“Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ”. Đọc thánh vịnh tới câu này tôi thấy sao nó hợp với mình thế. Tôi nhớ lại từ khi còn nhỏ, không biết nguyên do nào mà mỗi lần đi lễ tôi đều ngủ gật và thường xuyên bị anh chị giáo lý viên nhéo tai, cốc đầu, bắt ra đứng giữa nhà thờ...,
có lần tôi ngủ đến té ngửa ra, mọi người tưởng là trúng gió, thế là tôi giả đò nằm luôn sợ người ta biết mình ngủ gật thì mắc cỡ lắm, đến thế mà tôi vẫn không bỏ được tật này, vẫn cứ ngủ ngon lành. Đến lúc vào nhà Dòng cũng vậy, nhất là trong lúc cha giảng lễ, trong giờ lần chuỗi, giờ gẫm cầu nguyện riêng không hiểu sao tôi cứ ngủ triền miên, há cả miệng rớt cả nước rãi ra. Tôi suy nghĩ và rất khổ tâm về điều này, tôi đã nhiều lần quyết tâm và cố gắng nhưng vẫn không sao cưỡng lại được cái ngủ trong các giờ trên, nhiều lúc tôi nghĩ hay là mình không có ơn gọi đi tu chăng?Tìm hiểu về lời Chúa tôi thấy khi Chúa tỏ mình ra cho các Tông Đồ “…Đức Giêsu lên núi cầu nguyện…Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt…”(x. Lc 9, 28-32), rồi trước khi Đức Giêsu bị bắt, các ông cũng ngủ “…Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin…Rồi Người trở lại thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô…Anh em hãy canh thức và cầu nguyện…Người lại đi cầu nguyện…Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ vì mắt họ nặng trĩu…Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi đủ rồi…”(x. Mc 14, 32-42).
Tôi cũng thật sự không hiểu, các môn đệ kiểu gì mà thầy của mình sắp chết đến nơi rồi, vậy mà các ông vẫn ngủ được. Đức Giêsu cũng đến là lạ, trong lúc đang buồn phiền đến thúi ruột thế mà các đệ tử vẫn ngủ ngon lành, còn Đức Giêsu vẫn không bực tức, không nổi nóng, chỉ khuyên một câu nhẹ nhàng “Thôi đủ rồi”, thật đáng khâm phục. Cùng với sinh hoạt của hội Dòng, từ lúc còn đệ tử lên tới nhà tập tôi được huấn luyện đủ mọi phương pháp, có bài bản, có giờ giấc hẳn hoi thế mà sao tôi vẫn ngủ ngon lành. Nhìn về Đức Giêsu tôi thấy bài học của người rất đơn giản, chỉ việc đi theo Chúa, chẳng có bài bản hay phương pháp nào cả, vì thế các môn đệ ngủ gật cũng là phải.
Nhìn về bản thân tôi, tôi thấy mình thật sự bị giới hạn, thân xác của tôi quả thật là yếu đuối, bởi vì tôi cứ ngủ hoài. Thật lòng thì tôi không muốn thế, nhưng có thể là do tôi bị bệnh ngủ, do thời tiết, do thay đồi giờ giấc, đồ ăn, nước uống…vì thế cứ đi gặp Chúa là tôi ngủ. Tôi tự hỏi không biết các Tông Đồ có ngủ mãi không? Tìm hiểu về Tin Mừng tôi thấy suốt ba năm theo Thầy các Tông Đồ cũng rất là lơ mơ, Thầy đi đâu thì các ông thơ thẩn theo đó và ngủ gà ngủ gật, các ông có hiểu, có học hỏi được gì đâu. Thế nhưng, khi chứng kiến cái chết thê thảm của Thầy mình, các ông đã bừng tỉnh, các ông đã được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần và không còn ngủ gà ngủ gật nữa nhưng luôn cầu nguyện, luôn hăng say rao giảng Tin Mừng bất chấp mọi khó nhọc, tù đày, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để làm chứng cho Thầy mình.
Nhìn về đời tu, thời gian đầu nhiệt huyết còn nhiều, nên rất là hăng say hoạt động, rất là tha thiết với công việc, rất là trung thành với kỉ cương luật lệ…và luôn luôn hướng về Chúa. Nhưng rồi thời gian sau bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, mệt mỏi vì nhiều áp lực, vì thất vọng, vì mọi cái không theo như ý mình..., nên đành buông xuôi tất cả, ngủ luôn trong cái tôi của mình, ngủ luôn trong cộng đoàn, ngủ quên đi những lợi ích của Hội Dòng, của anh em, ngủ luôn trong quyền hành, trong chức tước..., có khi còn ngủ quên luôn cả Chúa nữa!
Tôi tự hỏi có cách nào để bớt ngủ không? Nhìn lại các Tông Đồ khi xưa, các Ngài đã chịu bao gian nan thử thách cùng muôn tù đày cho tới khi bước lên thập giá. Phải chăng chính nhờ lòng khao khát, sự trung thành bền bỉ quyết tâm bước theo Đức Kitô tới cùng, đã giúp cho con mắt đức tin của các Ngài bừng sáng lên.
Tôi xin cám ơn Chúa vì Người đã cho tôi thấy được gương của các Tông Đồ, Người đã cho tôi tin vào tình yêu của Người, giúp tôi không còn phải lo lắng bận tâm về việc hay ngủ của mình nữa. Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ rằng, dù thức hay ngủ, dù ăn hay mặc, dù đi lại hay nghỉ ngơi, dù làm bất cứ việc gì anh em hãy làm mọi sự là để tôn vinh Thiên Chúa.
Bênađô
0 nhận xét:
Đăng nhận xét