Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Triết học cần tự điều chỉnh



Trong cuốn sách mới ra của mình mang tên Đại thiết kế, Stephen Hawking, người được coi như ông hoàng của Vật lý lý thuyết thế kỷ 20, lại một lần nữa khẳng định: Triết học đã chết1! Điều này không có gì lạ, vì đó chỉ là một khái quát ở mức cao hơn một nhận định trước đó, có hơi hướng mỉa mai, cũng của chính ông nhưng được trích dẫn như là của triết gia Ludwig Wittgenstein2 trong một cuốn sách rất nổi tiếng khác – Lược sử thời gian –rằng: Nhiệm vụ còn lại của Triết học chỉ là trò phân tích ngôn ngữ3.
Cơ sở của nhận định này là sự tụt hậu của Triết học so với các ngành khoa học cụ thể, đặc biệt là Vật lý, trong việc nhận thức thế giới. Triết học dường như đã trở thành bất lực trong việc trả lời những câu hỏi rất cơ bản như: Làm sao chúng ta có thể hiểu được thế giới? Bản chất của thực tại là gì? Mọi thứ từ đâu đến? Liệu vũ trụ có cần một Đấng sáng thế?

Việc một nhà khoa học nổi tiếng, một trong những biểu tượng của trí tuệ thế kỷ 20, đưa ra những nhận định gây sốc như vậy về triết học, không khỏi làm cho người quan tâm băn khoăn tự hỏi: Phải chăng triết học đã chết như Hawking nhận định? Nếu không thì vai trò của triết học hiện đại là gì?
Quan sát sự phát triển của khoa học trong thế kỷ vừa rồi, đặc biệt của Vật lý và sinh học, thì thấy rõ rằng: Triết học đã bất lực trước những câu hỏi thuộc bản thể luận và một phần nào đó là bản chất của sự sống. Ngoài tư duy tư biện, triết học không còn công cụ nào khác để tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề này. Như thế rõ ràng, phạm vi nghiên cứu của Triết học đã bị thu hẹp đáng kể. Nhưng điều đó không có nghĩa là triết học đã chết. Nhận định của của Stephen Hawking chỉ là một sự nói quá lên “sự khốn cùng của triết học” và đánh giá sai lệch nhiệm vụ của triết học chỉ thuần túy là truy tìm kiến thức.
Trên thực tế, tìm kiếm tri thức chỉ là một phân nhánh của triết học. Phân nhánh này đang suy yếu trước sự phát triển của các ngành khoa học cụ thể. Nhưng các phân nhánh khác vẫn còn đủ rộng rãi để triết học phát triển. Đặc biệt là những phân nhánh vượt qua thế giới vật lý như Siêu hình học  hoặc liên quan mật thiết đến tâm lý và hành vi xã hội của con người như Đạo đức học, Mỹ học, Triết học về chính trị, Triết học về tôn giáo v.v.
Như thế, sự tụt hậu của Triết học so với các ngành khoa học cụ thể chỉ giới hạn ở câu hỏi thứ nhất: “Tôi có thể biết gì?” và một phần ở câu hỏi thứ hai: “Con người là gì?”. Một phần lớn còn lại của câu hỏi này cùng với hai câu hỏi: “Tôi phải làm gì? Tôi được quyền hy vọng gì?” vẫn là là những lãnh địa riêng cần tiếp tục khai phá của Triết học vì chịu ảnh hưởng rất ít của những tiến bộ của những ngành khoa học cụ thể.
Điểm qua như vậy để thấy, so với ngay những vấn đề Triết học được đặt ra từ hơn hai thế kỷ về trước của Kant, những khoa học cụ thể ngành nay cũng không giải quyết được, vì đơn giản chúng không phải là đối tượng nghiên cứu của những khoa học này, hoặc phương pháp khoa học không phải là công cụ để giải quyết những vấn đề này. Không một phương pháp khoa học nào có thể được sử dụng để đánh giá chính xác xem một sự việc là tốt hay xấu, đúng hay sai, thiện hay ác, tin hay không tin, đáng yêu hay đáng ghét. Chúng thuộc một thế giới khác mà ở đó, khoa học có thể tác động đến ít nhiều chứ không thể thay thế được.
Vai trò của Triết học hiện đại
Đâu đó đã có ý kiến cho rằng vai trò của triết học bây giờ là liên kết các mảng tri thức khác nhau để tạo ra một bức tranh lớn về tri thức và con người. Người viết bài này cũng đã từng nghĩ như thế. Nhưng giờ đây nhận thấy, đó là một kỳ vọng quá sức của Triết học. Liên kết các mảng tri thức khác nhau còn khó khăn hơn việc tìm kiếm tri thức, một lĩnh vực mà Triết học đang bị đuối thế. Chưa kể tham vọng về một bức tranh lớn chưa hẳn đã thuyết phục và có cơ sở, vì thế giới này có thể được mô tả bởi một bức tranh lớn hay không, hay chỉ có thể mô tả bằng một tập hợp các bức tranh nhỏ chuyên biệt, là một vấn đề còn tranh cãi. Trong bối cảnh chưa rõ ràng đó, một bức tranh lớn giả tạo về thế giới và con người, sẽ có khả năng trở lên phản tác dụng, trở thành kẻ đày đọa con người thay vì mở mang hiểu biết và tự do của con người.
Như thế, sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta tạm hài lòng với tập hợp những bức tranh nhỏ về thế giới được vẽ lên bởi các ngành khoa học chuyên biệt. Tùy theo độ phát triển của khoa học mà những bức tranh này sẽ được bổ sung, sửa chữa sao cho phù hợp. Còn nếu cố công gò ép mọi thứ vào một bức tranh lớn duy nhất, con người đã tự chặt chân mình trên con đường tìm kiếm tri thức về thế giới và chính bản thân mình.
Cũng như thế, Triết học nên khiêm tốn hơn với vai trò của mình như là khoa học của các khoa học, nên bớt tham vọng hơn trong việc vẽ ra một bức tranh tổng thể về thế giới và con người, nên giảm bớt gánh nặng trong hành trình tìm kiếm chân lý và tri thức. Để tồn tại trước sự tấn công ồ ạt của các ngành khoa học cụ thể, triết học cần tập trung vào những lĩnh vực mà khoa học không thể vươn tới, hoặc nếu có vươn tới thì cũng không thể chiếm lĩnh toàn bộ. Triết học cũng không nên cạnh tranh với các khoa học cụ thể trong việc tìm kiếm tri thức, mà nên làm người hỗ trợ, lát đường cho những ngành khoa học đó tiến lên.
Diễn giải chi tiết thì theo thiển ý của người viết, Triết học hiện đại nên tập trung vào ba lĩnh vực sau:
1. Làm người mở đường, thậm chí lát đường, hỗ trợ cho các ngành khoa học cụ thể bằng cách xây dựng hệ thống, hoặc một phần của hệ thống, các khái niệm, phạm trù cho các ngành khoa học cụ thể, nhất là khoa học xã hội và nhân văn sử dụng. Từ đó tạo lập những nét phác thảo sơ bộ về lĩnh vực cần nghiên cứu nhưng nhường phần hoàn thiện và phát triển tiếp cho các ngành khoa học cụ thể liên quan.
2. Tập trung vào những lĩnh vực mà khoa học không với tới được, hoặc với tới thì cũng không thể chiếm lĩnh toàn bộ vì ở đó, chỉ có tư duy tư biện là có tác dụng, còn phương pháp khoa học thì trở lên bất lực. Những lĩnh vực đó là Siêu hình học, Đạo đức học, Mỹ học, Triết học về Tôn giáo, Triết học về tâm hồn,  Triết học về khoa học nói chung và bản thân triết học nói riêng v.v.
3. Trở về với con người, định hướng con người trong nhận thức, dẫn dắt con người trong hành động, an ủi con người trong khổ đau và làm phong phú thêm ý nghĩa của đời sống con người. Trong lĩnh vực này, chân lý không còn đóng vai trò độc tôn, mà cảm xúc cũng cần được quan tâm thỏa đáng. Một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa không nhất thiết là một cuộc đời phải biết bản chất của thực tại là gì và mọi thứ từ đâu đến. Cho nên, con người, nhận thức và cảm xúc, đời sống và ý nghĩa, khổ đau và hạnh phúc, tự do và giới hạn của nó… mãi mãi là pháo đài bền vững của Triết học mà các khoa học cụ thể khác không thể thay thế hoàn toàn được.
Triết học vì thế, thay vì chinh phục những điều viển vông quá sức, cần thực tế hơn trong mục tiêu và lĩnh vực hoạt động của mình, và đặc biệt, Triết học cần trở về đồng hành với con người ở mọi tầng nấc mức độ mà đời sống con người khả dĩ trải qua. Triết học cần trở lại với những vấn đề của con người, vì con người. Làm như thế, chừng nào con người còn sống thì Triết học còn tồn tại.
Như thế, Triết học không chết dưới sự lấn sân của các ngành khoa học cụ thể như Stephen nhận định, mà Triết học cần điều chỉnh để đồng hành cùng các ngành khoa học cụ thể và quan trọng hơn là đồng hành cùng con người trong mọi cung bậc của đời sống, nhận thức, cảm xúc, hành động và ý nghĩa của nó theo cách của riêng mình.
Triết học không chết, nhưng Triết học cần tự điều chỉnh.
------------
1 Stephen Hawking & Leonard Mlodinow, The Grand Design, Bantam Books, 2010.
2 Sự thưc thì Ludwig Wittgenstein chưa bao giờ nói vậy. Có lẽ Stephen Hawking nhớ nhầm hoặc ông cố ý khái quát những ý tưởng của Ludwig Wittgenstein bằng một mệnh đề dễ nhớ.
3 Stephen Hawking,  A Brief History of Time, Bantam Dell Publishing Group, 1988.


Giáp Văn Dương
(Trích từ http://www.tiasang.com.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP