Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Ôn cố tri tân



Năm 2010 quả là một năm có nhiều biến cố kỉ niệm quan trọng. Cả đạo lẫn đời. Điển hình bên đạo là Năm Thánh kỉ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận đại diện tông toà đầu tiên, 50 thiết lập Hành Giáo Phẩm Việt nam. Chưa kể ở cấp thấp hơn, có nhiều giáo phận tổ chức năm thánh kỉ niệm 50 năm thành lập giáo phận mình. Phía “đời”, sự kiện đình đám nhất là sự kiện “Ngàn năm Thăng long Hà nội” vừa mới diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10 vừa qua tại Hà nội. Đó là dịp để nhìn lại quá khứ, rút tỉa kinh nghiệm trong quá khứ, nhằm định hướng cho tương lai.
Nhìn lại quá khứ

Nhìn lại quá khứ là một điểm hết sức quan trọng và không thể thiếu trong các biến cố kỉ niệm này. Nhìn lại để vui mừng và tự hào về cha ông của mình, về những công trình và những chiến tích hào hùng các ngài đã thực hiện. Đặc biệt là đời chứng nhân mà các ngài đã sống. Chính vì thế mà  trong tài liệu làm việc của Đại Hội Dân Chúa 2010 có viết : “niềm vui lại càng dâng cao trong tâm tình cảm mến tri ân khi nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua và khám phá những hoa trái dồi dào từ đời sống đức tin kiên cường anh dũng của bao thế hệ tiền nhân, nhất là của các Thánh Tử Đạo tại Việt nam” (số 1).
Cũng vậy, chúng ta đọc được trong chỉ thị của Bộ Chính Trị về việc tổ chức 1000 năm Thăng long Hà nội như sau : “Bởi vậy, việc tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là sự biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước, giữ nước; là dịp giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; […] Đây cũng là dịp để giới thiệu và nâng cao tầm vóc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên thế giới” (Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 4/5/1998 của Bộ Chính Trị).
Nhìn lại quá khứ sở dĩ có tầm quan trọng là vì nó mang những đặc điểm sau:
§  Nhìn lại để tri ân những bậc tiền bối vì những cống hiến lớn lao và đời sống anh hùng của họ. Đây chính là đẹp văn hoá của đạo lí “uống  nước nhớ nguồn”. Ta có được như ngày hôm nay là nhờ các bậc tiền nhân đã dày công, đã đổ biết bao mồ hôi xương máu. Ta thụ hưởng những thành quả hôm nay chúng ta phải biết nhớ ơn những người đã góp công xây dựng.
§  Nhìn lại để tự hào về những chiến tích vẻ vang, những thành quả đã được lưu danh sử sách. Nhờ đó giúp tìm lại nhiệt huyết ban đầu, đặc biệt là trong những lúc ta đang gặp khó khăn, bế tắc.
§  Rút ra được bài học lịch sử. Đồng thời giúp thấy rõ hơn những khó khăn và thách đố hiện tại, nhờ đó giúp định hướng tương lai
Hướng đến tương lai
Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ không phải là đích điểm của những dịp kỉ niệm này. Thật vậy, ngoài việc ôn lại những sự kiện đáng nhớ, tri ân và tôn vinh những bậc tiền nhân, mục đích chính vẫn là hướng về tương lai. Nhìn lại quá khứ để xem trong những hoàn cảnh cụ thể như thế nào cha ông mình đã hành động như vậy? Tại sao cha ông mình lại có những lựa chọn như thế? Những yếu tố khách quan và chủ quan có liên hệ đến những lựa chọn này? Ưu và khuyết điểm với thời gian khi được nhìn lại? So sánh những tương đồng và những khác biệt giữa thời quá khứ và hiện tại, để tìm ra những liên hệ nhằm có thể rút ra bài học hữu ích cho tương lai. Giả sử nếu vào thời đại chúng ta hiện nay, các bậc cha anh của chúng ta sẽ làm gì? Họ sẽ có lựa chọn ra sao và với tinh thần như thế nào? ‘Ôn cố tri tân’ là thế.
Đó chính là điều mà trong tu đức, đặc biệt trong lãnh vực đời tu vẫn gọi là ‘về nguồn’. Về nguồn để tìm lại cảm hứng và nhiệt huyết ban đầu. Nó khơi dậy một sự thích nghi đúng đắn dựa trên sự ‘trung thành sáng tạo’ (x. Vita consecrata số 37). Chính sự về nguồn này góp phần soi sáng cho những lựa chọn quan trọng trong những thời điểm khó khăn và bảo đảm cho những bước đi về tương lai không những không bị trệch đường mà dễ dàng và thuận lợi hơn.
Mặt trái
Tuy nhiên ở đâu cũng có mặt trái của nó. Quá khứ luôn là một người khổng lồ. Nếu đứng trên vai của người khổng lồ này thì ta sẽ có được một tầm nhìn rộng lớn, bao quát và có những bước đi rất dài giúp mau tiến gần tới đích. Tầm nhìn này cũng giúp định hướng lộ trình một cách chính xác và dễ dàng.
Ngược lại, nếu cứ đi theo sau gã khổng lồ này, hay tệ hơn còn vác gã trên vai, thì rõ ràng nó trở thành gánh nặng và lực cản khủng khiếp trên hành trình của mình.
Thế nhưng chúng ta thường mắc phải sai lầm nghiêm trọng này mà chúng ta không hề biết. Chúng ta thích coi quá khứ như một kho tàng quí giá cần phải trân trọng và bảo vệ kĩ càng. Chúng ta tự hào và nhắc lại những điều mà cha ông chúng ta đã thực hiện. Điều này thì hoàn toàn đúng và cần thiết. Tuy nhiên chúng ta lại muốn bắt chước và thực hiện lại y chang những điều mà các bậc tiền bối của chúng ta đã làm. Và đây chính là một sai lầm tệ hại. Trước tiên nó trói buộc ta vào những khuân mẫu có sẵn và giết chết sự sáng tạo. Kế đến nó làm ta tách lìa với thực tại đang sống bằng cách kéo ta trở lại với những suy nghĩ và cách sống của quá khứ.
Như vậy, ‘ôn cố’ chỉ có được giá trị tích cực thật sự khi nó được gắn chặt và bổ túc bởi ‘tri tân’. Và khi đó ‘ôn cố tri tân sẽ’ là một trợ lực thật sự mạnh mẽ và chắc chắn cho chúng ta trên hành trình tiến về tương lai. Đó cũng giống như việc những người khôn ngoan tìm thấy những cái mới, cũ trong kho tàng của mình (x. Mt 13,52).

Đảm Ninh Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP