Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Dửng dưng với “Cám ơn” và “Xin lỗi!?”


Thực tế ấy đang được áp dụng cho nhiều người và nhiều thành phần xã hội. Đúng ra nó phải được áp dụng mọi lúc mọi nơi khi có mặt con người ở nơi mình làm việc, nhưng “cám ơn” và “xin lỗi” dường như nó đã không được coi trọng và sử dụng như là một thói quen tốt của người Việt Nam. Ngay cả trong giáo dục cũng thế, các trẻ em ngày nay dường như ít được học và thực hành nếu không muốn nói là không hề biết nói lời cám ơn và xin lỗi ngay trong trường học. Và cũng không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng “ngại” nói cám ơn và xin lỗi. Nói ra thì nghe có vẻ phũ phàng nhưng thực tế nó lại như thế đấy. Bạn cứ thử nghĩ lại xem một ngày bạn dùng bao nhiêu lần lời nói “cám ơn” và “xin lỗi”? Tôi đoán chắc rằng nó không vượt quá 10 lần? Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng chỉ cám ơn và xin lỗi. Nhưng nó phải được lặp đi lặp lại nhiều lần khi ta được người khác giúp đỡ và khi chúng ta làm sai điều gì.
Mỗi khi nhận được một sự giúp đỡ nào đó mà ta nói cám ơn thì người làm ơn lại nói: “ôi, có gì đâu?!” Hoặc là: “Thôi, khỏi cần cám ơn gì, bữa nhậu là được rồi.”… Một kiểu nói vừa chơi vừa thật. Rõ ràng là trong cách cư xử của người Việt chúng ta na ná như nhau, chính cái cách nói như thế làm cho người kia cũng ngại, đôi khi cảm thấy khó chịu vì mình nhận được sự giúp đỡ thì mình cám ơn. Đấy là chưa kể đến những lời nói “lên giọng”, “xuống giọng” nữa. Rồi cả việc xin lỗi cũng thế, nhiều khi ta cứ nghĩ rằng chỉ ta là đúng hoặc là ta đã lớn rồi, trẻ con mới sai nên ta không cần xin lỗi. Điều này thật là một tai hại rất lớn. Chính điều đó dạy cho trẻ con có một suy nghĩ: “À, khi ta lớn ta không làm sai, trẻ con mới sai, nên không cần xin lỗi.” Nên nhớ rằng, ai trong chúng ta không ít thì nhiều cũng mắc phải sai lầm, đặc biệt là đối với trẻ con, những người nhỏ hơn, những người bề dưới, chúng ta thường có tâm lý là ta làm đúng, còn những người nhỏ làm sai, nói sai… Nó có một cái gì đó không ổn và phản giáo dục.
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Đúng vậy, lời nói thì chẳng mất tiền mà tại sao chúng ta lại ngại nói lời cám ơn, xin lỗi mỗi khi có dịp? Một câu nói cám ơn hay xin lỗi khi mở miệng ra tôi nghĩ nó không khó đến nỗi không thể nói được? Mà có lẽ là do chúng ta ngại hoặc không quen nói. Gần giống như các nhân đức, khi nói rằng ai đó có một đức tính nào đó thì phải hiểu là bất cứ khi nào có điều kiện là họ thi hành đức tính đó chứ không phải là lâu lâu mới làm, hoặc chỉ làm một vài lần hoặc chỉ để cho người khác thấy mình làm, cố ý để khoe khoang, phô trương mà cho rằng người đó có nhân đức này, nhân đức kia. Cám ơn và xin lỗi cũng tương tự, nếu chúng ta không quen, chúng ta rất khó có thể mở miệng nói được một cách tự nhiên.
Lời nói cám ơn và xin lỗi không chỉ đơn thuần là nói cho có lệ mà nó còn thể hiện cả tính cách của người nói nữa. Trong đó bao gồm sự tôn trọng, biết ơn người làm ơn cho mình và biết khiêm nhường, can đảm nhận cái lỗi, cái sai của mình nữa. Người biết cám ơn và xin lỗi theo tôi sẽ dễ được người khác quý mến và cảm thông hơn nếu ta không nói gì.
Nhiều người nước ngoài khi tiếp xúc với người Việt cũng có một cảm giác như thế và họ ngạc nhiên tại sao chúng ta lại ít nói cám ơn và xin lỗi như thế? Tôi xin đưa ra một ví dụ trích trong báo Người Lao Động:
Lần đầu tiên tiếp xúc với người nước ngoài, tôi hơi tự ái với lời nhận xét: “Người Việt Nam rất ít nói cám ơn và xin lỗi”. Bậc tiểu học, hình như các em chỉ được dạy khoanh tay chào người lớn, đưa cho người lớn vật gì phải dùng cả hai tay... Một số em vẫn giữ thói quen đó khi lên cấp 3. Thế nhưng các em không hề biết cảm ơn khi được người khác làm hộ mình điều gì và ít khi xin lỗi nếu mắc sai phạm.
Có lần trong thư viện, tôi nhờ một học sinh lấy giùm tôi quyển từ điển ở trên kệ cao. Tôi cám ơn em. Em nói tỉnh bơ: “Em nhỏ sao cô lại cám ơn em?". Tôi nói dù bất cứ ai giúp mình việc gì cũng phải cám ơn. Từ đó, vào lớp, tôi yêu cầu học trò nói cám ơn mỗi khi nhận tập chấm điểm từ tôi, nhận giấy thi... nhưng dường như rất khó để các em có thói quen đó. Một học sinh nghèo của tôi không được giảm học phí do không nằm trong diện chính sách. Tôi gặp hiệu trưởng xin cho em, đồng thời liên hệ gia đình em xin giấy chứng nhận địa phương em thuộc hộ nghèo. Em được giảm học phí. Tôi nói bâng quơ: “Sao gia đình thậm chí cả em học sinh đó không biết nói một lời cám ơn với tôi”. Tức thì một giọng nói nửa đùa nửa thật cất lên: “Thôi đi bà, bà chỉ vô văn phòng sếp nói có một tiếng mà cũng kể công”. Vậy đấy, nhặt giùm một món đồ, được nhường một lối đi, một chỗ ngồi trên xe buýt... là “bổn phận” của người tốt bụng, không có gì lớn lao phải cám ơn.
Lời xin lỗi lại càng hiếm hoi. Nếu ai đó cố tình bắt bẻ lỗi lầm của người có lỗi, chắc chắn sẽ nhận được một câu nói không chút gì dễ chịu, một lời mỉa mai pha chút tức tối cay độc: “Thế thì tôi xin lỗi”. Chữ xin lỗi được phát âm gằn giọng! Xin lỗi lại càng hiếm có ở người lớn. Ba mẹ, thầy cô... lỡ cư xử không đúng với con cái, học trò, thế là chỉ một cử chỉ vui vẻ, một lời thân thiện... là may lắm rồi. Cho nên, muốn thế hệ trẻ biết cám ơn và xin lỗi, bản thân người lớn cần làm gương trước trong từng hành vi, lời nói của mình. Theo Nguyễn Ngọc Hà.
Đây chẳng phải là một đề tài mới mẻ gì nhưng nó lại là vấn đề của cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta cho rằng “quen quá hóa nhàm”, nên tôi muốn gợi lại một chút như thế, mong sao mọi người luôn sống biết ơn người khác và đồng thời cũng luôn có tinh thần khiêm tốn, can đảm, chấp nhận những sai lỗi của mình, vì không ai trong chúng ta hoàn hảo, trừ một mình Thiên Chúa.
Hoa Sữa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP