Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Từ hiện tượng Susan Boyle


Từ hai tháng qua, ‘hiện tượng Susan’ đã làm cả thế giới phải phát cuồng. Đến với cuộc thi Britain's Got Talent, từ một người không ai biết đến, Susan đã tạo nên một cơn ‘bão’ trên YouTube với con số trên 9 triệu hit sau 4 ngày. Cô đã làm rung động hàng triệu trái tim, kể cả những giám khảo khó tính nhất. Cô đã vượt qua các vòng sơ khảo và vào đến chung kết.
Thế nhưng Susan Boyle chỉ về nhì trong đêm chung kết (30/05/2009). Cô đã hoàn toàn suy sụp và phải vào bệnh viện.
Susan đã phút chốc nổi tiếng, làm cả phát cuồng. Đi từ thành công này đến thành công khác. Nhưng cô cũng làm không ít người phiền lòng, và cuối cùng đã không đạt được kết quả ngọt ngào như cô và nhiều người mong muốn. Nhưng dù thế nào đi nữa, ‘hiện tượng Susan Boyle’ cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Vịt biến thành thiên nga
Susan Boyle sinh ra ở Blackburn, West Lothian (Scotland) trong một gia đình trung lưu. Cô là em út của 4 anh trai và 6 chị gái. Mẹ mang bầu cô lúc 47 tuổi nên cô chào đời rất khó khăn, thiếu ôxy khiến não bị tổn thương. Do đó, cô gặp khó khăn trong việc học. Sau khi chật vật tốt nghiệp, cô làm đầu bếp cho trường West Lothian. Susan tới rạp hát rất nhiều lần để nghe các giọng ca chuyên nghiệp với mong ước một ngày mình sẽ được như họ.
Trong buổi thi hôm 13/4, khán giả thấy một thí sinh có tên Susan Boyle, 47 tuổi, béo ục ịch với hai cằm, mái tóc xơ xác, điệu bộ ngượng nghịu bước lên sân khấu và thổ lộ ước mơ muốn trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Ban giám khảo cúi đầu thở dài trong khi cử tọa thể hiện gương mặt thiểu não. Cả khán giả xem trực tiếp hoặc qua truyền hình đều nghĩ về một thí sinh sẽ thất bại và chẳng có hy vọng gì, thậm chí có thể trở thành trò cười.
Tuy nhiên, khi Susan cất cao giọng và hát ca khúc I Dreamed A Dream, ban giám khảo mở to đôi mắt, đám đông trở nên điên cuồng. Trong một đêm, Susan đã biến thành một ngôi sao thực thụ.
Sự ngưỡng mộ ngoài sức tưởng tượng
Bắt đầu xuất hiện trên YouTube ngày 11/4, các clip có cùng nội dung là tiếng hát của Susan Boyle, ‘Giọng ca xấu xí’, với bài I Dreamed A Dream trong chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng Britain's Got Talent của Anh đã thu hút tới 47,7 triệu hit và 125 nghìn bình luận theo công ty thống kê lượng khán giả trực tuyến Visible Measures. Con số này cao hơn nhiều so với những video nổi tiếng thời gian qua như “Bush ăn giày” (15 triệu), “Bài phát biểu sau khi thắng cử của Barack Obama” (18 triệu)... Tuy nhiên, số liệu của dịch vụ Viral Video Chart về Boyle – “khám phá thú vị nhất đầu 2009” - còn cao hơn thế: 70 triệu lượt xem và 266.000 comment. Đoạn video phỏng vấn Boyle cũng gặt hái hơn 1 triệu người theo dõi trên YouTube sau 4 ngày.
Ngay sau khi Susan hoàn tất phần thi sơ khảo của mình ngày 13/4, giám khảo, biên tập viên Piers Morgan, nói : “Đây là sự ngạc nhiên lớn nhất tôi từng gặp trong suốt 3 năm tham gia chương trình này. Tôi xin lỗi vì chúng tôi không thể hiện sự tôn trọng như cô đáng được nhận”. Tại vòng bán kết diễn ra ngày 23/5, cô đã được các giám khảo đánh giá với một sự trân trọng hết mực :  Piers Morgan nhận xét: “Susan, cô trông thực sự xinh đẹp đêm nay. Khi thế giới trải qua một thời khắc đầy xúc động thì Susan Boyle là người tạo ra thời khắc ấy. Cảm ơn cô, Susan”; Còn Amanda Holden đồng ý: “Tôi rất tự hào rằng cô là đại diện tuyệt vời cho nước Anh”; Thậm chí vị giám khảo khó tính Simon Cowell cũng không đưa ra lời chê bai nào. Anh nói : “Cô là một phụ nữ đặc biệt, thực sự là như thế”.
Đêm chung kết, giám khảo Piers Morgan không giấu diếm sự ngưỡng mộ của mình: “Tôi không được thiên vị bất cứ ai. Tôi phải công bằng. Nhưng bây giờ thì chị biết sao không? Quên chuyện đó đi. Tôi phải nói rằng, đây là tiết mục hay nhất trong lịch sử Britain's Got Talent. Chị xứng đáng giành chiến thắng”, anh nói.
Dám ước mơ và sống hết mình cho ước mơ
Susan luôn ước mơ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Cho dù những yếu tố khách quan không ủng hộ cô: Cô là em út của 4 anh trai và 6 chị gái, trong một gia đình trung lưu, nhưng sau khi cha cô qua đời năm 1990, các anh chị cô đều bỏ nhà đi để lại mẹ già cho cô chăm sóc; cô được mệnh danh là ‘giọng ca xấu xí’. Cô nói rằng “tôi nghĩ mình giống một cái garage”. Tuy nhiên cô cương quyết nói: “Tôi hạnh phúc với hình dáng này của mình”.
Cô đã đến với cuộc thi để trắc nghiệm xem mình có thể biểu diễn trước khán giả không. Cô cũng chia sẻ rằng : “Tham vọng của tôi là được hát trước Nữ hoàng. Bà ấy thật xinh đẹp. Tôi làm tất cả những điều này để tưởng nhớ mẹ tôi. Nếu bà có thể thấy tôi hiện giờ, bà ấy sẽ rất tự hào”.
Susan đã có một ước mơ. Cô đã dám ước mơ và đã nỗ lực để thực hiện ước mơ của mình. Sự thành công của Susan còn là nguồn khích lệ và động viên lớn lao cho những người kém may mắn dám ước mơ và tin vào một tương lai tốt đẹp. Susan đã làm được điều dường như không tưởng. Cô đã trở thành người mang ước mơ của những người thiệt thòi.
Áp lực phải chiến thắng (lấy thành công làm cứu cánh) : một cám dỗ nguy hiểm
Susan quyết tâm đi đến đỉnh vinh quang. Đó là một động lực tuyệt vời cho cô. Tuy nhiên áp lực phải chiến thắng đã làm cô đánh mất ít nhiều sự đơn sơ dễ thương của mình, và tất nhiên sự yêu mến của người hâm mộ dành cho cô cũng bị giảm sút.
Những người ở cùng khách sạn Wembley Plaza nơi Susan trọ than phiền về sự ồn ào, chói tai từ sự tập luyện của cô, Một người khách mất ngủ cho biết : “Rõ ràng là cô ấy khao khát chiến thắng. Cô ấy hát suốt ngày suốt đêm. Âm thanh hỗn độn làm tôi không tài nào chợp mắt, cứ thức chong chong suốt”.
Hơn thế nữa cô đã không còn giữ được bình tĩnh khi đối thủ của cô ở vòng bán kết, cậu bé 12 tuổi Shaheen Jafargholi, được giám khảo khen ngợi. Cô đã giơ hai ngón tay về phía TV và hét lên “khốn khiếp”, rồi tức giận đùng đùng bỏ về phòng!
Và cuối cùng, trong đêm chung kết, sau khi thông báo kết quả cho biết cô chỉ về thứ hai, thì cô đã hoàn toàn suy sụp. Theo một số tờ báo, sau khi bị đánh bại, giọng ca xứ sương mù chạy vào hành lang và hét lên: “Tôi ghét chương trình này”. Cô còn được cho là đã chửi bới và hắt một cốc nước vào viên quản lý tầng khi người này cố gắng giúp cô bình tĩnh lại. Ngay tối hôm đó cảnh sát đã được gọi tới để hộ tống Susan đến bệnh viện!
Từ sự vụt sáng đến một kết cục không mấy ngọt ngào
Chắc chắn những phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là các mạng xã hội như YouTube, Facebook, Twitter đóng một vai trò quan trọng trong việc nổi tiếng nhanh chóng của Susan. Ngoài khả năng tuyệt vời không thể phủ nhận được của cô, người ta yêu mến cô, hơn hết có lẽ vì cô mang ước mơ của những người khác. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng có ít nhất một chút không hài lòng về chính mình. Chúng ta cho rằng mình xấu, ít thông minh, bất tài, vụng về,… và chính điều này nhiều khi khiến chúng ta co cụm, không dám phô trương hay chứng tỏ khả năng của mình trước công chúng. Chúng ta tìm thấy một phần của mình trong nhân vật Susan Boyle. Chính vì vậy sự thành công của cô đã được mong chờ và chào đón một cách hết sức nồng nhiệt.
Sau những thành công vang dội ban đầu, Susan bắt đầu thay đổi hình ảnh của mình. Cô đã bắt đầu đến thẩm mỹ viện để “tân trang” nhan sắc của mình, mặc dù trước đó không lâu cô đã dõng dạc tuyên bố : “Tôi hạnh phúc với hình dáng này (giống một cái garage) của mình”, và muốn “dạy họ một bài học về việc đừng xét đoán người khác qua bề ngoài”! Sự “chỉnh trang” nhan sắc vốn là một việc hết sức bình thường, nhất là đối với phái nữ, lại cũng được nhiều người quan tâm. Kẻ khen người chê, người ủng hộ kẻ không đồng tình, nhưng chắc chắn “thương hiệu” Susan Boyle cũng bị ảnh hưởng ít nhiều (theo chiều hướng tiêu cực) sau việc tân trang nhan sắc của cô. Vì hình ảnh ban đầu của cô (hình ảnh được yêu mến?) đã bị thay đổi.
Một kết cục có lẽ chính Susan Boyle và rất nhiều người hâm mộ không hề mong muốn đó là : Susan không thể chiến thắng. Tệ hơn nữa là cô đã hoàn toàn suy sụp và phải vào bệnh viện tịnh dưỡng sau thất bại của mình (điều cô vẫn thường trải nghiệm trong cuộc đời mình trước đó?). Mặc dù rất nhiều người cảm thông với cô, trong đó có cả những chính khách nổi tiếng như tổng thống Mỹ Obama (Anh trai cô, John cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời Susan đến dự lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Mỹ vào 4/7), thủ tướng Anh, Gordon Brown, Thủ tướng thứ nhất của Scotland Alex Salmond,… nhưng người ta cũng lấy làm tiếc về sự thay đổi của cô. Đặc biệt là thái độ và sự ứng xử của cô khi biết mình đã không chiến thắng. Điều này có thể được nhận thấy qua câu nói hết sức chân thành của giám khảo Piers Morgan : “Tôi nghĩ rằng về thứ hai hóa ra là tốt nhất cho Susan, dù cô ấy sẽ khó chấp nhận điều này […] Tôi chỉ tiếc rằng cách cư xử kỳ lạ của Susan đã thu hút công chúng nhưng lại khiến nhiều người buồn lòng hoặc bị kích động. Cuối cùng, họ quyết định không bỏ phiếu cho cô ấy”
Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP