Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Hội chứng xây lăng



Lăng là một công trình xây dựng để lưu giữ thi hài của vua chúa hoặc các vĩ nhân. Như vậy khi xây lăng cho ai tức là người ta trân trọng vị thế hoặc những đóng góp của những vị đó. Hay nói các khác xây lăng là một cách thế tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với một ai đó. Như chúng ta thấy lăng và đền đài của các vua chúa, các bậc vĩ nhân, các anh hùng, kể các  các anh hùng vô danh! Đó là nghĩa đen. Còn theo nghĩa bóng người ta vẫn thường xây nhiều lăng nhưng chẳng thấy có thi hài nào cả (theo cái nhìn vật chất). Đó là khi người ta tổ chức các đại lễ kỉ niệm các sự kiện hay các biến cố nào đó. Người ta dựng lại những kỉ niệm, những kì tích, những chiến công, những huyền thoại,… xung quanh những biến cố, những sự kiện đó. Người ta dùng nhiều loại hình sinh hoạt, văn hoá để nhắc nhớ và tôn vinh, nhằm lưu giữ và làm cho các biến cố hay sự kiện đó hiện diện và tồn tại giữa cộng đồng.
Thích xây lăng
Việc xây lăng tẩm tinh thần này ngày càng được ưa chuộng và phổ biến. Kỉ niệm X năm ngày sinh, ngày mất của vĩ nhân này, thánh nhân kia. Kỉ niệm Y năm ngày thành lập, ngày diễn ra biến cố này hay sự kiện kia,… Chúng ta vừa mừng một sự kiện hết sức lớn lao (về mặt tổ chức!) đó là đại lễ “Ngàn năm Thăng long Hà nội”. Cái ‘lăng’ này đã được ‘xây’ trong vòng 8 năm, với 65 công trình thuộc về các lãnh vục văn hoá xã hội, chính trị, lịch sử, giáo dục,… Khoảng 54 hoạt động chính dự kiến diễn ra trong 10 ngày đại lễ. Bắn pháo hoa trên 29 điểm (cuối cùng đã huỷ 28 điểm do 2 container pháo bị cháy ngày 6.10). Khoảng 250 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và khoảng 38 buổi của các đoàn ngoài nước, 1 cuộc diễn binh lớn khoảng 30 ngàn người,…và nó ngốn hết khoảng 94 ngàn tỉ đồng, bằng 1/10 tổng thu nhập quốc dân/năm! (theo Võ Thị Hảo, Hội chứng một ngàn)
Về phía Công giáo, năm nay chúng ta mừng năm thánh 350 năm thành lập 2 giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đây cũng là một ‘công trình’ khá lớn với những sinh hoạt tầm cỡ; Khai mạc ở Sở Kiện, Đại hội Dân Chúa ở Sàigòn, Bế mạc tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang,…
Ngoài ra còn rất nhiều những ‘lăng’ quy mô nhỏ hơn được xây dựng khắp nơi vào nhiều thời điểm khác nhau. Vậy đâu là lý do và đặc điểm của công việc này?
Lý do và đặc điểm
Trước tiên phải khẳng định rằng việc xây lăng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là một việc làm hết sức ý nghĩa và cần thiết.
Đầu tiên, đây là một việc làm để ghi nhận những công ơn, những đóng góp to lớn của các vĩ nhân này cho nhân loại. Nó cũng nói lên sự kính trọng và yêu mến đối với những vị đó. Việc yêu quí muốn lưu giữ sự hiện diện (ít là các kỉ niệm và kí ức) của họ ở mãi trong lòng cộng đồng.
Ngoài việc lưu giữ hình hài và kí ức của các vĩ nhân, việc xây dựng lăng tẩm còn mang tính giáo dục. Việc học hỏi tấm gương của các ngài là việc không thể thiếu. Như vậy, cùng với việc xây dựng lăng tẩm là việc phổ biến những đức tính, nhân cách và những vĩ nghiệp mà các vị đã thực hiện. Nó nêu gương và kêu gọi đặc biệt các người trẻ hãy bắt chước những lối sống cao đẹp đó. Như vậy việc xây dựng lăng tẩm nói chung mang một giá trị nhân văn rõ ràng. Là một việc cần thiết nên thực hiện.
Tuy nhiên, mọi sự đều có mặt trái của nó. Mặt trái của việc xây dựng lăng tẩm đó là chúng ta dễ dùng những vinh quang trong quá khứ để làm yên lương tâm mình trước những khó khăn hiện tại. Chúng ta sẵn sàng vênh vang mọi lúc về những chiến thắng hào hùng của bao vị anh hùng dân tộc trước sự xâm lăng của kẻ thù. Nhưng chúng ta lại ngại hay không dám đặt câu hỏi là mình đã làm gì và phải làm gì để đẩy lùi những nghèo khó, bất công, tội phạm, sự xuống cấp đạo đức, xuống cấp giáo dục,… trong xã hội, đất nước chúng ta đang sống hôm nay. Chúng ta vẫn tự hào và biết ơn về sự anh hùng của các bậc tiền nhân của chúng ta đã hy sinh mồ hôi và xương máu để xây nên Giáo hội Việt nam chúng ta. Thế nhưng chúng ta đã làm gì cho Giáo hội chúng ta trong thời điểm hiện tại này? Hay chúng ta chỉ hài lòng là con cháu của các vị anh hùng đó mà thôi!
Tệ hơn nữa, rất thường khi người ta dùng ‘biện pháp xây lăng’ để thu hút dư luận nhằm che khuất đi những khó khăn hiện tại mà mình không dám đối diện. Người ta bắt các vĩ nhân, các anh hùng lại phải hy sinh cho mình một lần nữa!
Việc ‘xây lăng’ mang một giá trị nhân văn, tuy nhiên nó không có giá trị tuyệt đối. Còn biết bao công việc khác cũng cần thiết và cần phải thực hiện. Vậy nó nằm ở đâu trên bậc thang các giá trị?
Bậc thang giá trị
Thật khó để xác định và đưa ra một bậc thang giá trị cụ thể. Vì nó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế của đời sống. Người ta nói “Phú quí sinh lễ nghĩa” là vậy. Khi người ta sống trong cảnh bần cùng thì những giá trị văn hoá, tinh thần đối với họ là những thứ xa xỉ và không cần thiết. Tuy nhiên khi đời sống trở nên khá giả thì người ta lại có cái nhìn và đánh giá khác đi. Chính vì thế khi chọn “xây lăng” cho một nhân vật, một sự kiện cũng cần phải cân nhắc kĩ lưỡng để làm thế nào cho phù hợp, tránh những hậu quả tiêu cực và những tranh cãi vô ích. Ví dụ như việc tổ chức sự kiện 1000 năm Thăng long Hà nội. Đây là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn cần thiết để giới thiệu Hà nội và Việt nam với thế giới. Ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND thành phố Hà nội nhận xét “Đại lễ kỉ niệm nghìn năm đã thành công tốt đẹp, đạt mục tiêu trang trọng hoành tráng.” (xem 'Đại lễ nghìn năm đã đạt mục tiêu hoành tráng' VnExpress.net Thứ sáu, 15/10/2010). Thế nhưng, nhiều người lại coi đây là một việc làm vượt quá sự cần thiết về nhiều góc độ. Ví vụ sự nhận xét của nhà văn Võ Thị Hảo: “Dù thế nào thì, theo số liệu công bố trên báo chí, ít nhất khoảng 94 ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân VN – cái sắc dân vẫn đứng trong hàng những nước nghèo nhất trên thế giới - đã được chi ra cho đám rồng rắn và đại lễ, cho cái hội chứng "một ngàn lẻ một cái ăn theo"ấy. […] Khoảng 1/10 tổng thu nhập quốc dân/năm đấy. Tám năm chuẩn bị với những cuộc phát động toàn quốc. […] Có vẻ trong mấy năm qua, không còn việc gì to tát đáng làm hơn kỷ niệm ngàn năm TLHN. Ít nhất đó là về mặt ấn tượng. Vì nó chiếm quá nhiều thời lượng trên các ngả phố, trên các phương tiện truyền thông và trên đầu lưỡi mọi người có quyền ăn, quyền nói. Cả một đại lễ tốn kém gần trăm ngàn tỉ đồng ấy, trong thời buổi đất nước đói khó, mà chỉ để mừng tuổi cho một TLHN thôi sao?” (xem Võ Thị Hảo, Hội Chứng Một Ngàn)
Đặc biệt đại lễ Thăng long Hà nội lại diễn ra trong bối cảnh khúc ruột Miền Trung đang gánh chịu thiên tai nặng nề. Theo thông tin từ báo chí, số người chết lên đến 62 người. Nhiều người vẫn còn mất tích và bị thương. Thiệt hại về vật chất khoảng 2.200 tỉ đồng. Sau bão lũ, giờ đây người dân Miền Trung đang phải vật lộn với cái đói quay quắt. Nhà Nước đã chi 94 ngàn tỉ từ ngân sách để tổ chức sinh nhật lần tứ 1000 cho “cụ” Hà nội. Thành phố cũng đã tỏ ra rất hào phóng với những dịch vụ ăn theo 1000 năm Thăng long Hà nội khi đã tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với kinh phí trên 107 tỷ đồng (theo lời ông chủ tịch UBND thành phố Hà nội, Nguyễn Thế Thảo). Vậy họ đã chi bao nhiêu để cứu những người dân Miền Trung khỏi chết chóc và đói khát do thiên tai vừa gây ra? Cũng trong thời điểm này, tại Chilê, bên kia nửa vòng trái đất, chính phủ Chilê đã chi khoảng 22 triệu mỹ kim để cứu 33 công nhân sập hầm mỏ ở độ sâu 700m dưới lòng đất. Quyền sống và quyền được sống xứng với phẩm giá con người nằm ở đâu trên bậc thang giá trị trong suy nghĩ và lựa chọn của chúng ta?
Phải có một sự hài hoà
“Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ” (Lc 11,47). Chắc chắn Đức Giêsu không phản đối việc xây cất lăng mộ cho các vị ngôn sứ. Người khiển trách các luật sĩ và biệt phái vì họ “đã cất giấu chìa khóa sự hiểu biết và ngăn cản không cho người khác vào” (Lc 11,52). Chắc chắn những cái ‘lăng’ sẽ đẹp và ý nghĩa hơn nhiều nếu bên cạnh đó, quyền và phẩm giá con người được quan tâm và tôn trọng hơn. Con người bao gồm cả tinh thần và thể xác. Con người nằm trong lịch sử và có lịch sử, gồm quá khứ, hiện tại và tương lai. Do đó cần phải có một cái nhìn toàn diện và hài hoà hơn đối với những giá trị liên quan đến con người : “các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ” (Lc 11,42)

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP