Vốn đã thích đi tu từ bé nên Nó lúc nào cũng
thể hiện ra vẻ dáng người đi tu qua cách đi lại và ăn nói. Cũng vậy, chẳng biết
sao Nó lại tu đến giờ này, một bà Xơ “valide” và ‘licite”. Đúng thật, thời gian
như con thoi đưa, mới ngày nao mới chân ráo chân ướt bước vào nhà dòng, với bao
lo sợ và vui mừng, mà bây giờ Nó đã khấn. Thật là “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” và hình như “Chúa đãi những kẻ khù khờ”! Nhưng có một
điều mà Nó cảm thấy không được vui cho lắm là dáng vẻ bên ngoài xem ra chưa có
vẻ là người đi tu, chưa có dáng vẻ là “người
ăn cơm Chúa, múa tối ngày”. Thật tình mà thưa, tóc Nó thì có rụng rồi, trán
đã hói một chút, nhưng Nó vẫn chưa có cái kính để đeo. Cho nên lâu nay Nó vẫn
thầm mong mắt mờ đi để có lý do chính đáng mà đeo kính, ngõ hầu nhìn ra dân nhà
tu và trí thức.
Trước tiên, Nó ra một hiệu kính “Xì-gòn” chính
gốc. Sau khi khám mắt xong, người đàn ông, đeo bảng tên nhỏ xíu đến nỗi chẳng
đọc được, mặt lạnh như tiền, phán một câu chắc nịch:
Chị bị cận thị!
1,25 đi-ốp!
Ông bác sĩ này xem mắt Nó, rồi xem chiếc kính, xem đi xem lại cặp kính
và với nét mặt xem ra rất thất vọng và buồn rầu. Sau một ít thinh lặng, vị bác
sĩ này quát lên: “Thằng cha lang băm nào
cho chị đơn mua cái kính này thế? Có
phải chị bị cận thị đâu!”
“Thế con bị sao ạ?” – Nó hỏi lại liền.
Viễn thị, 1.5
đi-ốp!
Thế là Nó lại mua kính mới. Đúng thật,
đeo chiếc kính này vào Nó không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa,
nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Cho nên mắt Nó lúc nào cũng đỏ hoe
như khóc vậy. Nhiều chị em trong cộng đoàn lại nói đùa: Cặp kính này chỉ có đeo
để đi đưa đám tang là hay nhất!
Xem ra tình trạng vẫn không ổn. Vào một buổi tối nọ, Chị giáo gọi Nó vào phòng, hỏi thăm sức khỏe và khuyên
Nó nên đi khám mắt lại. Nhưng lần này chị giáo yêu cầu Nó phải đi khám ở nhà
thương lớn, nhà thương của nhà nước hẳn hoi. Có như vậy mới tìm ra đúng bệnh và
an tâm mà chữa trị cho tận căn. Với cương vị là người chị giáo và chút lo lắng,
chị nói: “em nên đi khám càng sớm càng
tốt, chứ cứ như thế này đến mù cả mắt, ắt sẽ ảnh hưởng không tốt tới đời tu!”
Lần này Nó vào bệnh viện lớn hẳn hoi, có đề bảng chuyên khoa mắt nghiêm
văn chỉnh. Đúng với danh tiếng của bệnh viện, họ làm rất cẩn thận với những máy
móc rất hiện tại. Trước tiên, bác sĩ nghe Nó kể bệnh án và hiện trạng của Nó.
Sau đó bác sĩ “xung tả hữu đột” khám đi khám lại một cách rất cẩn trọng. Khi
nghe và khám lâm sàng xong, bác sĩ giận lắm, hai môi rung rung, mặt đỏ lên.
Cuối củng bác sĩ thều thào nói:
“Quân ngu! Chị không phải cận thị, cũng không
phải viễn thị, mà là loạn thị!”
Theo yêu cầu của bác sĩ này, Nó mua một cặp kính khác. Cặp kính này Nó
đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Đúng là nhà nước có khác và quả ông bác sĩ
này “cao tay ấn”. Nhưng chỉ có điều không ổn là bây giờ cái gì hình như cũng
lùi hẳn ra xa. Các khuôn viên trong cộng đoàn bây giờ trở nên rất xa và lạ
thường đối với Nó. Bây giờ Nó không thể nấu ăn cho các chị em trong cộng đoàn
cũng như tham gia các giờ kinh phụng vụ được nữa. Vì cái gì cũng ở tít đáng xa
nên mọi vật xung quanh đối với Nó giờ rất nhỏ bé, nhỏ đến nỗi không nhìn thấy
để đọc nữa. Cũng vậy, ăn uống và đi lại rất khó đối với Nó trong lúc này.
Thật buồn và đáng thương cho Nó nhiều. Nó lại quyết định đi gặp một vị
bác sĩ chuyên khoa mắt nổi tiếng khác. Nó lại thay kính mới. Bây giờ mắt Nó
nhìn cái gì cũng hoá hai. Cộng đoàn Nó đang 12 người, bỗng nhiên thành 24. Mỗi
người lại có một người giống hệt mình. Thật Nó chưa bao giờ thấy chuyện lạ như
vậy trong đời tu. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay
sao? Đúng là họa vô đơn chí! Nó lại đến đến một ông bác sĩ khác. Nghe nói ông
này học ở Pháp gì đó.
Bác sĩ nói: “Ai bảo chị đeo kính
này?”
Nó nói: “Làm sao ạ?”
“Sai chứ còn sao
nữa!”: Bác sĩ nói
Hoá ra một mắt Nó bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị bác sĩ mới này lại
ghi cho Nó cắt chiếc kính khác. Nhưng bây giờ Nó không phân biệt được sáng tối
nữa. Xung quanh Nó tối như “Limbo” vậy!.
Một bác sĩ khác lại bảo:
- Đứa dốt nào ghi cho chị chiếc
kính này vậy hả? Mắt chị hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?
-Nhưng không phải như vậy đâu. Nó vẫn không thấy gì cả nếu không
đeo kính!
Có thể nói không còn bác sĩ nào trong “Xì-gòn” mà Nó chưa đến! Mỗi ông
kết luận một kiểu. Mỗi ông một ý. Ông này bảo mắt phải Nó cận, mắt trái viễn
thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu bị loạn thị thì ông sau phán là bị
đục nhân mắt…Còn riêng đối với Nó vẫn phải đeo kính. Mỗi lần đeo kính là Nó lại
phải đối diện với những tình huống khác nhau. Bây giờ Nó nhìn cảnh vật xung
quanh hình như không được thật nữa. Đi trên đường thẳng mà Nó có cảm giác như
bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Nó cứ phải bước
từng bước dài như lạc đà đi trong sa mạc vậy. Một lần, đang đi lên lầu, Nó bước
hụt một cái, ngã lăn quay xuống đất vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn đến một
mét. Cái kính bị văng đi làm Nó không nhìn thấy gì nữa. Cái gì cũng mờ mờ ảo
ảo. Mấy bạn cùng lớp đỡ Nó dậy:
Một người bạn tìm thấy kính đưa cho Nó. Nó đeo kính vào thì... Chúa
ơi!... Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá! Vật nào đúng vật nấy,
rõ mồn một! Rõ như chưa bao giờ Nó có thể nhìn rõ vậy. Hay kính của người khác
chăng? Không! Đích thị kính của Nó đây mà! Đúng gọng sừng to màu đen đây! Nó
sướng không sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng Nó bước chân đến một vị bác sĩ
mắt nào nhé! Nó đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên bảng thông báo của
nhà trường. Nó đi về cộng đoàn với lòng vô cùng sung sướng vì cảm thấy cuộc đời
quá đẹp sao! Vừa về tới cổng:
-“Kính của em sao thế kia?” – Chị giáo hỏi Nó.
Làm sao? Nó bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng!
Hoài Thương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét