Nhìn biết một con người thì
mỗi người có một cái nhìn khác nhau, sở dĩ như vậy là do chúng ta không thể
hiểu thấu hết mọi khía cạnh của một con người. Vì là con người với thân phận
mỏng manh và giới hạn nên cái nhìn của con người cũng bị giới hạn. Chỉ có nơi
Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Giê-su mới có cái nhìn toàn diện và thấu đáo
một con người vì Người là Đấng toàn năng, hoàn thiện và toàn mỹ. Người biết
danh tính từng con người một, Người biết cả những tâm tư thầm kín nhất của con
người dù con người chưa mở miệng nói ra… tất cả những điều Người biết đó là để
cho con người được sống và sống dồi dào trong tình yêu của Người.
Tuy vậy, nhận biết đích danh
mới chỉ là một điều tượng trưng. Điều mà Đức Giê-su biết rõ ràng nơi nhân loại
đó là phẩm giá cũng như những tâm tình thầm kín nhất của con người. Biết điều
đó không phải để tò mò như những con người nhân loại mà là để Người cải hóa họ
để họ nhận biết được chính mình trong tương quan với người khác cũng như trong
tương quan với Thiên Chúa. Trước mặt Người thì không ai có thể che dấu được bất
cứ điều gì vì Người nhìn xuyên thấu được tâm hồn họ. Ngay từ đầu khi gọi các
môn đệ, Người đã nhận biết rõ các ông. Khi thấy Na-tha-na-el thì Người đã nói
liền về ông. Từ đời đời, Người đã nhận biết và Người đã tuyển lựa. Người phụ nữ
Sa-ma-ri cũng từng được kinh nghiệm về sự nhận biết của Đức Giê-su. Không phải
là để kể tội mà là để người ta được trải lòng và sống thực với chính mình và
với người chung quanh. Vì nơi Người họ có thể cảm nhận được sự chân thành mà
tin tưởng và nhất là họ cảm nhận được tình yêu thương, thông cảm của Người dành
cho họ. Chính bởi thế mà thay vì tự ái, giận dữ thì trái lại đó là sự cảm phục
và qui hồi thành một con người mới – con người của tình yêu. Không phải chỉ qua
trao đổi, qua việc người ta trình bày mà chỉ cần người ta nghĩ gì thì Người
cũng đã biết: khi các người Biệt phái lẩm bẩm về việc Đức Giê-su đã tha tội cho
người bất toại và Người đã trả lời họ; rồi ông biệt phái Simon đã mời Người đến
dự tiệc thì ông đã thầm nghĩ một vị tiên tri thì hẳn phải nhận ra người phụ nữ
đến sấp mình dưới chân mình là một kẻ tội lỗi và Người cũng đã trả lời ông; rồi
khi các môn đệ tranh luận với nhau về việc ai là người có địa vị lớn và khi về
đến nhà thì Người hỏi và các ông cũng lặng thinh và Người cũng đã trả lời các
ông. Không có gì có thể thoát được sự nhận biết tinh tế của Người. Giu-đa đã cố
che dấu ý định của mình: từng bước một, Người khuyến cáo và chờ đợi.
Nhưng
dầu cho có sâu sắc đến đâu đi chăng nữa thì sự nhận biết này là sự nhận biết
của một chủ chiên nhân lành với đàn chiên chứ không phải là sự nhận biết của
những kẻ soi mói. Không phải Người dùng sự biết của mình để khống chế con người
nhưng trái lại Người dùng sự biết của mình để có cách ứng xử thích hợp với từng
người một, để họ khỏi phải hư mất. Cái biết của Người không gì khác hơn là dùng
để yêu thương và để cứu vớt con người. Trong cuộc sống trần gian, Người không
bao giờ phán xét một ai. Người đã tự định nghĩa mình là mục tử nhân lành chứ
không phải là vị phán quan – chuyên kết án những ai phạm tội. Người đến để tìm
những con chiên lạc và đưa chúng về đàn chiên. Khi tự mình giải thích sự nhận
biết loài người thì Đức Giê-su đã lấy sự nhận thức giữa mình với Chúa Cha làm
nguyên tắc: “Ta nhận biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta, như Chúa Cha nhận biết
Ta và Ta nhận biết Chúa Cha” (Ga 10, 14-15). Như thế nói lên rằng sự nhận biết
giữa Đức Giê-su và nhân loại, đặc biệt là các môn đệ là sự nhận biết tối
thượng, thuộc về thế giới siêu việt, thuộc về thượng giới chứ không thuộc về
thế giới nhân loại. Như Người và Chúa Cha vui thỏa trong nhau thì nhân loại với
Người cũng được vui thỏa như vậy. Như vậy là Người đã hoàn toàn trao tặng mình
cho nhân loại.
Tóm lại,
nhận biết được Thiên Chúa Tình Yêu và được Thiên Chúa nhận biết đó là một hạnh
phúc vô cùng to lớn không gì có thể thay thế được của con người. Đức Giê-su
không tỏ mình ra là một Thiên Chúa để gây ảnh hưởng hay tìm lợi ích gì mà Người
tỏ mình ra cho mọi người cốt là để loài người được sống sung mãn. Đó là một
tặng ân đầy đủ về ngôi vị Chúa là tình yêu. Và con người được đón nhận tình yêu
như một ân ban hay nói cách khác con người chính là đối tượng của tình yêu
Thiên Chúa.
Bruno Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét