Thánh Augustino nói: “hát hay tức là cầu nguyện hai
lần”[1].
Thánh Phaolô thì khuyên nhủ Ki-tô hữu: “anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng
Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng”
(xc. Cl 3,16). Thánh Augustino còn nói: “Ai yêu thì hát”[2].
Trong Phụng vụ, Dân Thiên Chúa được tháp nhập vào sự sống thần linh, rung động
và nhảy mừng bằng tất cả con người. Bắt nguồn từ lời cầu nguyện của thánh vịnh,
âm nhạc Ghêgôriô là lối hát riêng của Phụng vụ Roma (PV 116). Công Đồng
Vaticanô II công bố rằng trong Phụng Vụ sự hiện diện của Đức Kitô được tỏ bày bằng
nhiều cách – trong con người của những thừa tác viên có chức thánh, trong việc
công bố Lời Chúa, trong hình bánh rượu, và sau cùng “khi Hội Thánh cầu nguyện
và ca hát” (Sacrosanctum Concilium, số 7). Mọi cách thức thể hiện trong Phụng vụ
đều có ý nghĩa và mục đích của nó. Âm nhạc trong Phụng vụ cũng thế, nó góp phần
không nhỏ trong việc cầu nguyện, hiệp thông và làm sống động hơn bầu khí Phụng
vụ.
Âm nhạc và thánh
nhạc
- Âm nhạc là nghệ thuật diễn tả cảm xúc,
cảm tình bằng âm thanh.[3]
- Thánh nhạc, trong khi đó được coi là một
nghệ thuật cao cả và tế nhị, làm tăng thêm vẻ huy hoàng cho việc thờ phượng
Chúa và làm cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu thêm tiến triển.[4]
Để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu
Thánh
nhạc là “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu”. Thánh nhạc, phải hiểu
là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa, nên phải biểu lộ sự
thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao. Khi nói đến Thánh nhạc
thì phải kể đến nhạc Ghêgôriô (cũng gọi là Bình ca), nhạc đa âm cổ điển và hiện
đại dưới các hình thể khác nhau, nhạc soạn cho Đại phong cầm và các nhạc khí
được công nhận, các ca khúc bình dân, Phụng vụ và Tôn giáo.
Ðức Giáo Hoàng Piô XII trong Thông Ðiệp
"Kỷ Luật về Thánh Nhạc", ngày 25 tháng 12 năm 1955, số 27 đã viết:
“tư cách và mục đích cao cả của Thánh nhạc là để tô điểm và dùng những giai điệu
du dương và trong sáng mà làm cho giọng nói của linh mục đang dâng hy lễ hoặc của
dân Chúa đang chúc tụng Đấng Tối cao được hay hơn và làm cho lời kinh phụng vụ
của cộng đoàn Kitô hữu thêm linh động, nhiệt tình, ngõ hầu tất cả mọi người có
thể ca tụng và cầu khẩn một Chúa Ba ngôi, cách mạnh mẽ và hiệu nghiệm hơn.” Và
số 29 viết: “Nhờ Thánh nhạc, vinh dự mà Hội thánh kết hợp với Chúa Kitô là Vị
thủ lãnh của mình dâng lên Thiên Chúa sẽ lớn lao hơn; tín hữu nhờ Thánh ca lôi
cuốn sẽ đạt được nhiều kết quả hơn do Phụng vụ thánh và biểu lộ ra trong đời sống
với một tác phong xứng danh người Kitô hữu.”
Nhưng không phải ở tự bản chất của âm nhạc
khi dùng trong phụng vụ có thể đem lại những thành quả đó, mà vì, theo Hiến Chế
về Phụng Vụ Thánh của Công Ðồng Vatican II, số 112: “Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên
một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc
thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng
thể… Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao
nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện
một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các
nghi lễ thêm phần long trọng”. Tuy quan trọng,
nhưng âm nhạc chỉ là phương tiện dùng trong phụng vụ, nhằm phục vụ chứ không phải
để làm bá chủ trong phụng vụ.
Mục
đích của thánh nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu, nên thánh
nhạc phải có những đặc tính căn bản mà Ðức Giáo Hoàng Piô X đã đề ra trong Tự Sắc
Trale Sollecitudini số 2, và được khai triển trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh,
số 112 của Công Ðồng Vatican II:
a. Thánh nhạc phải là thánh:
*
Về mặt tích cực: “Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ
với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu” (SC, số 112).
*
Về mặt tiêu cực: Phải loại bỏ những gì phàm tục không những trong bản chất
mà cả nơi những người thể hiện.
b. Thánh nhạc phải là nghệ thuật đích thực, có giá trị cả về nhạc
lẫn về lời, như thế thánh nhạc sẽ dễ dàng đưa tâm hồn con người đạt tới công hiệu
mà Giáo Hội nhắm khi dùng nghệ thuật âm thanh trong phụng vụ.
Các
Kitô hữu thường cầu nguyện bằng Lời Chúa qua việc hát các Thánh Vịnh và những
bài Thánh Thi khác trong Thánh Kinh, như bài Magnificat của Đức Mẹ. Những bài
thánh ca dựa trên Thánh Kinh này tạo thành nền tảng cho việc cho Phụng Vụ Giờ
Kinh là kinh nguyện hằng ngày của Hội Thánh, và được dùng thường xuyên trong
khi cử hành Thánh Lễ, các Bí Tích và những nghi thức khác.
Cộng
thêm với những Thánh Vịnh và Thánh Thi, cộng đồng cũng hát những đoạn Thánh
Kinh khác trong Phụng Vụ. Linh Mục và dân chúng cùng nhau hát những bài ca
trích từ Thánh Kinh ở chính trọng tâm của Thánh Lễ - trong Lời Nguyện Thánh Thể
- khi họ hợp cùng các Thánh và các Thiên Thần trong bài ca siêu việt chúc tụng
Thiên Chúa dựa trên thị kiến của ngôn sứ Isaia: “Thánh, Thánh, Thánh, Thiên
Chúa uy quyền và toàn năng. Trời đất đầy vinh quang Chúa” (xem Is 6:3). Âm nhạc
là một món quà của Thiên Chúa mở ra cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về
vinh quang của Ngài. Mặc dù thẩm mỹ, âm nhạc và những nghệ thuật khác tỏ cho
chúng ta thấy những khía cạnh của chân lý mà lời nói mà thôi không thể truyền đạt
được. ĐTC Gioan Phaolô II đã ghi nhận rằng “trong không biết bao nhiêu trường hợp,
lời trong Thánh Kinh đã trở thành hình ảnh, âm nhạc và các vần thơ, gợi lên mầu
nhiệm của ‘Ngôi Lời làm người’ trong ngôn ngữ của nghệ thuật” (Thư gửi các Nghệ
Sĩ, số 5, ngày 23 tháng 4, 1999).
Dù
chúng ta hát hay lắng nghe, âm nhạc có sức đem chúng ta vào những cảm nghiệm vượt
trên những lời nói - đến một cuộc gặp gỡ riêng với chính Đức Kitô, Ngôi Lời làm
người.
Thánh Nhạc diễn tả chiều kích loan báo
Phụng vụ được xây dựng trên Lời Chúa,
trên Tin Mừng, do đó, Nhạc trong Phụng vụ phải phù hợp với Lời Chúa, phải diễn
tả đúng Tin Mừng. Ta không thể nói bất cứ điều gì hay hát bất cứ bài gì. Nội
dung bài hát cần được xem xét kỹ lưỡng.
Các sáng tác của các nhóm Phụng Vụ giáo
xứ, những lời thơ để dệt nhạc của các thi sĩ càng cần được xét duyệt cẩn thận
hơn nữa. Ta buộc lòng phải làm như thế chỉ vì muốn bảo đảm nội dung của các bài
hát: Phải loan báo đúng sứ điệp của Lời Chúa.
Thánh Nhạc diễn tả chiều kích tán tụng
Phụng Vụ là công việc của cộng đoàn, của
Giáo Hội. Mục đích việc dân Chúa tụ họp bên nhau là để ca ngợi Chúa.
Ngày xưa, dân Israel ca tụng Chúa lúc vui, lúc gặp
nhiều hạnh vận. Nhưng ngay trong cảnh đau thương, họ vẫn cất lời ca tụng vì họ
tin chắc rằng Chúa sẽ nhận lời họ cầu xin:
"Giữa
cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa,
Chúa
đáp lời và giải thoát tôi" (Tv 117, 5).
Khi ta đọc hay ngâm cao giọng thì cũng
đã là cách ca tụng Chúa đầy phấn khởi rồi. Nhưng khi ta cùng nhau hát lên thì
chiều kích tán tụng sẽ rõ nét hơn.
Trong Phụng Vụ, loan báo và tán tụng là
hai chiều kích rất quan trọng. Do đó, ta cần hết sức lưu tâm để làm nổi bật
công việc nầy.
Thánh Nhạc làm nổi bật ý nghĩa ngày lễ
Phụng Vụ là một ngày lễ, là "tột
đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội" (PV, số 10). Vậy,
Thánh Nhạc phải làm sao để diễn tả hết sức sống mãnh liệt đó.
Thánh Nhạc phải làm nổi bật ý nghĩa của
mùa Phụng Vụ. "Thánh Nhạc vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng".
(PV, số 112 c).
Ðể chu toàn phận vụ của mình, Thánh Nhạc
phải đạt đến trình độ nghệ thuật đích thực. "Truyền thống âm nhạc của
toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẵn mọi diễn tả nghệ
thuật". (PV, số 112 a).
Dù Nhạc rất nghệ thuật, nhưng cộng đoàn
không hát được vì khó quá thì Nhạc vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu của Giáo Hội.
Ta phải dung hoà để nhạc vừa có tính nghệ thuật, vừa phù hợp với khả năng hát của
cộng đoàn.
Thánh
Nhạc diễn tả chiều kích đối thoại
Ðối thoại là cách trao đổi giữa hai bên.
Có nhiều cách thể hiện đối thoại:
Hình thức đối thoại đúng nghĩa nhất
trong cử hành Phụng Vụ là Ðáp ca. Ðó là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa
và con người. Cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và suy niệm. Tiếp đó, họ sẽ hát đáp
lại. Hình thức hát Ðáp ca thích hợp là lối ngâm vịnh. Nhưng ở Việt Nam , các Nhạc
sĩ thường sáng tác Ðáp ca theo hình thức ca khúc.
Ngoài Ðáp ca, những lúc khác trong cử
hành Phụng Vụ cũng cho thấy chiều kích đối thoại. Công cuộc cứu chuộc của Chúa
được chuyển đạt từ Thiên Chúa đến con người, qua kinh nguyện trong Phụng vụ, và
con người hát câu tung hô để bày tỏ sự ưng thuận và biết ơn của mình.
Thánh Nhạc diễn tả chiều kích cộng đoàn
Phụng Vụ là công việc của cộng đoàn, vì "Nhờ
phép rửa tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân
Kitô giáo" (PV, số 14).
Phụng Vụ không còn là việc dành riêng
cho hàng giáo sĩ, nhưng mỗi người phải góp phần để linh động hóa việc cử hành.
Người đệm đàn, xướng viên, ca đoàn, cộng đoàn. "Họ phải thi hành phận vụ
mình với lòng đạo đức chân thành và trật tự, phù hợp với thừa tác vụ trọng đại ấy
và là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ" (PV, số 29). Không ai được
độc quyền, nhưng phải chia việc cho nhau, "cần phải hết sức để tâm đến
việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân" (PV, số 14 b).
Ngoài ra ca đoàn còn nắm giữ sứ mệnh
tông đồ truyền giáo. Một ca đoàn hát hay và có trách nhiệm, sẽ có khả năng lôi
kéo những anh chị em chưa biết Chúa trở về với Chúa. Khi tham dự lễ nghi Phụng
Vụ và đặc biệt khi tham dự Thánh Lễ, với những bài Thánh Ca có tính mỹ thuật, cầu
nguyện, người tham dự mặc dù chưa biết Chúa, họ như bị đánh động bởi lời ca tiếng
hát, vì âm nhạc là con đường ngắn nhất đi vào trái tim con người. Biết bao
nhiêu tấm gương những người trở lại với Chúa khi họ tham dự Thánh Lễ Cưới,
Thánh Lễ An Táng, Rửa Tội... Họ cảm nghiệm được Chúa và nhận ra Chúa qua lời ca
tiếng hát với những bài Thánh Ca làm họ xúc động. Ý thức được sứ mệnh truyền
giáo qua Thánh Ca, ca trưởng, người đệm đàn, ca xướng viên...sẽ cố gắng hết sức
tập luyện và hát hay để chuyển đạt cho cộng đoàn và người khác những tâm tình cầu
nguyện, những tâm tư ước mơ, những rung cảm trái tim trước tình yêu Thiên Chúa,
góp phần hữu hiệu vào việc truyền giáo.
Kết Luận
Ðể kết luận, mỗi người Công Giáo và đặc
biệt ca đoàn, ca trưởng, người đệm đàn, ca xướng viên, cantors... luôn ý thức
được vai trò quan trọng của mình là những thừa tác viên Phụng Vụ trong cộng
đoàn Dân Chúa. Từ đó, mỗi người đều có trách nhiệm học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu,
và trau dồi những kiến thức cần thiết về Thánh Nhạc, Thánh Ca, Phụng Vụ, đồng
thời, cố gắng luyên tập kiên trì và liên tục, để xứng đáng là một thừa tác viên
Phụng Vụ thay cho Dân Chúa và hướng dẫn Dân Chúa trong những lễ nghi Phụng Vụ.
Nhờ đó, cộng đoàn Dân Chúa tham dự tích cực vào đời sống Phụng Vụ, đồng thời,
mang Chúa đến cho những anh chị em chưa biết Chúa trong sứ mệnh truyền giáo.
Thánh nhạc có vai trò quan trọng và ý
nghĩa biết bao cho chúng ta.
Hoa Sữa
[1] Dom Robert Le Gall, Tự điển Phụng Vụ, nguyên bản pháp ngữ
Dictionaire de liturgie, xuất bản năm 1982.
[2] Sđd.
[3] Xc. Lm. Dao Kim, Âm nhạc trong
Thánh lễ, www.phamduchuyen.org/tham_khao/am_nhac_trong_thanh_le.doc,
cập nhật ngày 12.04.2010
[4] Xc. Sđd.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét