Chiều nay, đi về trên con đường phố thân quen, chợt nghe đâu đây từ một góc phố vang lên bài hát: “Em còn nhớ hay em đã quên… Nhớ Sài-gòn mưa rồi chợt nắng…” lòng tôi bỗng bồi hồi xúc động nhớ về một con người, một bậc đàn anh, một nhân tài của nền nghệ thuật âm nhạc trữ tình Việt Nam : nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hình ảnh của anh cứ hiện về trong ký ức tôi. Nhớ về anh là tôi nhớ về những gì anh đã nói, đã làm và đã sống.
Thật vậy, khi nghĩ về cuộc đời và đời người, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết trong nhật ký của mình rằng: “…Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn cứ muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng ngàn năm nay con người đã sống và đã yêu – yêu thật lòng chứ không phải yêu giả dối; cái giả mà rất thật trong cuộc đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể”.
Đó là một thứ triết lý đặc thù của anh, một nhạc sĩ có tâm hồn cao thượng và nhân ái. Vì thế mà nhạc của anh luôn mang đậm tình người, tình quê hương và sự độ lượng. Anh đã đưa những suy tư trăn trở về cuộc sống, về kiếp nhân sinh vào từng lời thơ và nét nhạc của mình. Với “Một cõi đi về”, với “Nối vòng tay lớn”, với “Hạt bụi” nào vv… Con người cảm thấy mình được bước đi thênh thang giữa cuộc đời đầy sóng gió, bước đi với một tâm hồn luôn ray rứt về những giá trị đời mình.
Anh đã từng viết trong một bài hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Vâng, một tấm lòng chỉ để gió cuốn đi thôi, chứ không để làm chi hết. Một tấm lòng mà chỉ được ví như là hạt bụi mong manh, nhỏ bé, thanh thoát và nhẹ nhàng, nhẹ đến độ gió có thể cuốn đi được. Nhưng đó chính là hạt bụi của tình người, hạt bụi của yêu thương, hạt bụi của thứ tha và hoà bình, được gieo vào lòng đời còn nhiều đau thương thử thách.
Đối với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cuộc đời có hai điều quan trọng: “Tình yêu và con người: con người thì giới hạn, yếu đuối và tầm thường, còn tình yêu thì vô biên, huyền diệu và cao cả, cho nên tình yêu đã cứu con người trên cây Thập Tự Giá” (một lần trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh). Cứ hát, cứ nghe, cứ thưởng thức nhạc của anh, ta mới nghiệm thấy rằng, tình yêu như là một lời mời gọi, thúc đẩy anh đi tìm cái thật trong tình yêu, để rồi từ trong “cái thật” đó, anh thấy được những bí ẩn của đời người; hay nói khác đi, đó là những giá trị siêu nhiên trong cuộc sống. Những giá trị đó đã làm cho anh phải thốt lên rằng: “Người chết nối linh thiêng vào đời” (Nối vòng tay lớn).
Phải rồi, chính người chết và cái chết đã thúc đẩy con người hướng về sự thiện và tìm kiếm tình yêu chân thật. Bởi vì “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về làm cát bụi…”. Có gì đâu một đời người, thênh thang với đất trời, với cuộc đời, với dòng thời gian thăng trầm thay đổi, để rồi “đang khi ta về lại nhớ ta đi, đi dâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”(Một Cõi Đi Về). Trong nhật ký của mình anh còn viết: “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình yêu mà giữ mãi trong lòng nỗi nhớ nhung”. Thật vậy, điều anh nói chính là những khắc khoải lo âu của lòng người qua từng thời đại, và đó cũng là điều mà triết gia Heiderge đã từng nói: “Cái chết hoàn tất cuộc đời con người trong sự dang dở”.
Mới đó mà đã hơn nửa thập niên anh rời bỏ cuộc đời, rời bỏ “cuộc chơi” của trần thế, để đi vào miền thầm lặng thẳm sâu... Thời gian qua đi quá nhanh! Một đời người có là bao, sống suy tư trăn trở, rồi chết, đi vào miền quên lãng như những chiếc lá thu rơi về cội nguồn. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rồi đây cũng sẽ đi vào lãng quên như bao con người khác, vì đó là quy luật của thời gian; một quy luật mà không có một vĩ nhân nào có thể vượt qua được (ngoại trừ một Người!). Nhưng có một điều chắc chắn là, nhạc của anh sẽ còn sống mãi trong lòng người Dân Việt. Bởi lẽ, bao lâu nó còn sâu đậm và chuyển tải một sứ điệp về tình người, tình yêu quê hương và tấm lòng độ lượng, thì bấy lâu nó còn tồn tại với con người và thời gian.
Giang Ân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét