Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

NHỮNG MỐI BẬN TÂM ĐIỀU KHIỂN CUỘC SỐNG


Anthony Hưng

Trong cuộc sống thường ngày, con người luôn luôn bị điều khiển bởi một điều gì đó. Có người bị chi phối bởi vật chất. Có người bị việc nghiên cứu, khám phá chiếm hết thời gian. Có người bị những đam mê hoặc những lạc thú trần thế chiếm đoạt. Có người bị những việc làm quá khứ ám ảnh. Có người bị thói hư, tật xấu bao vây. Có người bị áp lực bởi nhu cầu của xã hội, bởi gia đình, bè bạn và của chính bản thân kìm hãm. Có những người bị điều khiển hoặc chế áp bởi một thế lực vô hình nào đó. Cuộc sống càng hiện đại, càng phát triển thì con người càng phải đương đầu với những mối bận tâm như thế.
1.      Mối bận tâm vật chất
Kinh tế phát triển, đời sống phải được nâng cao và như vậy nhu cầu về cải thiện điều kiện sống của con người là điều tất yếu. Vật chất hay tiền bạc trở thành không thể thiếu trong việc đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng sống của con người. Do vậy, đồng tiền được nâng lên từ việc cần thành việc muốn. Tiền trước đây là phương tiện trong việc trao đổi hàng hóa nay trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống thường ngày. Và như vậy: “Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng và niềm tự trọng của mỗi cá nhân như trở thành vật bất ly thân của thân phận phàm nhân sống trên gian trần” thật chẳng ngoa. Tiền có thể mua mọi thứ phục vụ cho mọi nhu cầu của mỗi cá nhân. Có tiền tiếng nói sẽ trở nên uy tín và có trọng lượng. Có tiền sẽ được đề bạt và được nhiều người biết đến. Có tiền sẽ mua được sự tôn trọng, danh dự và cả nhân phẩm.
Ngày nay có rất nhiều dịch vụ được mở ra như dịch vụ ôsin, dịch vụ kết tóc se duyên, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Giáo dục cũng được hướng theo dịch vụ. Tất cả nhằm đáp ứng và thỏa mãn mọi điều muốn hơn là nhu cầu cần của con người, của xã hội. Do đó, đi đến đâu hoặc ở đâu người ta cũng luôn quan tâm đến cái mà mình muốn hơn cái mà mình cần. Phải chăng điều kiện nơi ở và sống có đáp ứng những cái muốn của con người không. Phải chăng nơi ở đó con người có điều kiện thăng tiến và thể hiện bản thân không. Như vậy, việc muốn không còn là điều xa xỉ nhưng được bình thường hóa trong suy nghĩ của mỗi cá nhân. Tôi muốn điều kiện vật chất. Tôi muốn những trang thiết bị tối tân. Tôi muốn dịch vụ chất lượng nhất để chăm sóc và bảo vệ cuộc sống của tôi. Tôi muốn bạn phải nghe tôi. Tôi muốn bạn thông cảm với tôi. Tôi muốn bạn chiều tôi. Vì quá nhiều cái muốn cho tôi, nên con người quên mất cái ta. Mọi thứ cần và muốn không còn phục vụ lợi ích chung của chúng ta nhưng chỉ lợi ích riêng của cá nhân tôi. Quá bận tâm về cái tôi nên con người cũng ích kỷ hơn, nhỏ nhen hơn và cá nhân hơn. Họ cũng đối xử với nhau dè chừng hơn, nghi ngờ hơn và xa lạ hơn. Chính tiền bạc đã phân chia xã hội ra thành nhiều đẳng cấp và hầu hết mọi người đều bị nó chi phối đến tận cùng của tâm tưởng. Do đó, tiền bạc luôn đồng nghĩa với địa vị, danh vọng, quyền thế... nó đồng nghĩa với mọi thứ có khả năng làm nên, làm lại và thay đổi cuộc đời. Vị trí của đồng tiền được tôn vinh, nên người ta lại càng bận rộn hơn trong việc kiếm tìm. Cái tôi chủ nghĩa và tiền bạc được đề cao, nên đôi khi người ta bất chấp mọi thứ, mọi hậu quả để chiếm lĩnh và khai thác chúng ngay trong gia đình, ngay môi trường mình sống và ngay trong cuộc sống thường ngày.
Tiền bạc có khả năng tạo dựng nên một nền văn minh vật chất, nhưng nếu người ta không hiểu được giá trị, không tự kìm chế lấy tâm hồn mình, không để tinh thần hướng thượng, thì tiền bạc cũng có khả năng hủy hoại môi trường sống, hủy hoại gia đình, và hủy hoại tâm hồn trong sáng của con người.
2.      Những mối bận rộn
Con người ngày nay dường như quá bận rộn bởi quá nhiều bận tâm. Bận tâm trong việc kiếm tìm vật chất, bận tâm nhiều đến nhu cầu bản thân, bận tâm về những nhu cầu phục vụ cuộc sống. Bận rộn bởi quá nhiều lo toan cho cuộc sống. Bận rộn vì công việc, vì học tập, vì thiết lập cũng như củng cố các mối thâm giao. Bận rộn trong việc tìm kiếm những ước vọng của bản thân như quần áo, xe cộ, nhà cửa, bạn bè, các thú tiêu khiển, địa vị và danh vọng. Có những người mất rất nhiều giờ để lo chăm sóc và trau chuốt cho vẻ đẹp ngoại hình. Có người đổ hàng đống tiền để mua một chỗ đứng trong xã hội. Có người bán cả lương tâm cho việc củng cố và tạo lập danh vọng.
Do quá bận rộn, con người nhiều khi sống mà quên đi những người xung quanh, đặc biệt là những người nghèo, người thấp cổ bé miệng không được ai biết đến. Con người cũng quên dần đi những lợi ích và nhu cầu của cộng đồng, của những người khác. Người ta như dửng dưng hơn trước những vấn đề của xã hội, không còn nghe thấy những tiếng kêu than của những người đau khổ, bệnh tật và cô đơn. Vì quá nhiều công việc, nên họ cũng chẳng còn thời gian để giúp đỡ cũng như chia sẻ những kinh nghiệm sống, những giá trị đẹp cho nhau. Người ta cũng chẳng còn thời gian cho nhau. Vợ chồng không có thời gian tâm sự và chia sẻ với nhau. Không có sự gặp gỡ và đối thoại giữa con cái và cha mẹ nên chẳng có sự lắng nghe, cảm thông và giúp đỡ. Hai người yêu nhau cũng không có thời gian để hiểu, họ đến với nhau vì nhu cầu sinh lý hơn là sự đồng điệu về con tim, khát vọng tăng trưởng tâm hồn.
Bận rộn làm con người mệt mỏi và chẳng còn thời gian cho để lắng nghe tiếng vọng của tâm linh, tiếng gọi của đồng loại. Thiếu thời gian nghỉ ngơi làm cho cuộc sống trở nên căng thẳng, nên họ dường như bàng quan hơn và nhiều lúc vô cảm trước thế giới bên ngoài.
Trong xã hội hiện đại và phát triển, bận rộn là lẽ thường tình, nhưng thiếu thời gian cho bản thân và người khác, đời sống con người sẽ bị thiếu hụt và cô quạnh. Thiếu hụt tình thương. Thiếu hụt sự đồng cảm và chia sẻ. Thiếu hụt sự quan tâm và quảng đại. Thiếu hụt các mối liên đới và tinh thần hiệp thông. Khi thiếu hụt những chất cho cơ thể, cho tâm linh, con người trở nên hoang mang và lo sợ nhất là khi phải đương đầu với những thách thức và vấn đề của cuộc sống. Do đó, con người cũng sẽ dễ mất nghị lực, mất đi sự tin tưởng và mất đi niềm tin vào cuộc sống. Nếu vậy cảm cô đơn và u sầu sẽ phát sinh, lan tỏa, chế ngự và chiếm lĩnh toàn bộ hoạt động của con người.
(còn tiếp kỳ sau)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP