(Lc
19,1-10)
"(1) Sau khi vào Giêrikhô, Ðức Giêsu đi ngang
qua thành phố ấy. (2) Và kìa, có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người
thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giêsu là
ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. (4) Ông liền chạy
tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.
(5) Khi Ðức Giêsu tới chỗi ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông
Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (6) Ông vội vàng
tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau:
"Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !" (8) Còn ông Dakêu thì đứng
mà thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi
cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn".
(9) Ðức Giêsu nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này,
bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. (10) Vì Con Người đến để tìm và
cứu những gì đã mất"."
Đi tu, vào
một tu viện cùng với những người đồng trang lứa. Được thụ huấn giống nhau. Điều
này đôi khi bị mất hút trong tập thể. Họ sống dựa vào tập thể. Sống theo tập thể,
nên mất hẳn tính độc lập và sáng tạo cá nhân. Nhưng nghiêm trọng hơn là họ có
nguy cơ quên rằng chính họ được Chúa kêu gọi một cách riêng biệt để đi theo và
sống cho Người cùng với những người khác cũng được Người kêu gọi một cách riêng
biệt như vậy. Câu chuyện của ông Dakêu giúp chúng ta suy nghĩ về ơn gọi cá biệt
của mình trước Thiên Chúa.
1. “Hỡi Dakêu”: Chúa biết từng người một.
Cứ theo
trình thuật của thánh Luca thì ông Dakêu chưa biết Đức Giêsu vì “ông ta tìm
cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai” (c.3), và như thế về mặt con người mà nói
thì Đức Giêsu cũng không biết ông. Tuy nhiên khi Đức Giêsu đi ngang qua thì người
đã thấy ông và gọi đích danh ông: “Này ông Dakêu”. Thật bất ngờ. Có lẽ ông Dakêu
không bao giờ có thể nghĩ tới một việc tương tự. Ta không tìm hiểu tại sao Đức
Giêsu lại biết tên ông, hay ai đã nói với Người. Điều đó không làm chúng ta
quan tâm. Điều quan trọng là Người đã gọi ông bằng chính tên của ông.
Chúng ta vẫn
biết trong văn hoá sêmít cũng như văn hóa Thánh Kinh, tên chính là người. Ta
biết tên ai có nghĩa là ta biết người đó. Do vậy mà Thiên Chúa đã từ chối mạc
khải tên của Người cho Môisê khi ông hỏi tên của Người trong biến cố bụi gai
(x. Xh 3,14), vì ông không thể biết (biết hiểu theo nghĩa mạnh của từ này) được
tên của Người. Cũng thế sau khi vật lộn với Thiên Chúa, Giacóp đã hỏi tên Người,
Người nói: “Sao ngươi lại hỏi tên ta?” (x. St 33,30). Trong Thánh Kinh mỗi lần
Thiên Chúa gọi tên và nhất là đổi tên ai thì đồng nghĩa với việc trao cho họ một
sứ vụ đặc biệt, như trường hợp Abraham (x. St 17,5), Giacóp (x. St 32,29) hay
Phêrô (x. Ga 1,42).
Đức Giêsu gọi ông Dakêu bằng chính tên ông, điều đó có
nghĩa là Người biết rõ ông một cách cá biệt. Người gọi cá nhân ông chứ không phải
một tập thể trong đó có ông, cũng không phải là một người bất kì nào đó mà Người
gặp trên đường. Không. Trong số biết bao người, Người đã thấy ông và gọi đích
danh ông.
Trình thuật Gioan (x. Ga 1,45-51) về ơn gọi của
Barthôlômêô cũng tương tự như thế. Barthôlômêô đã hoàn toàn bị chinh phục bởi
câu nói của Đức Giêsu: “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới gốc
cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Có thể trước đó Barthôlômêô đã có sẵn trong đầu
những tiêu chuẩn về “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới”. Ông muốn đến
gặp Đức Giêsu để kiểm chứng sự thật thế nào? Xem Người có phù hợp hay thoả mãn
các tiêu chuẩn đó không? Tuy nhiên tất cả đã trở nên vô nghĩa trước lời tuyên bố
của Đức Giêsu: Người đã biết ông, Người đã thấy ông trước cả khi Philipphê gặp
ông dưới cây vả! Và khi nhận thức được rằng mình đã được Người biết từ trước,
thì Barthôlômêô đã lập tức hoàn toàn quy phục: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con
Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”.
Chúng ta nhớ lại ơn gọi của ngôn sứ Giêrêmia, một ngôn sứ
“cứng đầu”, đã không muốn trở thành ngôn sứ của Đức Chúa, nhưng ông không thể
làm khác được vì “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;
trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1,5).
Thiết nghĩ trong ơn gọi đời sống thánh hiến cũng thế. Bao
lâu chúng ta chưa cảm nhận cách sâu xa rằng Chúa biết chúng ta. Biết chúng ta từ
rất xa xưa. Biết tất cả con người chúng ta, cả những điểm tốt và điểm xấu. Thấu
hiểu tất cả những điều kín nhiệm trong con người chúng ta. Thì khi đó chúng ta
chưa thể dấn thân cách trọn vẹn theo Ngài được.
Đây là một điều hết sức an ủi cho chúng ta. Nhất là những
người bé nhỏ, nghèo hèn về mọi phương diện. Cho dù chúng ta thế nào đi nữa,
Chúa vẫn biết chúng ta từng người một. Cho dù chúng ta thấp bé, trà trộn trong
đám đông, hay ẩn trốn trên cây, Chúa vẫn luôn nhìn thấy mỗi người chúng ta, và
Người ra lời kêu gọi mỗi khi Người ngang qua cuộc đời ta.
Nhưng song song với sự an ủi được Chúa biết một cách cá
biệt là một trách nhiệm cần phải đảm nhận. Cho dù tôi thấp bé, nghèo hèn, v.v.
thì chính tôi chứ không ai khác phải đáp lại lời mời gọi của Người, và phải đảm
nhận trách nhiệm về cách sống và sự hiện diện của mình trong cộng đồng. Trong đời
sống Kitô hữu cũng như đời sống thánh hiến, cho dù ta thuộc về Giáo Hội hay một
cộng đoàn dòng tu, điều đó không làm giảm thiểu quyền lợi và trách nhiệm cá
nhân trước Thiên Chúa và trước anh em. “Hỡi anh Dakêu”, đó cũng là cách Chúa gọi
từng người chúng ta.
2. Hãy xuống mau
Dakêu biết mình thấp bé, nghĩ rằng khó có thể nhìn thấy Đức
Giêsu khi Người đi ngang qua, vì đám đông quá lớn. Ông liền nghĩ ra một diệu kế:
Ông đoán trước đường Đức Giêsu sẽ đi qua, đồng thời ông trèo lên ngồi trên một
cây sung bên vệ đường đó. Tính toán của ông hoàn toàn chính xác. Đức Giêsu đã
đi qua con đường đó và ông đã nhìn thấy Người. Nhưng có một điều nằm ngoài dự
kiến của ông đó là Đức Giêsu cũng nhìn thấy ông và Ngư ời đã gọi ông xuống.
Trước khi đề cập đến sự việc Đức Giêsu gọi ông: “hãy xuống
mau”, thiết tưởng cũng nên dừng lại đôi chút hành động trèo lên cây sung của
ông Dakêu.
Trước tiên nó nói lên ao ước của ông Dakêu muốn nhìn xem
Đức Giêsu. Ao ước này đã khơi nguồn sáng tạo nơi ông, nó giúp ông nghĩ ra cách
thích hợp để có thể thấy được Đức Giêsu. Ao ước này cũng giúp ông chiến thắng được
những khiếm khuyết của ông (ông là người thấp bé, ông là người thu thuế (tội lỗi)),
nhưng đồng thời nó cũng giúp ông vượt qua chính tự ái, sĩ diện của mình để có
thể thực hiện ao ước của mình: ông đường đường là một thủ lãnh các người thu
thuế. Tất nhiên những người Do Thái khinh thường những người thu thuế, làm việc
cho Rôma, nhưng về mặt xã hội ông là người rất có thế giá và lại là người giàu
có. Ở địa vị của ông mà làm một việc như một đứa trẻ là trèo lên một cây để
nhìn lén một ai đó đi ngang qua thì quả là hi hữu và… phi thường. Đó là điều mà
không phải cũng có thể vượt qua dễ dàng. Nhất là ở một xã hội nặng truyền thống
như Việt Nam, nơi mà “cơn bệnh sĩ diện” đang hoạt động khá mạnh.
Tuy nhiên hành động “trèo lên cây sung” cũng có thể được
hiểu như là một sự ảo tưởng. Ảo tưởng vì nghĩ rằng nếu mình ở một vị trí khác
(không phải chỗ hiện tại của mình), cao hơn hoặc vị trí của một ai đó thì mình
sẽ tốt hơn, sẽ làm được nhiều việc hơn. Đôi khi nó cũng là kết quả của một sự
đua đòi, xu thời theo người khác mà quên mất đâu là con người thật, là khả năng
thật, là vị trí thật của mình. Hoặc giả trong cuộc sống cũng có những lúc cần
“trèo lên cây sung” để nhìn rõ hơn sự việc, nhưng sau đó cần phải trở về ngay với
vị trí thật với tình trạng con người thật của mình, vì đó mới chính là nền tảng
vững chắc để xây đựng một cuộc sống vững bền.
Đức Giêsu nhắc nhở ông Dakêu hãy xuống mau. Hãy xuống khỏi
cái vị trí chênh vênh không phải của mình để trở về với chính vị trí dành cho
ông. Vì bây giờ điều ông muốn xem thì ông đã thấy. Bây giờ ông không cần phải
đi tìm Người mà chính Người đã đến với ông, đến tận mái nhà ông, nơi ông vẫn sống.
Đức Giêsu muốn gặp ông ngay tại chính những gì là của ông thật sự.
Thiết nghĩ đó cũng là điều Chúa muốn nói với chúng ta.
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải khoác vào mình những cái áo này
nọ mới làm đẹp lòng Chúa: Giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, bề trên… Đức
Giêsu nói với chúng ta rằng “hãy xuống mau”, Người muốn gặp chúng ta nơi chính
con người thật của chúng ta là Dakêu, là anh A, anh B,... trong tương quan với
Thiên Chúa, với anh em và với chính con người mình.
3. Ta sẽ lưu lại tại nhà ngươi
Có thể nếu không “trèo lên cây sung”, ông Dakêu sẽ chẳng
bao giờ gặp được Đức Giêsu. Điều này muốn nói rằng, đôi khi trong cuộc đời cần
có những thời điểm phải đi ra khỏi con người mình, khỏi những điều kiện bình
thường mình vẫn sống, để có thể tìm kiếm và thực hiện một kinh nghiệm thiêng
liêng (tĩnh tâm, hành hương,…) nhưng chính trong “căn nhà thường nhật của ta mà
Thiên Chúa muốn lưu lại: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Đó cũng chính là những
gì diễn ra trong đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu. Trong những thời điểm
đặc biệt như tĩnh tâm, hành hương,… tâm hồn ta dễ lâng lâng để gặp gỡ Thiên
Chúa. Tuy nhiên, tình trạng như thế không thể kéo dài mãi được. Các nhà tu đức
kêu gọi cần phải chuẩn bị để trở lại đời thường sau những kinh nghiệm thiêng
liêng đặc biệt đó. Chính trong ngôi nhà thường nhật mà cuộc sống thật sẽ diễn
ra. Chính vì thế mà ta cần chuẩn bị dọn dẹp nó để đón Thiên Chúa đến cư ngụ.
Ông Dakêu sau cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu hôm nay, và sau lời
đề nghị của Người đến lưu lại nhà ông, ông đã làm một cuộc “tổng vệ sinh” và sắp
xếp lại căn nhà mình, ông nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của
tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp
bốn”. Đó là một quyết định rất đẹp và cao thượng (và dĩ nhiên nằm trong khả
năng của của ông). Đức Giêsu đã đánh giá cao quyết định này của ông: “Hôm nay,
ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Câu truyện
ông Dakêu gặp Đức Giêsu là khuân mẫu cho các cuộc trải nghiệm thiêng liêng cũng
như hành trình ơn gọi. Đó là một cuộc gặp gỡ cá nhân và thân tình với Tiên
Chúa. Đầu tiên là một nỗ lực của con người để tìm gặp Thiên Chúa, có thể trong
những giây phút cầu nguyện hay trong những thời gian tĩnh tâm hay hành hương…
Cuộc gặp gỡ thiêng liêng sẽ làm thay đổi toàn bộ con người để dẫn đến những quyết
định quan trọng nhằm ổn định cuộc sống theo ánh sáng có được từ kinh nghiệm
thiêng liêng này. Tất nhiên ta được mời gọi trở lại đời thường vì chính đó là
nơi Thiên Chúa muốn lưu lại với chúng ta. Đó cũng là nơi chúng ta sống một cuộc
sống thật sự của mình trong mối tương quan cá nhân mới mẻ và mật thiết với Chúa
và tha nhân.
Đảm Ninh Phán
0 nhận xét:
Đăng nhận xét