Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

NGUYÊN NHÂN CỦA ĐAU KHỔ


Richard Công

Đau khổ là vấn đề thực tế của đời sống con người thuộc mọi thời đại. Sinh-lão-bệnh-tử là đã trở thành quy luật cho thân phận con người. Người viết xin trình bày nguyên nhân làm cho con người đau khổ theo Phật giáo nguyên thủy dựa theo tác phẩm “Quan điểm Tu tập trong Phật giáo nguyên thủy” trong bộ “Tìm hiểu giáo lý Phật giáo nguyên thủy” của tác giả Thích Hạnh Bình, nhưng người viết xin trình bày cách vắn tắt để làm cơ sở cho phần cảm nhận cá nhân tới đời sống của mình. Chính vì thế bài viết này chỉ mang tính cảm nhận cá nhân chứ không phải là bài viết có tính nghiên cứu. Nên có gì thiếu xót, mong quý độc giả bỏ qua.
Theo đạo Phật, nguyên nhân khổ đau của con người là do vô minh vô tri, nhưng vô minh vô tri về cái gì? Ðó là sự vô tri về con người và thế giới mà con người đang sống. Dựa vào Kinh ví dụ con rắn (Alaggadupamasuttam) đức Phật đã tường thuật nguồn gốc nỗi khổ của con người như sau, gồm hai yếu tố là: Cái không thực có ở ngoài gây đau khổ phiền muộn và cái không thực có ở bên trong gây lo âu phiền muộn.
Cái không thực có ở ngoài tạo lo âu phiền muộn
Trong kinh này đức Phật mô tả về cái không thực có ở ngoài gây lo âu phiền muộn như sau: “Ở đây, này các Tỳ kheo! Có người nghĩ như sau: Cái gì chắc chắn là của tôi, nay chắc chắn không là của tôi, cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn tôi không được cái ấy. Do vậy, nó sanh lo âu phiền muộn... Như vậy là có cái không thật có ở ngoài gây lo âu phiền muộn”.
Ở đây, cái “không thực có bên ngoài” là con người, những vật sở hữu của chúng ta. Như cha mẹ, vợ chồng, con cái, nhà cửa, ruộng vườn, tiền tài, danh vọng... đó là những cái thuộc sở hữu của chúng ta, tất cả chúng đều ở ngoài thân chúng ta, không phải là cái ở trong thân của chúng ta. Ðặc tính của những vật sở hữu này là vô thường, chuyển biến, từ đẹp chuyển sang xấu, từ trẻ trung đưa đến già nua, từ đẹp đẽ biến thành xấu xa, từ sống đến chết, từ có đến không... bản chất của nó là như vậy, cho nên trong kinh gọi là “không thật có”. Bản chất của chúng là thế, nhưng ý thức chúng ta lại không chấp nhận trạng thái thay đổi đó, luôn luôn có thái độ muốn giữ gìn, nắm bắt những gì tốt đẹp, và xua đuổi, chạy trốn những gì mà chúng ta không thích, nhưng trên thực tế tâm lý thích hay không thích của con người không làm thay đổi thực tại. Như vậy, cái mà chúng ta ưa thích nhưng nó không đến là khổ, cái mà chúng ta không thích mà nó cứ hiện hữu trước mắt cũng là khổ. Nguyên nhân của những nỗi khổ này là do thái độ cố chấp, không chấp nhận thực tại cuộc sống là vô thường. Ví như khi chúng ta già đi, tâm lý sợ già là thái độ không chấp nhận sự già ấy; người thân của chúng ta bị bệnh hay qua đời là sự kiện tự nhiên của cuộc sống, nhưng chúng ta nuối tiếc khóc lóc và khổ đau, là biểu hiện thái độ không chấp nhận sự biến đổi đó... Ðó là nguyên nhân khổ đau, là ý nghĩa của câu “cái không thật có bên ngoài gây lo âu phiền muộn”.
Cái không thực có ở trong tạo lo âu phiền muộn
Ðức Phật dạy: “Ở đây, này các Tỳ kheo! Có người nghĩ như sau: “Ðây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường hằng, thường còn, thường trú, không biến chuyển, ta sẽ an trú mãi mãi như thế này”, nhưng khi người ấy nghe Thế Tôn thuyết giảng: Thế giới và tự ngã là do duyên khởi, cái gì do duyên khởi hợp thành, cái ấy vô tự tánh, không có thật ngã. Do vậy, nó sanh lo âu phiền muộn. Như vậy, đây được gọi là cái không thật có bên trong, gây lo âu phiền muộn”.
Ở đây, câu “không thật có bên trong” là chỉ cho những quan điểm về con người và thế giới, tức thuộc về lãnh vực tinh thần. Ví dụ chúng ta cho rằng, thế giới là thường hằng, nhưng nghe đức Phật nói, thế giới là vô thường; vì có thái độ cố chấp, muốn bảo vệ lập trường quan điểm của mình, nên tâm người ấy sanh giận hờn, ganh ghét, như vậy là khổ đau xuất hiện... Một ví dụ khác dễ hiểu hơn, như anh A nghĩ rằng cô B chắc chắn thương yêu mình, nhưng trên thực tế cô B không thương anh A mà lại thương anh C, không được cô B thương cho nên tâm của anh A sanh khổ. Trạng thái khổ đau này do ảo tưởng mà sinh. Ðó là những cái không thật có mà tự mình tưởng tượng xây dựng lên, không đúng với thực tế cho nên sanh khổ.
Tóm lại, hai đoạn văn trên đây, đức Phật tường thuật về nguồn gốc khổ đau của con người được xuất phát từ hai nơi bên trong và bên ngoài, cả hai loại khổ này đều xuất hiện từ sự nhận thức sai lầm về con người và vũ trụ, vì con người và thế giới vốn do duyên khởi hình thành, cái gì do duyên khởi hình thành, cái ấy chắc chắn sẽ bị hủy diệt khi các nhân duyên không còn nữa, ngay cả những quan niệm sống của con người. Sự đổi thay vô thường là chân lý của cuộc sống, cho dù con người có thừa nhận hay không thừa nhận, chân lý ấy vẫn như thế, không phải vì con người nghĩ vô thường thì nó vô thường, nghĩ không vô thường thì sự vật không vô thường. Chân lý không tùy thuộc vào sự suy nghĩ của con người. Con người nếu muốn có được cuộc sống an vui hạnh phúc thì phải căn cứ chân lý mà suy nghĩ. Qua thực tế kinh nghiệm của cuộc sống cho thấy, những thất vọng khổ đau trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đều xuất phát từ sự hiểu biết không chân chính, thiếu sáng suốt, không phải do ai tạo ra, không phải do một đấng siêu hình nào có quyền năng làm điều đó. Tóm lại, nguồn gốc của khổ đau là “vô minh”, do trạng thái vô minh này mà lòng tham lam và sự sân hận mới có cơ hội xuất hiện. Như vậy tham và sân là bóng dáng của vô minh.
Liên hệ và cảm nhận tới đời sống cá nhân
Mục đích giáo dục của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát. Nói một cách dễ hiểu hơn, giáo dục của đức Phật chỉ có mục đích duy nhất là làm cách nào giảm đi những bất hạnh khổ đau của kiếp người, thay vào đó cuộc sống tự do và hạnh phúc. Giác ngộ là sự hiểu biết của mình phù hợp với quy luật tự nhiên, tùy theo quy luật đó để đưa ra một biện pháp thích đáng giải quyết một sự kiện cụ thể nào đó, mà ta muốn giải quyết. Sự hiểu đúng làm đúng được gọi là giác ngộ. Giải thoát là thoát khỏi những ưu phiền trong cuộc sống, sự giải thoát đó được đặt trên cơ sở giác ngộ.
Cuộc sống của con người là một hành trình tìm kiến hạnh phúc. Con người ở bất kỳ thời đại nào đều có chung một mục đích là theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, và hạnh phúc luôn là mục đích tối hậu mà con người tìm kiếm. Mong cầu hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc là dấu hiệu nhận biết sự lành mạnh (sự thiện) của mỗi con người. Suy cho cùng, tất cả ý nghĩa, giá trị, niềm vui của cuộc sống mà chúng ta cảm thấy đều được gói gém trong khái niệm hạnh phúc. Nhưng trong những bước tìm kiếm hạnh phúc của đời mình, con người lại giới hạn khái niệm này thành những mục tiêu rất hạn hẹp và cụ thể, ví dụ quy hạnh phúc thành khoái lạc, giàu sang, sự thỏa mãn, hay danh dự...Chính vì hiểu biết sai lạc về hạnh phúc và đặt mục đích của đời mình vào những đối tượng hữu chất đã làm cho con người đau khổ. Sự sai lạc này Phật giáo gọi là sự vô minh.
Làm sao con người thoát ra khỏi sự vô minh? Liệu tự lý trí con người có thể nhận biết được chân lý một cách trọn vẹn mà không hề bị sai lầm? Theo thánh Thomas Aquinas, để lý trí con người nhận biết được cái đích siêu nhiên là chính Thiên Chúa, là hạnh phúc đích thực, tự lý trí con người không thể đủ để nhận biết nhưng cần có ân sủng, nguồn mặc khải từ chính Thiên Chúa. Nguồn mặc khải này là chính Đức Giêsu, Con một Thiên Chúa. “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2).
Con người sẽ còn đau khổ bao lâu vẫn còn tìm kiếm hạnh phúc trong khoái lạc, tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực… Tất cả những thứ này tưởng chừng làm cho con người thỏa mãn và hạnh phúc, nhưng thực ra chúng là những vật cản làm vấp những bước chân hạnh phúc, thập chí còn làm cho con người rời xa hạnh phúc, vì hạnh phúc đích thực con người chỉ tìm thấy nơi Thiên Chúa. Cho nên Đức Giêsu trao ban cho chúng ta bản hiến chương nước trời để chúng ta có thể biết và sống như thế nào để mưu cầu hạnh phúc đích thực. “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ; …Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa;….” (x.Mt 5,3-12).
Con người muốn đoạn tuyệt đau khổ và đạt đến hạnh phúc viên mãn, con người phải đặt mục đích của đời mình nơi Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự thiện và hạnh phúc vĩnh cửu. Theo thánh Augustine và Thomas cùng sách Giáo lý Công giáo, hạnh phúc đích thực chỉ ở nơi Thiên Chúa. Cho nên, con người phải sống thánh thiện và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa thì mới có thể tiến gần đến hạnh phúc. Muốn vậy, con người phải sám hối tội lỗi, từ bỏ các ước muốn bất chính, đoạn tuyệt với những việc làm gian ác và con đường tội lỗi, canh tân đời sống mà quay trở về với Thiên Chúa. Con người có nhận biết như thế và sống như vậy (giác ngộ) thì mới có thể thoát khỏi đau khổ mà đạt được tới hạnh phúc thật sự.
Bệnh tật, già nua, chết chóc là phải xảy ra trong cuộc sống mà chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta có đức tin và đặt niềm trông cậy vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại vinh hiển. Đức Giêsu sẽ giải thoát chúng ta khỏi cái chết này và cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết. Con người có biết, tin và chấp nhận (giác ngộ) như vậy, con người sẽ không phải phiền não và đau khổ về thân phận của mình nữa.
Tóm lại: Nguyên nhân của đau khổ là do sự vô minh, vô minh của con người về Thiên Chúa và những mặc khải của Người. Con người còn đau khổ bao lâu còn cố chấp (vô minh) sống theo tư tưởng của thế gian và gạt bỏ Thiên Chúa và giáo lý của Người. Khi nào con người giác ngộ (nhận biết, tin và chấp nhận) Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, là nguồn mọi sự thiện hảo và giáo lý của Người là con đường đưa tới hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu, thì con người mới có thể được giải thoát và đạt tới hạnh phúc đích thực và sự sống vĩnh cửu. Vì Thánh Kinh có ghi: “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP