Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Tản mạn về HẠNH PHÚC



Hai chữ “Hạnh Phúc” rất gần gũi và quen thuộc với cuộc sống con người, ta có thể nghe được rất nhiều lần, gặp thấy ở nhiều nơi, nhiều lúc trong cuộc sống. Ta thấy nơi bạn bè, người thân thường hay chúc nhau được hạnh phúc; có người làm mọi cách để đạt được hạnh phúc, nhưng cũng có người có nguy cơ đánh mất hạnh phúc.. Với một vài ý niệm trên, phần nào giúp ta nhận thấy được rằng hạnh phúc là điều rất cần thiết, và là lẽ sống còn trong đời sống con  người.
1.      Vậy hạnh phúc là gì?
Mỗi người đều quan niệm cho mình cách hạnh phúc khác nhau. Vì thế, ta thật khó để có thể trả lời một cách chính xác cho câu hỏi này. Như chúng ta đã biết, hạnh phúc không thể bị giới hạn nơi những từ ngữ, những định nghĩa, nhưng nó là một kinh nghiệm chủ quan của từng người ở từng giai đoạn trong cuộc đời và trong những hoàn cảnh khác nhau. Hay nói cách khác hạnh phúc là một trạng thái sung sướng thỏa mãn của mỗi cá nhân vì đã đạt được ước nguyện. Nhưng định nghĩa như thế thì cũng chưa thể nói nên được điều gì, thiết nghĩ tốt hơn là chúng ta xem người đời nói về hạnh phúc như thế nào.
Chải qua kinh nghiệm thực tế của cuộc sống cho thấy, ý niệm về hạnh phúc nơi mỗi người mỗi khác nhau, thường thì nó lệ thuộc vào tâm tính, vào hoàn cảnh giáo dục, vào môi trường sống… chính vì thế, người ta cũng có rất nhiều cách khác nhau để tìm cho mình được hạnh phúc (nhưng nguyên tắc chung là dựa trên nền tảng luân lý đạo đức chung trong cộng đồng). Hạnh phúc đôi khi chỉ là những niềm vui nho nhỏ, là sự cảm nếm những niềm vui đơn sơ của đời thường. Với những người giàu sang thì hạnh phúc có thể là một lối sống cầu kỳ, phải đúng phong cách, có đầy đủ mọi phương tiện..; nhưng ngược lại, với những người khác thì có khi chỉ cần một ánh mắt, một lời khen hay một manh chiếu đặt lưng sau một ngày mệt nhọc đã là hạnh phúc lắm rồi. Hay nói một cách văn hoa hơn, nhiều người chỉ hạnh phúc khi đạt được giàu sang phú quý, nhưng lại có người chỉ cần một túp lều tranh với hai trái tim vàng là hạnh phúc rồi. Ai cũng đi tìm hạnh phúc cả, nhưng mỗi người mỗi cách, mỗi kiểu khác nhau, nhưng tất cả đều nói lên khát vọng hạnh phúc của con người.
2.       Làm thế nào để đạt được hạnh phúc?
Nhìn chung trong cuộc sống con người thì ai cũng mơ ước được sống yên vui, về thể xác cũng như tinh thần. Không phải lo lắng sợ sệt cho mình, luôn sống vui vẻ thân thương với mọi người… Điều này ta thấy nó được diễn tả cụ thể hơn trong đạo lý nhà Phật, đó là mong ước được giải thoát khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử. Vì thế, trong khả năng và mức độ cho phép, con người luôn mơ ước được hạnh phúc và luôn cố gắng để đạt được điều mình mơ ước.
Trong thực tế, kinh nghiệm cuộc sống cho thấy con người dễ bị lôi cuốn bởi những thỏa mãn dục vọng, những khuynh hướng xấu trong con người. Hay nói cụ thể hơn là con người hay bị bám víu và thu vén đời mình vào những cái chóng qua như tiền tài, sắc đẹp, danh lợi…Nếu như con người chỉ bám víu vào những điều trên thì quả thật là vô nghĩa, hạnh phúc mà con người đang có thật là mong manh. Đó chỉ là cách sống như thể đang kéo lê đời mình, một cuộc đời vô vị, buồn chán và không ít người muốn chấm dứt sớm cuộc sống tẻ nhạt này. Vì thế, điều quan trọng là làm sao ta phải tìm ra cho mình một ý nghĩa sống đích thực và những giá trị cao quý hơn cho cuộc sống.
Để có thể tìm được hạnh phúc đích thực thì trước tiên ta cần phải chọn lựa hướng đi cơ bản cho chính cuộc sống của mình. Niềm mơ ước hạnh phúc nằm trong bản chất của con người, và chỉ có thể trở thành con người đích thực khi có sự tương giao liên đới với người khác. Bởi trong thực tế cuộc sống, con người nhận ra rằng mỗi người cần đến người khác như một đối tượng để cảm thông, chia sẻ, yêu thương và phục vụ. Con người chỉ cảm nhận được tình yêu đích thực khi biết ban phát, trao tặng và cho đi: “Con người là một tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình khi biết thành thực hiến dâng” (GS 24). Và như vậy người ta có thể tìm được hạnh phúc ngay khi chấp nhận hy sinh vì người khác, dám nhận phần thua thiệt cho bản thân mình để mưu ích cho cộng đồng. Những mẫu gương mà ta thường hay gặp nhất, đó là sự hy sinh âm thầm của những bậc làm cha làm mẹ, sự chịu thương chịu khó của những người anh người chị trong gia đình. Mở rộng hơn, chúng ta thấy có rất nhiều người vẫn đang ngày ngày tận tụy, hy sinh quyên mình vì người khác và đã có không ít người dám sống và chết trọn vẹn cho tình yêu, cho lý tưởng.
3.      Hạnh phúc đích thật ở đâu?
Chúng ta đang sống trong một thế giới thuộc về vật chất, những cái mà chúng ta đang tìm kiếm, thiết nghĩ đó chỉ là những cái gọi là hạnh phúc trong thế gian. Chúng theo ta trên cuộc đời này, và khi ta chết thì chúng cũng tiêu tan. Như vậy con người phải đi tìm một thứ hạnh phúc khác vĩnh cửu hơn, trường tồn hơn cho mình. Vì tất cả chỉ là phù vân của thế giới đang đi qua, cuộc sống thì vô thường…, đó là những kinh nghiệm đau thương của loài người trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Người ta không thể bám chấp mãi vào những thứ chóng qua này và người ta thấy rằng cần phải tìm kiếm một niềm hạnh phúc vô biên, vĩnh cửu vượt trên những điều qua mau chóng tàn. Hay nói cách khác, con người mong được giải thoát, mong được cứu độ. Đến đây chúng ta nhận ra rằng hạnh phúc đang mở ra một hướng nhìn sâu và rộng hơn, ý niệm về hạnh phúc lúc này mang một chiều kích khác, chiều kích tâm linh chiều kích tình yêu hướng về siêu việt.
Để phần nào giải quyết cho những khao khát tìm kiếm hạnh phúc của con người, ta thấy các tôn giáo đã lần lượt ra đời. Tuy rằng mỗi tôn giáo có những phương thế, những lập trường khác nhau, nhưng mục đích chính vẫn là để giúp cho con người tìm được hạnh phúc tối hậu của đời mình. Lập trường cơ bản của người Kitô hữu là chấp nhận để cho giới răn yêu thương phán quyết những mối tương quan và hoạt động của mình. Và trong mạc khải của Kitô giáo đã giới thiệu cho chúng ta biết rằng chính Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc đích thực của con người (GLHTCG số 27; 1718; 1720). Con người được Thiên Chúa dựng nên để thông chia hạnh phúc với Người. Và chính Đức Kitô là đường dẫn đưa chúng ta tới nguồn hạnh phúc vô biên đó khi Người khẳng định với tông đồ Tôma: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6a). Và như thế, con người chỉ có được hạnh phúc viên mãn khi được ở mãi mãi với Người mà thôi. Và khi xác tín được như vậy, con người dầu sống dầu chết, hay khi vui, lúc buồn thì vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và luôn cố gắng sống trọn vẹn ý nghĩa đời mình trong sự phù trợ và quan phòng của Thiên Chúa.
Khi nhìn về lịch sử nhân loại ta thấy rằng, việc tìm kiếm hạnh phúc là một nhu cầu cơ bản của con người. Mà con người là một sinh vật luôn khát khao tuyệt đối, và luôn qui hướng về cõi vô biên. Để giải quyết cho những khát khao của mình con người cần phải tìm về với Đấng đã sinh ra mình và chỉ trong Đấng ấy con người mới có thể bình an trong cõi vô biên.

Bênađô

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP