Đã
làm người thì ai cũng phải chấp nhận một cuộc sống bình thường với những giới hạn
riêng của nó. Người ta cũng phải học cách chấp nhận, hay tích cực hơn là đón nhận
những điều không vừa ý mình, và sống với những người không hoàn toàn hợp với
mình. Đời sống cộng đoàn là một môi trường điển hình cho điều này. Dù là cộng
đoàn nhỏ như một gia đình, hay lớn hơn một chút là lớp học, lớn hơn chút nữa là
cơ quan xí nghiệp, hay là một cộng đoàn tu trì, ở đâu người ta cũng dễ dàng nhận
thấy những điều trái ý mình và phải đón nhận. Đây không phải là một bài viết về
những bất cập của đời sống cộng đoàn, nhưng là những suy tư nhỏ bé về cảm nhận
khi phải đối mặt với bao điều không vừa ý trong cuộc sống – một đề tài muôn thuở
mà chưa có thuở nào nói hết được tất cả.
Tại một giáo xứ nọ có
một chú kia là tân tòng nhưng lòng nhiệt thành thì chắc là cũng hơn nhiều người
đạo dòng đạo gốc. Chú hoạt động trong giáo xứ rất nhiệt tình, không vụ lợi, ai
cần gì đều gọi chú và không bao giờ bị từ chối, nhưng công việc thì không được
suôn sẻ lắm. Có những chuyện cấp bách cần phải chi tiền để lo cho người nghèo,
học sinh nghèo nhưng Chủ tịch Hội đồng giáo xứ thì không nghĩ như vậy. Thế là
công việc cứ bị trì trệ, còn chú này thì rầu rĩ vì không làm được gì cho người
nghèo. Rồi lại đến việc xây nhà thờ, những công việc mua sắm này nọ trong giáo
xứ cũng vậy, đúng là rất cần thiết, nhưng chú trình thì không ai để ý, nếu có
thì cũng ỡm ờ cho qua chuyện; đến khi chú thấy không thể đợi thêm được nữa, và
chú có thể ứng trước tiền để làm thì… Khi hoàn thành không thấy ai gửi lại tiền
cho chú, còn vật dụng thì vẫn dùng hằng ngày hoặc…đem vào tủ khóa! Rồi còn nói
này nói nọ ôi thôi đủ điều! Khi chú tâm sự với tôi, tôi nghe thấy một nỗi buồn
miên man trong giọng nói rất rắn rỏi mọi ngày, và trong đôi mắt ẩn hiện một nỗi
buồn rất lớn… Tôi chỉ còn biết nắm lấy tay chú và im lặng, mong rằng Chúa sẽ là
niềm an ủi lớn nhất của chú.
Có một linh mục lớn tuổi
kia được lệnh bề trên xây dựng một ngôi nhà cho hội dòng, khi đang xây thì hết
tiền. Rồi còn những vật dụng tất yếu: bàn ghế, giường ngủ… sau khi xây nhà xong
nữa, tất cả đều thiếu. Vì linh mục này có thể xoay xở được tạm thời một số tiền
đủ để hoàn thành công trình và luôn cả các vật dụng (xin nói thêm là lúc này
nhà cũ đã rất xuống cấp, không thể ở được nữa), nên ngài đã hoàn thành luôn
công trình mà chưa xin phép bề trên (bề trên ở khá xa). Thế là công trình đã
xong, các thầy đã vào ở mà…vẫn chưa thấy bề trên hoàn trả lại số tiền. Ngài
nói: “Đây là việc cấp bách cha phải làm thôi, chứ không làm thì hỏi con nhà đâu
các thầy ở, rồi giường đâu các thầy ngủ, rồi bàn ghế đâu mà làm việc? Cha làm
như vậy vì lợi ích chung chứ có phải do ý riêng cha đâu, vậy mà…”. Tôi chỉ còn
biết ngồi im lặng, không nói được lời nào cả. Nhưng đôi khi im lặng… hóa ra lại
tốt hơn!
Lại một vị linh mục
khác (chuyện này đã xảy ra một thời gian trước). Linh mục này rất thích sáng
tác, đến nỗi ngài bảo “Đối với cha, hạnh phúc nhất là được ngồi bên cây đàn và
sáng tác!”. Vậy mà đùng một cái, Đức Giám Mục phân công ngài về một họ đạo. Thế
là đành nhắm mắt xin vâng, bởi vì lệnh đã như thế thì biết cãi đường nào nữa?!
Rồi khi đã ở họ đạo được mấy năm, trải qua bao nhiêu nhọc nhằn, cũng đã gắn bó
với họ đạo đó thì đùng một cái, Đức Giám Mục gửi đi du học! Và ngài kịch liệt
phản đối, rất nhiều lần. Viện đủ lý do: nào là sức khỏe yếu, nào là trình độ
không cao, nào là…ôi thôi đủ thứ, nhưng Đức Giám Mục vẫn nhất quyết không nhượng
bộ, và hiền hòa nói rằng: “Thôi, cha đi đi, rồi tôi cầu nguyện cho!”. Kết quả
là linh mục này cũng phải lên đường, dù trong lòng hoàn toàn không muốn.
Chỉ bấy nhiêu cũng đã
đủ để biết sự phong phú của những điều trái ý mình trong cuộc sống. Từ những điều
lớn lao đến những điều nhỏ nhặt, ta cứ phải đối mặt với những điều này mà không
có cách gì tránh né được. Và đôi khi ta tìm hết sức để chống lại, dù biết chắc
rằng những cố gắng của mình sẽ chẳng đi đến đâu; biết mà vẫn làm. Bởi có một
cái gì đó làm ta cảm thấy nếu mình không chống lại, thì mình chẳng còn gì để
nói. Nếu mình không biết đấu tranh cho chính mình thì còn làm được gì nữa, và nếu
mình không đấu tranh thì hóa ra người thua thiệt sẽ là mình à? Và quan trọng
hơn hết là mình không muốn! Có một câu nói mà người ta vẫn hay nói với nhau: “Ý
bề trên là ý Chúa”, có thể chỉ là thuận miệng nói cho vui, nhưng nghĩ đi nghĩ lại
câu này vẫn không sai lệch chỗ nào cả. Thật ra có ngồi đó mà tìm hiểu hết ngày
này qua ngày khác, ta cũng không bao giờ hiểu được ý bề trên, nhất là khi trong
một tâm trạng uất ức như vậy. Thế thì tại sao phải tìm hiểu? Mà nếu như ta có
hiểu ra thì có thay đổi được gì không? Không, hoàn toàn không. Như vậy, không
có một lý do nào để ta tìm ra nguyên nhân của những điều trái ý cả, điều quan trọng
là tập cho mình một cách đón nhận những sự trái ý xảy đến trong cuộc sống của
mình. Nếu không thể thay đổi được người khác, thì chẳng có gì tốt hơn là thay đổi
chính mình, vấn đề chỉ là mình có muốn thay đổi hay không thôi. Cùng một biến cố,
nhưng có nhiều cách để đón nhận: “Hai người
cùng nhìn ra song cửa. Kẻ thấy bùn đen, kẻ thấy sao” (F. LangBridge). Đón
nhận một cách cay cú, bất mãn thì con vịt vẫn là con vịt, mà con người vẫn là
con người, chẳng thể thay đổi gì, lại còn hại hơn cho ta: đánh mất sự bình an
trong tâm hồn. Ngược lại, ta có thể tự tìm một lý do nào đó để an ủi mình, hay
tích cực hơn là nhìn nhận sự việc theo một hướng nào đó có thể làm mình vui
lòng. Điều này không khó với ai cả, nhất là với những người đã khấn hứa ba lời
khấn. Mãi mãi điều quan trọng vẫn là cách thế ta đón nhận những điều trái ý
trong cuộc sống. Nếu chọn cho mình một cách thế tích cực, tôi tin rằng chẳng ai
còn buồn chán nữa, và cũng không bao giờ đánh mất niềm vui nội tâm, bình an
trong tâm hồn. Và hẳn là cộng đoàn cũng sẽ là một trường yêu thương đích thực.
Lạy Chúa, đôi khi nhìn vào cuộc sống của mình,
của người, con thấy chán nản vì những chông chênh, những bấp bênh của phận người.
Ôi, Chúa ơi, phận người là như vậy, có tất cả mà cũng chẳng hề có được gì. Đôi
khi cuộc sống thật đáng buồn, cuộc sống chẳng hề đáng yêu một chút nào đâu, chẳng
sáng sủa một chút nào đâu, đầy ra đó bao nhiêu chuyện mà không ai mong muốn, những
chuyện trái ý, những chuyện không làm người ta vui vẻ chút nào.
Nhưng, khi nhìn vào cuộc đời của Chúa, con thấy
cuộc sống không tăm tối, không đáng buồn, bởi vì chính Chúa đã sống trọn vẹn một
cuộc sống như vậy.
Chúa đã mơ ước mà cũng
không được thực hiện.
Chúa đã nói và cũng đã
không được lắng nghe.
Chúa cũng đã quyết định
và đã bị chống đối.
Chúa đã yêu và cũng đã
bị phản bội.
Chúa đã nài xin và
cũng đã bị bỏ rơi.
Chúa đã nói và cũng đã
bị hiểu lầm.
Chúa đã sống rất thật cuộc sống của chúng con,
rất thật. Chúa đã mặc lấy trọn vẹn thân phận bấp bênh của chúng con. Chúa đã không ngần ngại sống một cuộc đời mà lẽ ra Chúa không hề phải
sống. Lạy Chúa, để sống trọn vẹn và tích cực cuộc sống của mình, chúng con chỉ
có một gương mẫu duy nhất và một động lực duy nhất, đó là Chúa, tình yêu tuyệt
đối của chúng con. Xin giúp chúng con luôn trung thành trong tình yêu, để đón
nhận cuộc sống với bao điều trái ý, cuộc sống mà Chúa đã sống trọn vẹn. Amen.
Dấu Lặng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét