Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

QỦA TRỨNG VÀNG



Khi nói về tính hiệu quả trong kinh doanh, hay trong lãnh đạo, hay trong các mối quan hệ xã hội, người ta thường lấy câu chuyện ngụ ngôn: “Ngỗng đẻ trứng vàng” của Aesop để liên hệ và nói lên sự cân bằng giữa hiệu quả và năng lực tạo ra hiệu quả. Câu chuyện được kể như sau:
Một bác nông dân nghèo một hôm phát hiện một quả trứng bằng vàng lấp lánh trong ổ con ngỗng của mình. Lúc đầu ông nghĩ ai đó chơi khăm ông. Nhưng khi nhặt lấy quả trứng định ném đi, ông đã kịp nghĩ lại. Quả trứng đúng là bằng vàng thật! Người nông dân không thể tin nổi vào vận may lớn đang đến với mình. Cứ mỗi ngày trôi qua, ngay sau khi thức dậy, ông lại chạy bổ đến ổ ngỗng và thu được một quả trứng vàng. Chẳng mấy chốc, bác nông dân trở nên giàu có.
Tuy nhiên, càng giàu thì lòng tham của ông càng lớn, ông không còn đủ kiên nhẫn để chờ từng ngày trôi qua nữa. Ông quyết định giết chết con ngỗng để lấy tất cả số trứng trong bụng nó. Nhưng khi ông mổ bụng con ngỗ ra thì bên trong trống rỗng, tuyệt nhiên không có quả trứng vàng nào. Và, điều tồi tệ hơn nữa là từ đó về sau ông không còn lấy được quả trứng vàng nào nữa vì đã giết chết con ngỗng rồi.
Đàng sau câu chuyện ngụ ngôn này là cả một quy luật tự nhiên, một nguyên tắc sống và làm việc cùng với một định nghĩa cơ bản về tính hiệu quả. Tính hiệu quả phụ thuộc vào hai yếu tố: sản phẩm (những quả trứng vàng) và phương tiện hay năng lực (con ngỗng) để sản xuất ra sản phẩm đó.
Nhìn từ góc độ kinh tế, theo Stephen R. Covey thì tính hiệu quả nằm trong sự cân bằng  P/PC. P là sản phẩm (Production), mà ở đây là “những quả trứng vàng”. Còn PC là năng lực sản xuất (Production Capability), tức là “con ngỗng” – năng lực tạo ra “những quả trứng vàng”. Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào “những quả trứng vàng” mà bỏ qua “con ngỗng”, chúng ta sẽ sớm mất đi phương tiện sản xuất ra các quả trứng vàng. Kết quả sau cùng là chúng ta phải đối diện với sự thất bại như bác nông dân trong câu chuyện ngụ ngôn trên. Mặt khác, nếu chúng ta chỉ chăm sóc con ngỗng mà không có mục đích đạt được những quả trứng vàng, chúng ta sẽ sớm không còn gì để nuôi sống bản thân hay con ngỗng nữa.
Thí dụ như tôi có mua về một chiếc máy cắt lúa. Tôi sử dụng chiếc máy này thường xuyên mà không hề bảo dưỡng gì cả. Thế nên, sau hai vụ mùa, nó bắt đầu hỏng hóc. Trong lần sửa chữa đầu tiên, động cơ chỉ còn một nửa công suất ban đầu. Như vậy, về mặt cơ bản, chiếc máy không còn sử dụng được nữa. Tôi nhận ra rằng, nếu như tôi đã chịu đầu tư vào việc chăm sóc và bảo dưỡng chiếc máy – năng lực sản xuất (PC), thì tôi có thể thu được sản phẩm (P) của nó trong thời gian lâu dài. Vì không sớm nhận ra điều đó nên tôi phải bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc hơn để mua một chiếc máy cắt lúa mới. Rõ ràng đây là một việc làm không hiệu quả.
Trong đời sống sinh hoạt vật chất, chúng ta cũng thường vấp phải những sai lầm tương tự. Vì theo đuổi các lợi ích hay kết quả trước mắt mà chúng ta thường hủy hoại những tài sản vật chất như một chiếc xe honda, một cái máy vi tính, tủ lạnh, máy giặt, thậm chí cả cơ thể, sức khỏe và môi trường sống của chúng ta.
Còn trong lãnh vực con người, sự cân bằng P và PC còn quan trọng hơn nữa vì con người là chủ thể kiểm soát tài sản vật chất và tài sản tài chính. Thí dụ, hai người kết hôn với nhau chỉ vì “những quả trứng vàng” mà bỏ qua việc vun đắp mối quan hệ tình cảm, bỏ qua những cử chỉ quan tâm, chăm sóc tuy nhỏ nhưng rất quan trọng đối với mối quan hệ sâu sắc, thì họ dần dà trở nên đối thủ của nhau, khiểm soát nhau. Tình yêu, sự dịu dàng và sự thanh thoát sẽ tàn lụi nhanh. Thế là “con ngỗng vàng” bị bệnh ngày càng nặng hơn.
Tương tự, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng luôn cần sự cân bằng P và PC. Cha mẹ muốn xây dựng hạnh phúc gia đình và có những mối quan hệ thân thiết với con cái nhưng lại ít dành thời gian để dạy dỗ, trao đổi, trò chuyện và lắng nghe con cái, rồi lại áp đặt quan điểm độc đoán của mình lên chúng. Một số phụ huynh lại cho mình cái quyền làm những điều họ muốn, chửi mắng và đánh đập bọn trẻ. Kết quả sau cùng là những quả trứng vàng không thấy và cả  ngỗng mẹ, ngỗng cha và ngỗng con thì lại đang nằm chờ chết. Thật bi thảm!
Trong các tổ chức và đời sống tập thể cũng thường xảy ra những mâu thuẫn ngay trong bản thân nhà lãnh đạo, đánh mất sự cân bằng P và PC. Nhà lãnh đạo muốn nhân viên cộng tác với mình một cách tự nguyện và đầy tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm để nhằm đạt được mục đích của tổ chức một cách tốt nhất, nhưng nhà lãnh đạo lại bỏ qua những nguyên tắc hay thuật xử thế làm ảnh hưởng đến sự hài hòa trong các mối quan hệ với nhân viên của mình, thậm chí có thể trở thành một người bị cô lập, không được mọi người tiếp nhận. Nếu một nhà lãnh đạo chọn kiểu sống chỉ chú trọng đến “những quả trứng vàng” mà bỏ qua “con ngỗng”, ông ta sẽ sớm biến những con ngỗng đẻ trứng vàng của mình thành những con ngỗng lười biếng, gầy guộc và giãy giụa chờ chết.
Hạnh phúc được xem như mục đích tối hậu của con người. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi cộng đoàn đều khao khát và muốn xây dựng hạnh phúc (quả trứng vàng), nhưng nhiều lúc chúng ta lại bỏ đói “những con ngỗng”. Tính hiệu quả phải được nhìn từ mô thức “quả trứng vàng”. Sự cân bằng giữa P và PC  trong quản lý tài sản vật chất, tài sản tài chính và tài sản con người là một quy luật tự nhiên. Chúng ta không có con ngỗng, chúng ta lấy đâu ra những quả trứng vàng. Chúng ta có con ngỗng chưa chắc chúng ta sẽ có những quả trứng vàng. Nên con ngỗng cần phải được chăm sóc và cho ăn những thức ăn phù hợp thì mới có thể cho ta những quả trứng vàng.

Richard Công

(Viết theo “The Seven Habits of Highly Effective People” của Stephen R. Covey, http://www.businessballs.com/sevenhabitsstevencovey.htm, 5th May 2010 [date accessed])

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP