Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Tu trì - Tu bỏ - Tu học



Cô lái đò đưa khách qua sông. Đò cập bến cô lái thu tiền từng người. Sau hết đến nhà sư. Cô lái đò đòi tiền gấp đôi. Nhà Sư ngạc nhiên hỏi vì sao? Cô lái mỉm cười:Vì Thầy nhìn em…” Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ. Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần này cô lái đò đòi tiền gấp ba. Nhà sư hỏi vì sao? Cô lái cười bảo:Lần này Thầy nhìn em dưới nước.” Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ. Lần khác nhà sư lại qua sông. Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định. Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần. Nhà sư hỏi vì sao? Cô lái đáp:Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.” Nhà sư trả tiền và lên bờ. Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần này nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò… Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần này phải trả bao nhiêu? Cô lái đò đáp:Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền.” Thiền sư hỏi: Vì sao vậy? Cô lái đò cười đáp:Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa…” Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi...
Câu chuyện trên cho thấy nhà sư, sau mấy lần phải trả tiền, đã cố gắng tu luyện để siêu thoát “nhìn mà không còn nghĩ tới nữa”. Vị thiền sư đã cố gắng “nhìn mà như không nhìn”, nhìn mà “lòng không động không lo”. Từ đó, ngẫm nghĩ về đời tu nhà ta. Chuyện tu thì biết nói như thế nào cho đủ, biết nói như thế nào để khỏi đụng chạm đến người khác. Vì nói chuyện tu nên đầu tiên tu là gì? Tu dĩ nhiên không phải là râu rồi. Nếu tu là râu thì mấy sơ có râu đâu mà tu! Như vậy, tu chắc ăn ai cũng biết là sửa. Nhưng cái quan trọng là sửa cái gì? Sửa như thế nào? Trong khi tu (sửa) có cần loại bỏ điều gì và cái nào cần phải giữ. Trước tiên điều cần thiết là sửa và giữ.
Tu trì
Trên lý thuyết ai cũng biết tu là sửa nhưng trên thực tế thử hỏi những người đi tu sửa được nhiều không là một điều tế nhị. Còn trì là giữ. Như vậy, tu là sửa và trì là giữ. Sửa những tật xấu và giữ những điều tốt. Ối dào lại lý thuyết nữa, ai mà chẳng biết! Nhưng ngặt nỗi là từ lý thuyết tới thực hành khá xa. Thật vậy, có những người mới vào nhà tu chẳng có tật gì nhiều lắm. Nhưng sau bao nhiêu năm tu trì trong nhà Chúa “tật” thì “minh thiên”! Số “tật” nhiều hơn số năm tu trong dòng. Dĩ nhiên, em nhà cháu không dám nói tới mặt tu đức hay đạo đức vì đó là vấn đề linh thiêng và tế nhị. Nhưng dù sao đi nữa những gì thể hiện ra bên ngoài cũng cho thấy một phần nào đó mình đã tu (sửa) và trì (giữ) tới đâu. Không biết em nhà cháu có nói quá không nhưng có những ông thầy trước khi vào nhà tập chẳng biết hút thuốc, sau khi tiên khấn hút thuốc như “xe nhả khói”. Hoặc có một sự nâng cấp vượt bậc “từ hàng Bát-tô Chúa nâng con lên hàng Ba-số” khi từ “thằng thầy” chuyển lên “cha cố”. Đây người ta gọi là lên đời. Còn với các sơ thì cũng không phải là không có. Nhìn chung, các sơ tu (sửa) khá tốt nhưng lại trì (giữ) quá nhiều. Khi em nhà cháu viết bài “Linh tông và Linh tinh trong đời tu”, có một sơ gọi điện nói: “hình như, thầy viết có ý ghẹo tôi”. Sở dĩ sơ nói như vậy là vì sơ có rất nhiều mối quan hệ linh tông; do đó, không ít lần cũng bị linh tinh! Như chúng ta biết, vào những ngày đầu của đi tu, có những sơ phải ngậm ngùi hát “Đời tôi cô đơn nên đi đâu cũng cô đơn”! Nhưng khi đã khấn được vài năm, vui tươi hớn hở hát “Ba là cây nến xanh, mẹ là cây nến vàng, anh là cây nến đỏ, chị là cây nến trắng,… thắp sáng cả nhà dòng”! Dĩ nhiên, trong lãnh vực đối nhân là nhiều như vậy, số lượng đối vật là vô tư. Chiến lợi phẩm thu về từng núi. Kết quả, trong đời sống tu trì, tu (sửa) cũng khá tốt, nhưng chưa đẹp lắm khi trì (giữ) lại nhiều quá, và thậm chí lại còn tích lũy thêm nữa.
Như vậy, nếu chỉ tu (sửa) và trì (giữ) không hoặc trì (giữ) những cái không hợp với đời sống tu trì thì xem ra không ổn. Nếu chỉ trì (giữ) thì lấy chỗ đâu mà chứa. Cho nên cần phải có tu bỏ.
Tu bỏ
Nếu chỉ tu (sửa) và trì (trì) không thì nhiều quá sao mà giữ nổi. Cho nên cần có tu bỏ. Bỏ những điều xấu và giữ những điều tốt. Tu bỏ khác với tu trì là: trong khi trì (giữ) những điều tốt và loại bỏ nhưng cái xấu, còn bỏ là không chỉ bỏ những điều xấu nhưng còn phải bỏ cả những điều tốt. Nghĩa là, một khi đã đi theo con đường tu thì phải từ bỏ, thậm chí phải từ bỏ cả những cái tốt nhưng không phù hợp với đời tu. Hoặc có những điều, tự bản chất là tốt và phù hợp, nhưng trong giai đoạn này chưa phù hợp nên vẫn phải từ bỏ. Quan niệm về đời tu khác nhau theo thời gian. Đầu tiên, người ta cho rằng đi tu là rao giảng Tin Mừng. Nhưng về sau người ta lại quan niệm đi tu là việc đi theo Chúa Giêsu qua việc từ bỏ tài sản, chấp nhận nếp sống khó nghèo, dựa theo lời mời ngỏ với người thanh niên (Mt 19, 21). Kế tiếp có những người chủ trương đi tu là vào trong rừng sống đời sống ẩn tu, hình thức đan tu mà Thánh Antôn, cha đẻ của chế độ ẩn tu. Nhưng đến hồi thế kỷ IV-V, người ta lại có một ý tưởng khác rằng đi tu tiên vàn là từ bỏ mọi sự làm môn đệ Chúa và yêu thương nhau (sống cộng đoàn). Từ đó, việc từ bỏ trong nếp sống tu cũng khác nhau theo từng thời gian và hiến luật của mỗi nhà dòng, cộng đoàn. Cho nên, cũng khó có thể đem ra so sánh về sự từ bỏ của một tu sĩ dòng này với một tu sĩ dòng khác. Đặc biệt khó khăn hơn khi nói về tinh thần khó nghèo; bởi vì có những người từ bỏ nhưng chưa chắc sống đẹp theo tinh thần khó nghèo vì vẫn luôn hoài mơ ước mình có được cái này, điều kia.  Đó là thuộc lãnh vực vô hình, chúng ta khó mà dám xét đoán hay nhận định. Tuy nhiên, trong thực tế, với những gì người tu sĩ đang có, trước và sau khi tiên khấn hay làm linh mục, vẫn khiến người ta có những so đo, phân bì và dư luận trong nội bộ nhà dòng và giữa các dòng với  nhau. Chẳng hạn, người ta nhận định rằng: cộng đoàn này nghèo nhưng thành viên trong cộng đoàn này thì lại giàu; hay dòng X đó thì nghèo nhưng tu sĩ dòng X thì lại không nghèo! Xem ra tu sĩ ngày nay từ bỏ khó hơn tu sĩ ngày xưa. Điều này một phần là do đời sống vật chất ngày cao hơn, phương tiện giải trí đa dạng hơn thời xưa. Chính vì nhiều thứ như vậy nên đôi khi không biết bỏ cái nào và giữ cái nào. Cụ thể, trong nhà dòng có những thầy hay sơ cái gì cũng có, mặc dù chẳng biết sử dụng những đồ vật đó như thế nào hay chẳng có cơ hội dùng chúng bao giờ. Chúng ta đang sống trong thời đại đỉnh cao của thông tin, của giao thông vận tải, và của siêu mỏng. Cho nên mọi thứ cần phải chính xác, gọn nhẹ, nhanh nhẹn. Tu bỏ trong đời tu cũng cần được thiết kế như vậy. Cần phải tự xác định cho mình những cái gì cần phải bỏ cũng như mọi thứ phải thật nhẹ nhàng, gọn gàng để khi cần lên đường đi nơi khác được dễ dàng và mau chóng.
Nói đến từ bỏ là luôn bao hàm đến sự luyến tiếc và thậm chí đau đớn. Do đó, nếu không có được huấn luyện hay tự huấn luyện và hy sinh, người tu sĩ rất khó thoát ra để từ bỏ, buông rơi một cách nhưng không được. Vì thế, trên con đường đi tu cần có tu học. Học cách biết tu (sửa), học cách biết trì (giữ), và học cách biết từ bỏ.
Tu học
Tu học là ám chỉ đến cách tìm kiếm, khám phá, và áp dụng các phương thế để làm sao bảo đảm cả về chất lẫn lượng trong việc tu trì và tu bỏ. Một cách căn bản, có hai phương thế tự nhiên và phương thế siêu nhiên. Nói đến phương thế siêu nhiên là đề cập đến ơn của Chúa ban cho mỗi người. Ngoài ra, chúng ta, những người tu sĩ, cũng được mời gọi học hỏi nơi “anh cả” Đức Giêsu về sự từ bỏ. Cứ dựa vào đó để học hỏi, ghiền gẫm đến muôn đời cũng chẳng hết! Thật vậy, ngay từ đầu chúng ta đã thấy “Đức Lang Quân” (theo như mấy sơ gọi) đã từ bỏ một cách tận căn như thánh Phao-lô đã cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toan trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,5-7). Cũng vậy, trong Tin Mừng cũng đã nói đến việc từ bỏ, siêu thoát để làm sao thật gọn gàng và nhanh nhẹn với tinh thần “đừng mang gì, không bị cũng không gậy” (Mt 9,3). Còn với phương thế tự nhiên, thiết nghĩ tiên vàn người tu sĩ cần có là học cách nhận định thực tế và công bằng và chấp nhận chúng. Thực tế là nhìn thấy những điểm yếu và mạnh của mình trong mối tương quan nội tại với chính mình và với cộng đoàn tu trì của mình. Một khi có nhận định thực tế và công bằng cũng như chấp nhận chúng, người tu sĩ sẵn sàng từ bỏ hơn nữa. Hơn nữa, việc nhận định thực tế cũng giúp cho người tu sĩ xác định rõ ràng cái nào cần bỏ để tu (sửa) và sau cùng là trì (giữ). Có được như vậy, người tu sĩ dám can đảm chấp nhận không đi học để phục vụ tốt hơn trong lãnh vực khác nếu như mình không có khả năng đi học. Có được như vậy, người tu sĩ quả cảm hơn để đảm nhận một trách vụ mới khó khăn hơn. Còn với nhận định công bằng giúp người tu sĩ chấp nhận từ bỏ cả những điều mà đang có lợi ích cho mình. Dám hy sinh từ bỏ để chuyển từ lợi ích cá nhân thành lợi ích cộng đoàn. Dĩ nhiên, trong cộng đoàn tu trì chúng ta không thể nói công bằng như ngoài đời được. Nhưng công bằng ở đây có thể được hiểu như là cần có một trực giác nhạy cảm với chính mình và người khác. Chính trực giác nhạy cảm này sẽ giúp người tu sĩ sẵn sàng cảm thông, chia sẻ, đồng thời giúp đỡ anh em/chị em mình trong cộng đoàn. Chẳng hạn, ai mà chẳng thích được đi học và học thì biết khi nào là đủ. Cho nên, với một người có trực giác nhạy cảm sẽ khó có thể nói là tôi học chưa đủ và cần học thêm nhưng sẵn sàng hy sinh phục vụ để anh em khác có cơ hội đi học. Cụ thể hơn nữa, có những người trong cộng đoàn tu trì hầu như cái gì cũng có nhưng lại ít khi nào chia sẻ cho người khác. Vì là một cộng đoàn nên sẽ có những người may mắn để sở hữu một vài vật dụng cá nhân, hoặc có điều kiện để sử dụng một vài phương tiện nào đó, nên cũng cần có một trực giác nhạy cảm để làm sao đừng quá gây ảnh hưởng tới người khác. Nếu như chưa đủ tinh thần để chia sẻ cho người khác, thì ít nhất ở một chừng mừng nào đó, cũng đừng quá “vô cảm” khoe khoang hay quá tự hào với những gì mình có, kẻo gây ảnh hưởng tới tinh thần khó nghèo của người khác.
Kết một lời, việc đi tu là đáp trả lại một lời mời gọi. Trong việc đáp trả đó sẽ có những từ bỏ và những điều cần phải trì (giữ) để sống sao cho phù hợp. Cho nên trong hành trình đáp trả ơn gọi tu trì, tu (sửa) và trì (giữ) là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một trong những yếu tố căn bản chứ không phải là đủ. Điều này bởi vì là một lời đáp trả lời mời gọi sống một đời sống mới, nên cần phải bỏ những điều cũ để hòa nhập và đủ điều kiện sống đời sống mới. Đó là từ bỏ. Muốn biết từ bỏ cái gì và như thế nào thì cần phải học.
Lạy Chúa, chúng con đã được Chúa mời gọi để đi theo Ngài. Có những hành trình dài, có những hành trình ngắn, hoặc cũng có những hành trình mới chỉ là khởi đầu. Bên cạnh những hành trình thật đơn sơ “không bị, không gậy”, vẫn còn những hành trình cồng kềnh của vật chất trần gian, những hành trình nặng nề của những mối quan hệ phức tạp, những hành trình ể oải, chán nản của những tính toán con người. Xin Chúa ban cho chúng con học hỏi nơi Ngài tinh thần và hành động từ bỏ tận căn để chúng con biết từ bỏ đúng nơi, đúng việc và đúng lúc. Xin Ngài cũng thêm sức mạnh và khôn ngoan để chúng con quyết tâm hơn trong viêc tu (sửa) và trì (giữ) sao cho hợp với đời tận hiến. Xin Chúa ban cho chúng con luôn biết sống và thực hành tinh thần biệt hiến, tru hiến trong đời sống tận hiến.

Hiệp Bình Phước, ngày 25 tháng 9 năm 2010
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP