Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Học nơi MẸ: Ý thức Tha nhân



“Khi thấy thiếu rượu, Thân Mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,3)
Không hiểu sao, mỗi lần đọc hay nghe đoạn Phúc Âm thánh Gioan kể vể việc Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến dự tiệc cưới ở Cana, với chi tiết lời nhận xét của Mẹ: “Họ hết rượu rổi!” tôi lại cảm thấy Mẹ thật là tuyệt vời với một ý thức tha nhân thật nhạy bén. – Trước kia, khi Mẹ mới mang thai Chúa Giêsu, Mẹ cũng có hành động tương tự khi tự nguyện đến giúp bà Isave đang mang thai được sáu tháng – Chính vì thế mà tôi đã thấm thía hơn khi đọc “Kinh cầu Đức Bà”, đến các câu: “Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn”, “Đức Bà yên ủi kẻ âu lo” “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”.
Bắt đầu vào tháng 5, tháng Hoa của Mẹ, cùng với những việc đạo đức dâng kính Mẹ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về cách Mẹ sống đức Ái – cả mến Chúa lẫn yêu người – để chúng ta yêu Mẹ hơn và cố gắng sống như Mẹ đã sống thì chắc chắn đây sẽ là việc sùng kính Mẹ thiết thực nhất và sẽ làm vui lòng Mẹ nhất.
Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38), Đây là câu đáp trả chân thành của Mẹ sau khi đã hiểu được ý Chúa, một câu trả lời ngắn gọn (Fiat = Xin Vâng) nhưng vô cùng quan trọng trong nhiệm cục cứu rỗi, câu mà các tổ phụ hồi hộp đợi chờ, câu mà sau đó Thiên Chúa đã làm người.Câu này cũng cho thấy ý thức trách nhiệm của Mẹ thật cao và lòng tín thác của Mẹ cũng tuyệt vời. Nhưng, chúng ta cũng cần phải thấy rõ vai trò căn bản của Đức Ái, vì câu này không thể được nói lên nếu không được thúc đẩy do lòng tin yêu tuyệt đối của Mẹ đối với Chúa. Để hiểu rõ giá trị tin yêu cao độ của câu này nơi Mẹ, chúng ta có thể so sánh với câu trả lời của ông Giacaria trước đó, trong hoàn cảnh tương tự: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già và vợ tôi cũng đã lớn tuổi?!” (Lc 1,18) Thái độ hoài nghi này đã bị kết án: “Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1,20). Chính vì Mến Chúa (và dĩ nhiên là phải đi đôi với Tin Chúa) mà Mẹ đã sẵn sàng thưa “Xin Vâng” với tất cả ý thức trách nhiệm về những hệ lụy của sự ưng thuận này, trong đó tất yếu phải có Yêu Người. Mẹ lại càng thấm thía hơn những khó khăn thử thách đang chờ đợi Mẹ, kể từ hang đá Bêlem với thân phận người “vô gia cư”, đến giây phút dâng con với những lời tiên báo đáng sợ của cụ già Simêon: “Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà” (Lc 2,35), và những thử thách liên tiếp trong những năm tháng đầu đời của Hài nhi Giêsu và dài dài cho đến đỉnh núi Can-vê, dưới chân Thập giá. Nhưng vì Chúa, vì chương trình Cứu chuộc của Người, Mẹ vẫn can đảm dấn bước với một niềm tin yêu tuyệt đối. Rõ ràng là Mẹ chỉ sống vì Chúa và vì mọi người.
Mẹ chúng ta là thế, còn chúng ta thì sao? Dĩ nhiên yêu Mẹ không chỉ là “Dâng hoa” tháng Mẹ, lần hạt Mân côi, đeo ảnh Mẹ…Mà căn bản phải là “sống như Mẹ đã sống”. Cụ thể, chúng ta thử tự vấn lương tâm xem chúng ta có thực sự đang sống vì Chúa và vì mọi người như Mẹ, như đòi hỏi của ơn gọi chúng ta đang theo đuổi hay không? Về lý thuyết, chắc chúng ta vẫn nói là mình làm tất cả cho vinh danh Chúa, nhưng thực tế, chúng ta vẫn dành cho ý riêng, cho sở thích của mình, cho quyền lợi và danh dự của mình vị trí ưu tiên! Chính vì thế mới sinh ra những chuyện “hục hặc” với nhau, phê bình đả phá nhau (dưới lốt “phê bình xây dựng”), cứ cho suy nghĩ của mình, phương pháp của mình là nhất nên chẳng muốn nghe ai, hoặc là chỉ “vâng” hay “ừ” cho có lệ, cho có vẻ “dân chủ” rồi thì “đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm”!!
Ta đừng quên là ý thức về bản thân cũng là một tiềm lực cho việc triển nở ý thức về người khác hay ý thức tha nhân. Vì chỉ khi nào tôi hòa hợp với những tình cảm của mình, tôi mới có thể ý thức đến tình cảm của những người khác. Vì chỉ khi nào tôi ý thức những phản ứng của mình đối với những người khác, tôi mới có thể đi đến với họ trong yêu thương mà không gây cho họ một tổn hại nào. Khi tôi ý thức bản thân tôi một cách nhạy bén, tôi cũng làm triển nở một ý thức tinh ròng về người anh em của tôi. Thật vậy, vì nếu tôi gặp khó khăn trong việc ý thức thực tại gần gũi tôi nhất, là bản thân tôi, thì làm sao tôi có thể tránh được khó khăn trong việc ý thức Thiên Chúa và người anh em của tôi? Do đó, thường xuyên tự kiểm với tất cà thiện chí, trung thực và khiêm tốn, chắc chắn tôi sẽ thấy rõ và hiểu rõ tôi hơn, để từ đó tôi hướng về tha nhân một cách thiết thực hơn. Có lẽ ở đây, câu tục ngữ “suy bụng ta ra bụng người” mang một ý nghĩa tích cực vì cũng giống như lời của Chúa Giêsu trong Mt 7,12: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Vâng, chỉ trong điều kiện như vậy tôi mới có thể sống hết mình cho Chúa và cho anh em. Điều này ta thấy rõ nơi Mẹ trong giây phút Truyền Tin: “Này tôi là Nữ tỳ của Chúa…” cũng như khi Mẹ đáp lại lời chào của Bà Isave bằng bài thánh ca bất hủ” Magnificat”. Vì trong những lúc đó Mẹ đã tự đặt mình vào vị trí “tôi tớ” luôn sẵn sàng làm theo ý Chủ trong tinh thần xả kỷ để phục vụ Thiên ý mà Mẹ nhận thấy qua tha nhân là thiên sứ Gabriel và bà Isave. Chúng ta có nhận thấy Chúa nơi tha nhân chưa? Có thể nói “bí quyết” của tinh thần vị tha là ở chỗ đó.
Qua tất cả những nhận định trên đây, ta thấy rõ là căn bản của ý thức tha nhân mà Mẹ đã là gương mẫu đó là: hãy vì Chúa mà đặt mình vào địa vị, hoàn cảnh của tha nhân. Do đó, trong tương quan với tha nhân, những đoán xét hay nhận xét cũng như những quyết định của chúng ta sẽ nặng tính chủ quan nếu chúng ta không đặt mình vào hoàn cảnh của tha nhân.Từ đó sẽ dễ sinh ra những hiểu lầm, bất mãn, đổ vỡ, hoàn toàn ngược lại với đức ái. Trái lại, thái độ khiêm tốn nhìn nhận những hạn chế của mình, biềt trân trọng và chân thành lắng nghe, sẽ nuôi dưỡng và làm triển nở đức ái. Ta có thể lấy một ví dụ cụ thể đang diễn ra ở chính trường châu Mỹ: so sánh thái độ trịch thượng và cố chấp trước đây của TT.Bush đã làm đa số các quốc gia, nhất là ở  châu Mỹ Latinh, đặc biệt là TT. Venezuela Hugo Chavez,  xa lánh và chán ghét Mỹ, và thái độ tế nhị, lắng nghe của TT.Barack Obama hiện nay, được gọi là “phong cách mới”, nhất là trong Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ (18-19/4/2009) vừa qua – ông Obama đã biết đặt mình vào cương vị người khác, biết lắng nghe và biết thuyết phục – đã làm cho các nước này có thiện cảm với ông và thay đổi cách nhìn với Mỹ.
Dĩ nhiên là những thái độ vừa kể trên đây của TT.Obama chủ yếu là do những động cơ chính trị, tuy nhiên, nếu chúng ta cũng có những thái độ tương tự như vậy trong quan hệ với tha nhân, nhưng với động cơ chính yếu là đức ái chân thành (thực sự vì Chúa và vì mọi người) như Mẹ Maria thì còn gì bằng?
Vậy nhân dịp tháng Mẹ về, chúng ta hãy tôn sùng Mẹ bằng cách “sống như Mẹ đã sống” thì chắc chắn việc tôn sùng này sẽ rất vui lòng Mẹ và sẽ được Mẹ chúc lành cho.

Chú BA

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP