Gần bến phà Vàm
Cống phía bờ Long Xuyên, có một ngôi nhà thờ mang tên Nhà thờ Thanh Tâm. Không
ít người lầm tưởng đó là nhà thờ Thánh Tâm. Hoặc nghĩ rằng ai đó đã viết thiếu
dấu sắc, hoặc dấu sắc đã bị rớt theo thời gian như trường hợp khẩu hiệu của một
linh mục : “Nhận nhưng không, cho nhưng không”, nhưng với thời gian một số chữ
bị rớt thành ra chỉ còn là “Nhận nhưng không cho”! Không. Thanh Tâm là tên
nguyên thuỷ của nhà thờ này chứ không phải viết sai cũng không phải bị hao mòn
theo thời gian.
Xét về nguyên ngữ,
“trong sạch” trong tiếng hy lạp là katharos, được dùng với nhiều nghĩa. Nó có
nghĩa là sạch, như quần áo được giặt sạch, nó cũng có nghĩa là được thanh lọc
cho khỏi uế tạp vô ích như ngũ cốc được đập và rê sạch hết rơm, trấu. Hoặc một
đạo binh được thanh lọc loại bỏ hết những chàng lính ươn hèn nhút nhát. Nó cũng
được dùng với một tĩnh từ hy lạp khác là akeratos để chỉ sự tinh ròng không pha
trộn (của sữa hoặc rượu). Như vậy ý nghĩa căn bản của từ “trong sạch” là toàn vẹn,
là không pha trộn.
Theo nhiều
chuyên viên Kinh thánh (Dupont, Barré, Gnilka, Dumais), mối phúc thứ sáu này có
nguồn gốc từ Thánh vịnh 24:
“Ai
được lên núi Chúa?
Ai
được ở trong đền thánh của người?
Đó
là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng
mê theo ngẫu tượng, không thể gian thề dối.
Người
ấy sẽ được Chúa ban phúc lành,
được
Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
Đây
chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm
thánh nhan Thiên Chúa nhà Giacóp” (Tv 24,3-6)
Trong Cựu Ước,
chúng ta còn gặp thấy cụm từ “tâm hồn trong sạch” trong Tv 51,12; 73,1; Gr
24,7; Ed 36,25-27, Cn 22,11. Ở những chỗ đó, điểm nhấn của “trong sạch” không nằm
ở nghi thức bên ngoài, mà ở phương diện luân lí. Đó là sự khao khát một sự
trong sạch không những ở cách sống bên ngoài mà còn là sự sẵn sàng bên trong.
Thực ra theo quan niệm Kinh thánh, thì con tim chính là nơi của ngự trị tư tưởng,
ý muốn và tình cảm.
Như thế, tâm hồn
trong sạch mà thánh vịnh 24 nói tới chính là những người sống vẹn toàn và ngay
thẳng trước mặt Thiên Chúa. Nơi những người này vắng bóng sự dối trá. Chúng ta
cũng gặp thấy tư tưởng này trong thánh vịnh 15:
“Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?
[…]
Là kẻ sống vẹn toàn,
luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy” (Tv 15,1-2).
Tác giả thánh vịnh
khi cầu xin Chúa tạo cho một “quả tim trong sạch” cũng cầu xin Chúa giải thoát
phán đoán, khát vọng và ý muốn của mình khỏi tất cả mọi sự sai trái đồi bại (Tv
51,12).
Mối phúc thứ sáu
cũng nằm trong luồng tư tưởng này. Chúng ta gặp thấy đều này ở một chỗ khác
trong Tin Mừng Matthêu: “Còn những cái gì
từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người
ra ô uế. Vì từ lòng phát xuất những ý định gian tà, giết người, ngoại tình, tà
dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người
ra ô uế; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ta ra ô uế”
(Mt 15,18-20).
Những người kinh
sư và biệt phái được miêu tả như là đối nghịch của mối phúc này. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và biệt
phái giả hình […] bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên
trong toàn là giả hình và gian ác!” (Mt 23,25-28). Họ giả hình vì không có
sự hoà hợp giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Họ có vẻ là công chính , nhưng
thực sự không phải như vậy. Họ không trong sạch bên trong, trong tâm hồn
họ. Điều này cũng được Đức Giêsu nhấn mạnh trong chương sáu của Bài Giảng Trên
Núi khi nói về việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Những người giả hình này chỉ
muốn làm cho người ta trông thấy, chứ không phải là muốn làm đẹp lòng Thiên
Chúa. Động cơ của họ là không ngay thẳng, tâm hồn họ không trong sạch (x. Mt
6,1-6.16-18).
Trong ngữ cảnh Tin Mừng, mối phúc “tâm hồn trong sạch” chỉ
những người mà nội tâm không vướng sự xấu xa lươn lẹo, luôn tìm kiếm sự tốt
lành, trung tín và ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Là những người
chân thật sống hoà hợp giữa bên trong và bên ngoài, giữa điều họ nghĩ với điều
họ nói và việc họ làm. Họ luôn “trong suốt” trong các mối tương quan với Thiên
Chúa và người khác. Theo ngôn ngữ hiện đại, họ là những người “chính hiệu”.
Đây là mối phúc đòi hỏi rất nhiều, nhất là trong bối cảnh
xã hội ngày nay. Một xã hội vàng thau lẫn lộn thật khó tìm được một sự tinh
ròng. Đâu là động cơ hành động của chúng ta? Vì tinh thần phục vụ, vì lòng yêu
mến hay là vì những lợi ích và mưu toan cá nhân? Những công việc chúng ta làm
trong Giáo hội là làm cho Chúa hay là để xây dựng uy tín và tìm lợi cho chúng
ta? Điều này liên quan đến mọi lãnh vực trong đời sống. Nhất là trong lãnh vực
truyền thông. Trong những ngày này, tìm được chân lí tinh ròng trong lãnh vực
truyền thông thật là gian nan! Những trang mạng, những bài viết trái chiều công
kích nhau đôi khi rất quyết liệt và đầy ác ý. Người đọc nhiều khi chẳng biết
tin vào ai, chẳng biết đâu là sự thật. Nhưng trước khi những tư tưởng được đưa
lên mặt báo, nó đã được hình thành và tác động trong tâm hồn của tác giả rồi.
Những tư tưởng “không trong sạch” này đã ngăn cản con người nhận ra chân lí và
nhìn thấy Thiên Chúa. Quả thật hơn lúc nào hết, “tâm hồn trong sạch” là một mối
phúc lớn lao. Vì chính người nào có “tâm hồn trong sạch” sẽ nhìn thấy Thiên
Chúa và có được Chúa làm gia nghiệp.
Quả thật, khi tâm hồn không trong sạch, không tinh ròng thì
khó có thể nhìn thấy chân lí, khó nhìn thấy gía trị của sự việc, mà chỉ đánh
giá theo lăng kính tối tăm của mình. Nguyễn Du đã từng viết : “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Hay như Đức cha phụ tá của giáo phận Sàigòn đã nói một câu khá chí lí: “Khi cái tâm mình mà đen tối thì mình nói
cái gì nó cũng không sáng được”. Vâng, chắc chắn là khi cái tâm mình đã đen tối, thì mình nhìn
cái gì cũng đen tối và hậu quả tất yếu là mình nói gì nó cũng không sáng được.
Khi nó không sáng thì nó không phản ánh chân lí. Mà “chỉ nói một nửa sự thật
thôi chính là cách nói dối tinh vi và tệ hại nhất!” như Ban biên tập trang điện
tử HĐGMVN từng cảnh báo. Và nếu những điều đen tối lại được mình trình bày một
cách bóng bảy khiến những người bé nhỏ phải vấp ngã, thì thật là tai hại vô
cùng (x. Mt 18,6-9).
Chúng ta vừa bước vào tháng kính Thánh Tâm Đức Giêsu. Thánh
Tâm Đức Giêsu là biểu tượng của một tình yêu vô biên, tình yêu dâng hiến đến
quên mình. Một tình yêu dấn thân đến chết trên thập giá để làm chứng cho sự thật
(Ga 18,37). Thánh Tâm cực thánh, cực sạch đã rộng mở để mọi người có thể nhìn
thấu một tình yêu tinh tuyền không tì vết. Xin Thánh Tâm Đức Giêsu thanh tẩy
tâm hồn chúng ta để chúng ta có một “tâm hồn trong sạch”. Ấy chính là mối phúc
thật cho chúng ta.
Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán
0 nhận xét:
Đăng nhận xét