Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Về những sự lạ liên quan đến Đức Mẹ


Chúng ta đang sống trong tháng 5, tháng hoa dành riêng kính Đức Mẹ. Giáo hội mời gọi các tín hữu hãy đến với Mẹ, chiêm ngắm Mẹ và bắt chước các nhân Đức của Mẹ. Nhân dịp này xin bàn một chút về việc Đức Mẹ hiện ra. Từ vài năm nay, có nhiều thông tin về hiện tượng lạ liên quan Đức Mẹ, như Đức Mẹ khóc, khóc cả ra máu, Đức Mẹ rung chuỗi, toả hào quang,… ở nhiều nơi như Tân hiệp, Kinh E2, Kế sách, Cái quanh, Trà lồng, Bạch lâm, Tapao, La vang… Nhiều người tin rằng đó chính là tác động của Đức Mẹ, kẻ khác thì lại cho là do một hiện tượng thiên nhiên nào đó, và kết án những người tin vào những sự lạ này là mê tín di đoan. Chúng ta phải hiểu và có thái độ thế nào cho đúng đắn trước những sự kiện này?
Nhìn lại lịch sử, chúng ta nhận thấy rằng, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần và nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nơi đã được Giáo hội công nhận chính thức và  đã trở thành những trung tâm hành kính Mẹ trên bình diện quốc tế hoặc quốc gia như Lộ đức, La Salette, Pontmain (Pháp), Fatima (Bồ đào nha), Baneux, Beauring (Bỉ), La vang (Việt nam), Guadalupe (Mexico), Mễ du (Nam tư), Naju (Hàn quốc), … 
Như vậy việc Đức Mẹ hiện ra là có thật. Tuy nhiên Giáo hội rất cẩn trọng trong việc công nhận những sự kiện này. Thường thì Giáo hội (những vị có thẩm quyền trong giáo hội tại địa phương nơi có sự kiện xảy ra) không khẳng định cũng không phủ nhận sự kiện lạ đó trong một thời gian dài. Giáo hội chỉ lên tiếng nếu thấy có những sai lạc. Cùng với sự yên lặng này là sự điều tra cặn kẻ về sự việc cũng như sứ điệp (nếu có) liên quan đến sự kiện đó.
Tuy chưa được Giáo hội công nhận, nhưng người Kitô hữu vẫn có thể, nhiều khi còn được khuyến khích đến hành hương kính Mẹ ở những nơi được cho là Đức Mẹ đã hiện ra. Vì lòng đạo đức bình dân như trên không những không làm phương hại đến đức tin, trái lại nó còn nuôi dưỡng và củng cố đức tin nữa, nhất là đối với những tâm hồn nguội lạnh. Tất nhiên cần phải hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó.
Giáo hội phân biệt hai loại mặc khải: Mặc khải công và mặc khải tư. Mặc khải công là sự tỏ mình của Thiên Chúa hướng đến tòan thể nhân loại qua Thánh kinh và Thánh truyền, đặc biệt qua chính Đức Kitô. Đó là sự mặc khải ban cho toàn Giáo hội và sự mặc khải đó phải được chấp nhận trong đức tin bởi toàn thể dân Chúa. Mặc khải đó tự nó trọn vẹn và không cần được bổ sung bởi những mặc khải nào khác (x. GLHTCG 66; MK 4).
Còn những mặc khải tư thì được ban cho một cá nhân hay một nhóm nhỏ nào đó. Những mặc khải này không thuộc về kho tàng đức tin. Vai trò của chúng không phải là “cải thiện” hoặc “bổ sung” Mặc Khải tối hậu của Đức Ki-tô, mà để giúp người ta sống Mặc Khải cách trọn vẹn hơn vào một thời điểm lịch sử nào đó (x. GLHTCG 67).
Như vậy mặc khải tư phải quy chiếu vào mặc khải công. Đồng thời vì không thuộc về “kho tàng đức tin” nên mặc khải tư cho dù được công nhận và phổ biến rộng rãi, cũng không bắt buộc phải tin (x. Hội Đồng giám Mục Hoa Kỳ, “Pastoral lettre behold your Mother: Woman of faith” (21/11/1973)).
Những sự lạ liên quan đến Chúa, Đức Mẹ hay các thánh được mặc khải cho một cá nhân hay một nhóm nào đó thuộc vào những mặc khải tư. Những mặc khải này không có uy quyền như mặc khải công. Tuy nhiên nó cũng đáng được coi trọng vì giúp người tín hữu sống đức tin mạnh mẽ hơn vào những thời điểm lịch sử nhất định. Đặc biệt là những sự kiện đã được Giáo hội công nhận và đưa vào lịch phụng vụ.
Trở lại những thông tin gần đây về sự lạ liên quan đến Đức Mẹ, thiết tưởng rằng, thái độ cần phải có là sự cẩn trọng và bác ái. Cẩn trọng để mình không bị cuốn bộ vào tính cách giật gân, phú phiếm bên ngoài, là những yếu tố ít quan trọng cho đời sống đức tin. Chúng ta biết rằng, những lần Đức Mẹ hiện ra trong lịch sử luôn luôn kèm theo một sứ điệp. Vậy đâu là sứ điệp mà Chúa hay Đức Mẹ muốn gởi đến con cái mình thông qua sự lạ này? Nếu chúng ta không thể tìm thấy một sứ điệp, mà chỉ có những yếu tố giật gân bên ngoài, thì nên hết sức thận trọng kẻo rơi vào mê tín dị đoan. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, đôi khi sứ điệp không dễ dàng được nhận ra, vì nó không luôn luôn phải được trình bày cách rõ ràng bằng ngôn ngữ bình thường là tiếng nói hoặc chữ viết. Vì vậy cần phải biết cách đọc, và không phải ai cũng có thể đọc và hiểu được cách dễ dàng. Ví dụ có người “đọc” ra sứ điệp nơi sự kiện Đức Mẹ khóc như thế này: Đức mẹ khóc vì con cái mình quá tội lỗi, lầm lạc. Vâng đấy có thể là một sứ điệp Mẹ muốn gởi đến để cảnh tỉnh con cái mình trong thời điểm hiện tại. Do đó không nên vội vàng kết luận rằng đó chỉ là mê tín dị đoan.
Thái độ tiếp theo là lòng bác ái. Thánh Phao lô trong thơ gởi tín hữu Côrintô viết rằng : “Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc!” (1Cr8,11). Có những bậc trí giả nhờ có một sự hiểu biết sâu rộng và chắc chắn về giáo lí và thần học, mà có được một đời sống đức tin trưởng thành, không dựa vào những hình thức bên ngoài. Họ tỏ ra khinh thường những người ít hiểu biết và sống theo lối đạo đức bình dân. Đôi khi họ đưa ra những nhận định, thậm chí kết án khá khắt khe những người bình dân dễ tin này. Những tuyên bố của họ có thể không sai nhưng thiếu bác ái, vì vô tình xúc phạm cách nghiêm trọng đến tâm tình tôn giáo bình dân của những con người đơn sơ ít học. Họ không đáng bị đối xử như vậy.
Tóm lại, trong lịch sử Giáo hội, Đức Mẹ đã từ hiện ra đó đây để yên ủi và nhắn nhủ con cái mình nhiều điều, thì ngày nay Mẹ vẫn có thể hiện ra. Tuy nhiên chúng ta không nên chỉ chạy theo những yếu tố mang tính cách lạ lùng và giật gân bên ngoài, vì đời sống đức tin thật sự không đặt nền tảng trên những yếu tố đó. Nhưng “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (GH 67)
Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP