợ và
ở cùng các em vì “Trời sinh Trời dưỡng” mà. Tôi cũng cầu mong cho cuộc đời các
em trở thành những người có ích cho Giáo hội và xã hội. Tôi cũng mong sao con
người hãy cùng nhau chung tay bảo về sự sống, là món quà vô giá mà Thiên Chúa
ban tặng, để ngày một bớt đi những thai nhi vô tội bị chính cha mẹ ruột của
mình giết chết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét