Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Tính đoàn lũ trong nhà tu



Một cậu bé đang đi trên lề đường bỗng dừng lại, ngửa mặt lên trời vì bị chảy máu cam. Có vị giáo sư đi tới, thấy thế cũng ngạc nhiên dừng lại, ngước mắt nhìn theo. Rồi một bà đứng tuổi đi ngang qua cũng làm y như vậy, một người, rồi một người nữa,… Lúc cậu bé cúi xuống, quay lại, ngạc nhiên khi thấy cả chục người đứng chung quanh mình mà ngửa mặt nhìn trời. Cậu thành thực hỏi: “Ủa! Các ông các bà cũng bị chảy máu cam như cháu sao?”
Câu chuyện vui đã nói lên phần nào cái gọi là hội chứng “đám đông” hay tính đoàn lũ trong xã hội ngày nay. Chúng ta thật dễ bắt chước, dễ nghe theo, dễ nói theo đám đông mặc dù chẳng biết rõ sự việc như thế nào về bản chất, sự kiện hay hoàn cảnh. Cứ đám đông là có lý, là đủ mạnh để thuyết phục, để đè bẹp. Chúng ta dễ bị kích động, dẫn dắt, dễ dãi với bản thân mình bởi đám đông. Suy nghĩ về nhân cách làm người, chúng ta nhận ra đây là một trong những căn bệnh trầm kha trong xã hội ngày nay.
Nhìn vào trong đời sống tu trì cũng thấy có những biểu hiện như vậy. Lối sống này đặc biệt được thể hiện trong đời sống cộng đoàn. Cũng hùa theo số đông, ai làm sao tôi làm vậy. Lối sống này tạm gọi là tính đoàn lũ mà nó sẽ làm cho mất sức đề kháng khiến người ta không còn nhận ra chính mình nữa trong đời sống cộng đoàn tu trì.
Tính đoàn lũ là gì?
Theo các nhà tâm lý học, họ cho rằng việc hình thành lối sống đoàn lũ là do tâm lý đám đông, thấy người khác làm thì dễ bắt chước, dễ hùa theo. Còn các người làm chính trị thì hô hào, cổ động đám đông để phục vụ cho chính sách, đường lối chính trị của mình. Với các nhà xã hội học thì cho rằng hiện tượng lối sống đoàn lũ là tất yếu của xã hội, có khác là ở cấp độ, ở nơi chốn và thời gian, còn ở mỗi tập thể, mỗi dân tộc đều có.
Vậy đoàn lũ là gì? Đoàn có nghĩa là tập hợp lâm thời người hay vật hoạt động có tổ chức. Lũ là tập hợp đông người có đặc điểm chung nào đó, như cùng có hoạt động xấu xa, hay cùng lứa tuổi,…Vậy đoàn lũ mang tính tiêu cực, là tập hợp nhóm người tương đối đông, hoạt động có tổ chức hay không có tổ chức; kéo nhau đi từng đoàn, từng lũ. Ta thường nghe nói lũ ăn bám, lũ phá hoại, hoặc lũ côn đồ,…
Người sống tính đoàn lũ thể hiện ra một vài lối sống căn bản sau:
Sống thiếu tự chủ
Thiếu tự chủ ở đây không phải là không thể kiềm chế mình trước những đam mê, dục vọng, lôi cuốn. Nhưng thiếu tự chủ là không dám chọn lựa một phong cách sống riêng cho mình, một lối sống thực sự là của riêng mình. Từ đó không đủ tự tin để đưa ra một quyết định riêng cho chính mình hay thể hiện quan điểm, lập trường sống của mình mà thay vào đó là dựa vào những quyết định của người khác hay của cộng đoàn. Mọi phán đoán của mình đều dựa trên dư luận, trên quan điểm của những người khác trong cộng đoàn, thậm chí những dư luận hay quan điểm đó không đúng, không thực tế, không khách quan. Chính thái độ này dẫn đến nguy cơ đánh mất chính mình trong đời sống cộng đoàn tu trì. Biểu hiện này của tính đoàn lũ thường được thể hiện trong giai đoạn được đào tạo. Trong thời gian này, người sống tính đoàn lũ  sống một cách có “điều độ”. Điều độ với nghĩa là luôn luôn thủ thế mình trước những sự việc, công việc của cộng đoàn miễn là đừng có quá ảnh hưởng tới quyền lợi của mình. Họ không dám thể hiện quan điểm của mình trước bề trên hay cộng đoàn. Tôi không xin bề trên đi đây đó nhưng nếu có ai đi thì tôi xin đi ké! Cho nên người có lối sống như vậy thường ít khi phạm lỗi hay bị ghi vào “sổ đen” của các vị bề trên. Đến thời gian xin vào khấn trọn hay làm linh mục, các vị bề trên xét chẳng thấy có lỗi gì là lớn hết. Tất cả đều trung bình, trung bình khá nhưng cũng chẳng có gì là đặc biệt, nổi trội. Với kết quả như vậy dĩ nhiên là tốt nhưng không đẹp!
Tất cả cho thấy, người sống thiếu tự chủ không làm vì mình thấy tự phải làm nhưng làm vì người khác làm, không có một phán đoán hay phản tỉnh trước hành vi của mình. Kế tiếp, với lối sống tính đoàn lũ, họ luôn tìm cách lách sao đừng có điều gì cản trở đến quyền lợi của mình và quên đi sự công thiện của cộng đoàn. Điều này dẫn đến một lối sống thiếu trách nhiệm.
Sống thiếu trách nhiệm
Do bị ảnh hưởng của những người khác nên người sống tính đoàn lũ thiếu tính trách nhiệm về các hành vi của mình với chính bản thân và cộng đoàn. Thật vậy “cha chung không ai khóc”, đó là lối sống cộng đoàn mà không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Khi có sự bàn hỏi hay đóng góp ý kiến thì những người sống tính đoàn lũ không nói gì không ý kiến hay giơ tay tán thành vì sợ mình phải gánh lấy trách nhiệm. Nhưng nếu có ai ý kiến thì họ dựa vào đó để ý kiến và tán thành nếu thấy số đông ủng hộ. Họ nghĩ rằng chẳng có gì phải sợ vì đó là quyết định của số đông của cộng đoàn nên có chết thì chết chung. Nhưng nếu hỏi ai cũng như vậy thì hỏi tính chân thực, cái lý của số đông liệu còn đủ tin tưởng nữa không? Con người tự do là người dám sống và chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Nhưng “ai không nên khôn mà không dại một lần”. Thật vậy, cuộc sống tu trì luôn gặp những khó khăn và những thời điểm quan trọng mà ta cần phải giải quyết và lựa chọn bởi chính mình. Dĩ nhiên, trong hành trình đó ắt sẽ có không ít một lần thất bại. Cái quan trọng là biết chấp nhận những thất bại đó để rút kinh nghiệm sửa sai cho lần sau. Có như vậy, ta mới thấy tự quyết định là một quyền và nghĩa vụ không những giúp tự khẳng định lập trường lối sống mà còn giúp ích cho cộng đoàn của mình. Ngược lại, nếu ai đó không dám tự quyết, nhưng sống theo ý kiến và quyết định của người khác thì đã tự đánh mất chính mình. Sống như một cây tầm gửi, đánh mất đi giá trị của mình, ngôi vị độc đáo của mình.
Vì cuộc sống của họ khoác lên mình hay vay nhiều “lớp áo” của người khác nên họ sống không có định hướng rõ ràng mặc dù đã có lựa chọn căn bản cho đời tu của mình. Chính nguyên nhân này khiến họ sống chạy theo những giá trị giả tạo.
Sống thiếu những giá trị thực
Chung quanh cuộc sống tu trì có nhiều giá trị khác mà ta cần phải lựa chọn. Nhưng việc lựa chọn những giá trị đó làm sao phải đi theo, phù hợp với bản chất, mục tiêu của lựa chọn căn bản. Điều này dễ nhận biết được nhưng để hành động thì không dễ. Còn đối với người sống tính đoàn lũ lại là chuyện khác. Có thể nói một cách nào đó họ cố gắng tìm mọi cách để đạt được những giá trị ảo trong các “lớp áo” được vay mượn đó. Nghĩa là, lấy những phương tiện làm mục đích. Họ rất khó để đưa ra một mục đích chính xác cụ thể để đạt tới. Họ không nghĩ rằng mục đích đi chơi tham quan để giải trí vui vẻ sau những ngày học tập làm việc mệt nhọc nhưng nếu có ai đi thì tôi đi nhờ. Nếu không ai đi thì tôi ở nhà cũng chẳng sao. Họ khó phân biệt đâu là giá trị thực của sự việc và đâu là phương tiện để đạt được giá trị đó. Chính lối sống như thế đã tạo nên những giá trị ảo mà khiến họ không thể nhận ra giá trị đích thực về mình và cộng đoàn tu trì của mình. Hemingway có một câu nói rất hay: “Cái bi thảm của con người là không biết đi về đâu”. Đây cũng là hướng đi bi thảm cho những người có lối sống này.
Tóm lại, tu sĩ thì cũng vẫn là con người nên cũng cần phải sống trong các mối tương quan. Mối tương quan cụ thể nhất gần nhất là sống trong cộng đoàn mình đang tu. Đây là một cộng đoạn chính tôi đã chọn, qua sự dấn thân vào ơn gọi của mình là bước theo Chúa Kitô bằng một lời mời gọi và đáp trả của tình yêu. Đã là một lời mời gọi và đáp trả tình yêu thì phải sống sao cho tròn đầy của tình yêu. Nghĩa là sống sao cho trọn vẹn vai trò và sứ vụ của mình trong cộng đoàn tu trì. Sự trọn vẹn này là thể hiện con người, lập trường, ngôi vị độc đáo của mình để góp phần công thiện và triển nở cho cộng đoàn. Cho nên thái độ sống là phải sống hết mình bởi vì “biên độ của tình yêu là không biên độ”.

Hoa Forget-me-not

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP