Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Thánh GIUSE Khiêm nhu và Trầm Lặng hay “Cuộc Khổ nạn thầm lặng của Thánh Giuse”


Tháng 3 là tháng kính Thánh GIUSE. Trong thời gian này, khắp nơi trong Hội Thánh đều hướng về Thánh GIUSE. Hướng về bằng nhiều cách, như những suy gẫm, những hình ảnh, những kinh nguyện, những thành tích…” ĐGM. Gioan Bùi Tuần, CGDT, số 1796 th.3/2011)
Chính vì thế mà trong dịp này, chúng ta học hỏi nơi Thánh Giuse rất nhiều điều thiết thực, bổ ích cho đời sống tu đức. Trong khuôn khổ bài này và trong bối cảnh mùa Chay, chúng ta chỉ khai thác khía cạnh sống nội tâm trầm lặng của Thánh nhân – hiệp thông với sứ mạng cứu thế của Đức Kitô – mà ta có thể gọi là “Cuộc Khổ nạn thầm lặng” của Thánh Giuse.
Trước hết, dựa vào những chi tiết hiếm hoi của Tin Mừng về thánh nhân, chúng ta ta có thể khẳng định ngài rất khiêm tốn, trầm lặng dù ngài ý thức được là mình đang “nắm trong tay” một kho báu độc nhất vô nhị là chính Ngôi Hai Nhập Thể. Mặt khác, cuộc sống lao động vất vả của một gia trưởng để nuôi sống gia đình đã không bóp nghẹt nơi ngài cuộc sống nội tâm, cầu nguyện. Ngài không chỉ là “người công chính” mà còn là con người sống theo hướng đạo của Thánh Thần khi ngài luôn ngoan ngoãn lắng nghe và làm theo thiên ý.

Phần đầu của Tin Mừng Thánh Matthêu (Chương 1) có thể hé mở cho chúng ta thấy được “Cuộc Khổ nạn thầm lặng” của Thánh Giuse, một người thuộc hoàng tộc Vua Đavít, nhất là ở câu 19: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Câu này đủ cho chúng ta thấy được nỗi khổ tâm của Giuse trước một tình huống thật khó hiểu và khó xử ngay trong những ngày đầu gặp gỡ Đức Maria.
Rồi đến những ngày vất vả về nguyên quán theo lệnh kiểm tra dân số của hoàng đế Lamã (Lc 2,1-7). Làm sao diễn tả được nỗi đau, nỗi nhục của một gia trưởng, một người chồng, vì quá nghèo, mà phải đưa vợ của mình, đến ngày sinh nở, ra tạm trú ở một “máng cỏ, hang lừa”, không một tiện nghi tối thiểu?!
Chưa giải quyết xong nơi ăn chốn ở ổn định cho vợ yếu, con thơ thì một lần nữa Giuse, người chồng, người cha khốn khổ này lại phải nửa đêm “trỗi dậy, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập!”(Mt 2,14) và phải sống vất vưởng nơi đất khách quê người suốt 7 năm trời ròng rã. Sau khi hồi hương lại không dám về quê quán ở miền Giuđê mà phải ra tận Nagiaret ở miền bắc cũng vì sợ con vua Herode nhớ lại chuyện xưa mà bách hại gia đình (X. Mt 2,22-23).
Tiếp đến là chuyện lạc mất con ở đền thờ, lại phải một phen âu lo sợ hãi, cùng người vợ hiền lặn lội đi tìm con. Chắc chắn khi đó, với tinh thần trách nhiệm của một gia trưởng, và với tình thương của một người cha, Giuse đã phải hết ba ngày mất ăn, mất ngủ! (Lc 2,42-50). Chắc chắn khi đó Giuse đã nhớ lại lời cụ già Simêon tiên báo: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Lc. 2,34-35).
Từ đó, Phúc Âm không còn nói gì thêm về Thánh Giuse nữa, nhưng có những học giả quả quyết là “Thánh Giuse đã rất khổ tâm khi thấy trước con đường khổ giá mà người Con yêu của mình sẽ phải trải qua khi thời gian đến. Thậm chí có thể Ngài đã chết sớm vì chính những nỗi khổ tâm này đêm ngày dằn vật!” (X. Site “Marie de Nazareth”). Chắc chắn là cùng với Đức Maria, Thánh Giuse biết rõ sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu, biết rõ những gian khổ đang chờ đợi Con yêu của mình sau khi bắt đầu cuộc sống công khai. Dù Phúc Âm không nói gì, nhưng chúng ta vẫn có lý do để tin chắc rằng đã có những giây phút chia sẻ, “tâm sự” giữa hai cha con và qua đó Thánh Giuse càng hiểu rõ hơn những gì đang chờ đợi Đức Giêsu khi thời gian đến và chắc chắn, với tư cách một người cha thánh thiện và đầy yêu thương, thánh nhân đã động viên, an ủi Con mình.
Từ những suy tư trên đây, có lẽ ta có thể rút ra cho mình những điểm thực hành thiết thực cho Mùa Chay này, theo đúng tinh thần của Thánh Giuse, mà điểm chính là Khiêm nhường và thầm lặng.
Vâng, ta có thể nói hai điểm này, khiêm nhường và thầm lặng, luôn song hành và hỗ trợ lẫn nhau. Tục ngữ có câu “Đa ngôn đa quá” (Nói nhiều lỗi nhiều), Thánh Giacôbê (3,2) cũng cảnh báo: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo”. Do đó, thinh lặng cũng là một cách để dẹp bớt dịp tội và dĩ nhiên là để dễ sống nội tâm hơn cho những ai muốn sống đời cầu nguyện, muốn dễ dàng nghe được tiếng Chúa. Mặt khác nữa, sống thầm lặng cũng giúp ta sống khiêm nhường hơn, vì ta sẽ bớt được những lời huênh hoang, tâng bốc chính mình hoặc những lời lẽ phê bình, chê bai người khác. Thiết tưởng giữ được hai điểm này, nhất là trong mùa Chay, chắc chắn sẽ giúp chúng ta nên giống Thánh Giuse hơn, và đó cũng là cách tôn sùng Thánh Giuse thiết thực nhất và cũng rất làm vui lòng Thánh nhân.
Dĩ nhiên là để giữ được lòng khiêm nhu, thầm lặng như vật, đòi hỏi ta phải có quyết tâm cao, phải có ý chí, phải biết hi sinh, (nhất là đối với những người “già hàm” ham nói!). Chính vì thế mà thực hành hai điểm này trong mùa chay thánh, chắc chắn sẽ giúp chúng ta sống hi sinh “hãm mình” nhiều hơn, thiết thực hơn đồng thời cũng bổ ích hơn về mặt tu đức. 
Nguyện xin Thánh Cả Giuse, là Gương mẫu của đức Khiêm nhu và của đời sống nội tâm, giúp chúng con biết luôn noi gương Ngài để được sống như Ngài đã sống.

Chú BA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP