Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Thánh Tâm Chúa Giêsu, Minh chứng Tình Yêu Thiên Chúa



Tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, có lẽ nói về “Tình Yêu” là thích hợp nhất, vì việc tôn sùng Thánh Tâm bắt đầu từ đó. Tôi xin vào đề bằng câu chuyện dưới đây:
Vào giữa năm học 1970-1971, đang là trưởng khối Pháp văn của Đại học Văn Khoa Cần Thơ, tôi được mời thuyết trình về đề tài “Đời Tu trong Thiên Chúa Giáo”. Sau bài nói chuyện, một nữ sinh viên đặt câu hỏi: “Xin cho biết các linh mục và tu sĩ công giáo có biết YÊU không?!” Tôi đáp ngay: “Trước khi trả lời, tôi xin cô vui lòng nhìn kỹ xem tôi, một tu sĩ công giáo, tôi có phải là một người… bình thường như mọi người không! Chắc cô cũng thấy rõ là tôi có xương có thịt và vì thế cũng có một con tim bình thường như mọi người, nghĩa là cũng rất… biết yêu!” – có những tiếng cười khúc khích trong cử toạ! - Có lẽ họ cũng như cô này đã nghĩ về  “Tình Yêu” phái tính (?!) nên sau đó tôi phải nói thêm: “Ta không nên chỉ giới hạn tình yêu trong phạm vi phái tính, giữa hai người khác phái…” Vâng, còn bao nhiêu “thứ” tình yêu khác nữa chứ: yêu Tổ quốc, yêu khoa học, yêu văn nghệ,… và riêng với giới tu sĩ chúng tôi, còn có cả “yêu Chúa và yêu người” nữa, chính tình yêu đó đã làm cho đời tu của chúng tôi có ý nghĩa và giá trị!”
Nếu nói về “Mến Chúa Yêu người” thì chắc chẳng bao giờ hết chuyện; do đó, trong khuôn khổ bài này, tôi chỉ xin chia sẻ vài suy nghĩ về “Yêu ChúaChúa yêu” qua Thánh Tâm của Chúa Giêsu. Trước hết, ví “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16) nên Tình yêu này, tự bản chất, là tuyệt vời, là hoàn hảo, là “không biên giới”,… Tuy nhiên, để con người hữu hình và hữu hạn có thể tiếp nhận được, Tình Yêu này đã được cụ thể hoá trong một con tim hữu hình, có máu có thịt của một nhân vật đặc biệt và duy nhất, vừa là người mà cũng vừa là Chúa, đó là Đức Giêsu Kitô. Đây chính là nên tảng của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Vua Tình Yêu.
Trong Tin Mừng chỉ có vài câu có liên hệ gián tiếp đến Trái Tim của Chúa Giêsu, như trong Mt 11,29: “…vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Latinh là “quia mitis sum et humilis corde”) hoặc trong Gioan 20,27: “…Hãy đặt tay vào cạnh sườn Ta (mitte in latus meum)”, trong đó 2 từ corde và latus đều ám chỉ Trái Tim của Chúa Giêsu.
Trong những thế kỷ đầu ít ai để ý đến việc tôn sùng riêng lẻ một phần thân thể của Đức Kitô, cụ thể là Thánh Tâm của Người. Phải đợi mãi đến thế kỷ thứ 17 việc tôn sùng này mới được quan tâm và phát triển, chẳng hạn thánh Gioan Eudes, vào năm 1672, đã cho các cộng đoàn dòng tu của ngài được làm lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. 3 năm sau, vào tháng 6/1675 Chúa Giêsu đã hiện ra với thánh nữ Magarita-Maria Alacoque, thuộc dòng Thăm viếng ở Paray-le-Monial (Pháp) và đã nói: “Cha muốn rằng ngày thứ sáu đầu tiên sau tuần bát nhật lễ Thánh Thể sẽ được dành cho một lễ đặc biệt kính Trái Tim Cha…”. Lời mặc khải tư này đã được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng do các Đấng có thẩm quyền trong Giáo Hội. Từ năm 1687, dòng Thăm Viếng đã trình thỉnh nguyện thư lên Toà Thánh để xin công nhận lễ Thánh Tâm. Nhưng phải đợi đến những thập niên 1760, sau khi nhiều Giám mục, Bề trên dòng và cả một số vị nguyên thủ quốc gia gửi đơn khẩn cầu về Toà Thánh, Đức Giáo hoàng Clêmêntê XIII mới chấp thuận vào ngày 6/2/1765, cho phép lập lễ kính Thánh Tâm. Rồi mãi cho tới ngày 23/8/1856 Đức Piô IX mới cho cả thế giới mừng lễ Thánh Tâm. Và năm 1899 Đức Lêô XIII đã long trọng dâng cả loài người cho Thánh Tâm Chúa.
Công đồng Vatican II đã nâng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu lên hàng Lễ Trọng cho toàn thể Giáo hội Công giáo 19 ngày sau lễ CTT Hiện Xuống, vào ngày thứ sáu. Năm 2010 này là ngày 11/6.
Sau khi đã duyệt qua lịch sử của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, bây giờ ta hãy lắng nghe tiếng nói chính thức và mới nhất của Giáo Hội qua lời chỉ đạo của ĐTC Phaolô VI dưới đây trong Huấn dụ về “Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu” được ban hành ngày 6.2.1965 để kỷ niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Ngài viết:
Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quý và ÐẶC BIỆT CẦN THIẾT cho thời đại này.
Ta ước mong việc này được tổ chức với Nghi thức Phụng vụ để phát triển mỗi ngày mỗi rộng lớn hơn, hầu cho mọi Kitô hữu được say sưa lòng Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và nhờ đó được đổi mới về mọi phương diện.
Việc tôn sùng này cốt yếu là kính thờ Chúa Giêsu một cách xứng đáng và đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu về tội lỗi của ta.”
Hơn 20 năm sau, ĐTC Gioan-Phaolô II dạy thêm:
“Tôi chân thành cầu mong cho việc tôn sùng chân chính Thánh Tâm Chúa Kitô  được phát triển  rộng rãi và  kiên trì, đồng thời cũng mong cho có sự nỗ lực tìm mọi phương thế thích hợp nhất để trình bày và áp dụng việc tôn sùng này để cho con người thời nay – với tâm lý và sự nhạy cảm đặc thù – có thể tìm được những lời giải đáp đúng đắn cho những vấn nạn của riêng mình.” (Gioan-Phaolô II, 5-10-1986).
Và mới đây nhất, Đức đương kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào dịp đọc kinh Truyền tin đầu tháng 6 năm 2008 đã nói:
Mọi người đều cần có một “trung tâm” trong cuộc sống riêng của mình, một nguồn của chân lý và nhân ái  để từ đó rút ra những áp dụng thích hợp trong những tình huống khác nhau và trong những lúc mỏi mệt trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi người chúng ta, khi  dừng lại trong thinh lặng, cần cảm thấy không chỉ các nhịp đập của trái tim mình, nhưng sâu hơn, nhịp đập của một sự hiện diện đáng tin cậy, rõ ràng, với tinh thần của đức tin và còn hiện  thực  hơn nữa: đó là sự hiện diện của Chúa Kitô, trái tim của thế giới. Vì thế tôi mời gọi hết mọi người trong suốt tháng sáu này luôn canh tân lòng tôn sùng Thánh Tâm của mình bằng cách nâng cao chất lượng của lời kinh truyền thống dâng ngày, đồng thời luôn nhớ những ý nguyện mà tôi đã đưa ra cho cả Giáo Hội.”
Vậy chúng ta đã biết phải làm sao để “luôn canh tân lòng tôn sùng Thánh Tâm của mình”  hay nói cách khác, để có thể cảm nghiệm được sự hiện diện hay, đúng hơn, nhịp đập của Trái Tim rực lửa Yêu của Chúa Giêsu trong tâm lòng mình. Như vậy chúng ta sẽ “tìm được những lời giải đáp đúng đắn cho những vấn nạn của riêng mình.” Sở dĩ chúng ta, cùng với Đức Gioan-Phaolô II, xác tín như vậy là vì hướng về Thánh Tâm của Chúa Giêsu là hướng về chính Tình Yêu của Thiên Chúa được cụ thể hoá trong Trái Tim bằng thịt của Ngôi Lời nhập thể. Đây chính là tình thương cứu độ của Thiên Chúa được tỏ bày ra trong con người Giêsu, qua cái chết của Người trên thập giá với con tim bị đâm thâu, để từ đó những giọt máu cuối cùng đã đổ ra hết vì yêu nhân loại. Đây quả là một Tình Yêu tuyệt vời và hiển nhiên, không thể phủ nhận được.
Để kết luận, không gì bằng trích chính lời của Đức Kitô khi Người đưa ra một minh chứng hùng hồn nhất của một tình yêu chân chính, đó là sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người mình yêu mà Tin Mừng thánh Gioan đã ghi lại trong Ga 15,13. Thánh Tâm của Người bị đâm thâu vẫn mãi mãi là một minh chứng đầy thuyết phục cho Tình Yêu đó.

Chú Ba

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP