Khi nói đến việc trung thành ta
thường hay nghĩ tới việc lập đi lập lại một động tác, một công việc, một lời hứa
nào đó... như một thời khóa biểu. Những điều đó chủ yếu là để tiến tới sự phát
triển con người: một cầu thủ bóng đá tập đi tập lại động tác sút bóng là để đạt
được một kỹ năng cao, để hy vọng có thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.
Không ai trung thành với một điều gì đó mà lại không có một lý tưởng, một mục
đích mình muốn hướng đến.
Để việc trung thành trở nên sinh
động, con người không chỉ hành động một cách máy móc mà phải biết năng động
sáng tạo thêm.
Sự trung thành có thể được thực
hiện tùy theo thời gian ngắn dài hoặc là trung thành mãi mãi, tùy theo lý tưởng
được đặt ra là lý tưởng gì. Để đạt được một kỹ năng nào đó, người ta không nhất
thiết phải trung thành với việc tập luyện đó mãi mãi khi kỹ năng đó đã được đạt
tới. Nhưng, để trở thành một người tốt về mọi mặt, người ta buộc phải trung
thành với các việc tu luyện lâu dài hơn, vì đó không phải là việc có thể làm
xong trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nó đòi hỏi phải trung thành tập
luyện một thời gian dài, có khi phải trung thành kéo dài tới lúc nhắm mắt lìa đời.
Để đạt được sự trung thành tuyệt
đối mang tính cách lâu dài xứng đáng với lý tưởng muốn vươn tới thì không phải
là chuyện đơn giản dễ làm, vì ta phải luôn nhớ rằng ta đang sống trong thân phận
giới hạn của con người. Nói cách khác, cho dù lý tưởng có cao
cả đến mức đòi hỏi con người phải trung thành tuyệt đối, thì ta cũng vẫn phải
chấp nhận một sự trung thành ở mức độ
tương đối vì chúng ta cũng vẫn chỉ là những hữu thể giới hạn, và khi không thể
làm được hơn nữa thì phải chấp nhận tháo cởi những ràng buộc ngoài khả năng.
Mặc dù con người nhận biết được
giới hạn yếu đuối của mình, thậm chí đã từng trải qua những kinh nghiệm bất
trung và thất tín của mình, nhưng con người vẫn muốn thấy sự cam kết, cụ thể nhất
là những việc hệ trọng trong đời sống hôn nhân và đời sống tu trì. Khi hai bên
cam kết trung thành, họ không chỉ cam kết một thời gian mà là cam kết cả đời, họ
không chỉ cam kết một vài khía cạnh mà là cam kết một cách toàn diện và trọn vẹn.
Vợ chồng hai bên cam kết trung thành với nhau cũng như tu sĩ cam kết trung
thành với Thiên Chúa, ai cũng muốn thấy sự trung thành từ phía người khác cũng
như từ phía mình. Phải chăng đây chính là ước vọng do chính Thiên Chúa gieo vào
lòng con người cùng với bản tính của con người. Nếu chính Thiên Chúa đã thắp
lên trong lòng con người ước vọng tốt đẹp ấy, thì chắc hẳn Thiên Chúa cũng sẽ
giúp con người đạt được ước nguyện ấy, dù chỉ là đạt được trong tâm thức con
người thôi.
Để con người đạt được sự trung
thành như lòng mong ước thì tiên vàn con người phải biết nhìn lên Thiên Chúa, Đấng
đã trung thành với con người qua các Giao Ước. Thiên Chúa đã trung thành không
phải chỉ khi con người trung tín, mà cả khi con người bất trung. Trung thành
không chỉ bằng cách máy móc tuân thủ các điều khoản của giao ước như một thời
khóa biểu, mà còn phải biết sáng tạo ra đủ mọi phương thức nhằm thực hiện tối
đa những điều đã cam kết. Đúng như Phaolô đã đúc kết: “Nếu ta cùng chết với Đức Kitô ta sẽ cùng sống với người. Nếu ta kiên
tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng
sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người
không thể nào chối bỏ chính mình” (2Tm 2,11-13). Khi con người hiểu được
lòng trung thành của Thiên Chúa với con người, lúc đó sẽ giúp cho con người dễ
dàng thực hiện cam kết trung thành một cách sâu sắc hơn, bền vững lâu dài, sáng
tạo và phong phú hơn.
Bênađô
0 nhận xét:
Đăng nhận xét