Hôm nay, sau bữa điểm tâm với mấy mấy quả trứng luộc em nhà cháu về phòng gác chân lên bàn ngồi ngửa cổ về sau, mắt nhắm lim dim nghe bài hát “Trở Về Cát Bụi”. Đang trong khoảnh khắc sung sướng cái dục vọng như vậy, em nhà cháu có cú điện “thọi”. Vội vã ngưng lại cảm giác sung sướng như Chí Phèo đang ăn bát cháo hành của Thị Nở nấu, em nhà cháu bốc máy: Alo….lo…lo…thì nghe đầu dây bên kia một giọng nam khá vội vã như thể ai nói mất: “Alô, Hoài hả em? Em khỏe không? Anh là D đây?......”
Quá choáng ngợp và ngạc nhiên, sau một chút định thần em nhà cháu dõng dạc hỏi lại: “Dạ, em là Hoài đây, nhưng xin lỗi ai vậy?” Giọng nam trả lời: “Anh là D trước là tu sinh ở chung với em tại công đoàn Hàng Xanh, Tp.hcm đó”. Hóa ra là anh bạn sống chung thời tu sinh với mình thời xưa. Em nhà cháu băn khoăn nay sao “Đại Bàng” ở mãi bên Mỹ gọi điện hỏi thăm “Chim Sẻ”? Anh em lâu ngày không gặp nhau liền tâm sự mọi chuyện cả bên Mỹ lẫn Việt Nam. Cuối cùng, bác nó, với giọng khá trầm và nghiêm nghị, nói: “Chú mày cố gắng tu nhé, anh giờ khổ lắm! Nhiều lúc nhớ về thời gian anh em mình “oanh ít, liệt nhiều” sống với nhau mà muốn rơi nước mắt, anh hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ về Việt Nam thăm chú mày và anh em”. Chặc lưỡi một cái, bác nó thở dài nói tiếp: “Giá như trước đây anh mày cố tu để sướng như chú mày bây giờ!!!!”. Nghe lời tâm sự thiệt chân tình nhưng cũng đáng thương của thằng anh mình, em nhà cháu về phòng mà lòng cứ thơ thẩn thẩn thơ. Em nhà cháu nghĩ: “bà mẹ” hay bác nó hù dọa mình, lúc “sướng” không nói gì giờ khổ lại đưa ra hù dọa anh em.
Quay lại thời gian cách đây khoảng bảy hay tám năm gì đó, em nhà cháu và bác nó cùng sống chung một cộng đoàn dự tu ở Tp.hcm. Nhưng khi sắp ra trường, lý do cho đến nay vẫn nằm trong tranh tối tranh sáng, bác nó xin nghỉ tu. Chỉ sau một thời gian khá ngắn, bác nó lập gia đình với cô bạn học chung đại học. Thiệt tình mà nói, ai trong bọn dự tu còn lại của em nhà cháu cũng mong lấy được một người như vậy nếu nghỉ tu! Nàng ta là con gái út trong gia đình gốc ở Tp.hcm và bố mẹ thì định cư ở Mỹ. Chỉ sau đó chừng mấy năm bác nó cũng qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Tới đây, một vài kẻ nói: “Bác D vậy mà quá ngon, giống chuột sa hũ nếp”. Trong thâm tâm, em nhà cháu đôi lúc cũng nghĩ nếu mình nghỉ tu mà “hên” được như bác nó đây quả là phúc quá!
Ngồi suy tư một lúc rồi lại nhìn lên trần nhà, em nhà cháu mới thấy rằng cuộc đời không phải như mình suy nghĩ. Mình nhìn thấy vậy mà lại không phải vậy! Nhất là khi ta lấy lăng kính của nhà tu để làm thước đo cho hạnh phúc, sung sướng của người đời thì lại càng trật lất. Ngược lại, nếu mấy tay “bố đời”, thầy đời cứ phùng mang trợn mắt đến văng cả nước bọt nói với đứa con mình là đi tu để sướng như mấy ông cha, ông thầy thì thật là sai bét. Lầm to! Chính vì những quan điểm này đã làm nhiều người rơi vào tình trạng “đứng núi này trông núi kia!” Trong bài này, xin bàn luận một chút về “núi” em nhà cháu đang leo, và nhân tiện đá qua ngọn “núi” em nhà cháu đang ngó đôi khi thậm chí cũng muốn nhảy qua!
TÌNH TRỜI
Ai trong chúng ta đều biết rằng hạnh phúc lớn lao nhất của con người là yêu và được yêu. Mục đích tối hậu của con người sống và hoạt động trên cuộc đời này là để tìm hạnh phúc. Do đó, những người chọn Tình-Trời cũng là để tìm hạnh phúc cho cuộc sống mình; không chỉ là hạnh phúc đời này nhưng còn mong muốn hạnh phúc mai sau nữa. Trong đó hạnh phúc đời sau là cùng đích hơn cả. Nghĩa là người đi tu sẽ từ bỏ (trên lý thuyết mà thôi, còn thực tế em nhà cháu không dám nói nhé!) những thứ ở trần đời để “mua” lấy hạnh phúc đời sau. Có thể tạm gọi là họ sẽ hy sinh, hãm mình lạc thú ở đời này để có được hạnh phúc ở đời sau. Dĩ nhiên và ngang nhiên phải hy sinh mới từ bỏ được. Chính vì thế, đôi khi người không đạo Công Giáo bảo mấy người đi tu là những người “ăn cơm nhà vác ngà voi”. Hay hơn nữa họ nói các người đi tu là những người “điên”. Trong khi mọi người cố gắng đạt được tình tiền tài, thì họ lại từ bỏ ba chữa T này. Mà nhìn vào thực tế đôi khi cũng điên thật sao đấy. Người ta thường nói sống không có tình yêu thì khi chết vẫn còn thở. Ai cũng có tình yêu; ai cũng có tình và ai cũng bị tình chi phối như con nhện giăng tơ con người giăng tình. Thế mà những người đi tu lại bỏ chữ tình? Xin thưa không phải là như thế nhưng họ tiếp cận chữ tình theo kiểu khác. Họ sống tình yêu theo một phương thế khác. Nghĩa là không phải họ không biết yêu nhưng ngược lại khéo còn yêu nhiều hơn nữa là đàng khác. Trong một lần nọ, em nhà cháu tham dự một đề tài tìm hiểu về tình yêu, có một tham dự viên đặt câu hỏi: đâu là sự khác biệt căn bản về tình yêu giữa người đi tu và ngoài đời? Em nhà cháu mạnh dạn đứng lên đưa ra một ví dụ hơi thực tế và vui cười như sau: Trong khi người đời chỉ chở một người đi chơi, người đi tu có thể chở nhiều người (không chỉ được một người). Trong khi người đời chỉ yêu được một người, người đi tu có thể yêu nhiều người (nếu chỉ một người là có thể vãi tội ngay!), v.v…
Họ vẫn yêu và vẫn bị tình chi phối nhưng tình yêu này được nâng lên một bậc cao hơn với đối tượng của mình là Thiên Chúa mà nói như các Soeur thường ví “ôi Đức Lang Quân của con!” Cụ thể là họ, với đối tượng tình yêu của mình là Thiên Chúa, chia sẻ tình yêu được thăng hoa đó với những người chung quanh mình. Nói như thế chỉ là trên lý thuyết còn trên thực tế là một chuyện khác hẳn của vấn đề. Thật là khó cho những người đi tu nếu chỉ dùng và suy nghĩ về phương thế tự nhiên để yêu và đi theo người yêu của mình là một Đấng vô hình. Thật vậy, với ngọn núi Tình-Trời này những người đi theo cũng “trần oai, khoai củ” lắm. Sau các dịp lễ lớn khi tất cả mọi người về hết và họ cùng nhau sum vầy bên gia đình, chỉ còn lại mình ta ngồi trong căn phòng trống vắng nhìn vào bức tường mới cảm thấy cô đơn. Nói như thế không phải là quá khó nhưng nếu chỉ với sức người thì khó mà leo ngọn núi này cho chắc và bền lâu. Nhưng cần có ơn của Chúa, qua việc cầu nguyện liên lỉ thì việc chinh phục ngọn núi này sẽ đạt được dẫu biết rằng còn bao khó khăn và vất vả phía trước đang chờ đón.
TÌNH ĐỜI
Các cụ ta thường bảo: đã làm người một là đi tu, hai là phải lập gia đình, không thể trốn tránh nhiệm vụ cao cả này. Cả hai điều này không chỉ là nhiệm vụ cao cả mà còn là mang lại hạnh phúc cho chính đương sự nữa. Như chúng ta thấy, chính vì không tìm được hạnh phúc mà có một số người, sau một thời gian tu, đã hồi tục và lập gia đình. Ở điểm này, có một số giáo dân nói với em nhà cháu: những người đi tu sướng hơn giáo dân ở chỗ là nếu không tu được thì sau khi xuất tu có thể về lập gia đình. Còn như tụi tôi đây coi như là “điếc”, không còn con đường lựa chọn nào khác! Nói về tình yêu là một đề tài muôn thủa. Chúng ta không thể định nghĩa tình yêu vì tình yêu cao hơn trời biển. Chúng ta không thể phân tích tình yêu vì tình yêu không là những bài toán với những con số chính xác. Em nhà cháu đã từng nghe ai nói câu này:
Tình là chi làm người khờ người dại.
Tình là gì mà người lại đuổi theo?
Thật vậy, đôi khi chúng ta không thể hiểu tại sao lại yêu người này mà không yêu nguời kia. Có ít nhất hơn một lần chúng ta trầm trồ, đôi khi cảm thấy bực tức hay tiếc nuối, tại sao thằng này cô kia lại lấy cô này thằng nọ? Trời nhìn nó xấu quá! Già quá!.. Đúng là người ta thường nói: “Con tim có lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu được”. Cái yêu thường đến từ dáng vẻ bên ngoài trước rồi sau đó mới đến từ các đặc tính khác. Do đó, cái đẹp là môi giới cho cái yêu. Nhưng trước tiên cái thích phải xuất hiện trước cái yêu. Đầu tiên là phải “thích”, phải “kết” cái đã, rồi dần dà mới đến cái “yêu”. Nhưng có một điểm khác biệt khá quan trọng giữa “thích” và “yêu”. Thích có thể là thích bất cứ một điểm nào đó của một con người nào đó. Chẳng hạn, tôi thích làn da trắng của cô ta; tôi thích vì cô ấy hát hay hoặc tôi thích anh vì anh vui tính,… Như vậy, chúng ta có thể thích nhiều thứ, nhiều người và chỉ thế mà thôi. Còn với từ yêu là phải yêu tất cả (cả những cái mình không thích) của một người nào đó. Trong một lần dạy giáo lý tân tòng cho một cặp hôn phối nọ, em nhà cháu hỏi cô tân tòng: “Em yêu anh ấy ở điểm nào?” Cô ta suy nghĩ một chút, mỉm cười và trả lời: “Em yêu hết mọi điểm, từ trên đầu xuống tới chân.” Quá đúng! Chúng ta được phép thích răng khểnh của cô ta nhưng chúng ta không được phép chỉ yêu cái răng khểnh mà ghét cái răng sâu. Nhưng đã yêu là phải yêu hết từ cái răng khểnh cho đến cái răng sâu mặc dù ta chẳng thích cái răng sâu tý nào. Đã yêu là phải yêu toàn bộ con người đó bao gồm cả những cái mình không thích, cả những cái xấu. Đó mới là một tình yêu đích thực.
Khi bắt đầu yêu là bắt đầu sống. Sống là một hành trình. Trong hành trình của tình yêu, khi mà cái đẹp của ban đầu không còn nữa cũng như những xung đột xảy ra trong đời sống hôn nhân, chữ “yêu” sẽ dần dà thay thế cho chữ “tình”. Đó mới là một tình yêu đích thực cần phải có. Ngược lại, không phải như một vài kẻ xấu nói rằng: “khi mới yêu nhau người ta sống chết CÓ nhau, nhưng sau một thời gian sống chung với nhau người ta sống chết VỚI nhau”.
Việt nam ta rất hay khi dùng hai chữ “tình yêu”. Trong những giai đoạn đầu của tình yêu người ta thường sống nặng chữ “yêu” hơn chữ “tình”. Nhưng khi đã lập gia đình có con cái, sợi dây vô hình gắn kết họ lại là chữ “tình”. Làm sao ta còn yêu nổi khi cái răng khểnh của nàng đã không còn mà thay thế vào đó là cái răng giả, hay không còn cái răng nào hết. Làm sao ta có thể yêu được khi ông chồng bụng bệ vệ to tướng chứ không còn tướng oai vệ phong độ như xưa. Làm sao tình tứ khi chàng bây giờ đã không còn sở hữu mái tóc bập bềnh lãng tử mà thay vào đó là một sân bay rộng lớn trên đầu! Như vậy, cái còn lại sau khi ta đã mất đi trên hành trình này là chữ “tình”. Tình người, tình bạn, tình tri kỷ,… Chính những cái này ít nhiều sẽ làm cho con người cố gắng sống với nhau để cùng nhau đi hết hành trình tình yêu này.
Tóm lại tình nào cũng vậy với mục đích là để tận hiến cho Chúa qua chức vụ và trách nhiệm của mình. Điều quan trọng là phải chu toàn trách vụ của mình khi đã chọn tình nào. Một khi ta chu toàn trách vụ là khi đó ta đã sống hạnh phúc với cái tình mình đã chọn. Cũng vậy, hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng nên không thể đong đếm được. Cho nên sẽ thật không công bằng và sai lầm khi lấy quan điểm Tình-Đời mà làm thước đo hạnh phúc cho Tình Trời và ngược lại. Ngoài ra, hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là một thời điểm nào đó. Vì là một hành trình nên phải phấn đấu liên tục không ngừng. Trong từng thời điểm của hành trình này có những lúc sẽ gặp thất bại, cô đơn, buồn tủi nhưng nó sẽ giúp chúng ta quý trọng và phấn đấu hơn. Nghĩa là chúng ta nên nhận thấy được tầng ý nghĩa phía sau những sự kiện đó để rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình sau này. Và quan trọng hơn cả, là những người có niềm tin vào Thiên Chúa; là những người đi theo Chúa, luôn cố gắng cầu nguyện với Chúa. Thật vất vả uổng công nếu không có Chúa.
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài
0 nhận xét:
Đăng nhận xét