Ở chương 13 cho thấy một bầu không khí rất ảm đạm, tưởng chừng
như mây đen đang vây quanh tứ phía các môn đệ. Các ông đang gặp khủng hoảng lớn
từ chính bên trong nội bộ cộng đoàn các môn đệ và nhất là những lời nói của Thầy
mình như là sự trối lại của một người sắp ra đi. Chính vì cảnh bi thảm đó mà ta
thấy được bữa tiệc này kéo dài tưởng chừng như không có hồi kết. Các môn đệ
đang hoang mang vì không còn biết phải làm gì lúc này thì Đức Giê-su lại khích
lệ các ông “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”
(câu 1). Nếu anh em tin thì anh em sẽ không phải lo lắng gì vì “Thầy đi để dọn
chỗ cho anh em, Thầy lại đến và đem anh em theo với Thầy, để Thầy ở đâu anh em
cũng ở đó” (câu 3). Hơn nữa Đức Giê-su cũng mạc khải cho các môn đệ biết là Người
chính là đường, là sự thật và là sự sống và nhất là tất cả nếu muốn đến được với
Chúa Cha thì Người chính là con đường dẫn mọi người đến với Chúa Cha (câu 6).
Chính cái chết của Người là con đường và vì vậy mà Phê-rô không thể đi theo Thầy và Tô-ma không biết đường vì chưa có đường,
vì Đức Giê-su đang còn đó nói với các ông. Đức Giê-su chính là con đường và đồng
thời Người cũng là đích đến. Khi đến được với Người, khi đi trên con đường đó
thì cũng là lúc ta đi đến đích, đến được với Chúa Cha vì “Ai thấy Thầy là thấy
Cha” (câu 9).
Người khích lệ các ông là nếu “Ai tin vào Thầy, thì những việc
Thầy làm người ấy cũng sẽ làm và sẽ làm những điều lớn hơn” (câu 12). Và cũng
trong niềm tin đó thì “nếu anh em xin điều gì nhân danh Thầy, chính Thầy sẽ
làm” (câu 14). Niềm tin chính là cốt lõi của mọi việc vì khi tin thì chúng ta mới
yêu mến. Một đề tài lớn đó là “yêu mến”. Ở đây có sự nối kết giữa các tiểu đoạn
với nhau vì khi “biết – tin – làm – xin” thì sẽ dẫn đến yêu mến. “Nếu anh em
yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (c.15) và ta cũng có thể nói
ngược lại là khi giữ các điều răn của Đức Giê-su thì khi đó ta thể hiện lòng
yêu mến Người. Từ “và” ở c.16 đó là sự kết nối với Chúa Cha. Từ yêu mến Đức
Giê-su dẫn đến Đức Giê-su can thiệp với Cha để Người ban cho anh em một Đấng
Pa-rác-lê, để Người ở với anh em luôn mãi. Đấng Pa-rác-lê “sẽ làm cho anh em nhớ
lại tất cả” (câu 26). Đây chính là ân huệ, cũng có thể hiểu đây là sự khích lệ
để các ông khỏi xao xuyến và sợ hãi. Khi đó các môn đệ sẽ hiểu tất cả vì hiện tại
bây giờ các ông chưa hiểu. Chính Đấng Pa-rác-lê sẽ tiếp tục công việc của Đức
Giê-su. Ở đây không phải là Đấng Pa-rác-lê đến thay thế Đức Giê-su. Đức Giê-su
dạy thì nay Đấng Pa-rác-lê cũng dạy và làm cho các ông hiểu được những gì Đức
Giê-su đã dạy (câu 26).
Chính Đức Giê-su cũng sẽ lại đến với các ông (câu 18). Đây
chính là sự hiện diện mới – một sự hiện diện mà chỉ những ai đã từng sống và có
kinh nghiệm về Người thì mới thấy Người. “Thế gian không còn thấy Thầy, nhưng
anh em, anh em thấy Thầy” (câu 19). Thế gian không thấy là vì thế gian không
tin, không đón nhận mạc khải. Nhưng các môn đệ thì thấy vì các ông tin. Sự ra
đi này của Đức Giê-su là về sống với Chúa Cha và Đức Giê-su sẽ làm cho họ được
sống và họ sẽ không phải mồ côi. Nhưng hơn thế họ được hiệp nhất với Chúa Cha
(câu 20).
Đang khi tâm sự với các môn đệ thì ở đây (câu 21) có sự thay
đổi đối tượng nghe. Không phải chỉ các môn đệ, không phải là “anh em” nhưng ở
đây là “ai” có nghĩa là đối tượng được nhắm đến giờ đây là tất cả mọi người. Bất
kỳ ai, qua tình yêu mà có và giữ các điều răn của Đức Giê-su thì sẽ được Chúa
Cha và Đức Giê-su đến với người ấy. Tuy nhiên, ta thấy ở câu 23 chỉ toàn là thì
tương lai còn câu 24 toàn là thì hiện tại, đây là điều rất hay cho ta thấy được
mạc khải thì đã có rồi nhưng họ đã kết án, họ đã không tin Đức Giê-su ngay khi
Người còn rao giảng tại thế, thì giờ đây cộng đoàn các môn đệ cũng sẽ bị họ
bách hại và tìm cách tiêu diệt, loại trừ. Nhưng điều khích lệ các ông ở đây đó
là sự hiện diện của “Chúa Cha, Đức Giê-su và Đấng Pa-rác-lê” ở trong họ với điều
kiện là các ông hãy vững tin và điều này được thể hiện qua việc các ông phải
“yêu mến” và “giữ các điều răn” của Đức Giê-su. Sau biến cố Thương Khó và Phục
Sinh thì đây là sự hiện diện mãi mãi của cả ba Đấng.
Tiểu đoạn ba (Ga 14,27-31) trở lại với đề tài khích lệ các
môn đệ, mà trước tiên đó là sự bình an của Đức Giê-su ban cho các môn đệ. Chỉ
trong câu 27 từ “bình an” đã xuất hiện tới 2 lần. Đức Giê-su để lại “bình an”
và sự sự bình an này chính là “bình an của Thầy”, là bình an của chính Đức
Giê-su nên nó không như sự bình an của thế gian ban tặng. Như vậy ta thấy thế
gian nó cũng có sự bình an và nó cũng có thể ban sự bình an cho những ai thuộc
về nó. Nhưng sự bình an của Đức Giê-su thì khác, sự bình an này sẽ giúp cho các
môn đệ vượt qua được những khủng hoảng mà các ông đang gặp phải, giúp cho các
ông giữ vững được niềm tin trong mọi hoàn cảnh. Để đón nhận được sự bình an của
Đức Giê-su thì các ông “hãy vững tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”, “hãy yêu
mến bằng cách tuân giữ các điều răn của Thầy”, nói cách khác là hãy đón nhận mạc
khải. Và ở 16, 33a thì các môn để phải không ngừng hiệp thông với Đức Giê-su và
“ở lại” trong Người. Nối tiếp với bình an là “niềm vui”. Nguyên do của niềm vui
là “Thầy đi về với Cha, bởi vì Cha lớn hơn Thầy” (câu 28). Tại sao các môn đệ
có được niềm vui khi mà Thầy mình sắp đi vào cuộc Thương khó? Niềm vui mà Đức
Giê-su nói đến ở đây đó là một niềm vui trọn vẹn, một niềm vui không ai cướp mất
được nhờ đọc ra được ý nghĩa đích thực của biến cố Thương Khó là “Giờ tôn
vinh”.
Ta thấy ở đây có sự tương phản giữa “sống” và “chết”, giữa
“các môn đê” và “thế gian”, giữa “Đức Giê-su” và “Thủ lãnh thế gian”. “Thủ lãnh
thế gian” và “thế gian” tìm cách giết “chết” Đức Giê-su thì Đức Giê-su lại dùng
chính cái “chết” trên thập giá của mình để đi vào cõi “sống”, để về với Cha, và
để chiến thắng thế gian. Bởi thế, các môn đệ cũng không gì phải sợ vì chính Đức
Giê-su đã thắng và các ông cũng sẽ thắng. Đây là sự khích lệ lớn cho các môn đệ
cũng như cộng đoàn người tin đang bị thế gian bách hại.
Tiểu đoạn ba như là sự tóm kết tất cả vì giờ của Người đã rất
gần “Thầy không còn nói nhiều với anh em nữa” (câu 30a), “Thủ lãnh của thế gian
đang đến” (câu 30b). Tuy nhiên, người thuật chuyện cho ta thấy được như là chuẩn
bị có cuộc chiến giữa Đức Giê-su và Thủ lãnh thế gian nhưng không phải vậy. Vì
“nó không có quyền gì trên Thầy” (câu 30c). Đức Giê-su đi chịu chết là để thế
gian biết rằng “Thầy yêu mến Cha” (câu 31a). Đây như là sự ra đi của tình yêu.
Nói cách khác đây chính là sự vâng phục vì “Cha đã truyền cho Thầy thế nào thì
Thầy làm như vậy” (câu 31b). Đức Giê-su đến thế gian là để thực thi Thánh Ý
Chúa Cha và đây là thời điểm gay cấn nhất, có thể nói đây chính là đỉnh điểm của
sự vâng phục, là đỉnh điểm của tình yêu.
Qua chương 14 ta thấy được chủ đề kết nối các chủ đề còn lại
đó chính là “tin”. Các môn đệ và mọi người tin qua mọi thời luôn được mời gọi
tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su để biết được Đức Giê-su chính là đường,
là sự thật và là sự sống. Đồng thời biết được Đức Giê-su là trung gian duy nhất
để con người đến với Chúa Cha. Nhờ biết được như vậy mà các môn đệ và người tin
có thể vượt qua được những hoang mang và khủng hoảng đến từ bến ngoài lẫn bên
trong cộng đoàn. “Yêu mến” và “tuân giữ các điều răn” của Đức Giê-su chính là
điều kiện để những người tin có được sự ‘ở lại” của ba Đấng. Khi có được sự ở lại
đó thì họ sẽ có được sự “bình an” và “vui mừng” trong cuộc sống đức tin của
mình. Cũng có thể nói rằng sự “ở lại” của ba Đấng giúp cho người tin vững tin
hơn trong những lúc mình gặp khủng hoảng.
Bruno Nguyễn Hữu
Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét