Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

ANH CHENH CHO CHO BA SOROLANH [1]



Hưởng ứng lời kêu mời của Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam và được phép của Giám đốc Kinh viện dòng Thánh Gia, tôi đã có cơ hội công tác mục vụ mùa hè năm nay tại Campuchia. Có lẽ đây là một trong những mùa hè thật ý nghĩa và lợi ích đối với tôi. Ý nghĩa vì tôi đã có một tháng hè thuần túy với không sách vở, không một phương tiện giải trí  để tập trung giúp cho các trẻ em Việt Nam sống tại Campuchia. Lợi ích vì tôi không chỉ có dịp giúp bà con Việt kiều ở đó nhưng còn học được những nét sinh hoạt của người dân xứ Chùa tháp nói chung và bà con Việt kiều nói riêng.
Nói đến Kiều bào ở Campuchia là nói đến những người sống chủ yếu trên bờ dọc sông Mêkông. Hầu hết họ không có tư cách pháp nhân, không là công dân Campuchia nên cuộc sống khá nghèo. Họ không có đất nhưng chủ yếu là mướn đất hay sống tạm bợ trên đất của những người khác. Nghề nghiệp chính là ép chai (mua bán ve chai), sửa quạt, ổ khóa, bơm ga,… Do đó, họ rất nghèo về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Còn những người Kiều bào Công giáo lại còn thiếu thốn về đời sống tâm linh. Họ đạo Ván Ép nơi tôi đã công tác là một trong những họ đạo nghèo nhất của giáo hạt Phnôm Pênh. Công việc chính của tôi là dạy tiếng Việt cho các em vào các ngày thường; còn ngày Chúa nhật thì dạy Giáo lý. Ngoài ra, tôi cũng đi thăm một số bà con ở chung quanh họ đạo cũng như những họ đạo khác. Từ đó mới thấy Kiều bào Công giáo khá thiếu thốn về đời sống tâm linh. Với 13 họ đạo nhưng chỉ có một Cha phụ trách nên những họ đạo xa không có thánh lễ vào mỗi Chúa nhật. Từ sự thiếu thốn và thiếu vắng người mục tử như vậy, đưa đến hai thái độ: một là siêng năng tham dự thánh lễ và các việc đạo đức; hai là thờ ơ và nguội lạnh trong đức tin và sống đạo. Chính điều này cần thực sự những người có tâm huyết, lòng quả cảm và khả năng để sống đồng hành với họ giúp tăng trưởng đời sống đức tin và nhân bản.
Sau gần một tháng công tác tại họ đạo Ván Ép (Rong Chak) – cách thủ đô Phnôm Pênh chừng  30 km, thuộc giáo phận Phnôm pênh, tôi đã chia tay với bà con họ đạo này trong tâm tình của những người Kitô hữu và đồng bào Việt nam. Trong buổi chia tay đó, sau lời cám ơn của ông trưởng Ban Hành Giáo và đại diện các em thiếu nhi, tôi đã nói: “Con không chọn họ đạo Ván Ép và chắc có lẽ họ đạo Ván Ép cũng không chọn con. Nhưng chính Chúa đã chọn con đến với họ đạo và chọn họ đạo đến với con. Do đó, chúng ta trước hết hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho chúng ta có cơ hội gặp nhau và hy vọng sau này chúng ta lại có cơ hội gặp nhau nữa…”. Cũng trong buổi chia tay này, tôi được nghe và xem các em múa hát bài “Anh Cho Chenh Chenh Ba Sorolanh”. Qua bài hát này hình như tôi cảm nghiệm được lời mời gọi của Thiên Chúa đến để chia sẻ, đồng hành với Kiều bào ở Campuchia trong tình tương thân tương ái của những người đồng bào và đồng đạo.
Nói tới đây, ngoài việc tạ ơn Thiên Chúa, con cũng cám ơn Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam và Giám đốc Kinh viện dòng Thánh gia đã cho con có cơ hội chia sẻ và học hỏi với bà con Kiều bào ở Campuchia. Xin chân thành cám ơn quý thầy, sơ và các anh chị trong phái đoàn đã đồng hành với tôi trong suốt tháng hè. Cũng gởi lời cám ơn đến bà con, các em thiếu nhi họ đạo Ván Ép đã đón tiếp và  giúp đỡ tôi trong thời gian ở đó. Sau cùng, xin được mượn lời bài hát “Anh Cho Chenh Chenh Ba Sorolanh”, tôi cũng kêu mời những ai “nếu thực sự yêu mến Kiều bào ở Campuchia”, xin hãy đến để đồng chia, đồng sinh và đồng hành trong tình thương của “con người” và “người con” của Chúa. Awkul!!!

Hiệp Bình Phước, ngày 1 tháng 9 năm 2010
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài, FSF


[1] Bài hát của Khmer với đại ý là “Nếu anh yêu em thì xin mời anh hãy vào đây”. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP