Bart Khánh
Dẫn nhập
I. Đức Kitô là tư tế đích thực và duy nhất
1. Mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô
1.1. Đức Kitô được Chúa Cha thánh hiến trên sông Giođan
1.2. Đức Kitô tư tế trong hoạt động rao giảng Tin Mừng
2. Khởi đầu và hoàn thành chức tư tế của Đức Kitô
2.1. Hy tế của Đức Kitô trên thập giá
2.2. Sự Phục Sinh của Đức Kitô
II. Chức tư tế trong Bí tích Thanh Tẩy
1. Tham dự vào nhiệm thể Chúa Kitô
1.1. Nghĩa tử của Thiên Chúa
1.2. Tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô
2. Sứ vụ tư tế của người Kitô hữu
2.1. Đức Kitô tư tế là khởi nguồn…,
2.2. Chức tư tế của người Kitô hữu qua cử hành phụng vụ
III. Chức tư tế trong Bí tích Truyền Chức
1. Chức tư tế thừa tác được thánh hiến cho Chúa Kitô
2. Chức tư tế thừa tác trong cộng đoàn phụng vụ
IV. Chức tư tế trong cộng đoàn phụng vụ
1. Tương đồng của chức tư tế cộng đồng và thừa tác
2. Dị biệt của chức tư tế cộng đồng và thừa tác
Kết luận
Dẫn nhập
Chức tư tế cộng đồng của người tín hữu và chức tư tế thừa
tác đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô theo những cách thức
riêng. Khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy mọi người được thánh hiến cho Thiên Chúa
bằng việc được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hóa. Bí
tích này cho chúng ta tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô.
Đó chính là nền tảng cho đời sống qua việc hiệp thông với tất cả các Kitô hữu
khác trong Hội thánh. Với chức tư tế cộng đồng thì mọi người tín hữu được thánh
hiến cho Chúa Kitô.
Tuy nhiên, trong thực tế đời sống của người Kitô hữu có mấy
ai hiểu biết thật sự về chức tư tế của mình khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Làm
sao người giáo dân có thể hiểu được khi mình là thành phần đứng dưới cung thánh
khi vị chủ tế đứng phía trên với những phẩm phục đặc biệt và đẹp mắt, có những
cử chỉ dành riêng, lại có cùng chức tư tế với nhau. Nói nôm na người giáo dân
không được làm lễ thì chức tư tế để làm gì?
Chính những quan niệm hẹp hòi và thiếu sự hiểu biết dẫn đến người
giáo dân có thái độ thiếu tích cực và gặp sai lầm khi họ tham gia vào việc cử
hành phục vụ của Giáo hội. Một số người giáo dân xem những việc đó là của các
cha, và chỉ tham dự một cách thụ động, ai làm sao tôi làm vậy.
Để giúp cho mọi người hiểu biết hơn về ý nghĩa của chức tư tế,
trong một phạm vi giới hạn của bài này, người viết chỉ có thể tìm hiểu vàso
sánh giữa chức tư tế trong Bí tích Thanh Tẩy và Bí tích Truyền Chức. Mục đích
làm sáng tỏ giúp người Kitô hữu có thể tham dự đầy đủ và ý nghĩa hơn trong cử
hành phụng vụ.
Đây cũng chính là điều mà Công đồng Vaticanô II đã mời gọi mọi
Kitô hữu hãy tham
dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn. Giáo hội tha thiết ước mong
toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn
vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính phụng vụ đòi hỏi; lại
nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của
dân Kitô giáo, "Là dòng giống được lựa
chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn"
(1P 2,9; x. 2,4-5).
Chức tư tế không phải chỉ mới xuất hiện trong Giáo hội ngày
nay, nhưng đã được nói đến trong Cựu Ước. Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm vương
quốc tư tế, và dân thánh. Trong đó, Ngài chọn chi tộc Lêvi để lo việc tế tự.
Các tư tế đầu tiên của Giao Ước Cũ được thánh hiến bằng một nghi thức đặc biệt.
Tư tế được đặt lên để loan báo Lời Thiên Chúa, và để tái lập sự hiệp thông với
Thiên Chúa bằng các hy lễ và lời cầu nguyện. Chức tư tế của Aharon và việc phục
vụ của các thầy Lêvi cũng như việc cắt đặt 70 bô lão, là những hình bóng
của chức tư tế của Giao Ước Mới (x. GLCG 1539-1543). Điều này chỉ diễn tả một
phần nào đó ý nghĩa của chức tư tế mà chúng ta cùng tìm hiểu, nhưng thiết nghĩ
chức tư tế chỉ đạt ý nghĩa trọn hảo nơi Đức Kitô và qua Người chúng ta được
lãnh nhận và được thánh hiến cho Thiên Chúa khi chúng ta lãnh nhận chức tư tế của
Chúa Kitô trong Bí tích Thanh Tẩy và Truyền Chức và đâu là điểm giống và khác
nhau của chức tư tế trong hai Bí tích trên. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu đâu
là đỉnh điểm đích thực chức tư tế của Thiên Chúa.
I. Đức Kitô là tư tế
đích thực và duy nhất
Ngoài thư gởi tín hữu Do thái ra, không có tác phần nào
trong Tân Ước gọi Đức Kitô là tư tế. Nói chung Tân Ước không sử dụng hệ thống từ
ngữ nào của Cựu Ước vào việc phượng tự và vào các chức vụ trong Giáo hội. Nhưng
Giáo hội vẫn tin nhận Đức Kitô là tư tế ngay từ khi Người nhập thể. Tuy nhiên
có những người vẫn không hiểu hết được ý nghĩa của chức tư tế nơi Người. Có người
hiểu đơn giản theo nghĩa hẹp là chỉ khi Đức Kitô nhập thể mới mang danh hiệu là
tư tế, và chức tư tế của Đức Kitô sẽ tồn tại mãi mãi. Mà chúng ta quên rằng
Ngôi Lời được sinh ra bởi Chúa Cha từ muôn thuở và chức tư tế của Người cũng có
từ muôn thuở. Dù vậy, mỗi giai đoạn cuộc đời của Đức Kitô, các biến cố đều mang
những giá trị có ý nghĩa cứu độ con người và đó cũng là những giá trị nơi Đức
Kitô tư tế đích thực và duy nhất.
- Mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô
Đức Kitô Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người điều này đã
được mạc khải trong Kinh Thánh và trong truyền thống Giáo hội và là một trong
những tín điều quan trọng được Giáo hội tuyên xưng. Chính vì điều này, mà nhiều
nhà thần học gặp rất nhiều khó khăn đề có thể tìm hiểu về Đức Kitô, Người mang
nơi mình hai bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Đức giám mục Eusèbe de
Césarée đã căn cứ vào thánh vịnh 110 “Từ
muôn thuở con là Thượng Đế” (Tv 110,4) để cho rằng chức tư tế là thuộc tính
vĩnh cửu của Ngôi Lời chứ không phải là thuộc tính của nhân tính của Đức Kitô.
Khi nói về Thiên tính thì Ngôi Lời Thiên Chúa là tư tế vĩnh cửu và cao cả đã
dâng hiến cho Cha. Thuộc về nhân tính thì Thiên Chúa gánh tội trần gian tức là
thân xác của Ngôi Lời nhập thể. Nói cách khác trước khi làm người, Ngôi Lời đã
là tư tế của Ngôi Cha. Ngôi Lời tư tế không ngang hàng với Cha, đóng vai trò
chuyển tiếp giữa Thiên Chúa và thụ tạo.[1]
Giám mục Cyrille nêu ra quan điểm về Đức Kitô tư tế phù hợp
với truyền thống của Giáo hội. Theo Giám mục Cyrille Đức Kitô là tư tế là nhờ
vào tử hệ thần linh của Người được thông truyền cho nhân tính nhờ ngôi hiệp. Vì
tử hệ của Đức Kitô là vĩnh cửu nên ta có thể nói chức tư tế của Người cũng vĩnh
cửu. Nói cách khác Ngôi Lời nhận được từ Cha tử hệ thần linh và chính tử hệ này
tới một thời điểm nhất định thông ban cho nhân tính và làm cho Ngôi Lời nhập thể
trở thành tư tế.[2]
Đức Kitô là tư tế muôn đời, nên trong hành trình hơn 33 năm
sống và rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cũng là hành trình của tư tế được hiến
dâng cho Chúa Cha. Nhưng giới hạn của tiểu luận này không thể liệt kê ra hết từng
biến cố và hoạt động trong cuộc đời của Người. Để có thể hiểu về hành trình tư
tế của Người bài viết này chỉ giới hạn hai biến cố quan trọng trong hơn 33 năm
sống và rao giảng của Người đó là biến cố Đức Giêsu chịu thanh tẩy tại sông
Giođan và một vài điểm trong hành trình ba năm sống công khai của Người, từ đó
tìm hiểu ý nghĩa chức tư tế của Người gắn liền trong hai biến cố này.
1.1.
Đức
Kitô được Chúa Cha thánh hiến trên sông Giođan
Gioan tẩy giả rao giảng trong hoang mạc miền Giuđê rằng “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
Bấy giờ có nhiều người từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng sông
Giođan kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông
Giođan.(Xc. Mt 3, 1.5.6) Đức Giêsu cũng đến gặp ông Gioan tẩy giả để xin ông
làm phép rửa cho mình. Đấng mà đã từng được Gioan tẩy giả giới thiệu như một
Người quyền thế hơn ông. Đấng đó sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và
lửa, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người (Xc. Mt 3,11). Gioan một mực
can ngăn Người và nói: “chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế
mà Ngài lại đến với tôi!” nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã”. Trong lúc Đức Giêsu chịu phép rửa xong thì các
tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu ngự
trên Người. Và có tiếng từ Trời phán rằng: “Đây
là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Xc. Mt 3,15-16)
Phép rửa mà Gioan tẩy giả kêu gọi mọi người sám hối vì Nước
Thiên Chúa đã đến gần là phép rửa dành cho tội nhân. Nhưng để chu toàn thánh ý
Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chịu phép thanh tẩy của Gioan dành cho người tội lỗi để
tỏ lòng sám hối. Cử chỉ này cho thấy Đức Giêsu đã đi vào mầu nhiệm nhập thể
cách hoàn toàn. Cùng lúc đó Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Kitô và lời giới
thiệu của Chúa Cha về Người Con của mình như khởi đầu một cuộc sáng tạo mới.[3]
Hành động Đức Giêsu chịu phép thanh tẩy trên sông Giođan được
tác giả sách Công vụ tông đồ xem như biến cố Đức Giêsu được Thiên Chúa dùng
Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người (Cv 10,37-38). Điều này
cũng được Phêrô thuật lại với Ông Cornêliô là bắt đầu từ việc Đức Kitô chịu
phép rửa, khi đó Chúa Cha đã ban Thánh Thần cho Người một cách hữu hình. Đức
Kitô cũng nhắc đến việc xức dầu này khi Người áp dụng lời ngôn sứ Isaia vào
chính mình trong hội đường Nadarét. Thần khí Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức
dầu tấn phong Tôi, để Tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai Tôi
đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng
mắt, trả lại tự do cho kẻ bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. (Xc, Is
61,1-2; Lc 4,18-19)
Đặc biệt trong biến cố trên sông Giođan Đức Giêsu nhận Thánh
Thần để được sai đi thi hành sứ vụ của Chúa Cha trao phó liên quan đến cả hình
trình cuộc đời của Người, và Chúa Cha rất hài lòng về Con của mình. Có thể nói
như trong Thánh vịnh 2,7 “Con là Con Cha
yêu dấu, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Có thể nói biến cố Đức Giêsu chịu
phép rửa trên sông Giođan đã mở ra một kỉ nguyên mới nơi Đức Kitô điều đó chính
là chức tư tế nơi Người đã được biểu lộ. Chính lúc này đã khai mạc sứ vụ của Đức
Giêsu, đồng thời với việc sứ vụ của Gioan tẩy giả sẽ kết thúc tại đây. “Cho đến thời ông Gioan, thì có lề luật và
các ngôn sứ, còn từ thời đó, Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo” (Lc
16,6). Như vậy, kỷ nguyên mới là Đức Kitô được khai mở, còn chức tư tế cũ trở
nên lỗi thời. Từ đó Đức Giêsu tự do hành động và củng cố chức vụ tư tế của Người.
Nếu như khi Đức Kitô chịu thanh tẩy tại sông Giođan đã khai mở kỷ nguyên mới là
chức tư tế nơi Người bắt đầu đi vào hành trình cuộc sống công khai để thi hành
sứ vụ của Thiên Chúa, thì trong hành trình cuộc sống rao giảng Tin Mừng ý nghĩa
chức tư tế sẽ mang đầy đủ ý nghĩa hơn trong chức tư tế đích thực và duy nhất của
Người.
1.2.
Đức
Kitô tư tế trong hoạt động rao giảng Tin Mừng
Cả cuộc đời Đức Kitô là thể hiện mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên
Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta không thể tách riêng
từng hành trình cuộc đời của Đức Giêsu Kitô Ngôi Hai Thiên Chúa trong lịch sử cứu
độ. Nhưng, mỗi một giai đoạn trong cả hành trình hơn 33 năm sống trên trần thế
này đều là những giai đoạn có ý nghĩa trong chương trình kế hoạch của Thiên
Chúa. Vì Đức Kitô là được xem là là Đấng cứu độ duy nhất nên chính Người là
trung tâm của lịch sử cứu độ. Chính vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu cuộc đời của
Người. Nhưng trong bài viết này sẽ nêu bật ý nghĩa đặc biệt trong hành trình
rao giảng Tin Mừng của Người để làm nổi bật ý nghĩa chức tư tế duy nhất và đích
thực của Người.
Trước hết chúng ta xác định được Đức Giêsu xuống thế làm người
Do thái, để đích thân đến với dân Do thái và với hết mọi người, không trừ hạng
nghèo hèn, cũng không trừ dân ngoại (Lc 2,8-20 và Mt 2,1-12). Như vậy, đã đúng
như lời ngôn sứ Isaia loan báo Đấng cứu độ đến nhằm đem Tin Mừng cho người
nghèo khó và là ánh sáng cho dân ngoại (Is 61,1 và 42,6; 49,6). Sau thời gian
hơn 30 năm sống ẩn dật trong gia đình tại Nagiarét, Người bắt đầu thi hành sứ vụ
rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa được thể hiện qua lời dạy và những phép lạ
Người làm để cứu chữa những con người tội lỗi, nghèo hèn và bệnh tật khi đến với
Người.
Như các tư tế trong Cựu Ước có chức năng của một tư tế là thỉnh
ý Giavê thay cho người dân (x. 1Sm 14,41-42), dạy dỗ cho dân Ít-ra-el (x. Đnl
33,10; Gr 18,18; Ml 2,6), và tế lễ lên Thiên Chúa cho dân (x. Ed 44,10-31; Hc
45,14-17 và 50,21). Nhưng hai chức năng thỉnh ý Giavê thay cho dân và chức năng
dạy dỗ dần dần thuộc về các ngôn sứ và giới luật sĩ, nên chức năng tế lễ trở
thành chức năng duy nhất chủ yếu của hàng tư tế thời đại cuối của Cựu Ước.[4]
Trong Tin Mừng thứ nhất Đức Giêsu được xem như là một kinh
sư, vì Người giảng dạy những gì ông Môsê đã dạy chứ không bãi bỏ lề luật, Người
còn làm cho luật Môsê kiện toàn hơn nữa (Mt 5,17). Những lời giảng dạy của Đức
Giêsu tỏ ra có uy quyền so với những lời giảng dạy của những kinh sư. Vậy Đức
Giêsu giảng dạy những gì? Người loan báo và dạy về Thiên Chúa là Cha hết mọi
người dù là người Do thái hay không Do thái người tốt cũng như kẻ xấu “vì Người
cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như Người tốt, và cho mưa
xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Đức Giêsu đi khắp miền
Galilê giảng dạy trong các Hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa
hết bệnh hoạn tật nguyền của dân.
Người không chỉ rao giảng về Nước Thiên Chúa một cách cao
siêu, nhưng Người đã dạy cho con người những bài học để thực hành và sống một
cách cụ thể. Đó có thể là một tâm hồn ngay thẳng, một nền đạo đức có chiều sâu.
Phải được hành động cụ thể như: chớ ngoại tình, không được ly dị, đừng thề thốt,
chớ trả thù, phải yêu thương cả kẻ thù, phải kín đáo khi bố thí cũng như khi cầu
nguyện và ăn chay, phải biết từ bỏ chính mình, biết phó thác xác hồn cho chính
Chúa. Liên đới với nhau, những ai tin vào Đức Giêsu sẽ làm thành Nước Thiên
Chúa với một sức mạnh như hạt cải, như nắm men ít ỏi, bé nhỏ và Nước ấy sẽ phát
triển mạnh mẽ, lan rộng khắp nơi. Nhờ đó những ai chấp nhận làm công dân Nước
Trời sẽ được sống lành thánh ở đời này và vĩnh phúc ở đời sau.
Bên cạnh những lời giảng dạy, Đức Giêsu có những lần làm
phép lạ là để tỏ lộ lòng thương xót của Người đối với những người bệnh tật, tội
lỗi, nghèo hèn. Người làm những phép lạ như: chữa bệnh phong, trừ quỷ, dẹp yên
sóng gió và làm cho kẻ chết sống lại. Những phép lạ Người làm cho dân chúng biết
Người là ai, xuống thế để làm gì. Qua đó con người phải kết luận được rằng Đức
Kitô là Đấng Cứu Độ.
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu cũng mạc khải
một biến cố quan trọng, đó là Người chính là Đấng trung gian và đại diện duy nhất
của Thiên Chúa. Người giảng dạy theo thánh ý của Thiên Chúa và sau đó là chịu
chết như là một lễ tế dâng lên Cha để đền tội cho loài người. Thấy những lời Đức
Giêsu nói, những việc Người làm nhất là các phép lạ để chứng tỏ Người là một tư
tế tiếp nối Cựu Ước và trở thành một tư tế duy nhất cho muôn đời. Đức Kitô là
tư tế muôn đời và duy nhất được thể hiện cách đỉnh điểm vào hai biến cố quan trọng
là thương khó và Phục Sinh của Người.
2. Khởi đầu và hoàn
thành chức tư tế nơi Đức Kitô
Dĩ nhiên, Đức Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa nên chức tư tế của
Người sẽ không có khởi đầu và kết thúc. Vì Thiên Chúa sẽ không có giới hạn thời
gian và không gian như con người. Nhưng chúng ta sẽ chỉ xét đến việc hoàn thành
và kết thúc chức tư tế của Đức Kitô với bản tính con người. Trong thời gian xuống
thế làm người và đó là biến cố quan trọng nhất trong hành trình của Người.
Sự thập toàn ở đây không phải là thứ toàn thiện về mặt luân
lý, Đức Kitô luôn luôn toàn hảo, nhưng là hoàn thiện chức tư tế của Người.
Nguyên nhân đưa tới hoàn thiện đó là việc Đức Kitô được tôn vinh trên trời. Đức
Kitô là trung gian toàn hảo từ khi mới sinh. Sau khi Đức Kitô trải qua cái chết,
Phục Sinh và được suy tôn trên trời. Cuộc đời trần thế của Đức Kitô chính là điều
kiện và chuẩn bị để Người thi hành chức tư tế hoàn hảo và vĩnh cửu nhân ái và
quyền năng.[5]
2.1. Hy tế của Đức
Kitô trên thập giá
Cái chết của Đức Kitô trên thập giá mang nhiều ý nghĩa thần
học đó có thể được xem là một hiến tế dâng lên Chúa Cha. Điều đó cũng được xem
là tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, v.v.
Dù có nhiều ý nghĩa thần học về cái chết của Đức Giêsu, nhưng trong đó sẽ
không thể nào thiếu hai ý nghĩa quan trọng là cái chết của Người là cái chết
chiến thắng tội lỗi và cái chết để chiến thắng sự chết do tội lỗi con người gây
ra.
Từ khi tổ Tông loài người sa ngã Thiên Chúa đã hứa ban Đấng
cứu độ xuống cho con người. Đức Giêsu xuống thế là thi hành lời hứa của Chúa
Cha. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà
muôn người thành tội nhân, khi nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa,
muôn người sẽ thành người công chính (Rm 5,19). Công trình cứu chuộc của Người
có giá trị vĩnh cửu. Theo thánh Gioan và Phaolô, thì Đức Giêsu chịu chết trên
thập giá, là để xóa bỏ tội lỗi cho loài người. Người lại còn hạ mình, vâng lời
cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,8).
Hậu quả của tội lỗi chính là cái chết. Và chính cái chết mới
đáng sợ. Nên, nếu Đức Giêsu chỉ xóa bỏ tội lỗi cho loài người, mà loài người vẫn
phải chết, thì cái chết của Đức Giêsu là vô ích. Nhưng không, cái chết của Người
chẳng những cứu loài người khỏi ách tội lỗi, khỏi án công bình của Thiên Chúa,
nhưng còn trả lại cho loài người sự sống đời đời nữa.[6]
Thánh Tôma Aquinô nói về sự chết của Đức Kitô như sau: sự chết
của Đức Kitô có thể sinh ơn, có thể là nguyên nhân ơn cứu độ vì thân thể của
Người được hiệp nhất với Thiên tính. Khi Đức Kitô chết, xác và hồn của Người
tách lìa nhau, nhưng xác vẫn còn hiệp nhất với Thiên tính. Do đó vẫn là dụng cụ
sinh ơn sủng.[7] Từ
cái chết của Đức Kitô đã mở đường cho con người không còn đáng sợ hãi như xưa nữa.
Vì từ đây chết không phải là hết mà chỉ là từ một thế giới tương đối sang một
thế giới tuyệt đối. Nơi đó con người sẽ được sống đời đời với Đức Kitô tư tế của
mình.
2.2.
Sự Phục
Sinh của Đức Kitô
Trong Hiến chế Dei Verbum số 4 nói như sau: “Người hoàn tất mạc khải nhất là qua cái chết
và Phục Sinh của Người, và sau hết bằng việc sai phái Thần Chân lý đến” nói
cách khác cái chết và Phục Sinh của Đức Kitô cũng phải coi là chóp đỉnh của
công cuộc mạc khải của Người.
Ngày nay chúng ta vẫn đang tưởng niệm mầu nhiệm Vượt qua này
cách trọng đại trong đời sống Giáo hội. Vì hai sự kiện thương khó và Phục Sinh
không thể tách rời nhau. Một cách bình thường chúng ta cũng có thể hiểu được mầu
nhiệm Phục Sinh làm cho lời chứng của Người đáng tin hơn, vì không ai lại chết
cho một việc mơ hồ. Cái chết của Đức Giêsu là cái chết tự nguyện là một hành động
trao hiến, thể hiện sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vì không ai có quyền trên
cái chết của Người hết : “Thủ lãnh thế
gian này không làm gì được Thầy, nhưng đúng như Chúa Cha đã loan truyền cho Thầy,
để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha (Ga 14,30-31). Con Người đến không
phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc
muôn người” (Ga 15,13).
Giá trị sự thương khó và Phục Sinh của Đức Kitô là vĩnh cửu.
Vì Đức Giêsu Kitô được xem là một giao ước mới được kí kết giữa Thiên Chúa và
con người. “Đây là máu Thầy, máu của giao
ước mới, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24).[8]
(Còn tiếp)
[1]
Xc, Lm Phêrô Nguyễn Bá Ân
OP, Chức tư tế, Chân Lý, 2003, tr.86
[2]
Xc, Sđd, tr.87
[3]Xc,
Lm Phêrô Nguyễn Bá Ân OP, Chức tư tế, Chân Lý, 2003, tr.89
[5]Xc,
Lm Phêrô Nguyễn Bá Ân OP, Chức tư tế, Chân Lý, 2003, tr.128
[6] Xc, Lm Tanila Hoàng Đắc Ánh OP, Lịch Sử Cứu Độ, Học viên Đa minh, tr.78
[7]
Xc, Lm Phêrô Nguyễn Bá Ân
OP, Chức tư tế, Chân Lý, 2003, tr.142
[8] Xc, Phan Tấn Thành OP, Thần Học Mặc Khải, Học viện Đa Minh
2005, tr.124-128
0 nhận xét:
Đăng nhận xét