Thư mục tham khảo
- Bullinger, Ethelbert
William: Figures of Speech Used in the Bible. London; New York :
Eyre & Spottiswoode; E. & J. B. Young & Co.
- E. J. Brill. Humour and Irony in the New Testament.
Jonsson, Jakob 1985.
- Hershey H. Friedman, Ph.D.
Humor in the Hebrew Bible.
Brooklyn College of the City University of New York.
- Karleen, Paul S.: The
Handbook to Bible Study: With a Guide to the Scofield Study System.
New York: Oxford University Press, 1987.
- Swanson, James; Nave, Orville. New Nave's. Oak Harbor: Logos Research Systems, 1994.
Bài viết này nhằm muốn chứng minh rằng trong Thánh kinh cũng có những tính hài
hước của nó. Tuy nhiên, bài viết này không thể nào liệt kê tất cả những ví dụ
mang tính châm biếm và hài hước trong Thánh kinh, nhưng, chính xác hơn muốn chứng
tỏ tính hài hước trong Thánh kinh mà thôi. Mục đích chưng dẫn một vài hình thức
châm biếm và hài hước trong Thánh kinh là cho thấy rằng: Tính hài hước đem
Thiên Chúa lại gần hơn với con người. Nghĩa là, qua tính hài hước trong Thánh
kinh, Thiên Chúa dường như dễ hiểu hơn và gần gũi hơn với con người. Ngoài ra,
tính châm biếm và hài hước, ít nhiều, cũng có khả năng làm cho con người cười
hay cười thầm trong lòng. Điều này, cũng có thể áp dụng tương tự cho một hữu thể
thần linh, Thiên Chúa. Thật vậy, Thánh vịnh cũng cho chúng ta thấy Thiên Chúa
cười một vài lần. Chẳng hạn,
Thánh vịnh 2,4: “Chúa
ngự trên cao thấy thế bật cười, Người chế nhạo bọn chúng”.
Thánh vịnh 37,13: “Nhưng
Chúa cười nhạo nó, vì đã thấy nó đến ngày tàn”.
Và Thánh vịnh 59,9: “Nhưng
phần Ngài, lạy Chúa, Ngài chê cười chúng, Ngài nhạo báng chư dân”.
Qua những câu này, chúng ta thấy Chúa đã cười những kẻ làm
điều ác vào ngày hôm đó. Dĩ nhiên, hình thức được mô tả ở đây không phải là cười
cách hạnh phúc, vui vẻ nhưng là một cách chế giễu, châm biếm. Nhưng Gia vịnh
đang mô tả một cái cười châm biếm nhắm vào những kẻ không nhận ra sự vô ích về
những toan tính của họ nếu như Thiên Chúa không chấp nhận.
Chấm biếm (irony), cách chung, là sự biểu lộ ẩn ý bằng việc
nói ngược hẳn suy nghĩ của mình để nhấn mạnh, gây cười, chế nhạo,… Từ “irony”,
trong tiếng Hy lạp là eironeia, với nghĩa che giấu, che đậy, đặc biệt là ám chỉ
tới việc che giấu trong lời nói.
Có ba (3) hình thức châm biếm (irony):
- Phản nghĩa (antiphrasis): anti: chống lại, đối nghịch;
phrasis: cách nói. Loại châm biếm này thường gồm có một từ hay một thành
ngữ.
- Hoán vị (permitatio, permutation): nó bao gồm các cụm từ, các
câu, hay các thành ngữ dài.
- Cắt từ (cutting words): loại châm biếm này thường dùng để la mắng
hay chế nhạo.
Tuy nhiên, chúng ta không sắp xếp châm biếm theo 3 phân loại
này, nhưng chúng ta nối kết chúng lại với nhau và liệt kê những ví dụ mang
tính: có thể hoặc châm biếm và hài hước, hoặc châm biếm nhưng không hài hước
trong Thánh kinh theo:
Châm biếm từ Thiên
Chúa
St 3,22: “Này con người
đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện và điều ác”.
Con người đã không thành như “một kẻ trong chúng ta”. Hắn đã trở thành một con người thất bại.
Các từ này làm chúng ta chú ý tới câu St 3,5 và cho thấy lời hứa của con rắn giả
tạo như thế nào.
Đnl 32,37-38: “Bấy giờ
người phán: Đâu rồi các thần của chúng, đâu rồi núi đá chúng ẩn thân? Đâu rồi
những kẻ ăn mỡ lễ tế của chúng, uống rượu tế chúng dâng? Các thần đó hãy đứng
lên và phù trợ các ngươi, cho các ngươi một chỗ ẩn náu.”
Đây là châm biếm cách mỉa mai của Thiên Chúa, vì các thần của
dân Ít-ra-en chẳng có núi đá hay nơi bảo vệ, họ cũng chẳng phù trợ hay giúp được
điều gì.
Cũng vậy, sau bốn mươi ngày dò thám đất Ca-na-an, họ về báo
cáo lại là có vùng đất tràn trề mật và sữa thật nhưng dân cư ở miền này họ mạnh
lắm. Họ toàn là những người to lớn, to lớn như những người khổng lồ, còn con
cái It-ra-en thì chỉ như châu chấu! Thấy vậy, dân Ít-ra-en sợ quá nói cách mỉa
mai với ông Môsê: “Phải chi chúng tôi chết
ở bên Ai cập, hoặc phải chi chúng tôi chết ở trong sa mạc cho xong!” (Ds
14,2). Hình như lúc này Thiên Chúa nổi giận, theo tác giả sách Dân số, thì phải.
Ngài nói với Môsê và A-ha-ron rằng: “Ta
thề - sấm của Đức Chúa – Ta sẽ xử các ngươi như lời các ngươi kêu thấu tai Ta.
Trong sa mạc này, thây các ngươi sẽ ngã gục…” (Ds 14,28-29). Thật vậy,
Thiên Chúa hình như đôi khi cũng chấm biếm, mỉa mai đặc biệt khi Ngài giận giữ
với dân Do thái vì liên tục thử Ngài. Khi mà dân Do thái làm tôi các thần Ba-an
và Át-tô-rét, nhưng sau đó họ bị các dân tộc chung quanh ức hiếp và lâm vào cảnh
khốn cùng. Đúng là không còn gì để bám víu, họ liền quay về với Chúa. Họ liền
khóc than với Đức Chúa, nhưng Ngài nói với họ: “Đi mà kêu lên các thần các ngươi đã chọn; chúng sẽ cứu các ngươi lúc
các ngươi bị cơ cực” (Tl 10,14). Giọng điệu này nghe rất giống như câu nói
giận giỗi đầy tình thương của người vợ nói với người chồng mà đã đi “ăn phở”
nhưng sau đó muốn quay về với gia đình: “Bây
giờ đến với em hả? Sao không quay về với…..!”. Với lối hành văn châm biếm
như vậy, bản văn làm cho Thiên Chúa có thể được hiểu hơn và gần gũi hơn.
Còn trong Thánh vịnh cũng không thiếu các tình tiết châm biếm
mỉa mai rất thâm thúy. Chẳng hạn, trong Thánh vịnh 115,4-8, gia vịnh nói:
“Tượng thần chúng chỉ
là vàng bạc,
chỉ do tay người thế tạo
thành.
Có mắt có miệng, không
nhìn không nói,
Có mũi có tai, không sờ
không mó
Có hai chân không bước
không đi,
từ cổ họng không thốt
ra một tiếng.
Ước chi kẻ làm ra hoặc
tin ở tượng thần
Cũng giống như chúng vậy.
Kế tiếp, có lẽ do nghe ông Gióp nguyền rủa mình quá, nên
Thiên Chúa nói với ông Gióp: “Ngươi ở đâu
khi ta đặt nền móng cho đất? Nếu người không hiểu thì cứ nói đi!” (G 38,4).
Còn Giảng viên 11,9 nhìn chung được xem là một hình thức
châm biếm, nhưng không phải dễ để nhận ra. Nó châm biếm một cách trịnh trọng. Đại
ý: cứ làm, làm tất cả những gì mình thích nhưng "phải biết rằng về tất cả những điều đó Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử”.
Isaia 2,10: “Hãy chui
vào hốc đá, ẩn mình trong bụi đất, để tránh nỗi kinh hoàng Đức Chúa gây ra”. Châm
biếm của câu này là muốn nhấn mạnh rằng: cho dù con người có thể hợp tác với
nhau chống Thiên Chúa, nhưng tất cả đó chỉ là trò hề trước mặt Ngài.
Giêrêmia 11,15: “Người
ta yêu quý, còn đến làm gì trong nhà trong nhà Ta nữa?” Thiên Chúa đã châm
biếm bằng cách phản nghĩa của từ “yêu quý”. Gọi là “yêu quý” nhưng lại là mắng
không cho vào để dâng lễ tế.
Giêrêmia 22,20: “Hãy
lên núi Li-băng mà kêu gào; hãy cất tiếng trên dãy Ba-san, hãy kêu gào từ dãy
núi A-va-rim, vì mọi kẻ yêu mến ngươi đã bị đè bẹp.” Đây là câu nhằm mỉa
mai gia đình vua Giơ-hô-gia-kim, người đã cầu cứu Ai cập chống lại vua
Ba-by-lon, nhưng chương 24, 7 đã nói cho chúg ta biết rằng: “Vua Ai-cập không còn ra khi xứ mình nữa, vì
vua Ba-by-lon đã lấy tất cả những gì thuộc về Ai-cập từ suối Ai-cập cho đến
sông Êu-phơ-rát”, Vì vậy, sẽ chẳng còn hữu dụng gì nữa khi vua
Giơ-hô-gia-kim lên tới núi Li-băng hay Ba-san để mà kêu gào với những người mà
đã từng giúp mình trước đây.
Còn trong Tân ước, chẳng hạn như trong Mác-cô 7, 9: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của
Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông”. Ở đây, mỉa mai là làm sáng tỏ cách tinh tế
bằng việc dịch từ “kalos” trong Hy lạp. “Kalos” nghĩa là thích hợp, phù hơn.
Nhưng nó phù hợp với những người không tuân giới răn của Thiên Chúa. Điều này
phù hợp cách chính xác và nhắm tới hành động của những người rửa tay bên ngoài
nhưng lại làm dơ bẩn bên trong.
Lu-ca 13,33: “Tốt hơn
hãy bố thí những gì từ bên trong, thì bấy giờ mọi người sẽ trở nên trong sạch
cho các ngươi”. Đó là mỉa mai. Đó là những gì người Pha-ri-sêu dạy, nhưng
nó không là sự thật.
Gio-an 7,28 là châm bếm, và ám chỉ về câu 27. “Người các ông biết” cho thấy sự thực là
họ đã không biết Thiên Chúa, và vì vậy, họ cũng đã không biết Đức Kitô.
Châm biếm từ con người
Thứ nhất, trong sách Dân số chương 14 nói về dân Ít-ra-en ra
khỏi Ai cập. Tuy nhiên, chiến xa của Pha-ra-ô đuổi theo và bắt kịp họ. Khi
Pha-ra-ô tới gần, họ ngước lên nhìn người Ai cập tiến đến sau lưng, nhưng phía
trước lại là biển. Đứng trước tình thế cái chết đã đến trước mắt mà sức người
không thể làm gì được, họ lớn tiếng nói cách mỉa mai với ông Môsê: “Bên Ai cập không có đủ mổ chôn hay sao, mà
ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” (Xh 14,11). Lời than trách trơ trẽn này cũng cho
chúng ta thấy tính cách người dân Ít-ra-en khi mà họ rơi vào tình thế tuyệt vọng.
Có lẽ việc làm thích hợp nhất tiên vàn lúc này là khiêm nhường và cầu nguyện
hơn là châm biếm.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy cách châm biếm của Ê-li-a khi
nói với các ngôn sứ Ba-an: “Kêu lớn tiếng
lên, vì người là một vị thần mà! Người đang suy nghĩ, hay đi vắng hoặc trẩy đường
xa, có khi người đang ngủ, thì sẽ thực dậy thôi!” (1V 18,27).
Còn trong 1 Sm 26,15: những từ mà Đa-vít nói với ông Áp-ne:
“Ông không phải là nam nhi sao?Và trong
Ít-ra-en có ai được như ông?” Câu nói chấm biếm này để chỉ thấy ông Áp-ne
đã sao lãng nhiệm vụ của mình như thế nào.
G 12,2: “Các anh thật
chỉ là con người! Nhưng cùng với các anh, sự khôn ngoan sẽ chết”. Câu mỉa
mai nhằm nhấn mạnh sự thực là các người bạn của ông Gióp cũng chẳng có kiến thức
gì hơn ông để mà khuyên bảo ông điều gì.
Còn bà Na-ô-mi khi đã mất người chồng, hai người con, và tất
cả tài sài ở Mô-áp, bà nói với nói với cư dân Bê-lem rằng: “Đừng gọi tôi là Na-ô-mi nữa, hãy gọi tôi là
Ma-ra” (R 1,20). Na-ô-mi có nghĩa là ngọt ngào; còn Ma-ra có nghĩa là cay đắng.
Cũng vậy, ông Gióp giải thích cách mỉa mai về người được xem là công chính những
vẫn phải đau khổ: “Than ôi người công
chính vẹn toàn lại trở nên trò cười cho thiên hạ” (G 12,4).
Ga 19,14: “Này vua các
người đây” thật là cách nói rất châm biếm.
2 Cr 12,13: “Anh em có
thua gì các Hội thánh khác? Có chăng chỉ thua ở chỗ bản thân tôi đã không phiền
lụy anh em. Xin tha cho tôi sự bất công đó”.
Châm biếm để thử
thách
Loại chấm biến thứ ba này là khi những từ có thể không mang
nghĩa chính xác với những gì được nói, nhưng được nói để thử người nghe, không
hoàn toàn mỉa mai, nhưng để thứ thách. Chẳng hạn như sau:
St 22,2: “Chúa phán với
Áp-ra-ham: Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của người là I-xa-ác, hãy
đi đến xứ Mô-ria-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ
chỉ cho”. Thiên Chúa nói điều này nhằm để thử (chứ không phải xúi giục)
lòng tin của Áp-ra-ham. Và câu 12 đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã không có ý
định như vậy, mặc dù Áp-ra-ham đã nghĩ là Người sẽ làm.
Mát-thêu 15,24: “Thầy
chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Cách
nói châm biếm này nhằm để thử lòng tin của người phụ nữ này mà thôi. Cũng vậy,
trong câu 26, khi Người nói: “Không nên lấy
bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó” . Qua việc nhấn mạnh sự tương phản
giữa “con cái” và “lũ chó”.
Châm biếm do vờ vĩnh
2Sm 6,20: Bà Mi-khan
nói với vua Đa-vít: “Vua Ít-ra-en hôm nay
thật là danh giá”. Câu nói này là châm biếm cách giả tạo vì trong câu 16
cho thấy “Bà Mi-khan, con gái Sa-un, từ cửa
sổ nhìn xuống thấy vua Đa-vít nhảy múa quay cuồng trước nhan Đức Chúa, thì sinh
lòng khinh dể”. Và vua Đa-vít cũng hiểu nó (2Sm 6,21-22).
Hoặc khi những người Pha-ri-sêu và những người thuộc nhóm
Hê-rô-đê muốn gài bẫy Đức Giêsu nên nói cách châm biếm: “Thưa Thầy chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy
đường lối của Thiên Chúa”. (Mt 22,16).
Mt 17,29: “Vạn tuế đức
vua dân Do-thái” là kiểu nói giả tạo để châm biếm mỉa mai.
Châm biếm theo kiểu
chơi chữ
Khi những từ được nói rõ ràng là dối trá và giả tạo. Ví dụ:
St 3,4-5: “Rắn nói với
người đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn
trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều
thiện ác”. Rõ ràng đây là dối trá, vì Satan đã biết sự đối nghịch: và E-và
có thể cũng đã biết như vậy, vì họ đã hoàn toàn phủ nhận lời của Thiên Chúa.
Hoặc Mt 2,8: “Xin quý
ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để
tôi cũng đến bái lạy Người”. Câu nói này giả tạo, vì vua Hê-rô-đê đã muốn
giết Hài Nhi, chứ không phải thờ lạy Người.
Sau cùng, người viết xin giới thiệu một vài sự kiện thú vị về Thánh kinh:
- Bạn có biết từ Thánh kinh
(Bible) xuất phát từ từ Bilica trong tiếng Hy lạp, nghĩa là sách (books).
Nhưng lại chẳng ai gọi nó quyển sách (books) nhưng nó lại được gọi là
Thánh kinh (Bible).
- Bạn có biết Thánh kinh bao
gồm 773.693 từ và 3.566.480 mẫu tự. Một người nếu đọc toàn bộ chúng lớn tiếng
có lẽ mất khoảng 70 giờ!
- Thánh kinh bao gồm 1189
chương.
- Sách ngắn nhất trong Thánh
kinh là 3 Gioan với 1 chương và 13 câu; còn sách dài nhất là Thánh vịnh.
- Câu ngắn nhất trong Thánh
kinh là Ga 11,35: “Đức Gêsu khóc”;
câu dài nhất là Et 8,9, dài gần tới 100 từ. Nếu bạn muốn biết câu đó nói
gì, xin hãy mở Thánh kinh đọc thử nhé!
- Người đàn ông khỏe nhất và
khôn nhất trong Thánh kinh là: Sam-sôn và Sô-lô-môn.
- Kẻ ung ác cao nhất và to
nhất trong Thánh kinh là Gô-li-át, cao hơn 9.5 feet (khoảng hơn 7m).
- Chiến binh vĩ đại nhất
trong Thánh kinh là Gít-đê-ôn, chỉ với 300 người mà đánh thắng 135.000
quân Man-di (Tl chương 6 và 7).
- Người già nhất trong Thánh
kinh là ông Mơ-thu-se, sống được 969 tuổi (St 5,27).
- Dụ ngôn cổ nhất trong Thánh
kinh là trong sách Thủ lãnh 9,8-15.
- Thánh vịnh 117,118 và 119
là những phần quan trọng đặc biệt trong Thánh kinh. Cụ thể, Thánh vịnh 117
là ngắn nhất trong Thánh kinh, Thánh vịnh 118 là phẩn trung tâm của Thánh
kinh và Thánh vịnh 119 là phần dài nhất trong Thánh kinh.
- Thư thứ2 và 3 của Gioan có
cùng 1 chương nhưng 3 Gioan được gọi là sách ngắn nhất vì có ít số câu hơn
(13 câu).
- Từ “Thiên Chúa” (God) xuất
hiện 3.358 lần trong Thánh kinh.
- Mô-sê là người cử hành
thánh tẩy đầu tiên trong Thánh kinh, ông đã lầu máu bò để thánh tảy dân
chúng.
- Con cừu là con vật được đề
cập thường xuyên nhất trong Thánh kinh; tuy nhiên con mèo thì không bao giờ
được nói đến.
- Có tất cả 1.260 lời hứa được
nói trong Thánh kinh.
- Cụm từ “đừng sợ” xuất hiện
365 lần trong Thánh kinh, tương đương với số ngày trong 1 năm!
- Tổng số câu hỏi trong
Thánh kinh là 3294. Câu hỏi đầu tiên trong Thánh kinh là Thiên Chúa hỏi:
“A-đam, ngươi ở đâu” (St 3,9) và câu hỏi cuối cùng trong Thánh kinh là
Thiên sứ hỏi Gioan: “Sao lại kinh ngạc” (Kh 17,7).
Tóm lại, chúng ta vừa cùng nhau tìm hhiểu và đọc những chưng
dẫn mang tính châm biếm và hài hước trong Thánh kinh. Dĩ nhiên không có những
chuyện trò hề trong Thánh kinh nhưng đó chỉ là những điểm mang tính châm biếm
và hài hước. Tính châm biếm và hài hước này có thể sẽ có nhiều hơn và rõ hơn nếu
chúng ta đọc Thánh kinh qua bản văn gốc. Mục đích của bài sưu tập này, không gì
khác, với chủ ý, ít nhất là: Tính hài hước sẽ mang Thiên Chúa lại gần hơn với
nhân loại.
Nguyễn Thanh Hoài
0 nhận xét:
Đăng nhận xét