Thời gian gần đây chúng ta đã nghe báo chí, các phương tiện truyền thông cảnh báo nhiều về những sản phẩm không đạt chất lượng, thiếu chất, dư chất, tạp chất (chất gây hại, độc tố, thuốc tẩy…), và trầm trọng hơn là thiếu trách nhiệm và thiếu bác ái, công bằng. Cụ thể gần đây là sữa cho trẻ em thiếu chất đạm cần thiết cho một đơn vị, (trái) dừa ngâm hóa chất bán rong, cánh gà hôi thối dùng thuốc tẩy trắng… như thế nó đã tạo cho người dùng sản phẩm có một nghi ngờ và hoang mang, không biết đâu là thật, đâu là giả, sản phẩm nào đảm bảo chất lượng. Mà người hưởng lợi chỉ có một còn những người bị hại là vô số kể.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng, sản phẩm được quảng cáo với những biểu ngữ như “siêu sạch”, “siêu bền”, “siêu tốt”,… nhưng thực chất quảng cáo vẫn chỉ là quảng cáo, những sản phẩm siêu sạch, siêu bền, siêu tốt ấy khi khách hàng mua về nhà thì chỉ sử dụng được một lần là tởn cho đến già. Quảng cáo thì luôn có lợi cho nhà sản xuất và người bán hàng còn những khách hàng sẽ là những nạn nhân.
Người ta không ngại quảng cáo cho sản phẩm của mình là hàng xịn, hàng siêu,… mà đúng là siêu thật, có những chuyện tưởng chừng như không thể nào xảy ra thì lại đang xuất hiện trôi nổi trên thị trường, khiến cho những nhà quản lý cũng khó mà kiểm soát nổi, chặn đằng này thì lại xì ra chỗ khác, cứ thế tiếp tục trôi dạt từ nơi này đến nơi kia.
Một ví dụ: Tôi chứng kiến chân gà hôi thối biến thành chân gà nướng: “Tôi nhà ở gần quán nhậu chân và cánh gà nướng, nhìn những thùng hàng họ lấy về từ những túi nilon màu đen, khi họ bỏ ra nước vàng tanh hôi, có khi còn bị phân huỷ, họ đổ ngập nước lấy chân đi ủng đạp cho sạch, nếu các bạn chỉ đứng cạnh có thể đã bị ói, rồi sau đó ướp gia vị để nướng. Nếu các bạn đang đói mà nhìn những chiếc chân gà vàng, nóng giòn chắc chắn sẽ khó có thể bỏ qua. Tuy chúng tôi nhà gần nhưng chưa bao giờ dám ăn. Nhiều khi bạn bè rủ đi nhậu tôi cũng phải từ chối khéo hoặc kéo đi chỗ khác nhưng chắc gì những chỗ mắt mình không nhìn thấy đã là an toàn.”[1]
Dẫu biết rằng cuộc sống có rất nhiều khó khăn, phức tạp nhưng một khi nó đã để cho đồng tiền chế ngự thì người ta trở nên bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích không cần nghĩ đến sự sống chết của người khác, miễn sao thu được lợi nhuận càng cao càng tốt, một cách nào đó đồng tiền đã trở thành vũ khí giết người. Người ta dần dần quên đi những gì gọi là công bằng, bác ái, tín nhiệm nhau.
Nhìn thấy món chân gà nướng trên dĩa, ai dám đảm bảo đó là chân gà sạch, chân gà không bị thối rữa, chân gà không dùng nước Ôxy già tẩy trắng, sau đó mới biến thành món chân gà nướng để trên bàn?
Không chỉ nhìn bề ngoài để đáng giá tất cả nhưng người ta cũng có thể: “Trông mặt mà bắt hình dong”. Nhìn bề ngoài có thể đáng giá một phần nào về ai đó hay một sản phẩm. Người ta có thể tô vẽ cho cái vẻ bề ngoài của mình bằng những của cải vật chất, danh vọng địa vị… nhưng cái bên trong con người và nội dung sản phẩm thì ta khó có thể biết được. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một ngày kia những thứ sản phẩm kém chất lượng, dzỏm ấy cũng sẽ được phanh phui và đánh mất sự tin tưởng nơi khách hành.
Đời sống nào cũng cần có công bằng, bác ái, trung tín… dĩ nhiên bấy nhiêu thôi thì chưa đủ, cần có những điều kiện khác nữa. Nhưng nếu không tin tưởng, yêu thương, công bình thực sự với nhau, thì khó có thể tạo cuộc sống hài hòa.
Đời sống cộng đoàn cũng thế, một khi ta chỉ nghĩ đến mình ta, sống ích kỷ, so đo, tính toán và bất tín hoặc chỉ phô trương bề ngoài cốt để người ta nhìn thấy thì chẳng thể nào bền vững, không sớm thì muộn cũng sẽ đổ vỡ. Vì kim để trong bao lâu ngày cũng sẽ lòi ra ngoài. Vì thế, không nên tạo ra cho mình một dáng vẻ bề ngoài hấp dẫn mà bên trong toàn chứa nọc độc của ích kỷ, bất công, thiếu bác ái và thiếu trung thực. Chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến hậu quả của việc mình làm.
Hoa Sữa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét