Âu Phủ
1. Khái quát về nhu cầu của con người và đòi hỏi về sự thích ứng
1.1 Khát vọng chân lý và sự sống viên mãn
Những gì đã và đang diễn ra trong cuộc đời của con người, trước mắt của chúng ta, là cả một thế giới diệu kỳ. Trong thế giới với muôn vàn sự kiện và hiện tượng đó, chỉ một hiện tượng tầm thường và đơn giản mà mỗi người đều có thể bắt gặp hàng ngày, nếu được chiêm ngưỡng một giây lát, thì nó cũng đủ làm cho chúng ta say đắm và ngây ngất.
Một dòng sông nhỏ chảy ngang qua một khu làng quê hoặc nằm giữa một thành phố lớn cũng đã là một kiệt tác với muôn vàn ý nghĩa. Nó là nơi chứa đựng những rác rưởi và dơ bẩn. Nó cũng là nguồn thông thương cho tàu bè qua lại. Nó chuyên chở phù sa cho đồng ruộng và vườn tược. Nó mang lại tôm cá cho người chài lưới. Nó làm nên ký ức trong lòng người đa tình. Nếu người này nhìn xuống dòng sông, chỉ thấy những rác rưởi; thì người kia có thể nhìn thấy một bầu trời xanh với mây trắng và ánh mặt trời rạng rỡ được phản chiếu dưới lòng sông. Nếu người này nhìn thấy những sinh hoạt đang diễn ra nơi dòng sông, thì người kia có thể thấy một thế giới ký ức của tuổi thơ, của tuổi lứa đôi, hoặc của những trăn trở một thời bên dòng sông. Cứ như thế, có biết bao ý nghĩa từ một dòng sông, một hiện tượng tầm thường mà con người đã quá quen thuộc.
Cuộc sống chìm đắm trong biết bao sự diệu kỳ của những hiện tượng và sự kiện như thế: sự diệu kỳ của một bông hoa mỏng manh, của những vì sao lấp lánh, của mặt trời hùng vỹ, của tình người bao la, của sự sống huyền nhiệm, và sự vô tận của những huyền nhiệm. Sự diệu kỳ của cuộc sống không chỉ diệu kỳ với những hiện tượng đang có, mà còn diệu kỳ hơn nữa với những gì sắp và có thể xảy ra, với những gì mà con người không thể tiên đoán được.
Cuộc sống thật diệu kỳ, nhưng sự diệu kỳ của cuộc sống không xa cách và tách biệt với con người. Ngược lại, con người không chỉ có khả năng chiêm ngưỡng và đón nhận sự diệu kỳ của cuộc sống vào nơi bản thân mình, mà còn có khả năng đặt mình vào dòng chảy của huyền nhiệm, khả năng thông phần và biến mình thành một diệu kỳ, và khả năng làm nên sự diệu kỳ.
Nếu một chiếc máy bay đã bay trên bầu trời thời trung cổ, thì cả thế giới của thời đại ấy sẽ không khỏi kinh ngạc. Nếu người cổ đại ngồi nghe radio hoặc xem tivi, thì sẽ không khỏi thắc mắc vì sao người ta lại có thể chui vào và sống nổi trong một cái hộp nhỏ như thế. Khoa học tự nhiên đã mang lại biết bao những thành quả tốt đẹp phục vụ cho điều kiện sống của con người, thì khoa học xã hội cũng đã góp phần lớn lao vào việc xây dựng nhận thức về con người, xây dựng lối sống lành mạnh của cá nhân, và hình thành những cơ cấu tổ chức xã hội công bằng, văn minh và hạnh phúc như ngày nay. Khả năng của con người đối với con người đã là một sự diệu kỳ.
Sự diệu kỳ của khả nămg tìm kiếm và làm nên sự diệu kỳ, như vậy, đã được đặt sẵn nơi con người. Nói một cách khác, con người được mời gọi chiêm ngưỡng, tham gia, và làm nên sự kỳ diệu ngay khi con người được hình thành.
Tuy nhiên, có khả năng tìm kiếm, khám phá, và sáng tạo, con người đừng lầm tưởng hoặc tự kiêu rằng mình là chủ và là chúa tể của thế giới. Nên nhớ rằng, con người chỉ là một trong muôn vàn sự kỳ diệu, và chính bản thân con người cũng được sinh ra trong sự kỳ diệu. Khoa học của sự sáng tạo được phát triển vì nơi con người được đặt sẵn sự kỳ diệu của khả năng sáng tạo, vì con người được mời gọi tham gia vào chương trình kỳ diệu của thế giới. Bản thân con người là một sự kỳ diệu, nên con người luôn có thôi thúc và nhu cầu tham gia và tham gia một cách tích cực vào quá trình làm nên sự diệu kỳ của thế giới, chứ không phải con người là chủ của thế giới.
Không chỉ dừng lại ở những gì có thể sờ mó cân đo đong đếm được, con người còn có khát vọng vươn tới cái “nguyên lý” tối hậu của cuộc sống, đó là chân lý và sự sống vĩnh hằng. Có thể nói, đây là sự kỳ diệu nhất và phổ quát nhất. Nó phổ quát vì nó không chỉ cao hơn, mà còn bao gồm tất cả các sự kỳ diệu khác. Con người có thể cảm nghiệm được sự kỳ diệu của sự sống viên mãn qua ba sắc thái cao nhất của đời sống tâm linh: Niềm Tin, Hy Vọng, và Tình Yêu (1 Cor 13,13).
Sự trọn vẹn của cuộc sống, sự kỳ diệu cao nhất và bao gồm tất cả các sự kỳ diệu, có thể được tóm tắt như sau: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình của Người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Thử hình dung, nếu thế giới không có tình yêu, thì đó là thế giới chết. Như vậy, chính nơi tình yêu phát xuất ra muôn điều kỳ diệu; và cội nguồn của tình yêu trọn vẹn chính là chân lý và sự sống viên mãn. Cho dù con người có muốn chối bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế, thì con người cũng khó có thể xua tan đi tiếng lòng mời gọi yêu thương—hương vị của sự sống viên mãn.
Chân lý và sự sống viên mãn này không nằm trong trải nghiệm trực tiếp của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhưng là trải nhiệm trong đời sống tâm linh, đời sống tôn giáo. Như vậy, cũng như nhu cầu về tìm kiếm, khám phá và phát minh trong khoa học tự nhiên và xã hội, con người cũng có sự thôi thúc và nhu cầu tham gia một cách tích cực vào sự kỳ diệu của sự sống viên mãn qua tôn giáo.
Lưu ý rằng, đời sống sinh lý, đời sống tâm lý xã hội, và đời sống tâm linh không loại trừ lẫn nhau, nhưng là hợp nhất và bổ túc cho nhau để tạo nên một thực tế: đó là đời sống của con người. Đối với Công giáo, người tín hữu tham gia vào sự sống viên mãn bằng một đời sống với ba sắc thái chính: phụng tự, loan báo Tin Mừng, và phục vụ.
1.2 Sự thay đổi và phát triển không ngừng của điều kiện sống
Logic trong khoa học có tính bất biến và có thể được suy luận bởi trí óc con người. Ví dụ, 1+1=2. Đây là logic của toán hoc. Trong sinh học, khi một con thú hoặc một loài thú được quan sát trong một điều kiện sống cụ thể, thì những hành vi và sự tồn vong của chúng có thể được biết trước bởi các nhà khoa học. Ngay cả đối với con người, thì những hành vi cũng có thể được lý giải bởi các nhà tâm lý.
Vì tính bất biến cao và có thể được suy luận theo một nguyên tắc nhất định, nên logic khoa học được xem như là chân lý của thế giới tự nhiên. Chính vì con người có khả năng nắm bắt được nguyên lý của tự nhiên, nên nhiều người đã tuyên bố rằng con người là chủ của thế giới. Chính vì thế giới có những nguyên tắc tự nhiên của nó, nên đối với nhiều người, thế giới dường như chỉ là những nguyên lý lạnh lùng, không sinh khí và vô nghĩa mà thôi.
Tuy nhiên, logic mà con người nắm bắt được trong khoa học không thật sự tuyệt đối. Chẳng hạn, theo logic của vật lý thì nước sôi ở 100°C, nhưng nếu nó được nấu ở dưới vực sâu hay trên đỉnh núi cao thì nhiệt độ sôi có thể là thấp hơn hoặc cao hơn 100°C. Trong toán học: 1+1=2, nhưng trong thực tiễn cuộc sống: 1+1=X (bằng bao nhiêu thì chẳng ai biết). Nếu 1+1=2 là một chân lý, thì nó chỉ là một chân lý không sinh khí, một chân lý chết và vô nghĩa.
Thực chất, những logic này chỉ là những cách diễn đạt hoặc phương tiện để sự sống viên mãn được tỏ lộ. Những kiến thức khoa học không hoàn toàn vô nghĩa, nhưng đồng thời nó cũng không là chân lý tối hậu để con người tôn thờ. Có thể nói, kiến thức khoa học có giá trị thật sự khi nó giúp con người hướng về chân lý và sự sống viên mãn trong khi con người đang sống trong những hoàn cảnh cụ thể, trong những điều kiện sống giới hạn và luôn thay đổi.
Lấy một ví dụ đơn giản, trong cuộc sống của tôi, về phương diện gia đình và ở thời điểm hiện tại, một + một = mười một. Thật vậy, Bố tôi (1) + Mẹ tôi (1) = Gia đình tôi gồm mười một người (11). Nếu theo thời gian, các anh chị em của tôi lập gia đình và sinh ra các cháu, thì một cộng với một kia sẽ bằng bao nhiêu tôi cũng không biết nữa. Như vậy, nếu diễn đạt một cách nôm na hình tượng theo công thức toán học thì: 1+1=♥ (một + một = tình yêu/ sự sống viên mãn). Khoa học giúp con người có khái niệm về cuộc sống, biết trân trọng sự sống và biết hướng về sự sống viên mãn.
Sự sống không mất đi và cũng không sơ cứng, nhưng biểu hiện của sự sống thì muôn màu muôn vẻ và hiện diện một cách huyền nhiệm. Khoa học không làm chủ, nhưng là một công cụ phục vụ cho sự sống và đồng thời giúp con người biết hướng về sự thật giữa muôn sự phù phiếm, biết nếm trải sự sống viên mãn ngay giữa thế giới đổi thay và mau qua.
Nếu nói về logic hoặc ngôn ngữ của xã hội loài người, thì nó cũng hết sức phức tạp và biến hóa khôn lường. Các thời đại khác nhau đều có những cấu trúc xã hội khác nhau; và trong mỗi cấu trúc xã hội, lại có những kiểu liên hệ xã hội khác nhau. Trong cùng một thời đại, các dân tộc hoặc quốc gia khác nhau lại có những cơ cấu xã hội khác nhau. Ngay đối với một con người cụ thể, thì cũng có một ngôn ngữ liên hệ hết sức phức tạp. Mỗi người đều có những mối liên hệ khác nhau đối với từng đối tượng khác nhau; và trong một liên hệ tới một đối tượng nhưng trong những hoàn cảnh hoặc thời điểm khác nhau lại có những sắc thái khác nhau. Người này đối với người kia là anh hùng hoặc là người đáng yêu, nhưng đối vời người khác thì có thể lại là tội đồ hoặc đáng ghét.
Những thay đổi của xã hội loài người không nói lên rằng xã hội hoàn toàn hỗn loạn, nhưng nói lên rằng xã hội đang tiến triển theo một logic nhất định. Biến hóa nhưng không loại trừ nguyên tắc; thay đổi nhưng không loại trừ nguồn gốc. Những thay đổi của xã hội cũng không nói lên rằng mọi hiện tượng hoặc sự kiện diễn ra đều vô nghĩa, nhưng nói lên rằng con người cần đối thoại để khám phá và xây dựng ý nghĩa của cuộc đời cho chính mình và đồng thời cũng là cho cả nhân loại.
Điều kiện sống của con người thay đổi và phát triển không ngừng, không chỉ vì môi trường tự nhiên thay đổi, nhưng chính yếu là vì con người có khả năng sáng tạo và làm nên sự thay đổi của điều kiện sống gồm môi trường và các liên kết xã hội. Đồng thời với khả năng sáng tạo là khả năng thích nghi. Tất cả những gì do con người lao động và sáng tạo nên đều nằm trong sự liên đới mật thiết với con người, đặc biệt là với người làm ra chúng. Ngay trong quá trình sáng tạo thì đã có sự thích nghi rồi. Những gì mới được tạo ra không phải là những gì xa lạ, nhưng rất gần và là một phần của người tạo ra chúng.
Vì sao một số người nông dân ở một số quốc gia nghèo còn xa lạ với máy vi tính? Vì sao chúng ta còn xa lạ với những công trình hiện đại? Vì chúng ta có một khoảng cách về trình độ sáng tạo và thích nghi so với những người khác. Để khỏi trở thành những con người xa lạ với thế giới hiện đại, chúng ta cần phải làm quen và thích nghi với máy tính cũng như những phương tiện hiện đại khác. Hơn thế nữa, để cùng song hành với những nhịp bước phát triển, mọi người còn cần phải sáng tạo và tham gia các hoạt động sáng tạo đương thời.
Khác với các loài vật khác, con người được đặt trong một môi trường luôn phát triển và biến đổi không ngừng. Sự biến đổi và phát triển của điều kiện sống không chỉ là một thách đố, nhưng còn là một nhu cầu của con người, vì con người có khả năng sáng tạo và được mời gọi tham dự vào sự sống viên mãn. Vì con người sống động và hướng tới sự sống viên mãn, nên tất cả những gì liên quan đến con người cũng đều có sức sống và năng động, chứ không khô cứng và bất động. Như con người có được sự sống muôn đời và viên mãn vì được đặt trong sự liên hệ mật thiết với Thiên Chúa—Đấng Hằng Hữu—, thì các sự vật khác như dòng sông, bông hoa, trăng sao, điều kiện sống và các sản phẩm do con người làm ra, cũng có sức sống và sinh động, vì chúng nằm trong sự liên hệ mật thiết với con người—loài thụ tạo mang hình ảnh của Đấng Hằng Hữu. Những gì có sức sống và sinh động thì không khô cứng hay ù lỳ, nhưng luôn biến đổi và phát triển.
1.3 Giáo lý: sự thích ứng của việc học hỏi chân lý và thể hiệc lẽ sống
Trong khi con người luôn khát khao về sự sống viên mãn, thì những gì con người đang trải nghiệm và phải đối diện lại là những thay đổi và bất định. Sự thay đổi và bất định của đời sống con người cho thấy rằng, chân lý và sự sống viên mãn không nằm trong lòng bàn tay con người, nhưng là vượt trên con người. Mặt khác, tuy cuộc sống bất định và mỏng giòn, nhưng lại có hương vị của sự sống bất diệt và viên mãn: đó là niềm tin, hy vọng, và tình yêu. Những hương vị này đã được đặt sẵn nơi bản năng sinh tồn của con người. Tin tưởng lẫn nhau để có được bình an. Hy vọng vào ngày mai tốt đẹp để có thêm nghị lực. Yêu thương muôn loài để có được niềm vui và ý nghĩa. Những hương vị này nói lên rằng con người đang được mời gọi để thăng hoa chính mình và thông phần vào sự sống hằng hữu viên mãn.
Nếu chỉ dựa vào hương vị được khắc sâu trong bản năng, thì con người, tuy nhận biết rằng có sự sống viên mãn, cũng chẳng biết phải sống và đáp trả sự sống đó như thế nào, vì chân lý và sự sống viên mãn luôn vượt trên con người. Nhưng, như mạc khải mà chúng ta đã được đón nhận qua Chúa Giê-su, chúng ta đã được biết rằng, chúng ta không chỉ được yêu thương, mà còn được mời gọi thông phần vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa, và chúng ta được ban ân sủng để cộng tác vào công trình yêu thương của Ngài. Qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, từ các Tông đồ, Giáo hội đã được đón nhận và được ủy thác việc làm chứng cho mạc khải, làm sống động mạc khải bằng việc sống mầu nhiệm những gì được mạc khải.
Những gì được mạc khải, Giáo hội đã cố gắng gìn giữ và duy trì trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Để Thánh Kinh và Thánh Truyền không là những “viện bảo tàng” cất giữ những đồ cổ, những thứ của quá khứ, nhưng là nguồn sức sống cho con người thời hiện tại, bên cạnh việc sống chứng tá và sống mầu nhiệm các bí tích, Giáo hội còn truyền đạt Thánh Kinh và Thánh Truyền qua ngôn ngữ, cách trình bày và những giải thích bình dân, thích hợp với mọi người trong hoàn cảnh hiện tại: đó là giáo lý.
Như vậy, Giáo lý là sự truyền đạt và học hỏi về chân lý được cảm nghiệm và được mạc khải; và như tính thích ứng của con người, sự tìm kiếm và học hỏi về chân lý cũng là lẽ sống của con người. Giáo lý nhằm làm sống động và thích nghi chân lý được mạc khải vào một hoàn cảnh và một môi trường cụ thể. Tuy nhiên, hoàn cảnh và môi trường sống của con người thì thay đổi và phát triển không ngừng. Để thích ứng với một hoàn cảnh cụ thể, thì giáo lý cũng cần năng động và có tính sáng tạo.
Nhìn vào thực trạng giáo lý hôm nay, theo thiển nghĩ nhưng liều lĩnh dám nói, người viết cho rằng, chương trình và hoạt động giảng dạy giáo lý mà chúng ta đang thực hiện hôm nay không phù hợp cho lắm đối với xã hội đương thời, có thể nói là khá cổ hủ. Nếu nói một cách hình tượng thì giáo lý hiện tại giống như một người Trung Cổ—có lối ăn mặc, hành xử và suy nghĩ của thời Trung Cổ—đang đi giữa xã hội hiện đại với một thái độ lạ lẫm và xa lạ. Đối với xã hội đương thời, khi nhìn vào giáo lý, có lẽ nó chẳng nhìn nhận giáo lý như một người trong hoạt động đối tác của sinh hoạt đời sống hàng ngày, nhưng chỉ như là một người nghệ sỹ đang diễn và nhắc nhớ về những thời đại đã qua trong lịch sử.
Những gì được nói ở trên có thái quá hay không? Nếu có chỉ trích, thì cũng xin hãy kiên nhẫn thêm một chút nữa, để chúng ta có thể cùng tìm hiểu thêm về giáo lý và thực trạng phù hợp giữa giáo lý và xã hội hôm nay.
2. Sơ lược về giáo lý qua các thời đại: bền vững và thay đổi
2.1 Khái quát về giáo lý
Giáo lý có thể được hiểu một cách khái quát là sự giáo dục về đức tin của một tôn giáo nhất định, bao gồm hệ thống lý thuyết cần phải tin và những hành vi thực tiễn cần phải thi hành. Trong giáo dục tôn giáo, điều tin và việc thi hành không tách rời nhau, nhưng luôn hỗ trợ và đồng thời giúp con người trưởng thành hơn trong đức tin. Giáo lý không chỉ là điều tin, nhưng còn là sự sống và điều phải làm. Đối với tín hữu Công giáo—người huấn giáo cũng như người thụ giáo—, giáo lý không gì hơn là nhắm vào sự lớn lên trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa bằng việc trở nên môn đệ trung tín của Chúa Giê-su nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Giáo lý Công giáo không là những điều do con người nghĩ ra và áp đặt trên người khác, nhưng là lẽ sống được trao ban và đã được mạc khải:
“Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).
Khi nói đến giáo lý, ta không chỉ hình dung đến một hệ thống những điều phải tin, được biên soạn và được trình bày qua hình thức nói (truyền miệng) hoặc viết (sách), nhưng nó còn bao hàm cả một quá trình giảng dạy và truyền đạt.
Nếu được hiểu là những gì phải tin, thì
“Giáo lý là một bản tóm tắt hoặc sự trình bày có tính chất giáo huấn, được sử dụng trong truyền thống giáo dục Thiên Chúa giáo từ thời Tân Ước cho đến hiện nay”.[1]
Nếu được hiểu như là việc giảng dạy về niềm tin, thì
“Việc dạy giáo lý là một hoạt động giáo dục về niềm tin dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn; là hoạt động bao gồm một cách đặc biệt việc dạy về học thuyết Thiên Chúa giáo—giáo huấn đã được giáo quyền phê chuẩn—, nói một cách khái quát, nghĩa là theo một cách thức có tính hệ thống và tổ chức, với mục đích là mang người nghe đến sự trọn vẹn của đời sống Ki-tô hữu”. (Giáo lý Công Giáo, 5)[2]
Khi nói đến giáo lý, ta cũng không quên rằng, nó chỉ là một hình thức trong sứ vụ về lời Chúa, và nó không hoàn toàn độc lập nhưng luôn gắn bó mật thiết với các hình thức khác. Có thể nhận biết bốn hình thức chính của sứ vụ về lời Chúa. (1) Trước tiên, đó là việc rao giảng Tin Mừng. Hình thức này khơi dậy niềm tin (cf. CD, 11, 13; AG, 6, 13, 14), từ đó người đón nhận sẽ giữ lấy lời Chúa trong cuộc đời mình. (2) Kế đến, đó là hình thức giáo lý. (3) Kế đến nữa, đó là hình thức phụng tự, nằm trong khuân khổ của phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh Lễ (chẳng hạn như bài giảng trong thánh lễ) (cf. SC, 33, 52; Inter Oecum. 54). (4) Sau cùng, đó là thần học, một hệ thống nghiên cứu một cách khoa học về những sự thật về đức tin. Mặc dù có sự phân biệt, nhưng trong thực tế, các hình thức này đều hòa quyện vào nhau một cách chặt chẽ.[3]
“Một chương trình giáo lý phù hợp cho hôm nay” mà chúng ta đề cập đến trong bài viết này, tuy cũng bao gồm cả nội dung truyền đạt và hoạt động truyền đạt, nhưng chỉ hoạt động truyền đạt được ám chỉ và nhắm đến. Nội dung truyền đạt trong chương trình giáo lý mà chúng ta tìm kiếm ở đây không có bất cứ điều gì mới lạ, nhưng nhất quán vẫn là những gì được giáo huấn và chuẩn nhận bởi Giáo hội Công Giáo. Nói một cách khác, cái mà chúng ta tìm kiếm không phải là một đức tin mới vào một chân lý mới, nhưng là một đức tin tông truyền được sống động trong hoàn cảnh hiện tại qua việc giảng dạy giáo lý một cách linh động, sáng tạo, và có sự liên hệ mật thiết với tất cả các hình thức khác của sứ vụ về lời Chúa và lối sống Ki-tô giáo.
2.2 Giáo lý bền vững qua các thời đại (nội dung, mục đích và ý nghĩa)
Ở mọi nơi và qua mọi thời đại, giáo lý Công giáo chỉ có một nội dung duy nhất, đó là sự nhận biết về Thiên Chúa Cha qua sự mạc khải của Chúa Giê-su nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần. Sách “Giáo lý Công giáo” xác định nội dung của giáo lý như sau:
“Ở trọng tâm của giáo lý, chúng ta tìm kiếm, theo như bản chất, một Người, đó là Đức Giê-su Nazareth, Con Một của Thiên Chúa Cha… người đã chịu khổ hình và chết vì chúng ta và người hiện nay, sau khi phục sinh, đang sống với chúng ta. Việc dạy giáo lý là việc giới thiệu Con Người của Đức Ki-tô, một Con Người thể hiện trọn vẹn về Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi để học biết về ý nghĩa của những hành động, lời nói, và những dấu chỉ mà Đức Ki-tô đã thực hiện. Giáo lý nhằm vào việc mang con người vào liên hệ với Chúa Giê-su Ki-tô: chỉ Người mới có thể dẫn dắt chúng ta đến nhận biết và yêu thương Thiên Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần và làm cho chúng ta được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.”[4]
Nội dung này được thể hiện qua kinh Tin Kính, qua việc tuyên xưng đức tin của Giáo hội trong các nghi thức phụng vụ. Trong thần học, chúng ta có thể gọi đó là những tín điều. Những gì được xem là chân lý và phải tin thì không hề thay đồi và luôn được duy trì cùng với sự hướng dẫn của thẩm quyền Giáo hội, như được quy định trong Giáo luật 1983, số 750.
Như vậy, giáo lý có một đối tượng nhất định và có tính hạn định (có tính hạn định chứ không phải là có hạn định). Tuy nhiên, giáo lý không chỉ dừng ở nhận thức, nhưng chính yếu là vươn tới sự sống. Sự sống thì không thể quy định, mà chỉ có thể hướng tới. Chính vì thế, giáo lý không chỉ là một học thuyết, nhưng chính yếu còn là một lẽ sống: nó truyền tải và hướng về sự sống. Sự sống hiện tại thì ngắn ngủi và con người không ai vượt qua được cái chết. Hiện tại, con người chỉ có thể hướng về và cảm nhận sự sống viên mãn qua niềm tin. Giáo lý nhằm vào một mục tiêu duy nhất và không đổi, đó là “làm gia tăng đức tin và đời sống đạo đức, và đó là làm triển nở mối giao hòa gắn bó với Thiên Chúa và tha nhân.”[5]
Giáo lý có thể mang lại sự sống, thì tất nhiên nó phải có nguồn gốc từ Đấng Hằng Hữu. Đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy tiên tri Isaia có một miêu tả thú vị về lời của Thiên Chúa: lời của Đấng Hằng Sống mang lại sự sống “như mưa và tuyết tuôn đổ từ trời cao, và không trở về trời cho đến khi đã tưới gội mặt đất, mang lại sự sinh sôi nảy nở và đơm hoa kết trái, mang lại hạt giống cho người gieo trồng và bánh ăn cho con người.” (Is 55,10) Chẳng cần phải nói thêm thì chúng ta cũng biết rằng, tìm hiểu về giáo lý thì cũng là lắng nghe lời Chúa và đón nhận giáo lý cũng chính là đón nhận sự sống vậy. Qua muôn thế hệ và trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa vẫn đang nói với con người và mời gọi con người đáp trả tiếng của Người.
2.3 Giáo lý thay đổi qua các thời đại (khái niệm, vai trò và phương pháp)
Cùng một nội dung nhưng có thể được trình bày bằng nhiều hình thức khác nhau, sao cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận và hoàn cảnh cụ thể. Cũng vậy, giáo lý truyền đạt một nội dung, nhưng để có tính hiệu quả cao, thì cách thức truyền đạt phải có sự phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh tiếp nhận. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, đã có biết bao thay đổi và phát triển, và giáo lý cũng đã trải qua biết bao sự chuyển mình. Từ việc nhìn lại những thay đổi và phát triển của giáo lý, may ra chúng ta học được một điều quý giá nào đó, để có thể góp phần làm cho giáo lý tiếp tục được phát triển.
Vào thời kỳ các Tông đồ, khái niệm “giáo lý” chưa có một ý nghĩa chuyên biệt, mà chỉ bao hàm nghĩa khái quát: nó có tính truyền miệng và nó là sự truyền đạt lại những gì đã được nhận lãnh. Bản thân Tân Ước là một chương trình giáo lý (The NT itself is a catechesis). Sang thế kỷ thứ hai và ba, khái niệm “giáo lý” với một ý nghĩa chuyên biệt bắt đầu được hình thành. Hippolytus sử dụng khái niệm “giáo lý” cho việc chuẩn bị những người dự tòng cho Bí tích Rửa tội (Traditio Apostolica, 17; cf. Constitutiones Apostolicae, VIII). Thời Trung cổ, khái niệm “giáo lý” được hiểu như là việc hướng dẫn đức tin dành cho trẻ em. Sau khi Luther xuất bản sách giáo lý của Tin Lành, sách có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt đối với trẻ em và những người bình dân, năm 1529, thì các sách giáo lý được chú trọng. Trước Luther đã có một số sách giáo lý được xuất bản, và sau Luther sách giáo lý của Công giáo được chú trọng và xuất bản nhiều hơn, trong đó đáng chú ý là sách “Giáo lý Công giáo Roma của Công đồng Trento” (Catechismus Romanus) (1566). Khi đó khái niệm “giáo lý” được hiểu là đồng nhất với “Sách Giáo lý”. Sau ba thế kỷ, sự đồng nhất này đã thể hiện sự bất cập lớn trong việc làm triển nở và sống động lời hằng sống trong cộng đoàn người tín hữu, vì giáo lý được hiểu không hơn kém là một sách giáo lý. Ngày nay, đang có sự cố gắng đặt giáo lý trở lại vị trí thích đáng của nó, đó là trình bày lời Chúa như là lời hằng sống và sống động.[6]
Vâng lệnh truyền của Chúa Giê-su, chính các Tông đồ là người thực hiện việc giảng dạy giáo lý. Việc giảng dạy giáo lý được thực hiện đồng thời với việc loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Việc giảng dạy của các ngài được miêu tả ngay trong các sách Tân Ước. Trong sách Công vụ Tông đồ, A-pô-lô được tường thuật là “giảng dạy [katechemenos, edoctus] chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su” (Cv 18:25). Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, Giáo lý mà Phao-lô giảng dạy không xa lạ nhưng là dễ hiểu. Phao-lô viết, “Nhưng trong cộng đoàn, thà tôi nói dăm ba tiếng có thể hiểu được để dạy dỗ [katecheso, instruam][7] kẻ khác, còn hơn là nói hàng vạn lời bằng tiếng lạ” (1 Cr 14,19). Khi các Tông đồ dần chết đi, nhu cầu duy trì đức tin Tông truyền trở nên bức thiết, thì các sách Tân Ước chính là những sách giáo lý đầu tiên có tính chất giáo huấn về đức tin, tồn tại song song với các truyền thống nơi những cộng đoàn tín hữu.
Trong thời kỳ bắt bớ, dè chừng trong việc đón nhận những thành viên mới vào Giáo hội là cần thiết. Nguy cơ bỏ đạo và thậm chí phản bội là rất nhiều, nên cần có sự giáo dục kỹ lưỡng cả về tín lý và luân lý. Giáo lý cho người dự tòng vào thời kỳ này là hết sức quan trọng. Người có trách nhiệm chính và trực tiếp là các Giám mục. Người xin vào đạo không được ban Bí tích Rửa tội lập tức như trong thời các Tông đồ, nhưng phải qua một thời gian dài dưới sự đào luyện về giáo lý, và phải trải qua nhiều giai đoạn thì mới được đón nhận Bí tích Rửa tội.[8]
Khi thời kỳ bắt bớ đạo đã qua và Thiên Chúa giáo trở thành quốc giáo của đế quốc Roma, thì giáo lý lại giữ một vai trò mới, đó là giáo dục đức tin cho trẻ em. Trẻ em không chỉ được giáo dục về đức tin tại gia đình, mà còn được giáo dục qua các chương trình sinh hoạt của nhà thờ. Cũng trong thời gian này, nhiều người xâm lược ngoại giáo gia nhập đạo. Việc làm cho họ ý thức và từ bỏ việc thờ cúng ngẫu tượng là cần thiết.[9]
Theo một số nhận xét, việc giáo dục đức tin tôn giáo bị lãng quên trong thời kỳ Trung Cổ, thời kỳ được xem là thời kỳ của đức tin. Đó thật là một nghịch lý! Và theo họ, những người Tin Lành là những người khôi phục lại việc giáo dục đức tin như thời Giáo hội sơ khai. Ngược lại, một số nhận xét khác lại cho rằng, việc giáo dục đức tin tôn giáo thời kỳ Trung Cổ không hề bị lãng quên, mà ngược lại được chú trọng và được giao một cách đặc biệt cho các cha xứ. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, có thể nói rằng, giáo dục tôn giáo thời Trung Cổ thiên về dạy luật của Giáo hội nhiều hơn là về lời Chúa.
Khi công nghệ in ấn được phát minh và thịnh hành, nhiều sách Giáo lý được xuất bản và chúng giữ một vai trò quan trọng trong việc giáo dục đức tin. Ngày nay, sách giáo lý vẫn rất quan trọng. Chúng được soạn thảo một cách khoa học, thích ứng với các lứa tuổi, tâm lý và trình độ. Kèm theo những nội dung được soạn thảo kỹ lưỡng là những hướng dẫn sư phạm thích hợp với các đối tượng và hoàn cảnh. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, giáo lý không chỉ giới hạn ở sách giáo lý, nhưng còn liên quan và gắn liền một cách quan trọng hơn đến hoạt động truyền đạt và giáo dục giáo lý. Nói một cách cụ thể hơn, đó là đời sống giáo lý hoặc đời sống tận hiến cho Tin Mừng của người truyền đạt lẫn người thụ giáo, chứ không chỉ đơn thuần là việc trao đổi kiến thức. Vì tầm quan trọng của sinh hoạt và đời sống giáo lý, một hình thức sứ vụ về lời Chúa, nên vai trò của các giáo lý viên ngày càng được đánh giá cao. Một giáo lý viên là một người sống và tận tâm phục vụ một cách đặc biệt cho giáo dục đức tin, cho sinh hoạt và trau dồi Giáo lý, vì vậy, có thể là một Giám mục, hoặc là một Linh mục, hoặc một tu sỹ nam/ nữ, và cũng có thể là một giáo dân.
Về phương pháp, thật là khó nói hết về những phương pháp đã được vận dụng, nhưng chúng ta có thể khái quát như sau: Trước kia, các phương pháp chú trọng đến việc học thuộc lòng; ngày nay thì chú trọng nhiều hơn vào sự hiểu biết và khả năng nắm bắt các khía cạnh của vấn đề.
Qua việc khái quát về giáo lý, những giá trị không thay đổi và những biến đổi của nó, bài viết này muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo lý—sứ vụ về lời Chúa và sự quan tâm về sự triển nở của đời sống đức tin—và sự đòi hỏi về sự thích ứng của giáo lý trong những hoàn cảnh cụ thể. Một khi đã nhận định được tầm quan trọng của giáo lý, việc làm kế tiếp của chúng ta là: tìm hiểu về xã hội hôm nay và làm sống dậy giáo lý một cách thức thời với hoàn cảnh xã hội.
(còn tiếp)
[1] http://encyclopedia.thefreedictionary.com/catechism. (Nguyên văn: “A catechism (κατηχισμός in Greek) is a summary or exposition of doctrine, traditionally used in Christian religious teaching from New Testament times to the present.”), truy cập ngày 23/4/2009
[2] Catechism of the Catholic Church, 5. (Nguyên văn: "Catechesis is an education in the faith of children, young people and adults which includes especially the teaching of Christian doctrine imparted, generally speaking, in an organic and systematic way, with a view to initiating the hearers into the fullness of Christian life.")
[3] Sacred Congregation for the Clergy, General Catechetical Directory, 17
[4] Catechism of the Catholic Church, 426. (Nguyên văn: “At the heart of catechesis we find, in essence, a Person, the Person of Jesus of Nazareth, the only Son from the Father ... who suffered and died for us and who now, after rising, is living with us forever. To catechize is to reveal in the Person of Christ the whole of God’s eternal design reaching fulfillment in that Person. It is to seek to understand the meaning of Christ’s actions and words and of the signs worked by him. Catechesis aims at putting people ... in communion ... with Jesus Christ: only he can lead us to the love of the Father in the Spirit and make us share in the life of the Holy Trinity.”)
[5] Sacred Congregation for the Clergy, General Catechetical Directory, 104. (Nguyên văn: “must pertain to the growth of faith and morality among Christians and to a strengthening of their relationships with God and neighbor.”)
[6] Jacques Audinet, “Catechesis”, in Encyclopedia of Theology: A Concise Sacramentum Mundi, ed. Karl Rahner (Mumbai: St Pauls, 2004), 173-175.
[7] Trích theo http://www.newadvent.org/cathen/05075b.htm, truy cập ngày 23/4/2009 .
[9] Như trên, (5).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét