Chuyện kể rằng: có một cây táo
rất to và một cậu bé con. Cậu bé này
thường xuyên đến chơi quanh cây táo. Cậu trèo lên cây, ăn những quả táo
chín đỏ và ngủ dưới tán cây. Cậu rất yêu cây táo và cây táo cũng vậy, rất thích
chơi cùng cậu. Nhưng thời gian trôi qua... Cậu bé đã lớn,
và không đến chơi quanh cây táo như hàng ngày nữa.
Lâu thật lâu và
vào một ngày kia cậu lại đến bên cây táo với vẻ mặt đượm buồn. Cây táo cất
tiếng: “Hãy lại đây chơi với ta”.
“Tôi không còn là đứa bé nữa, tôi không muốn chơi ở quanh
cây táo đâu. Tôi muốn có đồ chơi. Tôi cần tiền để mua những đồ chơi”, cậu bé
nói. “Xin lỗi, ta không có tiền. Nhưng cậu có thể hái táo đem bán và sau đó cậu
sẽ có tiền!”, cây táo trả lời.
Cậu bé quá đỗi vui mừng, hái hết số táo trên cây rồi quay
bước đi. Cũng kể từ đợt đó cậu không quay trở lại với cây táo nữa. Còn cây táo
thì ngày càng rất buồn.
Rồi một ngày khác, cậu bé lại quay trở lại, cây táo vô
cùng phấn khởi: “Hãy đến đây chơi với ta nào”. “Tôi không có thời gian đâu, tôi
phải làm việc cho gia đình. Chúng tôi muốn có cái nhà để ở. Liệu cây có giúp
tôi được không?”. “Xin lỗi, ta không có nhà. Nhưng cậu có thể chặt các nhánh
cây của ta để làm nhà ở”. Cây táo đáp!
Thế là cậu bé, giờ đã thành người lớn chặt hết các nhánh cây táo và vui vẻ bước đi.
Cây táo thấy vui khi nhìn cậu hạnh phúc. Nhưng từ đó chàng trai không quay lại
nữa. Cây táo cảm thấy cô đơn và buồn tủi.
Một ngày hè nóng nực, cậu bé năm nào, giờ đã già, quay
trở lại. Cây táo phấn khởi lắm và nói: “Hãy đến đây chơi với ta”. Cậu bé ngày
nào trả lời: “Tôi buồn lắm, và tôi cũng già rồi. Tôi muốn đi du thuyền để thư
giãn”. Cây táo đáp lại: “Hãy dùng thân cây của ta mà làm thuyền. Cậu có thể đi khắp nơi”.
Và thế là cậu bé lại chặt thân cây táo
để làm thuyền rồi đi chu du, không quay lại thăm cây táo trong một thời gian
dài.
Nhiều năm sau, cậu bé quay lại, giờ cậu đã thành ông lão.
“Xin lỗi cậu bé thân yêu của ta, nhưng ta không còn gì để cho cậu nữa rồi.
Không còn táo cho cậu, không còn thân
cây cho cậu trèo. Ta thực sự không thể cho cậu được gì nữa, chỉ còn duy nhất
phần gốc đang chết dần…”. Cây táo nghẹn ngào. “Bây giờ tôi không cần gì hết,
tôi chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi. Tôi thấy quá
mệt mỏi sau bao năm tháng”. Cậu bé trả lời. “Ồ, hay quá! Gốc cây già nua
này sẽ là nơi tốt nhất cho cậu nghỉ. Nào, hãy đến đây, hãy đến đây với ta và
nằm nghỉ bên ta”. Cậu bé năm nào ngồi xuống, cây táo vui mừng trào nước mắt.
Cây táo chính là cha mẹ của chúng ta. Khi còn nhỏ, chúng ta rất yêu quý và thích chơi đùa
cùng cha mẹ và chẳng muốn rời cha mẹ cho dù là nửa bước. Mỗi khi vắng cha mẹ,
chúng ta cảm thấy lo âu và sợ hãi. Cha mẹ là nguồn vui, là nguồn che chở, nguồn
động viên tin cậy nhất khi chúng ta thấy buồn và bất an trong cuộc sống. Nên
khi còn bé dù có tâm sự gì, có niềm vui hay nỗi buồn nào và dù đang ở đâu hay
làm gì, chúng ta cũng như muốn bỏ tất cả để chạy thật nhanh về tâm sự và chia
sẻ với cha mẹ.
Nhưng khi đã lớn, mọi thứ dường như đảo ngược, phần lớn
chúng ta chẳng ai muốn ở bên cha mẹ. Chúng ta sẵn sàng rời họ ra đi khi có cơ
hội. Chúng ta cũng chẳng nhớ và để tâm đến những cảm xúc và mong mỏi từ cha mẹ.
Rất nhiều con cái còn coi các bậc sinh thành như là gắng nặng, là của nợ, nhất là khi cha mẹ đã đến tuổi già xế bóng.
Nhiều người con cũng chẳng màng đến sức khỏe và ước mong của cha mẹ nên chẳng
cần quan tâm, động viên hay thăm viếng. Tệ hơn nữa, có nhiều nghịch tử còn sẵn
sàng ăn thua và trù dập bậc sinh dưỡng của mình mau mau “ nhắm mắt” để bản thân
được an nhàn và dễ bề chia gia sản.
Đọc câu chuyện trên chúng ta có thể nghĩ cậu bé sao quá
ích kỷ. Nhìn những hình ảnh, tin tức trên báo đài, những ví dụ trong đời thường
nói về những người con bất hiếu, chúng ta tức giận, chúng ta lên án về sự vô
tâm và bất nghĩa của những người con. Chúng ta muốn kết án và mong muốn chúng
phải bị trừng phạt và quả báo, nhưng nếu nhìn vào cách sống của mỗi chúng ta có
thể cũng chẳng khác họ là mấy. Có lẽ chúng ta không nhẫn tâm như những nghịch
tử, nhưng chúng ta có thể giống như cậu bé. Chúng ta chỉ biết đòi hỏi khi gặp
khó khăn. Chúng ta chỉ biết ngửa tay xin khi cần điều gì đó. Chúng ta chỉ biết
đến cuộc sống của chính mình mà quên đi công đức sinh thành và dưỡng dục. Chúng
ta có thể vẫn đến thăm, vẫn quan tâm và vẫn lo lắng cho cha mẹ nhưng biết đâu
rằng đó chỉ là hình thức hoặc chỉ là trách nhiệm được “trao ban”. Chúng ta có
thể vẫn yêu thương cha mẹ bằng những lời động viên chân thành, bằng những món
quà đắt tiền, bằng những thái độ quan tâm nhất định từ tấm lòng nhưng chúng ta
lại không sống tốt, chúng ta lại đố kỵ, ghen ghét và sẵn sàng lên án và hãm hại
anh em ruột thịt thì đó cũng chính là
cách chúng ta đang bất hiếu với sự hy sinh và dưỡng dục của cha mẹ. Chúng ta
không làm hại ai nhưng không biết mở lòng và quan tâm đến những nhu cầu của
người xung quanh, của môi trường chúng ta sống thì đó cũng là cách làm cho cha
mẹ chúng ta đau lòng. Chúng ta tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, tôn thờ những nguyên
tắc nghiêm ngặt mà lại quên đi lợi ích của người khác của cộng đồng thì đó cũng
là chúng ta đang sống bất hiếu và vô tâm với sự mong đợi của những bậc sinh
thành bởi cha mẹ nào cũng muốn con cái mình trở thành người tốt và hữu ích cho
xã hội.
Xã hội càng phát triển, con người càng phải thể hiện sự
văn minh, tiến bộ bằng cách tỏ lòng biết ơn đặc biệt là đối với những bậc sinh
thành và nuôi dưỡng. Đất nước càng văn minh con người càng phải giữ gìn những
nét đẹp, những giá trị truyền thống nhất là đạo hiếu của người dân Việt. Người
Việt cho dù là ở đâu vẫn được mệnh danh là dân tộc thể hiện lòng hiếu thảo tốt
nhất đối với cha mẹ bởi nét văn hóa truyền thống về
đạo làm con đã nằm trong xương máu của từng con người. Đạo hiếu của người Việt
được gìn giữ và lưu truyền trong nhiều lĩnh vực, đậm nét nhất là trong thơ văn
và những câu chuyện cổ tích. Trong văn học dân gian còn lưu lại những dấu tích
về tấm lòng yêu chuộng đạo hiếu người con Việt. Trong truyền thuyết hay truyện
cổ tích, người Việt luôn tự hào là thuộc dòng giống con rồng cháu tiên. Lạc
Long Quân như là một người cha mẫu mực, anh hùng, thương yêu và che chở con cái
lúc hoạn nạn. Âu Cơ như là một người mẹ
điển hình về sự hiền lành, về sự chịu thương chịu khó, trung hậu, đảm đang luôn
hết lòng quan tâm và chú ý đến từng cảm xúc của con cái. Các bậc tiền bối này
thường khuyên mọi người ăn ở hiền lành, sống đúng đạo lý cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng và đạo hiếu làm con. Đó
là ý thức về hiếu hạnh, về đạo lý trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đặt
nền tảng gầy dựng đạo đức xã hội và cách đối nhân xử thế của con người. Cũng kể
từ đó, đạo hiếu trở thành một di sản mà mỗi người dân Việt luôn biết
trân trọng và thực thi trong kiếp nhân sinh. Đạo hiếu không ẩn chứa trong những
lời đường mật, những hình thức bề ngoài hay đơn thuần chỉ là bổn phận và trách
nhiệm nhưng là chính tấm lòng, chính cách sống tương thân tương ái, biết quan
tâm, biết lo lắng và biết nghĩ về những cảm xúc của cha mẹ, nhất là lúc cha mẹ
tuổi già, sức yếu.
Câu chuyện về sự tích bánh chưng, bánh dày đã
bày tỏ công lao sinh dưỡng của cha mẹ như là một nhân điển hình. Lang Liêu, vị
hoàng tử thứ mười tám, là người con hiếu thảo, hiền lành, trung thực đã dâng
lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời
bằng cả tấm lòng; với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ bao la như biển, to lớn như
trời cao đất rộng, che chở và bảo vệ cho con cái sống an vui giữa đời. Do vậy
mà được vua Hùng truyền trao ngôi vua. Tiền bạc, vàng ngọc châu báu, của ngon
vật lạ của các người con khác dâng lên đều bị vua từ chối bởi chỉ là thứ hình
thức mà thiếu đi cái tâm, cái lòng của một người con nghĩa hiếu và trung thực
nên không thể hiểu được tâm tư và cảm xúc của người cha.
Chính
vì thế, ý thức về đạo hiếu phải như là ngọn gió đạo đức thổi vào mỗi tấm lòng
của con người để xây dựng nền đạo lý lâu dài của kiếp nhân sinh trong cuộc sống
đời thường. Ý nghĩa về chiếc bánh chưng, bánh dày phải luôn trở thành một tặng
phẩm, một chứng tích của đạo lý, những chiếc bánh ấy phải được dâng cúng tổ
tiên không chỉ trong dịp lễ tết mà phải thể hiện ngay trong đời thường để thể
hiện lòng hiếu thảo của đạo lý làm con, đạo lý làm người đối với các bậc tiền
nhân, những người cha, người mẹ.
Để
những lời lẽ mộc mạc, lễ hiếu đề cao công lao dưỡng dục của cha mẹ như:
“Công
cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu
mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi
con khó nhọc đến giờ,
Trưởng
thành con phải biết thờ song thân.”
Hoặc
“Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa
mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một
lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
không bao quên lãng và được ăn sâu trong tâm thức của mỗi người. Để những lời
thơ này không còn là một khái niệm xa xỉ chỉ tồn tại
trong phạm vi văn chương bác học, mà trở thành gần gũi và phổ cập trong đời
sống hằng ngày của thế hệ trẻ ngày nay thì chúng ta- những người con phải biết
thực hành đạo hiếu không chỉ bằng hành động và ngay cả trong những thái độ, cử
chỉ quan tâm, kính trọng và yêu thương từ khi sinh ra có trí khôn và ngay lúc
còn ở bên cha mẹ. Bên cạnh đó cần tuyên truyền và phát huy nét đẹp đạo hiếu mọi
nơi mọi lúc, ngay trong gia đình, ngay tại trường học và ngay tại môi trường ta
đang sống. Bởi thực hành đạo hiếu không làm con người ủy mị, câu nệ và hạ thấp
nhân phẩm mà nâng con người nên một tầm cao mới là luôn biết ý thức về tình đồng
loại, về tính nhân văn giữa con người với con người trong cuộc sống. Được như
thế thì ý nghĩa về đạo hiếu không bị biến thể và mai một trong một thế giới đề
cao chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ.
Năm mới - Tết đến chính là lúc chúng ta-
những người làm con phải nhìn lại về cách sống của chính mình trong việc lễ
hiếu với những bậc tổ tiên, những đấng bậc sinh thành, trong cung cách đối xử
với mọi người trong kiếp nhân sinh. Dù ở vị trí hay đẳng cấp nào trong xã hội
thì đừng bao giờ chúng ta đánh mất nghi lễ và thực hành đạo hiếu. Khi quên lãng
và coi nhẹ về đạo làm con chính là khi ta đánh mất chính mình, đánh mất cái
nguồn gốc nơi mình được sinh ra và lớn lên. Năm mới đến cũng là lúc ta thay
đổi. Thay đổi con người cũ với tính yếu đuối, ích kỷ, tầm thường của con người
xác thịt. Thay đổi sự kiêu căng và cách nghĩ ngông cuồng đặt mình làm trung tâm
của vũ trụ, của mọi người. Thay đổi cả
con người để có thể cải tạo và thay đổi cả vũ trụ ngày một bình yên, an lành và
hạnh phúc.
Anthony
Hưng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét