Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

CHUYẾN DU LỊCH TRỞ VỀ NGUỒN CAMPUCHIA


Th. Louis Thế Nhung

Liền sau những ngày Tĩnh tâm năm và Tổng nghị, một chuyến du lịch trở về nguồn nơi miền đất sinh thành Dòng Thánh Gia tại Campuchia đã được bắt đầu.
Xe lăn bánh vào đúng 7g sáng ngày 21/08/2010 tại nhà mẹ Long Xuyên. Chuyến đi gồm 4 chú cháu. Trước nhất là Chú Ba Théophile, TH. Louis Nhung, TH. Bertrand Hoài và TH. Augustino Phương mới từ Pháp vế VN nghỉ hè 2 tháng.
Trên xe 4 chú cháu biết được 4 thứ tiếng; tiếng Việt là gốc, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Miên nữa. Chắc ăn chuyến du lịch này sẽ thu nhiều tin tức và  hiểu rõ hơn nơi đất tổ đã sinh thành Dòng Thánh Gia.
Xe tới biên giới đúng 9g30, thủ tục xuất cảnh sang bên kia đất nước đã dễ dàng hoàn tất lúc 10g15 với 150.000 VNđ cho lệ phí visa của 4 người.
Tại biên giới đã sẵn có xe đón, chiếc xe 9 chỗ ngồi chở 4 chú cháu và 2 người dẫn đường là chú Tâm (cựu Th.Colomban) và tài xế xe.
Điểm dừng đầu tiên tại nhà thờ Bình Di, ở đây có 2 soeurs giúp xứ và dạy học cho các trẻ em VN. Nhưng rất tiếc, không gặp đuợc 2 soeurs, vì cả 2 đã đi nhà thờ Kỏk Tiêu để chuẩn bị lễ khánh thành ngày 22/8.
Điểm dừng  kế tại nhà anh chị Trung thuộc GX Bình Di để ăn trưa, một bữa ăn thịt bò thật ngon. 14g cùng ngày xe đưa 4 chú cháu về NamVang thủ đô của đất nước Campuchia, một thủ đô không mấy gì lớn, cũng ít nhà cao tầng, nhưng đường xá tương đối rộng và sạch, chỉ có 1 cầu vượt dưới chân cầu Sài gòn giải quyết nạn kẹt xe vào mỗi giờ cao điểm. Nếu so với TPHCM thì chẳng thấm vào đâu về nạn kẹt xe cũng như bề rộng của TP. Việc trước tiên là đến Toà Giám mục thăm Đức Cha Emile Destombes, Giám mục sắp nghỉ hưu. Anh em đã được ngài tiếp đón chân tình. Rất tiếc đã không gặp Đức Cha phó sắp lên kế vị ngài vào cuối năm nay vì ngài đang đi công tác ở Roma. Sau đó anh em đi thăm cơ sở chủng viện cũ, nơi các anh em Thánh Gia trước kia đã theo học và dạy học với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Cơ sở này đã trở thành trung tâm công giáo của Giáo phận Phnom Penh. 16g xe tới nhà thờ Culaokết, 4 chú cháu xuống xe và chia làm 2 nơi nghỉ, Chú Ba và TH. Louis Nhung nghỉ tại phòng khách nhà thờ, TH. Hoài và TH. Phương nghỉ tại nhà chú Tâm (thương gọi là chú út Tâm). Phòng khách nhà xứ gồm 2 giường xếp di động, 1 toilet chung để vệ sinh và tắm rửa, nước sử dụng ở đây màu nước phù sa chưa qua lọc, nhưng tắm rất mát sau 1 ngày gió bụi! Tối 4 chú cháu dùng cơm tại nhà chú Út Tâm, bữa cơm thanh đạm nhưng đượm tình ấm áp, sau bữa ăn Chú Ba nghỉ trước, 3 anh em đi dạo TP ban đêm bằng 2 chiếc xe honda, nhờ anh Lý dẫn đường. Sau một vòng tham quan 3 anh em ghé quán Café nhâm nhi xem phố đêm trong mưa phùn.
Ngày 22/8. Chú Ba đã dâng thành lễ CN vào buổi sáng 5g tại nhà thờ Culaokết cho những giáo dân VN tham dự, sau đó ăn sáng và 7g lên xe đi Kỏk Tiêu để dự lễ khánh thành nhà thờ; thánh lễ có ĐGM giáo phận Nam Vang chủ tế và 8 linh mục cùng đồng tế; trong số 8 lm có 6 Lm VN, 2 vị kia là Pháp và Thái Lan.  Đến 13g cùng ngày xe đưa về lại nhà thờ Culaokết tắm rửa, nghỉ ngơi, đến 15g30 xe lại tiếp tục đưa 4 chú cháu đi đến 2 họ đạo Ván Ép và Hỗ Trư để dâng thánh lễ chiều CN cho cộng đoàn  người VN. Hai họ đạo này khoảng 500 giáo dân, họ đạo Ván Ép bên này sông, Hỗ Trư bên kia sông, sông rộng khoảng 1500m. Thánh lễ xong lúc 6g30, Chú Ba và thầy Hoài vượt sông và dùng cơm tại cộng đoàn của qúy soeurs thuộc tu hội Thừa Sai Thánh Mẫu đang phục vụ tại đây. Cơm xong, TH. Louis, TH.Hoài và  TH. Phương vượt sông về họ đạo Ván Ép nghỉ đêm để hôm sau trở lại Nam Vang (30km) mượn xe hơi đi Banam nơi sinh thành ra dòng Thánh Gia, Chú Ba nghỉ lại tại nhà thờ Hỗ Trư để sáng hôm sau dâng lễ cho cộng đoàn VN và sẽ vượt sông trở lại Ván Ép để cùng đi Banam.
Ngày 23/8  khoảng 8g, bốn chú cháu và 1 giáo dân thuộc họ đạo Ván Ép dẫn đường đi Banam, cách họ đạo Ván Ép khoảng 40km. 9g10 xe đến phà Neak Loeung, qua phà quẹo trái  3km, khu đất Dòng Thánh Gia chỉ còn 6 căn nhà của người Miên ở, họ cất nhà sàn mang tính tạm thời, tất cả  chỉ còn là nền nhà bình địa, lác đác còn những viên gạch nằm phơi rêu bám, chung quanh được rào bằng hàng rào chì gai, có 1 kho của một công ty nào đó cất theo kiểu nhà tiền chế. Sau gần 1 giờ đồng hồ, Chú Ba và 3 anh em trẻ nghe Chú Ba thuyết minh chỗ này là nhà thờ, chỗ kia là nhà dòng… chỉ còn 1 núi Đức Mẹ đứng chơi vơi giữa khu vườn đầy cỏ và cây cối um tùm. Núi Đức Mẹ là của nhà thờ Banam xưa, núi còn, nhưng tượng Mẹ và bàn thờ bằng đá đã mất từ khi nào không biết ! Núi Đức Mẹ cũng đang nằm sát bờ sông do lở đất, cứ đà này chắc thời gian không lâu thì núi Mẹ cũng bị  bà thủy nuốt  thôi. Trước khi giã từ đất mẹ sinh, đoàn “về nguồn” đã lấy 2 cục đá xây móng cột nhà dòng xưa, mang về VN để tưởng nhớ và kỷ niệm, anh Augustino cũng lấy 1 cục gạch nhỏ mang về Pháp cho anh Sáu Thể và Sáu Sang để ôn lại nơi đã cưu mang 2 anh thời trai trẻ. Nhìn chung nơi đây không phát triển, có vài căn nhà của người Miên, chỉ có 3/4 nhà người Việt thôi. Đi xa hơn nữa 3km đến chợ Banam xưa, cũng thật điêu tàn, không gì phát triển so với Neak Loeung chỉ cách đó 3km đường hướng về TPHCM, 100km đến cửa Mộc Bài.
11g đoàn ghé nhà thờ Thánh Gia Neak Loeung, nhà thờ này  cũng chỉ cách nhà dòng xưa khoảng 4km, gần khu giáo xứ Vịnh xưa kia. Ở đây đa số là người VN, họ ở để làm ăn, buôn bán… đa số chỉ tạm trú, không có quốc tịch, nhìn thoáng qua cuộc sống người dân cũng chỉ tạm bợ, theo thời. Họ đạo Thánh Gia Neak Loeung có khoảng 400 giáo dân, người coi nhà thờ là một cựu đệ tử dòng xưa, tên Paul, vì yêu mến và để nhớ, để thương, họ đã tự lập nên ngôi nhà thờ này lấy tên nhà thờ Thánh Gia. Nhà thờ khá khang trang, sức chứa khoảng 400 giáo dân, đã hoàn thành xây dựng 4 năm rồi, nhưng vẫn chưa khánh thành!?.
12g đoàn trở về thủ đô Nam Vang, cách nhà dòng xưa khoảng gần 70km, trên đường về đoàn đã ghé quán thịt cầy của người Miên, họ nấu ăn cũng rất ngon và lạ miệng nữa, vì họ nấu món rựa mận bằng con kiến vàng. 3g30 đoàn về lại nhà thờ CulaoKết ăn cơm tối và chuẩn bị hôm sau đi Siemreap.
Ngày thứ ba  24/8, khoảng  4g30 thức và 5g sáng lễ đồng tế. Chú Ba chủ lễ và cảm ơn chú Út Tâm và những người đón tiếp đoàn cùng toàn thể giáo dân. 6g đoàn ăn sáng và giã từ, 7g sáng lên xe Bus đi Siem Riep. 
15g30 xe cập bến Tp Siem Riep. Anh Thanh, giáo dân, cháu anh Út Tâm, đón và dẫn đến nhà nghỉ gần chợ đêm để đi tham quan cho tiện. Nhà nghỉ ở đây giá 10 đôla 1 ngày/1phòng 2 giường. Tối đoàn ăn ở nhà hàng và tiếp đãi hai anh em anh Thanh. Sau khi ăn, chú cháu đi dạo phố đêm và mua vài món quà kỷ niệm.
Hôm sau, 4g30 đoàn thức, chuẩn bị 5g sáng đi Angkor Wat để ngắm cảnh bình minh tuyệt đẹp với hình bóng đền nổi lên trên nền trời giữa vòng hào quang của mặt trời mới mọc. Tới đền trời còn sớm tranh thủ ăn sáng kẻo bị đói, vì vô đó không có gì ăn (theo như TH. Hoai cho biết ). 4 chú cháu ăn sáng với 4 ổ bánh mì trứng chiên và 4 ly caphê nóng hết 16 đôla. Eo ơi! cắt cổ quá!
Đoàn đi thăm hầu hết các đền chính, đến 13g00 đoàn ra ngoài và dùng cơm trưa ở nhà hàng Miên do tài xế xe Tuktuk dẫn đường. TH. Hoài mướn chiếc xe Tuktuk này (một loại xe lôi gắn máy) 1 ngày tổng cộng 16 đôla. 
18g đoàn đến nhà thờ Siem Riep dâng thánh lễ chiều. Đây là nhà thờ xứ TP.Siemreap do một linh mục dòng Tên người Indonêsia coi sóc với một thầy xứ cũng thuộc Dòng Tên, người Việt. Do được thông báo trước nên những người Việt, giáo dân đi tham dự thánh lễ cũng được 45 người. Sau thánh lễ Chú Ba lên xe trở về VN để kịp lễ 14g chiều thứ năm tại Gx. Bến Nước. Còn lại 3 anh em đến gia đình anh Thanh dùng cơm tối, bữa cơm thanh đạm nhưng thật tình người, sau bữa ăn, anh em đi dạo và nghỉ đêm để sáng hôm sau đi tham quan Biển Hồ Tonle Sap nổi tiếng của Campuchia.
Ngày 25/8 được tin Chú Ba báo về tới TPHCM lúc 9g sáng, vậy là kịp giờ để Chú Ba dâng lễ cho GX. Riêng chúng tôi, 3 người còn lại, 8g sáng hôm sau gia đình anh Thanh đến nhà nghỉ đón và dẫn đoàn đi Biển Hồ. Tới bãi ra Biển hồ lúc 9g, gia đình anh Thanh và đoàn gồm tất cả 11 người, xuống ghe, chạy ra biển lớn, trên biển ghé mua tép luộc ăn liền rồi vô rừng cây ven biển hồ lai rai hưởng gió mát từ Biển Hồ thổi vào, 1 buổi thật tuyệt trên biển mênh mông. Trên đường trở về, đoàn ghé nhà thờ nổi, làm trên bè để phục vụ cho gần 300 giáo dân làm nghề sông nước đến kinh lễ ngày Chúa Nhật.
Kết thúc ngày tham quan Biển Hồ lúc 15g và 3 anh em mướn khách sạn gần nhà anh Thanh để tạm nghỉ đến 23g lên xe trở về NamVang và về VN.
Ngày 26/8, 5g30  xe cập bến thủ đô NamVang, (vào họ đạo CulaoKết tắm rửa), chào chú Út Tâm và về VN. Trên đường về biên giới VN khoảng 60km, 3 anh em đi bằng 2 xe honda do giáo dân Culaokết  chở. Đến nhà anh Trung nơi khởi điểm biên giới Campuchia lúc 10g và dừng chân ăn trưa. Một bữa cơm đầy thân tình. Dịp này đoàn đã nhận 5 em VN về nhà dòng học đàn 3 tháng, một công việc hỗ trợ gián tiếp để chuẩn bị cho những kế hoạch tương lai. 13g30 qua biên giới VN và lên xe trở về nhà dòng lúc 16g cùng ngày. Đoàn kết thúc chuyến du lịch về nguồn tốt đẹp và nhiều hứa hẹn tương lai nếu như hoàn cảnh cho phép.
Ngày 30/8/2010, 5 em trai VN thuộc 2 họ đạo, 4 em ở họ đạo Bình Di, 1 em ở họ đạo Kỏk Tiêu đã khăn gói đến nhà dòng lúc 10g30 để học đàn. Hy vọng 5 em này sẽ giúp cho nhà thờ Bình Di và Kỏk Tiêu thêm nhân lực phục vụ tốt sau nay. Khoá học đàn đã được khai giảng lúc 8g tối cùng ngày. Người dạy đàn mỗi ngày 1 tiếng từ 20 đến 21g do chị Thu hướng dẫn, 1 giờ học nhạc lý, 1 giờ học đánh nhịp do 3 tu huynh hướng dẫn. Hy vọng  sau 3 tháng các em này sẽ hoàn thành chương trình căn bản để phục vụ giáo xứ và giáo hội Campuchia tốt hơn.
Những nhận định chung sau chuyến về nguồn:
1/ Đa số người giáo dân VN ở Campuchia chỉ đủ sống, với những nghề nghiệp không ổn định như: chạy xe ôm, lượm ve chai, làm hồ, làm mướn…
2/ Mỗi nhà thờ thường  1 tháng có 1 lễ CN mà thôi, Lễ làm bằng tiếng Miên, đa số giáo dân VN không hiểu hết được khi họ đi dự lễ do đó họ rất mong có Lm VN đến dâng lễ.
3/ Toàn Campuchia gồm 22Lm, cho 3 giáo phận, có 1 GM duy nhất mà thôi ở tại thủ đô NamVang, còn lại là 2 Đức Ông, giám quản Tông Toà coi 2 giáo phận kia là Battambang và Kampong Cham nơi Dòng Thánh Gia đã sinh trưởng.
4/ Luật buộc các LM ở Campuchia phải cử hành bằng tiếng bản địa (tiếng Campuchia) và ngồi dâng lễ theo phong tục tôn giáo Campuchia chứ không đứng. Giáo dân cũng ngồi suốt, riêng trong giáo phận Battambang thì thấy giáo dân quì khi nghe đọc Phúc âm!
5/ Đa số các em VN chỉ học trường làng, do các soeurs và qúy thầy dạy cho biết đọc, viết mà thôi, vì không có quốc tịch, nên không thể vào trường Miên học được. Hơn nữa là dân thiểu số, các em đi học thường bị bắt nạt nên phải bỏ học nửa chừng là chuyện thường.
6/ Ở địa phận NamVang có 14 nhà thờ VN, chỉ có 1 Lm người Việt là cha Tính, gốc Vĩnh Long coi sóc, việc đi lại rất xa(100km), nên cứ 4 tuần có 1 lễ CN mà thôi.
7/ Tình hình dòng Thánh Gia muốn trở lại Campuchia nơi sinh thành cũng có thể được, nhưng phải đào tạo tiếng Miên cho thông thạo trước khi nhập cuộc và dĩ nhiên là phải được sự chấp thuận của Đấng Bản quyền sở tại. Thiết nghĩ nếu có quan hệ tốt với ĐGM mới (ĐGM người Pháp 39 tuổi) mới được bổ nhiệm, thì việc dòng ta trở lại Campuchia cũng không khó khăn lắm.
8/ Rất nhiều Dòng nam nữ khác đã hiện diện trong cả 3 giáo phận từ nhiều năm nay, phần lớn đến từ các nước Âu Mỹ, nhưng cũng có một số Dòng nữ đến từ VN. 
Chúng ta hãy cầu nguyện và chuẩn bị để một ngày không xa, anh em Thánh Gia chúng ta sẽ lại được trở về trên cách đồng truyền giáo mà các đàn anh chúng ta đã có phần đóng góp không nhỏ trước đây.
Long Xuyên, 5/9/2010

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP