Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Ý nghĩa của Lễ hội

Cứ vào dịp cuối năm là lại rộn lên không khí lễ hội. Bắt đầu là Noel, năm mới dương lịch, rồi lại đến cái Tết cổ truyền. Người ta mất biết bao thời gian, công sức và tiền bạc vào việc tổ chức và mừng các lễ này. Vậy đâu là ý nghĩa của lễ hội trong đời sống con người. Đặc biệt đối với người công giáo, lễ hội đóng góp gì cho đời sống thiêng liêng của họ?
Nguồn gốc nhân chủng học
Từ thời đồ đá, con người đã biết họp nhau để ăn uống, múa nhảy, hoá trang, trang điểm, và những cuộc vui này kéo dài cả nhiều ngày. Những cuộc gặp gỡ này nhằm mục đích thắt chặt thêm mối liên hệ, kết ước hoặc tạo điều kiện cho trai gái tuổi cặp kê có cơ hội gần nhau hơn. Người ta tìm thấy những hình vẽ về những cuộc nhảy múa như thế trong những hang động ở Anh có niên đại khoảng 10000 năm nay.
Chẳng có một nền văn hoá nào lại không có, và không coi lễ hội như một thời điểm quan trọng của cuộc sống. Thậm chí người ta còn nói rằng, tổ tiên của chúng ta dành ¼ thời gian để chuẩn bị cho lễ hội : làm nhạc cụ, áo xống, săn bắn, hái lượm, chưng cất cồn rượu,... để có những buổi tiệc khó quên. Họ sống như thể chỉ để tổ chức lễ hội chứ không làm gì khác!
Tất cả đều trở thành cớ để tổ chức lễ lạc : mừng các thánh, dịp hội chợ, đám tang, dịp xuân sang, xua trừ ma quỷ, thậm chí để giảm bớt sự cách biệt giữa các giai tầng xã hội (người giàu hoá trang thành người nghèo, nghèo lại hoá trang thành giàu).
Ý nghĩa của lễ hội
Lễ hội là sự bùng nổ của đời sống bình thường vẫn bị kìm chế. Nơi cuộc sống thường nhật, đời sống con người thường được điều phối, kềm chế, kể cả trói buộc bởi những điều kiện bên ngoài : quy ước xã hội, thời gian và công việc,... Chỉ trong lễ hội những ràng buộc này mới có cơ hội dễ dàng được dỡ bỏ, để cho sức sống được "bùng nổ" cách tự nhiên. Vì thế lễ hội tạo điều kiện cho những gì là thật, là tự nhiên nhất nơi con người có cơ hội bộc lộ. Nó có tác dụng xoá tan sự nhàm chán gây nên bởi nhịp sống đều đều máy móc thường ngày và đem lại cho con người một sức sống mới.
Lễ hội là một phương tiện đặc biệt có khả năng đưa con người đắm chìm trong niềm vui bao la. Nó cũng cố con người cả về mặt tinh thần lẫn thể xác. Thân xác tìm được sự khoái cảm qua việc vui chơi, ca hát, nhảy múa, ăn uống, ... và tâm hồn tìm được sự thư thái bình an với chính mình và với Thiên Chúa trong sự hoà nhập với những người khác trong cùng một lễ hội. Bởi vì khi sự sống động hăng hái và niềm vui dâng cao thì sự muộn phiền sẽ được giảm thiểu.


Mang màu sắc tôn giáo
Phần lớn các lễ hội lúc đầu đều có nguồn gốc ngoại giáo sau đó trở thành và mang màu sắc tôn giáo. Biên giới giữa tôn giáo và sự tiêu khiển theo nghĩa chặt thật là mỏng manh. Bất kì lễ hội nào cũng nhằm thiết lập, hoặc tái lập sự liên lạc với những thần linh, với Thiên Chúa, với các thánh, hoặc với những lễ nghi, tập tục của đời sống thường ngày.
Những lễ hội dân sự nhằm mục đích diễn tản căn tính, sự thuộc về một nhóm hay một cộng đồng nào đó. Vì vậy lễ hội cũng không tách biệt khỏi yếu tố chính trị và xã hội. Tuy nhiên khía cạnh tôn giáo của lễ hội không bao giờ mất được.
Lễ hội, biểu tượng của nước trời
Ta tìm thấy rất nhiều lễ hội trong Thánh Kinh cũng như trong phụng vụ. Tôn giáo sẽ trở nên khô cứng, khắc khổ nếu không còn yếu tố lễ hội.
Sách Luật cựu ước liệt kê một danh sách khá dài các lễ được mừng nơi nơi cộng đồng Do thái : lễ Bánh không men kéo dài bảy ngày, lễ Mùa , lễ Vượt Qua, lễ Lều, lễ Các tuần, lễ Xá tội,...(x. Xh 23,14-19; 34,18-23; Lv 23; Đnl 16,1-16,)
Rất nhiều lần Chúa Giêsu đã chẳng tham gia những lễ hội, tiệc từng, cưới xin đó sao? Ngài cũng dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời : "Nước trời cũng giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử" (Mt 22,2); "Thiên hạ sẽ từ đông tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (Lc 13,29); ... Vâng lễ hội chính là biểu tượng của Nước Trời. Hơn nữa theo Công vụ Tông Đồ, Giáo Hội được khai sinh ngay vào ngày lễ hội do thái - lễ Ngũ Tuần.
Nhưng quan trọng nhất, theo cha Phaolô Clerk, "Lễ hội diễn tả nền tảng của đức tin. Nó cho phép chúng ta kết nối với nguồn sự sống, là chính Đức Giêsu, cội nguồn thâu tóm tất cả mọi năng lực mới".( x. tạp chí Đức Kitô, nguồn sống, năm 2004). Trong Giáo Hội, những ngày lễ rải đểu trong năm nhằm cử hành các giai đoạn đời sống Đức Giêsu : Giáng Sinh, Hiển linh, Chịu phép rửa, thương khó phục sinh, lên trời,... hoặc liên quan đến những lễ "về ý tưởng" – Chúa Ba Ngôi - Những lễ này giúp đào sâu những mầu nhiệm. Sau đó Giáo Hội còn mừng các lễ về Đức Mẹ và các Thánh.
Những ngày lễ không chỉ được cử hành về mặt tôn giáo ở nơi phượng tự (ở nhà thờ, trong Giáo Hội,...), mà nó còn được kéo dài và mở rộng nơi các mội trường khác. Vì nhìn chung các ngày lễ là điểm khá nhạy cảm nơi đời sống Dân Chúa nên đã phát sinh nhiều nghi lễ, tập quán, truyền thống như một kiểu phụng vụ song song (được bổ sung và sống ở nhà hay ở ngoài) với những gì được cử hành ở trong Giáo Hội. Điều này tạo nên một sự phong phú và sống động nơi những cộng đồng địa phương cụ thể.
Tính chất hàm hồ của lễ hội
Ngày nay lễ hội có xu hướng gia tăng và mang tính toàn cầu hoá tạo nên một thứ "siêu lễ". Sự lễ hội hoá cách cao độ này làm cho khoảng cách giữa lễ hội và thường nhật bị thu hẹp lại. Theo cách nói của Jean Proulx đó là "Lễ hội tan trong đời thường" (Jean Proulx, "Le jeux, le rite, la fête", in Revue Critère, n°3, janvier 1971). Và như thế lễ hội mất đi ý nghĩa nội tại của nó. Siêu lễ kèm theo những chi phí đắt đỏ thường dẫn đến những thất vọng. Nơi những lễ hội bị xâm chiếm bởi những phong trào vô nghĩa người ta chỉ sống có những thứ vụn vặn thừa thải bên rìa của lễ hội chứ không được thưởng thức chính lễ hội đó. Đáng lẽ là sự phong phú của lễ hội thì họ chỉ gặp thấy sự trống rỗng của buồn chán.
Hơn nữa lễ hội tự bản chất mang tính tôn giáo. Vì vậy khi người ta quên hoặc cố ý gạt bỏ hậu trường tôn giáo khỏi lễ hội, thì đâu sẽ là ý nghĩa đích thực của nó?
Muốn đạt được ý nghĩa đích thực của lễ hội phải trả nó vế với những điều kiện tự nhiên của nó. Mỗi lễ hội mang một hình thức hay kiểu mẫu riêng. Chính hình thức này sẽ tổ chức những yếu tố đời thường và cho nó một ý nghĩa. Để tiếp cận được ý nghĩa cần quan tâm đến những yếu tố này. Trong lễ hội, những sự vật nhỏ bé, những hành vi, những cử chỉ sẽ được mang lấy một ý nghĩa rất cụ thể và dễ dàng cảm nhận được chứ không phải là một cái gì trừu tượng xa xôi. Tóm lại khi đến dự tiệc cưới thì phải mặc y phục lễ cưới.

Dom. Ninh Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP