Ngày 8/10/2010, ngay sau khi Uỷ
ban Hoà bình công bố tên người sẽ được trao giải năm nay, thì chiến tranh đã nổ
ra. Trung Quốc vô cùng tức giận và thẳng thừng công kích quyết định của Uỷ ban
này. Thật ra thì cuộc chiến đã bắt đầu từ nhiều tháng trước đó. Từ tháng hai, một
phát ngôn viên của Bộ ngoại Trung Quốc, bà Khương Du, đã nói rằng, sẽ “hoàn
toàn sai lầm” nếu “một người như thế” được giải Nobel hoà bình. Trung Quốc dùng
mọi cách, từ thuyết phục đến đe doạ, nhắm đến không những Uỷ ban Hoà bình mà cả
đến các quốc gia nhằm tẩy chay giải Nobel hoà bình năm nay. Như thế giải Nobel
hoà bình năm nay đã là nguyên nhân và khởi đầu cho một cuộc chiến trên nhiều mặt
trận.
Phản
ứng của Trung Quốc
Trước hết, Trung Quốc triệu tập đại
sứ Nauy tại Bắc Kinh đến để phản đối, và tuyên bố việc trao giải đã vi phạm các
ý nghĩa của giải thưởng và có thể tổn hại đến quan hệ song phương giữa Na Uy và
Trung Quốc. Không chỉ đe doạ, từ ngày 8/10, Trung Quốc đã huỷ bỏ nhiều cuộc gặp
gỡ cấp bộ trưởng, những hoạt động văn hoá và những thoả ước mậu dịch với Nauy để
phản đối việc trao giải này.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử
giải Nobel hoà bình, một quốc gia, Trung Quốc, can thiệp trực tiếp với các quốc
gia khác để thuyết phục họ không đến tham dự buổi lễ trao giải. Đại sứ quán
Trung Quốc tại Oslo, Nauy đã gởi công văn đến tất cả đại diện ngoại giao có mặt
tại Nauy, để lưu ý đến những “hậu quả” nếu tham dự buổi lễ trao giải này.
Bà Khương Du, phát ngôn viên của
Bộ ngoại giao Trung Quốc cay cú nói rằng “Những người ở Ủy ban Nobel đang dàn dựng
một màn rối ren chống lại Trung Quốc” và “hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế
đã bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với lập trường của Trung Quốc chống lại giải
Nobel hòa bình năm nay”
Với tầm ảnh hưởng hiện tại của
Trung Quốc, đặc biệt về mặt kinh tế, sự đe doạ của Trung Quốc không phải là
không có tác dụng. Ba ngày trước lễ trao giải, có 19 trên 65 đại sứ quán được mời
nói sẽ không đến buổi lễ trọng đại này.
Trong ngày lễ trao giải, tại
Trung Quốc, (10/12) hệ thống truyền hình trực tiếp của
Mỹ CNN, của Anh BBC và của Pháp TV5, chỉ hiện lên duy một màu đen chết chóc!
Trong một động
thái khác, ngày 9/12, một ngày trước ngày trao giải Nobel hoà bình tại Oslo,
Trung Quốc đã trao giải hoà bình Khổng Tử (theo Reuters dẫn thông cáo của ban tổ
chức nói giải hoà bình đầu tiên của Trung Quốc, vốn lập ra nhằm “đáp trả Nobel
hoà bình 2010”), trị giá 100 nghìn nhân dân tệ (tương đương 15 nghìn đô la mỹ),
cho ông Liên Chiến, cựu phó tổng thống Đài loan, “vì đóng góp của ông cho hoà
bình giữa hai bờ eo biển Đài loan”. Tuy nhiên theo hãng tin AP, chính văn phòng của ông Liên Chiến tại Đài Bắc nói
ông không hề biết về giải thưởng này và cũng không muốn tới Bắc Kinh để nhận.
Cuối cùng giải Khổng Tử đã được trao tượng trưng cho một bé gái!
Lý
do phản ứng của Trung Quốc
Ông Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi, đang ngồi
tù ở Trung Quốc, bị Trung quốc kết án 11 năm tù vì tội “kích động lật đổ chính
phủ”. Ông Lưu chịu án 11 năm tù vì đã soạn thảo Hiến chương 08, (công bố vào dịp
kỉ niệm 60 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc), kêu gọi dân chủ đa đảng
và tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc. Ông đã tham gia các cuộc biểu tình bị đàn
áp đẫm máu tại Thiên An Môn năm 1989.
Trung quốc luôn coi ông Lưu Hiểu
Ba là “tên tội phạm” và do đó xem việc trao giải Nobel hoà bình cho ông Lưu là
“can thiệp vào hệ thống luật pháp của Trung Quốc”, và khẳng định “Trung Quốc sẽ
không thay đổi vì sự can thiệp của một số thằng hề”.
Một khi đã coi mình là nắm trọn
chân lí, cho mình là đúng, cho mình quyền quyết định đâu là sự thật, thì tất cả
tiếng nói đối lập đều bị quy kết là “chống
đối”, là “âm mưu lật đổ” là điều tất yếu. Ông Lưu dám đụng đến quyền độc tôn
lãnh của Đảng, đụng đến quyền lợi của tổ chức này, khi kêu gọi đa đảng, dám nói
khác những “chân lí” đã được Đảng tuyên truyền, thì việc ông bị bắt, bị kết án
cũng là điều tất yếu. Và như thế, việc Trung Quốc phản đối Uỷ ban hoà bình trao
giải cho ông Lưu, tuy trơ trẽn, nhưng là điều thật dễ hiểu.
Phản
ứng của thế giới
Trước thái độ phản ứng gay
gắt của Trung Quốc, thế giới đã bày tỏ quan điểm của mình. Ngoài một số quốc
gia có liên hệ “đặc biệt” hoặc e ngại Trung Quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi không
đến lễ trao giải, còn hầu hết đều ủng hộ quyết định của Uỷ ban hoà bình và đã
đến dự lễ trao giải này vào ngày 10/12 tại Oslo, Nauy. Đáng chú ý nhất là
trường hợp cộng hoà Séc và Uraina, trước đó đã tuyên bố không đến dự, nhưng
cuối cùng đã thay đổi thái độ và đến dự vào giờ chót.
Trong 1.000 khách mời đến Oslo có đại diện cao nhất
của nước Na Uy đăng cai trao giải Nobel là vợ chồng vua Harald V. và hoàng hậu
Sonja ngồi chủ tọa giữa đại sảnh. Từ Hoa Kỳ người có quyền lực đứng thứ ba của
Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi được tháp tùng bởi Đại sứ Mỹ Barry
White. Hầu như toàn khối Liên Hiệp Âu Châu bao gồm đại diện và đại sứ có mặt
trong buổi trao giải thưởng.
Trước đó, Tổng thống Mỹ
Barack Obama đã kêu gọi Trung Quốc thả ông Lưu Hiểu Ba ngay lập tức và nói thêm
rằng : “Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã có những phát triển mạnh mẽ trong cải
cách kinh tế, kéo hàng trăm triệu người ra khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, giải
thưởng này nhắc nhở chúng ta rằng cải cách chính trị vẫn chưa theo kịp và rằng
quyền con người cơ bản của mỗi người đều phải được tôn trọng”.
Thông cáo của Quỹ Nobel ghi rõ Lưu Hiểu Ba được trao
Nobel hòa bình vì “cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng giải
thưởng dành cho Lưu Hiểu Ba là “sự công nhận rằng thế giới ngày càng đồng thuận
trong việc cải thiện quyền con người”.
Phát ngôn viên của chính phủ Đức
Steffen Seibert tuyên bố Trung Quốc nên thả Lưu Hiểu Ba để ông ta có thể tham
gia lễ nhận giải. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner cũng hoan nghênh
giải thưởng và cũng kêu gọi Trung Quốc thả ông Lưu.
Ý
nghĩa của Nobel hoà bình
Theo nguyện vọng ghi trong
di chúc của Alfred Nobel, giải Nobel hoà bình nên được trao “cho người đã có
đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc
giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến
các hội nghị hoà bình”. Tuy nhiên quan niệm “hoà bình” được hiểu khá rộng. Các
giải Nobel hòa bình trong 5 năm gần đây phản ánh các khía cạnh khác nhau của
định nghĩa “hòa bình”.
Năm 2009, Tổng thống Mỹ
Barack Obama, được trao giải, chỉ 9 tháng sau khi nhậm chức. Điều này làm dấy
lên những cuộc tranh luận gay gắt. Phe ủng hộ cho rằng giải thưởng cho Obama là
xứng đáng và sẽ cổ vũ ông trên con đường hành động vì một thế giới phi hạt
nhân. Phe phản đối lập luận rằng giải Nobel là để dành cho những người đạt được
thành tựu cụ thể sau một quá trình. Ngoài ra, việc ông là tổng thống của một
quốc gia đang tiến hành hai cuộc chiến tranh cũng khiến những người hoài nghi
đánh giá là giải chưa xứng đáng.
Năm 2008, Martti Ahtisaari,
cựu tổng thống Phần Lan, đặc sứ của Liên Hợp Quốc được nhận giải vì vai trò làm
trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột Namibia, Aceh, Kosovo và Iraq.
Năm 2007, cựu phó tổng thống
Mỹ Al Gore được vinh danh cho các thành tích trong việc chống lại biến đổi khí
hậu toàn cầu.
Năm 2006, Muhammad Yunus,
người Bangladesh
nhận giải Nobel Hòa bình vì “những nỗ lực phát triển kinh tế xã hội cho người
nghèo”. Ông đã lập ngân hàng Grameen giúp người nghèo các khoản vay 50-100 USD
mà không cần thế chấp. Ông cũng nổi tiếng với câu nói “sẽ đem đói nghèo vào
viện bảo tàng”.
Năm 2005, giải thường này
được trao cho Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA và người đứng đầu cơ
quan này, Giám đốc Mohamed El Baradei vì đã góp phần “ngăn chặn việc đưa các
năng lượng nguyên tử hạt nhân vào sử dụng trong mục đích chiến tranh, đảm bảo
các năng lượng nguyên tử chỉ được sử dụng với sứ mạng hòa bình và có độ an toàn
cao”.
Chính cách hiểu thế nào là “hoà
bình” đã là một trong những nguyên nhân làm Trung Quốc cay cú và phản ứng quyết
liệt, dẫn đến bất đồng, chia rẽ và thậm chí “chiến tranh” giữa Trung Quốc và cộng
đồng quốc tế. Trung Quốc cứ bám sát nghĩa đen theo tờ di chúc của Alfred Nobel,
do đó cho rằng trao giải cho ông Lưu “là một sự sỉ nhục đối với chính giải thưởng”
và “đang dàn dựng một màn rối ren chống lại Trung Quốc”
Trong khi Thông cáo của Quỹ Nobel
ghi rõ rằng, Lưu Hiểu Ba được trao Nobel hòa bình vì “cuộc đấu tranh trường kỳ
bất bạo động vì quyền con người ở Trung Quốc”. Trong buổi lễ, diễn viên điện ảnh
Liv Ullmann đọc lại tuyên bố mà ông Lưu đã đọc trước toà tháng 12/2009 : “Không
ai có thể dập tắt ngọn lửa tranh đấu cho tự do. Với nỗ lực của mọi người, hy vọng
cuối cùng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia pháp trị, nơi nhân quyền được tôn trọng”.
Ông Jagland, chủ tịch Uỷ ban hoà bình khẳng định rằng : “Đây không phải là hành
động phản đối, đây là tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng trong tương lai, phát
triển kinh tế phải đi đôi với cải cách chính trị, hậu thuẫn những người tranh đấu
cho nhân quyền. […] Giải Nobel hoà bình thuộc về giá trị nhân quyền phổ quát,
không phải là tiêu chuẩn của Tây Phương”.
Như vậy hoà bình không phải là một
khái niệm hay một thực tại sẵn có. Nó phải được xây dựng, được thanh luyện và
thử thách. Nhiều khi phải chấp nhận chia rẽ, đấu tranh, kể cả chiến tranh để có
hoà bình. Hình dáng chiếc ghế màu xanh để trống ở
Oslo nhìn rất bình thường như những chiếc ghế khác vẫn có 4 chân, 2 chỗ dựa tay
và một chỗ dựa lưng, nhưng hôm nay chiếc ghế này chuyển tải cho thế giới một sức
nặng vô biên về quyền tự do con người, quyền đấu tranh ngôn luận cho dân tộc được
thăng tiến.
Manga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét