Bênađô
Khi
nói về cộng đoàn thì cộng đoàn đầu tiên chúng ta biết và sống đó là gia đình, nơi
mà trong đó mọi
người đều chăm lo làm ăn xây đắp cho
gia đình được
vui tươi, ấm no, hạnh phúc… Cũng như một gia đình, cộng đoàn cũng là nơi trong
đó mọi người cùng chăm lo làm ăn xây đắp
cho nhau được ấm no, vui tươi, hạnh phúc…
Đi xa hơn nữa, khi
nhìn về Giáo hội Công giáo ta có cộng đoàn giáo xứ, giáo hạt, giáo phận… Nhưng ngày
nay, khi nói đến cộng đoàn người ta thường nói đến các cộng đoàn dòng tu. Và điều
người viết muốn chia sẽ đó cũng chính là đời sống cộng đoàn dòng tu.
1. Đặc tính của Cộng đoàn
Ta thấy một đoàn tàu có thể chạy được thì cần phải có đầu
tàu, một công ty hay một xí nghiệp muốn hoạt động tốt thì cần phải có người
lãnh đạo là giám đốc, phó giám đốc… Cũng như trong một đất nước muốn phát triển,
đứng vững được thì cần phải có chủ tịch hoặc tổng thống, phó chủ tịch, thủ tướng…
cùng các bộ ngành khác, tất cả các cấp bộ ngành phải thống nhất với nhau. Trong
cộng đoàn cũng vậy, cần phải có một người đứng đầu mà ta hay gọi đó là bề trên,
ban cố vấn… và sau đó là các thành viên trong cộng đoàn.
- Cộng đoàn cần phải có tinh thần cởi mở
Một cộng đoàn mà tự đóng kín thì hỏi cộng đoàn đó tồn tại
sao được. Một cánh cửa không mở thì làm sao các thành viên trong cộng đoàn có
thể đón tiếp nhau và đón tiếp những người chung quanh. Cũng như một hạt mầm
không được hấp thụ ánh sáng, nước và không khí thì sớm muộn gì nó cũng sẽ bị thối
ủng, chết ngạt. Vì thế, để cộng đoàn sống động thì mỗi thành viên, mỗi tâm hồn
trong cộng đoàn cần phải biết rộng mở để đón tiếp Thiên Chúa là nguồn mạch tình
yêu, nguồn sống mới và đón tiếp anh em trong tinh thần yêu thương.
Nhiều người cho rằng khi bước chân vào đời tu thì ta
không còn quan tâm đến thế giới bên ngoài nữa. Thực ra không phải thế, khi ta cầu
nguyện là ta đang kết hợp với Thiên Chúa đồng hành với mọi người, với những người
đau yếu, bệnh tật… cầu xin Thiên Chúa qua những lời kinh tiếng hát.
- Cộng đoàn phải là nơi kết hợp với Thiên Chúa
Nguồn mạch chính nuôi sống cộng đoàn chính là Thánh lễ và
các giờ kinh chung trong cộng đoàn. Nhờ Bí tích Thánh Thể mỗi ngày làm cho đời
sống cộng đoàn phát triển bền vững, tạo mối dây liên kết với Thiên Chúa và với
mọi người còn sống cũng như đã qua đời. Trong đời sống cộng đoàn mọi người đều
được mời gọi đào sâu đời sống cầu nguyện để kết hợp với Chúa qua Thập Giá Đức
Kitô và kết hợp với anh em qua lời kinh, lời cầu cho sự hợp nhất, yêu thương...
- Cộng đoàn phải là nơi học yêu thương và tha thứ
Cộng đoàn là nơi mọi
người được mời gọi yêu thương và tha thứ cho nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương
tha thứ và dạy cho chúng ta “các con hãy tha thứ không những bảy lần nhưng
mà bảy mươi lần bảy ” và “ hãy yêu thương tha nhân như chính mình
các con vậy”. (Xc. Mt 18, 21-35)
Là con người ai cũng có lúc yếu đuối, sa ngã, xúc phạm đến
người này, mất lòng người khác... Cũng vậy, chúng ta những thành viên trong cộng
đoàn, chúng ta hãy nhìn nhận rằng mình cũng có những yếu đuối như bao kẻ khác
mà thậm chí còn tệ hơn nữa. Nhưng chúng ta tin rằng chúng ta đã được tha thứ, và
không ai khác đó chính là Chúa Giêsu đã tha thứ cho chúng ta. Vì thế chúng ta
cũng hãy tha thứ cho những anh em mình.
Chúa nói: “Anh em
hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” và “Anh em hãy tha thứ,
thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 36-38). Sống trong cộng đoàn làm sao
chúng ta có thể nói rằng là mình ghét người này, không thích người kia và căm
thù người nọ được, vì hằng ngày chúng ta thường xuyên gặp nhau khi đi ra, khi đi
vào, lúc đọc kinh, khi tham dự Thánh lễ, lúc ăn cơm, cũng như lúc làm việc
chung…. Vì thế, nếu ta không học cách yêu thương tha thứ thì làm sao ta có thể
sống an vui hạnh phúc được? Chúa nói: “Vậy,
nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có
chuyện bất bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà
với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ của mình” (Mt 5, 23-24). Vì vậy, trong cộng đoàn mỗi lần chúng ta tham
dự thánh lễ, tham dự các giờ kinh, mỗi lần chúng ta đi đến gặp Chúa chúng ta phải
nhớ rằng hãy đi làm hòa với anh em trước đã.
Con người rất khó nhìn ra những sai lỗi của mình, vì ai
cũng luôn mang trong mình tính tự kiêu, tự ái, khó để nói lên lời xin lỗi, lời
tha thứ… Để nhận ra những sai lỗi của mình chúng ta cần phải biết khiêm tốn lắng
nghe tiếng Chúa nơi những người anh em. Trong
cộng đoàn, anh em của chúng ta là những cầu nối giúp chúng ta làm hòa với nhau,
giúp chúng ta xích lại gần nhau qua những lời khuyên, những lời nhắc nhở ân cần, hiểu nhau nhiều hơn
trong các giờ sinh
hoạt chung của cộng đoàn.
2.
Tương quan giữa các thành viên trong Cộng đoàn
- Tương quan với bề trên.
Để cộng đoàn được sống động thì đòi hỏi mỗi thành viên
trong cộng đoàn phải có sự tôn trọng nhau, có trên có dưới, có tôn ty trật tự…
nhưng không phải như những tổ chức ngoài xã hội lấy quyền, lấy tiền, lấy danh
và lấy sức mạnh mà cai trị nhau. Còn anh em thì không như thế nhưng “hãy lấy
tình yêu mà khuyên bảo lẫn nhau”.
Trong cộng đoàn, bề trên là người
được anh em tín nhiệm bầu lên. Vì thế, bề trên phải có trách nhiệm đối với cộng
đoàn và đối với anh em, phải sống làm sao xứng với sự tín nhiệm của anh em. Khiêm nhường, tin tưởng anh em mà giao cho họ
những công việc, dù biết rằng việc đó họ làm sẽ không tốt bằng mình. Nhưng đó
chính là lúc tạo cơ hội cho anh em làm việc, tạo cơ hội cho anh em phát triển
khả năng của họ. Qua đó, tạo nên sự đoàn kết trong cộng đoàn và đồng thời để mọi
người cùng có cơ hội chia sẽ công việc chung với nhau. Chúa nói: “ ai muốn
làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10, 43). Khiêm nhường để phục vụ, khiêm nhường để biết mình,
mình chẳng là gì cả, mọi sự đều bởi Chúa ban, khiêm nhường để anh em xung quanh
mình được lớn lên.
Hơn nữa bề trên phải là người biết lắng nghe, nhẫn nại,
không quyết đoán vội. Cần phải xem xét, bàn hỏi ý kiến anh em trước khi quyết định
các vấn đề liên quan đến cộng đoàn.
Ngược lại anh em là những thành viên trong cộng đoàn, anh
em cũng phải ý thức vai trò của mình, phải biết vâng lời vì trong đời sống tu
trì đức vâng lời là cao cả: vâng lời bề trên, tuân thủ luật lệ cộng đoàn, chu
toàn nhiệm vụ được giao, chăm lo đời sống thiêng liêng, phấn đấu yêu thương,
đoàn kết và phục vụ anh em theo linh đạo của dòng.
- Tương quan với anh em
Trong cộng đoàn, các anh em chính là những người giúp
chúng ta nhận ra những thiếu sót, những yếu điểm của chính mình. Nhưng vấn đề ở
chỗ là chúng ta có chịu để cho người khác chỉ ra những ung nhọt, những xấu xa tội
lỗi của chúng ta hay không? Và khi nhận ra chúng ta có chịu đau thương mà sửa đổi
hay không mới là điều quan trọng.
Đời sống cộng đoàn đòi hỏi con người phải hy sinh rất nhiều,
phải vượt qua chính mình, mở lòng ra để đón nhận anh em. Mỗi anh em chung quanh
chúng ta là mỗi thập giá Chúa gửi đến cho mình. Thập giá, đó là những cá tính,
những sai trái của người khác làm mình khó chịu, làm mình không hài lòng.
Chúa ban cho mỗi người mỗi khả năng. Kẻ thì Người ban cho
mười nén, kẻ thì Người ban cho năm nén, kẻ khác thì Người ban cho hai nén, một
nén…Chúng ta hãy dùng những nén bạc Ngài đã ban để làm sinh lợi ra những nén
khác. Nén bạc chính là những khả năng, tài trí, sức khỏe…để chúng ta hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
3. Sứ vụ của Cộng đoàn
Khi bước vào cộng đoàn mọi người chúng ta đặc biệt được mời
gọi trở nên những môn đệ thân tín của Chúa Giê-su. Chúng ta được mời gọi ra đi
rao giảng Tin Mừng cho hết mọi loài thọ tạo, mang tình yêu của Chúa đên cho hết
mọi người, nhất là những người nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật, những người già nua
không nơi nương tựa, những em nhỏ không cha không mẹ, những kẻ đầu đường xó chợ
sống lang thang vất vưởng không cửa không nhà…
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “ Anh em hãy đi khắp tứ
phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Đời sống dâng hiến luôn mời
gọi chúng ta ra đi, mở rộng những cộng đoàn mới, những nơi đang còn thiếu bóng
Đức Kitô, những nơi đang còn khao khát tình thương của Ngài.
Chúa Giêsu là Vị Mục Tử nhân lành, Chúa biết các chiên của
mình, quy tụ và tận tình chăm lo cho đoàn chiên. Phần chúng ta, Chúa cũng mời gọi
chúng ta ra đi không những đem Tin Mừng, tình thương của Ngài đến cho mọi người
nhưng còn phải biết quy tụ họ về một mối, trong tình thương của Chúa.
Tạm kết
Cộng đoàn là Hội thánh Chúa Kitô thu nhỏ, cộng
đoàn là nơi mọi người được mời gọi yêu thương và tha thứ cho nhau “ Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu
thương anh em” (Ga 15, 12). Đây
là mẫu mực và là nền tảng của tình yêu xả kỷ, tình yêu vô vị lợi, tình yêu chỉ
mong hạnh phúc cho tha nhân.
Đời sống cộng đoàn giúp ta tìm thấy niềm vui của chính
mình khi sống với anh em, đồng hành với anh em, chia sẽ những khó khăn, cùng
nhau cất lên những lời kinh tiếng hát, cùng nhau chia sẽ một tấm bánh là Mình
và Máu Đức Ki-tô.
Cộng đoàn mang một ý nghĩa hết sức to lớn. Nó là ngôi nhà
của mọi người, là sức sống của mọi thành viên trong cộng đoàn, là niềm hy vọng
của tha nhân vào Tin Mừng và tình thương Chúa, là niềm hy vọng của Giáo Hội nơi
những chứng nhân Tin Mừng của thời đại. Vì thế mỗi người trong cộng đoàn chúng
ta được mời gọi hãy trở thành những chứng nhân ngay trong nơi mình đang sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét